Thứ Sáu, ngày 21 tháng 5 năm 2021 là Ngày Thế Giới Thiền (World Meditation Day), theo www.daysoftheyear.com cho biết. Điều này cho thấy một sự thật là Thiền đã và đang được thực hành trên khắp thế giới và vượt qua khỏi biên giới của tôn giáo, chủng tộc và quốc độ. Điều này cũng cho thấy một sự thật khác nữa là Thiền đã đáp ứng được các nhu cầu của con người để chuyển hóa những khổ đau thuộc lãnh vực tinh thần và thể xác gây ra trong cuộc sống thường ngày, với quá nhiều căng thẳng và bất an.
Khi thế giới chung quanh bạn bị chìm ngập trong điên đảo, và bạn dường như hoàn toàn không thể tìm thấy một khoảnh khắc bình an nào trong cơn bão hàng ngày, đó là lúc để lùi lại và nhớ đến những giây phút hạnh phúc khi còn là một đứa trẻ nơi chúng ta tự đánh mất mình trong thế giới. Ngày Thế Giới Thiền là sự kêu gọi thế giới hãy dành thì giờ để tham gia vào sự thực hành và làm sạch tâm mình đã có từ hàng ngàn năm, nhớ rằng chúng ta trước hết là con người và thứ đến là những người lao động.
Lịch sử của Ngày Thế Giới Thiền
Lịch sử của Ngày Thế Giới Thiền có thể được truy tìm qua chính Lịch Sử Của Thiền. Thiền đã là một phần không thể thiếu của nhiều tôn giáo và lần đầu được phát hiện trên văn bản vào khoảng 1500 năm trước Tây Lịch tại Ấn Độ.
Thiền đóng một vai trò quan trọng trong nhiều tôn giáo trên khắp thế giới, đặc biệt là Phật Giáo và những tôn giáo Đông Phương khác, nhưng Thiền cũng được thực hành bởi những người không thuộc về truyền thống tâm linh hay tôn giáo mà như là cách làm giảm căng thẳng và làm sạch tâm họ.
Trong Ngày Thế Giới Thiền bất kể bạn có là người theo tôn giáo hay không, sự bôn ba điên cuồng và sự bận rộn trong hoạt động hàng ngày ngăn cản nhiều người trong chúng ta chưa bao giờ có được giây phút bình an.
Các lợi ích của Thiền
Trong khi các nhóm tôn giáo cực đoan đôi khi đã phỉ báng Thiền, thì sự thật một cách khoa học Thiền đã được chứng minh có nhiều hiệu quả tích cực trên lãnh vực tinh thần và thể chất khi Thiền được thực hành đều đặn. Sau đây là một số lợi ích của Thiền.
Trên khắp thế giới, lo lắng vẫn là một trong những điều kiện sức khỏe tinh thần hàng đầu. Dù trong nhiều trường hợp nghiêm trọng các bác sĩ có thể viết toa thuốc để giúp những người bị lo lắng, họ thường có khuynh hướng thử biện pháp tổng thể hơn trước. Thiền là một trong những cách tổng thể thông thường nhất để điều trị lo lắng, giúp các cá nhân giảm nhịp tim của họ, kiểm soát các suy nghĩ tai hại và ngăn chận các cơn lo lắng.
Không còn nghi ngờ rằng thế giới mà chúng ta đang sống trong đó có thể là căng thẳng. Dù căng thẳng là sự phản ứng cơ thể hoàn toàn bình thường, chúng ta không nên cảm thấy bị căng thẳng thường xuyên vì căng thẳng liên tục có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trong cơ thể. Thiền là cách tuyệt vời để thư giãn trong thế giới bận rộn và để tập trung vào bên trong chính bạn. Thực tập thở trong lúc thiền có thể giảm cao máu và làm thấp các mức độ căng thẳng, làm cho tâm bình lặng và cho cơ thể thời gian để hồi phục sau thời gian căng thẳng kéo dài.
Não bộ con người có nhiều việc hơn bao giờ hết để bắt kịp và những thứ này kết hợp với internet và việc chúng ta tiếp cận với điện thoại thông minh có nghĩa là nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn với sự tập trung. Thực hành thiền và chánh niệm khuyến khích bạn nghĩ về hiện tại, sống trong khoảnh khắc hiện tại và loại bỏ sự điên cuồng, giúp bạn duy trì sự tập trung khi bạn cần và cải thiện năng suất tổng quát.
Làm sao kỷ niệm Ngày Thế Giới Thiền
Việc kỷ niệm Ngày Thế Giới Thiền được thực hành tốt nhất bằng cách để dành một khoảng thời gian cho chính bạn để làm sạch tâm mình và thư giãn. Thiền trông ra sao có thể khác biệt rất lớn tùy mỗi người, với một số hoạt động thể chất ưa thích đi theo sự thực hành của họ (thường là Yoga hay những hoạt động thể dục khác) trong khi nhiều người khác thích ngồi và thư giãn.
Đối với việc kỷ niệm Ngày Thế Giới Thiền của chính bạn, hãy tìm một nơi nào đó mà bạn cảm thấy dễ chịu và thư giãn, có thể là trong phòng tắm, tại phòng tập thể dục, hay ngay cả nơi có môi trường thiên nhiên như biển và rừng. Rồi đơn giản ngồi xuống chỗ thoải mái, nhắm mắt lại, thở đều, và hãy để cho tất cả suy nghĩ vớ vẩn ra khỏi tâm của bạn. Nếu bạn chưa bao giờ thử Thiền trước đây thì có thể khó khăn để lạm sạch suy nghĩ khỏi tâm của bạn và bạn có thể được lợi ích từ việc thử học dạy kèm hướng dẫn Thiền mà trong đó người có kinh nghiệm sẽ nhẹ nhàng chi bạn tiến trình này.
Bất kể là cách nào bạn chọn để kỷ niệm Ngày Thế Giới Thiền, chỉ nhớ rằng Thiền được lợi ích nhất khi được thực hành đều đặn, vậy tại sao không tự đặt cho mình lời nhắc nhở một lần một ngày, mỗi ngày cho cả tuần còn lại và xem bạn cảm thấy thế nào.
Làm sao Thiền
Một trong những điều vĩ đại về Thiền là bất cứ ai cũng có thể thực hành, và họ có thể thiền ở bất cứ nơi nào. Dù cho bạn đang ngồi, đứng, nằm trên giường hay ngồi trong phòng tắm, đơn giản nhắm mắt bạn lại, tập trung vào hơi thở vào và ra thật sâu và cho phép tâm của bạn trống vắng mọi suy nghĩ. Nếu suy nