Nói đến thơ xứ Quảng (Quảng Nam – Đà Nẵng) như lời của Hà Khánh Quân (Luân Hoán): “Ở cái đất ‘chưa mưa đã thấm’, chỉ cần cào nhẹ tay lên mặt đường, đã lượm được sỏi đá. Nhưng trong món quà trời cho ấy, nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy lẫn lộn trong sỏi đá còn có cả thơ… Phần đất nghèo nàn này, vốn rất giàu những tâm hồn thi ca, và có hơi nhiều thi sĩ”.
Từ những bậc tiền bối ái quốc như cụ Phan Thanh Giản (1796–1867) với Lương Khê thi thảo, Sứ Thanh thi tập, Ước Phu thi tập. Cụ Trần Quý Cáp (1870-1908) nhà thơ Thái Xuyên, cụ Phan Chu Trinh (1872-1926) nhà thơ Tây Hồ, cụ Tiểu La Nguyễn Thành (1863-1901), bài thơ thất ngôn bát cú cuối cùng khi bị đối phương hành hạ đến thổ huyết sắp mất quá tuyệt còn lưu lại hậu thế. Cụ Nguyễn Duy Hiệu (1847-1877), hai bài thơ tuyệt mệnh trước khi bị chém nói lên tấm lòng cao cả của tấm lóng ái quốc câu thơ “Hưu tương thành bại luận anh hùng” (Chớ đem thành bại luận anh hùng) trở thành danh ngôn. Cụ Trần Cao Vân (1866-1916) với những bài thơ tiêu biểu (vịnh) nói lên nghĩa khí của bậc sĩ phu yêu nước… Những bậc tiền nhân nầy được đặt tên cho những ngôi trường ở Quảng Nam, và hàng vạn môn sinh đã xuất thân từ đó… một số đã trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà báo…
Trong tuyển tập Trăm Năm Thơ Đất Quảng do Hội Nhà Văn Việt Nam xuất bản năm 2005, “trình diện” đến 167 nhà thơ. Nhưng kiểm lại, trong danh sách thi sĩ rất hùng hậu đó, vẫn còn thiếu nhiều khuôn mặt nhà thơ khá quen thuộc hiện diện trong thi ca miền Nam VN nhưng bị loại bỏ chỉ vì một lý do “lý lịch…”!. Vì định kiến với “lý lịch” nên những nhà thơ Quảng Nam đã ấn hành các thi phẩm đóng góp trong thi đàn miền nam VN trước năm 1975 bị “bức tử” nên tuyển tập Trăm Năm Thơ Đất Quảng trở nên nghèo nàn!
Nếu đề cập đến thi ca xứ Quảng phải tốn nhiều công sức cho công trình biên khảo văn học trong thế kỷ qua mà không có “định kiến chính trị” có cả ngàn trang sách.
Trong hai thập niên, vào giữa thập niên 50 đến giữa thập niên 70, nơi phố cổ Hội An, các cựu học sinh trường trung học Trần Quý Cáp, Diên Hồng yêu thi ca và đi vào con đường nầy từ ngày ở mái trường, đời quân ngũ… cho đến tháng ngày tha hương nơi xứ người. Sở dĩ, tôi dùng chữ “bóng dáng” vì có những khuôn mặt đã ấn hành nhiều thi phẩm như Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Lê Văn Trung, Trần Trung Đạo… Có người đã ra người thiên cổ được người thân ấn hành như Liên Thao và có người sau hơn sáu thập niên sau rời phố cổ, sống ở hải ngoại mới cho ra đời các thi phẩm như Đoàn Ngọc Nam, Mạc Phi Hoàng, Nguyễn Đức Bạn, … Tất cả khuôn mặt đó, hình ảnh cố hương và ngôi trường được gợi lại, thấp thoáng trong thơ.
Laưrence Ferlinghetti cho rằng “Thơ, là cái gì tồn tại giữa các dòng chữ” thì những dòng chữ nầy ghi lại bóng dáng của “khuôn mặt thời gian”.
Trong mảnh đất đó, dưới ngôi trường Trần Quý Cáp, Diên Hồng đã xuất hiện những nhà thơ: Luân Hoán, Thái Tú Hạp, Thành Tôn, Nguyễn Thị Liên Phượng (Nguyễn Nho Sa Mạc)*, Hoàng Quy, Hoàng Lộc, Đinh Trầm Ca (Mạc Phụ)**, Phùng Minh Tiến, Lê Đình Phạm Phú, Uyên Hà**, Liên Thao*, Nguyễn Tịnh Đông**, Nguyễn Nho Nhượn*, Dư Mỹ, Lê Văn Trung**, Hạ Đình Thao**, Hồ Tuấn Nhã, Trần Trung Đạo, Lê Phi Điểu… của thế hệ chúng tôi. Và, có nhiều nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 ở trong nước, tôi không biết nhiều nên không đề cập. (Nếu bỏ qua định kiến thì có PDN*, THDV**, VĐSB**… Với bóng dáng nàng thơ hình như chỉ có Lê Thị Hàn...
(Lê Cự Phách sau hiệp định Genève, 1954 di cư vào Nam cùng với gia đình, định cư ở Hội An, học cùng lớp với Phùng Minh Tiến, năm 1956, vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lục, với bút hiệu Du Tử Lê).
Vào khoảng năm 1964, khi dạy trường Nguyễn Duy Hiệu ở Vĩnh Điện, nhà giáo xuất hiện với tên Hoàng Thị Bích Ni cùng thời điểm với Trần Như Liên Phượng (người mà Luân Hoán viết trong giai thoại đi tìm đến khi vỡ mộng). Năm 1963 tôi ở trong nhóm Đất Hàn, Đà Nẵng, hình như lúc đó “phong trào nàng thơ” xuất hiện nên “mấy thằng bạn” lại thích làm nàng thơ. Khi đó Chu Tân làm Giám Thị trường Nam Tiểu Học Đà Nẵng, nên dành cho căn phòng để sinh hoạt cuối tuần, chẳng có nàng thơ nào cả.
(Ghi chú: *: qua đời. **: ở VN. Luân Hoán ở Canada, tất cả đều ở Hoa Kỳ. Với trí nhớ của tôi có lẽ còn thiếu sót. Một số xuất thân dưới mái trường TQC, DH ở thập niên 60, 70 và sau nầy có lẽ cũng nhiều nhưng không biết hết). Hơn nữa, thế hệ chúng tôi của thời điểm đó được nhắc lại để gợi nhớ, hoài niệm với thời gian.
Về lịch sử phố cổ Hội An được tóm tắt: Trong các văn bản cổ, tên Hoài Phô được nhắc đến sớm nhất trong cuốn Ô Châu Cận Lục viết vào 1553. Làng Hoài Phô hẳn là một làng cổ của người Việt hình thành bên bờ sông ở Hội An vào cuối thế kỷ 15. Sau đó các thương nhân phương Tây đến giao thương buôn bán, dẫn đến việc ký âm, gọi tên Hoài Phô thành Faifo và các tên gọi tương tự khác. Bước sang thế kỷ 17, Faifo gần như đã trở thành định danh về phố cảng Hội An, còn cái tên Hoài Phô thì mờ nhạt theo thời gian rồi biến đổi thành Hoài Phố. Tên gọi của Hội An có thể bắt đầu được sử dụng bởi thương nhân Bồ Đào Nha từ nửa đầu thế kỷ 16 và phổ biến vào các thế kỷ 17, 18. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều cách gọi gần giống như: Faifo, Haifo, Faicfo, Haiso, Faiso...
Faifo chỉ thực sự trở thành tên gọi của một đơn vị hành chính bắt đầu từ các bản dụ của Vua Thành Thái vào tháng 10/1898, 7/1899, và nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 30/8/1899 cho thành lập thị xã Faifo (Ville de Faifo). Và, vài con đường đã tên tiếng Pháp như ở Đà Nẵng (Tourane).
Trong bài viết của anh Trương Duy Cường nay đã 85 tuổi, cho biết anh sinh ra nơi nầy “Người Pháp chỉ chọn đặt tên riêng cho hai thành phố của Việt Nam là Ville de Tourane và Ville de Faifo… Cho đến gần cuối năm 1945, hai thành phố này mới được mang tên Việt: Tourane trở thành Thái Phiên, sau đổi thành Đà Nẵng. Ville de Faifo đổi thành Hội An… Thập niên 1944-1950, tôi sống trong ngôi nhà buôn Phi Anh số 9 rue de Hoi An…”.
Theo anh, đường Cantonnais, phố Quảng Đông (tức Nguyễn thái Học). Rất tiếc, anh không nhắc đến những tên đường khác nên không đề cập…
Có nhiều bài viết đề cập đến phố cổ và ngôi trường TQC. Trích hai bài viết của Trần Trung Đạo. Trong tác phẩm Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác của anh, bài viết Hội An Ngày Ấy mô tả vị trí trường Trần Quý Cáp “... Con đường chính chạy dọc qua Tòa Tỉnh Trưởng và khu hành chánh cũng như bệnh viện Quảng Nam và trường Trần Quý Cáp. Dọc theo đó có hai hàng phượng vĩ rất lớn. Thông thường, các sân trường ở Việt Nam hay trồng những cây hoa phượng; tôi không biết họ có ý gì khi trồng; nhưng theo tôi, mỗi lần mà ve sầu kêu inh ỏi trên những tàng cây phượng và lúc hoa phượng bắt đầu nở bông, là mùa hè được báo hiệu đã đến...
... Hội An có những trường Trung Học như Trần Quý Cáp xây dựng theo lối Pháp-Việt Nam; ngôi trường Diên Hồng xây dựng theo lối cổ người Hoa; ngôi trường Bồ Đề xây theo lối tân thời...
... Trường Trần Quý Cáp cung cấp rất nhiều nhân tài cho đất nước, ngay cả ở trong cũng như ngoài…”.
Trong bài viết Phố Cổ Hội An & Những Ngôi Trường Cũ của Trần Trung Đạo gợi lại vài hình ảnh ngôi trường Trần Quý Cáp:
“… Hiệu trưởng của chúng tôi ở trung học Trần Quý Cáp trong ba năm tôi học từ cuối năm 1969 đến tháng 6 năm 1972 là thầy Lưu Chí Kiên và Tổng Giám Thị là thầy Tống Khuyến. Vì là trường lớn nhất của tỉnh nên trường Trần Quý Cáp có một ban giáo sư đông đảo và số lượng thầy cô tăng rồi giảm, đến rồi đi, cũng rất nhanh. Tôi chưa đọc một danh sách giáo sư Trung học Trần Quý Cáp nào đầy đủ. Theo một tài liệu được viết khá sư phạm và khách quan, năm tôi vào học, trường Trần Quý Cáp có đến 2.190 học sinh, trong đó có 27 lớp đệ nhất cấp và 17 lớp đệ nhị cấp. Tôi không nhớ hết thầy cô nhưng tên thầy cô mà tôi học trong ba năm vẫn còn nhớ: Thầy Nguyễn Văn Liêu dạy Việt Văn, thầy Phan Khôi dạy Anh Văn, cô Trần Phương Lan dạy Anh Văn, cô Bích Ty dạy Triết, thầy Phạm Phú Lợi dạy Triết, thầy Nguyễn Ngọc Anh dạy Sử Địa, thầy Đặng Văn Bôn dạy Vạn Vật, thầy Phùng Rân dạy Lý Hóa, thầy Nguyễn Văn Thọ dạy Toán, cô Nguyễn thị Nguyệt dạy Việt Văn, thầy Tống Nhạn dạy Pháp Văn, thầy Tăng Kim Lân dạy Sử Địa, thầy Tống Diệu dạy Anh Văn…
… Viết về trường Trần Quý Cáp không thể nào quên nhắc đến Hội An… Thành phố trầm lặng có những ngôi chùa tên nghe rất lạ, chùa Ngũ Bang, chùa Âm Bổn, chùa Cầu, nhưng nghe riết nên cảm thấy vô cùng thân thiết. Hội An trong tâm hồn tôi chẳng khác gì một căn nhà riêng, nơi đó, từng góc phố, từng con đường, từng mái ngói, từng giọng nói êm đềm của cô bé bưng cà phê, từng giọng rao cao vút của chị bán cao lầu rong đã gắn liền trong một phần đời. Ngày đó Hội An cũng đã có nhiều quán cà phê; nhưng chúng tôi thích uống cà phê ở quán phía trước Tiểu khu Quảng Nam và gần nhà nhất là cà phê Số Một sát bên con hẽm nhỏ đi vào khu Khổng Miếu.
Hội An những ngày tôi sống buồn và vắng vẻ. Thành phố buồn đến nỗi trong một phóng sự đăng trong trang địa phương của báo Sóng Thần, tôi đã gọi Hội An là “Thành phố chết”. Không những con người chẳng ai ngó ngàng đến Hội An mà cả chiến tranh cũng bỏ sót Hội An. Thật vậy, ngoại trừ trận Mậu Thân và những lần pháo kích, trong suốt mấy mươi năm của cuộc chiến, thành phố của tôi như rơi vào quên lãng. Điều rất lạ, ngay cả Mỹ, trong thời cao điểm với cả trăm ngàn quân đóng ở Đà Nẵng, cách đó vài chục cây số, không có đơn vị nào lớn đóng ở Hội An. Các đơn vị Đại Hàn thuộc sư đoàn Thanh Long hay Mãnh Hổ gì đó đóng ở Cẩm Hà, Lai Nghi chứ không đóng ở Hội An. Hẳn nhiên lý do chính vì Hội An không còn giữ một ví trí kinh tế chiến lược như 300 năm trước. Dù sao, nhờ những lãng quên đó mà ngày nay những mái ngói cong còn nguyên vẹn, những cột nhà chạm trổ tinh vi đã giúp thu hút du khách để nuôi sống người dân phố Hội sông Hoài…
… Một bài thơ của Bùi Giáng về Hội An:
“Mơ màng phố cũ hoang liêu
Cánh buồm con sóng sương chiều Hội An
Tờ mây chan chứa mộng vàng
Tuổi đời em kết mấy ngàn cánh hoa
Mừng vui giọt tuổi chan hòa
Bước đi từ đó gió xa bay về
Ngậm ngùi đàn lệ ai nghe
Cội nguồn bên tháng năm thề xẻ chia
Dấu mờ hoen hận còn kia
Hồn trăng soi bóng sầu khuya một bờ…”
Hầu hết các nhà thơ Hội An có ít nhất một bài viết về thành phố cổ này và thường là những bài thơ được yêu thích nhất, điển hình như Nụ Hoa Cho Người Em Hội An của Luân Hoán, Trưa Ở Hội An của Hoàng Quy, Ngọn Quế Viễn Phương của Thái Tú Hạp, Hồi Âm của Thành Tôn, Về Ru Tình Cũ của Lê Đình Phạm Phú, Trường Xưa của Phùng Minh Tiến, Hội An Nỗi Nhớ Trong Ta của Dư Mỹ, Bên Trời của Lê Văn Trung, Ngày Trở Lại Hội An của Hoàng Lộc, v.v..
Những người con từ Hội An ra đi đều có một nhận xét giống nhau: “Hội An là thành phố để về thăm chứ không phải nơi để ở”. Tuy buồn bã như thế, hàng năm, tôi vẫn về. Ngay cả những năm khó khăn sau 1975, tôi vẫn cố gắng về. Đi xa, nhớ Hội An da diết; nhưng khi vừa bước chân về lòng lại muốn ra đi. Trong những năm ở Sài Gòn, tôi về Hội An chỉ để đi một vòng phố cổ, đứng trước trường Trần Quý Cáp đảo mắt nhìn các em học sinh để tìm lại chính mình thời học trò, rồi lại ra đi trên những chiếc xe Renault màu xanh đậm và già nua không thua gì thành phố.
“Chào cô gái học trò đang tới lớp
Cho tôi làm viên sỏi dưới chân em
Để xào xạc hồn tôi khi mới lớn
Chút men tình năm tháng ấy chưa quên”.
(Giấc Mơ Nhỏ Của Tôi, thơ Trần Trung Đạo)
Hội An của tôi là những buổi chiều ngồi trước cửa nhà thơ Phạm Đình Nguyên ở Ngã Ba Tin Lành ngâm nga “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt” và nhìn các em nữ trung học Hội An đi học về trong cơn mưa.
“Em về phố Hội chiều mưa lớn
Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng
Ta như giọt nước mùa mưa đó
Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông”.
(Em Về Phố Hội, Trần Trung Đạo)
Tôi viết những dòng thơ đầu tiên khi còn ở trường Duy Xuyên và sáng tác nhiều hơn khi chuyển qua trường Trần Quý Cáp…
… Ngoài Nguyễn Xuân Tường thuộc Thi Văn Đoàn Hải Phố do nhà thơ Huỳnh Kim Sơn sáng lập, nhóm bạn viết văn, làm thơ, viết nhạc trong lớp học sinh trường Trần Quý Cáp những năm đầu thập niên 1970 còn rất đông nhưng không được nhiều người biết đến. Tôi sẽ gọi là “chúng tôi”, đơn giản vì dù có kể hết tên và bút hiệu cả nhóm văn nghệ ra đây chắc cũng không ai biết…
… Nếu định nghĩa giáo dục là những gì còn lại sau khi quên hết, những gì còn lại trong tôi không phải là những nguyên tắc máy móc, những công thức khô khan mà là những bài giảng công dân giáo dục nhẹ nhàng; nhưng cần thiết của thầy cô, những khát vọng và ước mơ tuổi trẻ mà tôi nung nấu dưới mái ngói đơn sơ của ngôi trường mẹ, trung học Trần Quý Cáp Hội An”.
(Trần Trung Đạo)
*
Luân Hoán đã sáng tác nhiều bài thơ về phố cổ. Trong bài viết Nhìn Lại 40 Năm Luân Hoán của tôi trước đây nhân kỷ niệm 40 năm làm thơ trong tuyển tập của anh chỉ tổng quát về tác phẩm & sinh hoạt văn học nghệ thuật. Với hồn thơ về nơi chốn nầy đã được đề cập qua bài viết của chị Ái Cầm.
Bài viết Hội An Vẫn Hồn Nhiên Đậm Đà Trong Thơ Luân Hoán của Ái Cầm:
“… Riêng Luân Hoán có sáu năm ấu thơ với Hội An, cùng một khoảng thời gian dài anh lưu tới giao du cùng các bạn văn, đủ để làm thơ. Trong đề tài viết về quê hương, Luân Hoán thường nhắc đến Hội An và chúng tôi tìm thấy có năm bài anh viết riêng cho thành phố này. Hai bài “Nụ Hoa Cho Người Em Hội An”, “Đêm Mưa Về Hội An” nằm trong tập Rượu Hồng Đã Rót. Bài “Bài Gởi Hội An” trong Ngơ Ngác Cõi Người. Bài “Hội An Hội An Hội An...” trong Cảm ơn Đất Đá Trổ Thơ.... và bài mới đây nhất trên tạp chí Gió Văn, bài “Lượm Thơ Trên Đất Hội An”. Chúng ta có gặp được Hội An trong thơ Luân Hoán? Và cái tình của anh đối với con người của miền đất hiền hòa này ra sao?
“... Lâu năm trở lại Faifo
Nghe hồn Phố Hội dạt dào cỏ cây
Chiêm, Hà, Bồ, Pháp, Tàu, Tây. . .
Còn vươngg trong hạt bụi bay hững hờ
Chỉ giùm ta vạt đất nào
Đã chôn cuống rún trổ thơ thành chùm...”.
Trên con đất đã chôn cuống rún của mình, Luân Hoán đã thong thả dạo qua những nơi đã ký thác trong lòng anh nhiều kỷ niệm. Với “Chân hôn lòng phố ngổn ngang ổ gà”. Với “Mắt theo lòng tột nóc nhà. Ngói âm dương nở cỏ hoa ngóng trời”, Luân Hoán ghé Cẩm Phô, để cảm nhận cảnh cũ vần còn nguyên đấy, nhưng với cái nhìn theo tuổi đời đã như khác đi... Rồi từ đó, Luân Hoán ghé chùa Cầu, Chùa ông, Cẩm Nam, Cẩm Kim, Cẩm Sa... và khi đã mỏi, anh ghé lại những tụ điểm của đời thường trong thành phố. Một quán bán chè của bà Sỏ, một chỗ ngồi lắm rệp trong rạp chiếu bóng Phi Anh, một góc trước tấm màn trắng của hiệu chụp ảnh Hồng Hưng... đến những địa điểm rộng rãi thân quen hơn như Khổng Miếu, như sân trường Trần Quý Cáp... ở đâu Luân Hoán cũng xác nhận anh đã gặp lại anh. Và trong những hình ảnh Luân Hoán vẽ ra, chúng ta tưởng chừng như có thể vói nắm được những gì thân thiết của chính mình.
Chẳng những cảnh sắc đặc thù, giàu nghệ thuật của Phố thu phục Luân Hoán. Chúng tôi nghĩ con người được hấp thụ những tinh khiết nơi đây cũng cù rủ người thơ. Chúng tôi không biết cụ thể có hay không một người yêu nào đó của Luân Hoán, xuất thân từ Hội An, nhưng khá thú vị khi đọc những gì anh đã viết cho những người em Hội An…
… Trong mỗi chuyến trở về thăm, anh vẫn gượng nhẹ từng bước chân của mình:
“Gió tha thướt vỗ trăm lời thân mật
Mừng ta về thăm lại ấu thơ xưa
Lặng nhìn nhau, Phố đã nhận ra chưa?
Ta vĩnh viễn một thằng con bất hiếu
Thân phiêu bạt, giờ đây lòng trải chiếu
Bước bâng khuâng xin thâm tạ ơn đời
Ba mươi năm hồn thả sợi tình lơi
Bao giờ buộc đời ta vào với Phố?”
(Đêm Mưa Về Hội An).
Năm 2002, Luân Hoán bắt chợt về thăm nhạc phụ bị tai biến mạch máu não ở Đà Nẵng, anh có ghé vội Hội An một lần… Đi giữa những người đồng hương, những khách du lịch mang nhiều quốc tịch, vậy mà hình như Luân Hoán cảm thấy cô đơn. Anh chua xót chọn điểm nghỉ chân bên cái xác già nghèo khốn của Khổng Miếu. May thay dòng sông Hoài kịp thời giúp anh lượn được những câu thơ trên phố cổ của mình:
“Rất tình cờ được về thăm Hội An
Na ná như xưa, vui vẻ một đàn
Thế chỗ bạn bè, năm mười đứa cháu
Xế nổ thay cho xe đạp tàng tàng
Ghé vội thăm qua vài nhà quen cũ
Ngói mái âm dương ngái ngủ cả đời
Nắng vẫn đỏ au nằm ôm cửa nhớ
Gió hát bao năm rả rích một lời
… Chẳng gặp được ai, dân Trần Quý Cáp
Để bắt tay xứng đây bậc đàn anh
Tán dốc một hồi loanh quanh đỡ nhớ
Truy niệm cái thời có chút tinh ranh
Chờ mãi không nghe chuông chùa Phước Kiến
Không buồn. cũng thả bước dọc bờ sông
Ghe gối đầu nhau lơ mơ canh mộng
Lượm được câu thơ ai rớt giữa dòng
Biết cất vào đâu câu thơ nóng hổi
Chẳng thấy ai tìm của lạc, đành thôi
Sông Thu mấy nhánh tôi không biết
Xin giữ trong lòng chỗ nằm nôi”.
… Trong những nhà thơ sinh trưởng tại Hội An, hoặc chọn Hội An là nơi định cư trong khoảng một thời gian nào đó, không mấy ai gắn bó nồng nhiệt với Phố Cổ Hội An bằng Luân Hoán, chúng ta cảm nhận rõ nét về những con đường thân yêu, về những địa danh ngõ ngách đầy kỷ niệm của một thời để yêu và để nhớ. Những thương yêu, những ray rứt của một tình nhân ôm Phố Hội vào lòng. Từ thi phẩm Cám Ơn Đất Đá Trổ Thơ qua đến thi phẩm Rượu Hồng Đã Rót... Và Ngơ Ngác Cõi Người ở hải ngoại. Luân Hoán vẫn là người tình trăm năm với Hội An. Điều đó thật ra không lạ, bởi càng sống với Hội An càng lâu năm, chúng ta càng cảm thấy Hội An càng đẹp não nùng. Buổi chiều nắng vàng hiu hắt trên những mái chùa rêu phong.
… Hội An đã hát với dòng sông Thu Bồn, đã thở với rêu phong trên mái ngói âm dương Khổng Miếu, Phước Kiến, Lai Viễn Kiều, Viên Giác... Hội An vẫn hiền hòa, bao dung giang đôi tay đón những đứa con ra đi không kịp nói lời giã biệt. Những đứa con trở về từ bốn phương lưu lạc như thuở Hội An còn mang tên Faifoo hồn nhiên trong sách vở, hồn nhiên trong thơ văn và hồn nhiên thơ mộng trong tâm hồn cõi sống đời thường. Ở cái mảnh đất linh hiển này hẳn còn có mãi một Luân Hoán, cùng các bạn bè thân mến của anh”.
(Ái Cầm)
Với Luân Hoán, hình ảnh Hội An: “Trong hơn sáu mươi năm tiêu xài cuộc sống, tôi đã trôi dạt đến nhiều nơi trên mặt đất, dòng máu trong tim tôi bây giờ không biết đã hao hụt bao nhiêu, đậm nhạt thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, chúng vẫn đỏ, và vẫn nồng nàn khi nghĩ về những địa danh ở quê nhà, nhất là nơi đã chôn giữ cuống rún bé nhỏ của mình.
Nhớ về Hội An, viết về Hội An, nơi chôn cuống rún tôi, không thể không lấy lòng ra để sờ mó, nhìn ngắm lại một vóc dáng, một nhan sắc của một con đất kỳ diệu thuộc xứ Quảng Nam. Thịt da của đất đá, của cỏ cây, của con người ở chốn trầm hương này đã dần dần trưởng thành từ thế kỷ 16. Khuôn mặt kinh tế, khuôn mặt văn hóa đã có thời phương phi, rạng rỡ, có thể là một vùng sống hợp chủng đầu tiên, được gọi bởi nhiều mỹ danh. Nhưng cho dù là Hải Phố, Hoài Phố, Hoa Phố, Faifoo, hay gọn nhẹ, thân mật chỉ một từ Phố, Hội An vẫn là Hội An, với cốt cách, phong thái vừa đủ để mời gọi, vừa đủ để nhớ tưởng…”.
Thái Tú Hạp đã ấn hành nhiều thi phẩm. Trước năm 1975, trong đó có: Tuyển Tập Sông Thu (1962 cùng với Thành Tôn và Hoàng Quy), Quê Hương & Người Tình (1969), Thèm Về (1970)… Năm 1975, khi anh định cư tại Hoa Kỳ đã ấn hành các thi phẩm liên quan đến quê nhà như Chim Quyên Lạc Ngàn (1982), Miền Yêu Dấu Phương Đông (1987). Trong 65 bài thơ của thi phẩm nầy cũng nói lên hình ảnh Phương Đông, trong đó bàng bạc nơi chốn đã sinh ra và lớn lên.
Hình ảnh đó, Thái Tú Hạp mô tả: “Tại Hội An có 11 ngôi đình chùa, đa số của người Minh Hương với các lối kiến trúc khác nhau như một Hội Quán sinh hoạt của những đồng hương người Triều Châu, Phước Kiến, Gia Ứng, Hải Nam và Quảng Đông.
Những ngôi đình của người Việt tạo dựng như Đình Cẩm Phô, Đình Đế Võng, Đình Ông Voi, Đình Tiên Từ, Đình Sơn Phong... Chưa kể đến các ngôi chùa như Chùa Hải Tạng, Viên Giác, Phước Lâm, Vạn Đức, Chùa Bà Mụ, Chùa Ông, Chùa Tĩnh Hội, Chùa Long Tuyền, Chùa Sư Nữ...
Chính vì nhiều đình chùa cổ miếu như thế nên hàng năm cúng lễ hương khói triền miên, do đó người dân Hội An cũng có khuynh hướng mãnh liệt về đức tin tâm linh. Những hiện tượng xảy ra rất linh thiêng huyền diệu mà khoa học không thể nào chứng minh được... Cụ thể như trước năm 1975 có những cuộc đụng độ giữa các lực lượng VNCH và du kích CS bên sông Cẩm Thanh pháo kích vào trung tâm thị xã Hội An, nhưng đa số đều nổ ở ngoài đường hoặc rơi một số trong sân chùa nhưng đều không nổ... quả thật là điều kỳ lạ. Những câu chuyện được kể như cầu cơ lên đồng, xin xăm coi quẻ vào những ngày lễ hội đầu năm được ghi nhận thật là linh thiêng mầu nhiệm nếu chúng ta nghiêng sâu về đời sống tâm linh chắc không thể không chấp nhận những sự kiện siêu hình như thế…”.
Khi sống ở hải ngoại, trong bài Buồn Hội An, chỉ hai câu thơ của anh cũng thể hiện tâm trạng chung của những người lưu lạc:
“Chừ về với phố u sầu
Với thành quách cũ lên mầu thời gian…”.
Với dòng sông Thu, với bao kỷ niệm của thuở học trò cũng ngậm ngùi theo thời gian:
“Dòng sông đó mang tôi vào lịch sử
Lòng quê hương còn dấu đạn căm thù
Tháng năm buồn trôi qua bằng đau đớn
Nghe chán chường trong hơi thở cô đơn.”
Bài thơ Buồn Hội An của Thái Tú Hạp đăng trên tờ Bách Khoa năm 1962:
“… Người đi thương nhớ Hội An
Nghìn xưa sau có muôn vàn đớn đau?
Thèm về với phố u sầu
Với thành quách cũ lên màu thời gian
Với em thị xã lỡ làng
Lời ru tình Quảng Nam ngàn xót thương
Sài Giang nước chảy xa nguồn
Mấy đời nay vẫn thêm buồn cho nhau”.
Với Hoàng Quy, quê của anh nằm ven bờ hữu ngạn sông Thu Bồn nhưng sau năm 1975, sau khi ở tù ra, gia đình nhà thơ Hoàng Quy không được phép sống tại Quảng Nam mà phải đi “kinh tế mới” ở làng Phong Điền, Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, sau nầy trở lại chốn xưa ở Đà Nẵng.
Bài thơ Người Xưa Phố Cổ bày tỏ tâm trạng bi thương:
“Vẫn trăm năm nữa thầm thì
Bước chân phiêu lãng có về nữa không
Rêu phong mờ ảo tấc lòng
Em qua phố cổ tay bồng vai mang
Tội tình một kiếp đa đoan
Lá khô que củi man nan sầu đời
Đợi gì một hạt mưa rơi
Mà phương trời cũ vẫn nơi hẹn hò
Ngày qua hiu hắt trang thơ
Đêm qua ngậm ngải bơ vơ chỗ nằm
Người xưa đã quá xa xăm
Phố xưa úp mặt khóc thầm cùng ai
Ta về níu vạt áo dài
Che đầu hát khúc thiên thai tạ đời!”.
*
Trong ca dao và thi ca đề cập nhiều về phố cổ Hội An. Cao bá Quát có bài thơ ngũ ngôn bát cú Du Hội An Phùng Vị Thành Ca Giả (Chơi Phố Hội, Gặp Người Đào Hát Thành Vị). Trần Công Nghị dịch qua thất ngôn bát cú & Laiquangnam (Trương Được) có viết vài bài và đăng trên trang báo và web Caliweekly của tôi năm 2005.
Trong phạm vi bài viết nầy, tôi trích đăng vài bài thơ của các bạn thơ xuất thân dưới mái trường TQC liên quan đến chốn xưa.
Bài thơ Về Ru Tình Cũ của Lê Đình Phạm Phú:
“Một chiều Hội An nhớ về mấy ngã
Anh bâng khuâng nhìn suốt dãi sông Thu
Chảy trong lòng quê hương nghèo tơi tả
Nên rất buồn trên những bước phiêu du..”.
Bài thơ Trường Xưa của Phùng Minh Tiến
“Tôi về thăm lại trường xưa
Tường rêu đứng lặng mấy mùa chia xa
Giảng đường chết lặng bên hoa
Bước chân ngày cũ ai qua chốn này
Áo bay từ độ trăng gầy
Đôi bờ nhật nguyệt đã đầy nhớ thương
Tóc xưa còn thoáng mùi hương
Năm mươi năm lẻ còn vương dấu giày
Phố chiều mờ mịt mây bay
Ngang qua lớp cũ hao gầy dáng ai?
Em giờ chắc đã khác xưa?
Thương em, đứng lặng, gió mưa đầy trời”.
Bài thơ Hội An, Trên Con Đường Cũ của Hoàng Lộc
“Con đường ngày xưa em đi học
Mông mênh nỗi nhớ buổi tôi về
Bốn mươi năm bỏ trời niên thiếu
Áo trắng còn run ngọn gió quê
Bốn mươi năm nước sông Hoài chảy
Cớ chi bến phố vẫn nguyên bờ?
Cớ chi tôi mấy mùa dâu bể
Vẫn cuối đường hoang nắng Cẩm Phô?
… Tóc trắng chờ em giữa Hội An
Như chưa đổi phố đổi tên đường
Là em vẫn cứ thời con gái
Tôi, cái đuôi theo buổi tới trường…”
Bài thơ Về Lại Hội An của Hoàng Thị Bích Ni:
“Ta ghé lại trường xưa tìm chút nhớ
Đường phượng xanh một thuở trải trong mơ
Giở từng bước lao chao hương kỷ niệm
Những ngày vui xa biền biệt không ngờ
Chiều Kim Bồng vàng long lanh nắng xế
Nhuộm vàng thơ ký ức của ta xưa
Hồn khe khẻ mở từng trang sách vở
Bỗng dưng buồn ngơ ngác đến ơ sờ
Chiều Cẩm Phô vẫn ngày xưa mây trắng
Trôi lang thang qua những nẻo trời cao
Ta lần bước bâng khuâng tìm lối cũ
Lòng quạnh hiu giữa phố cổ xanh xao
Ván chùa Cầu khua bước chân lách cách
Âm vang trầm vọng mấy trăm năm
Ta một đời mấy mươi năm lật bật
Mai đây rồi chìm khuất cõi mù tăm…”
Bài thơ Phố Cổ của Mạc Phi Hoàng:
“Phố cổ ngàn năm tuổi có dư
Chân mày râu tóc bạc phơ phơ
Vẫn còn thân thiết như người bạn
Mặc thế nhân thay đổi cuộc cờ
Nơi ấy thời gian lắng bước chân
Qua con phố nhỏ nét phong trần
In hằn trên những ngôi nhà cũ
Phảng phất còn vương bóng cổ nhân
Nơi ấy không gian vọng điệu hò
Trăng vàng bát ngát dệt xe tơ
Trãi trên thành phố đêm huyền ảo
Bàng bạc sông Thu tiếng gọi đò…”
Bài thơ Hội An Nỗi Nhớ Trong Ta của Dư Mỹ
“… Con phố Hội hồn ta xưa thơ dại
Trường Bà Mụ tiếng thầy cô vọng mãi
Bạn bè giờ dăm đứa lạc dăm nơi
Ta lớn lên bằng giọng hát tao nôi
Lời ru mẹ hò ơ trong giấc ngủ
Qua chùa Cầu, ai thương hoài quá khứ
Áo trắng về Âm Bổn đẹp trong mơ
Tuổi học trò ta tập tễnh làm thơ
… Hội An ơi, từng tên quán, tên đường
Từng con hẻm trong lòng ta sống lại
Ta nhớ mãi tiếng cười cô em gái
Buổi trưa hè gội tóc bãi Kim Bồng
Đêm trăng về ngồi vọc nước bờ sông
Xếp thuyền giấy thả xuôi giòng cửa Đại
Bến Cẩm Thanh thương giọng hò cô lái
Mau lên đò kẻo lỡ chuyến đò trưa
Ai có về thăm lại Vạn Gành xưa
Con cá nục thơm nồng rau Trà Quế
Hội An đó biết bao điều muốn kể
Đã đi vào cổ tích phải không em
Đã đi vào trong mỗi một trái tim
Mà dĩ vãng vẫn còn vươngg vấn mãi
Đêm Bắc Mỹ ôi nghe hồn tê tái
Tuyết lạnh ngoài trời,tuyết lạnh trong ta
Sao bỗng dưng ta thành kẻ xa nhà
Quê hương đó ngoài tầm tay ta với
Qua đại dương xin một lần nhắn gởi
Lời kinh cầu cho con phố thân thương
Mai ta về với tiếng hát quê hương
Đời ấm lại trong vòng tay của Mẹ”
Bài thơ Cùng Em Hoài Phố của Lê Văn Trung trong tập thơ Cát Bụi Phận Người:
“Đưa em qua khỏi Chùa Cầu
Chưa nhìn thấy hết một màu rêu phong
Có người về tự ngàn năm
Hỏi con đường nhỏ sợ nhầm lối xưa
Đưa em xuống bến sông Hoài
Làm sao qua được cõi ngoài nhân gian
Có ai gọi chiếc đò ngang
Gởi câu thơ cổ buồn sang xứ người
Đưa em dạo phố đời tôi
Ai vô tình chạm vọng hồi chuông vang
Có người ngồi cổng Chùa Ông
Nhìn thăm thẳm cõi vô cùng Hội An
Đưa em theo cuộc xoay vần
Lá ngàn năm cũ đã vàng áo thu
Có người hỏi phố xưa đâu
Buồn tôi lạc giữa Chùa Cầu quạnh hiu
Đưa em bến phố chợ chiều
Bao dòng xuôi ngược tôi theo lối nào
Có người mãi tận ngàn sau
Không tìm thấy được nông sâu đời mình…”
Trong bài thơ Bên Trời của Lê Văn Trung cũng là nỗi niềm chung
Anh muốn về thăm phố Hội An
Lối xưa còn nhạt nắng hoe vàng
Thuyền sông khói nhẹ vời con nước
Biển lặng chiều hôm mây trắng giăng
… Đã mấy mùa xa cách ngậm ngùi
Lòng như con nước lạnh lùng xuôi
Thương em tội nghiệp bầy chim sáo
Vỗ cánh chiều sông nhạt nắng rơi…”
Hiện nay Lê Văn Trung sáng tác thơ rất nhiều, hầu như mội ngày một bài thơ trên facebook.
Năm 2010, khi Trần Công Nghị (Liên Thao) ở Canada lâm trọng bệnh, Uyên Hà ở Đà Nẵng liên lạc với anh em khắp nơi còn lưu giữ sáng tác nào của TCN, gom góp lại để thực hiện “món quà lưu niệm” khi rời bệnh viện, tôi hứa sẽ đảm trách phần kỹ thuật nhưng theo ý hiền thê của anh (chị Kim Anh) đợi khi nào anh được khỏe… nhưng không may, anh vĩnh biệt cõi trần vào tháng 9-2010. Tuy 3 người ở 3 nơi, không gặp nhau nhưng “món quà lưu niệm” đó ấn hành vào ngày giỗ đầu tiên của anh. Có các bài viết của bạn bè cùng thời dưới mái trường TQC. Cảm kích tình bạn với nhau qua thơ văn chia sẻ tình thân với người quá cố, tôi viết Trần Công Nghị, Văn Chương & Bằng Hữu. Với tuyển tập này (dày 180 trang) chị Kim Anh mang ra mộ chống (100 ngày) để “ra mắt” người thiên cổ.
Liên Thao làm thơ hồi còn học sinh TQC nhưng khi vào học đại học Văn Khoa Sài Gòn và dạy học lại ngưng cho đến khi định cư tại Canada thì mới làm thơ.
Bài thơ Thầy Cũ Trường Xưa
Gởi đến thầy Hoàng Trung và quí cô, thầy cũ
“Bao năm rời bỏ trường xưa
Cành hoa phượng thắm đong đưa có còn
Trăm năm nước chảy đá mòn
Nghĩa thầy, tình bạn sắc son tấc lòng
Ngày xuân xanh búp lá non
Tóc mây vóc hạc có còn uy nghi
Sông Hoài nước cuốn trôi đi
Lời thầy vẫn đó khắc ghi trong đời
Triều dâng cửa Đại đầy vơi
Học trò bao kẻ xa khơi ngút ngàn
Mây trời lúc hợp lúc tan
Nghĩa thầy, tình bạn muôn vàn thiết tha”.
Tình bạn nơi cố hương, không thể nào diễn tả qua thơ văn như lời Hạ Đình Thao:
“Muốn viết nghìn dòng nhưng thôi nhé Nghị
Có nói gì hai đứa cũng vời xa!”
Một khuôn mặt trước đây xuất hiện các bài viết về sinh hoạt truyền thống của quê hương, anh có trí nhớ rất tốt trong tùy bút từ thuở học trò với thầy cô, bạn bè và lớp học. Tháng 9 năm 2016, Đoàn Ngọc Nam ấn hành tập thơ “Kỷ Niệm 50 Năm Thành Hôn” với khoảng ba trăm bài thơ. Và, nguồn cảm hứng qua các tập thơ kế tiếp.
Trích những dòng thơ trong bài Nhớ Hội An của Đoàn Ngọc Nam để thay cho lời kết bài viết nầy.
“Ai về thăm phố Hội An
Cho tôi nhắn gởi lời vàng nhớ thương
Dầu cho phiêu bạt tha phương
Tình tôi vẫn mãi vấn vương ban đầu…
… Ra đi mang nặng khối tình
Hội An phố cổ bóng hình in sâu…”.
Với hai chữ Hội An dễ hòa nhập âm điệu dòng thơ nên tên gọi được gợi lại hình ảnh cố hương. Trong khi đó Đà Nẵng có nhiều nhà thơ nổi tiếng lại dùng hình ảnh, tên gọi khác nơi địa danh nầy để mô tả.
Trong bài Phố Cổ Trường Xưa & Bóng Dáng Nhà Thơ nầy của tôi chỉ nói lên vài hình ảnh, vài khuôn mặt trong vườn thơ phố cổ Hội An, không thể nào viết đầy đủ, nhớ đến đâu, viết đến đó vì trí óc cụng mai một theo thời gian…
Trong bài Khúc Giang của Đỗ Phủ:
“Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
(Nợ tiền mua rượu đâu không thế?
Sống bảy mươi năm đã mấy người?)
(Tàn Đà dịch)
Nay thế hệ chúng tôi đã ở ngưỡng cửa bày mươi, tám mươi cũng thuộc “cổ lai hy” còn có nhau, nhớ nhau để chia sẻ cũng là niềm hạnh phúc. Mặt trời sắp lặn cuối chân trời và đời người cũng vậy… bóng đêm hòa nhập với cõi thiên thu. Hơn thể kỷ xa phố cổ trường xưa của những đứa con lưu lạc mà “khuôn mặt thời gian” vẫn ẩn hiện trong tâm thức khi đọc lại những dòng thơ bằng hữu.
Hội An của thời xa xưa tuy nhỏ nhưng tình bạn bao la và thật dễ thương. Phố cổ hiền hòa, trầm mặc, yên ắng của một thời, và phổ cổ của người con xa xứ với, đâu đó dã thấp thoáng trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Để rồi “Một mảnh tình riêng ta với ta”! trang trải cho nhau. Và, ở tuổi học (nếu có bóng hồng) với lời nhắn nhủ như trong ca khúc Hoài Cảm của Cung Tiến:
“Lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người, đâu ân tình cũ?
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa?
... Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa?”
Mượn câu nói của nhà văn, nhà thơ, dịch giả Jorge Luis Borges thay cho lời kết: “Time, which despoils castles, enriches verses” (Thời gian hủy hoại các lâu đài, làm giàu những vẫn thơ).
Vương Trùng Dương
(2016 – viết thêm 2021 cho tuyển tập)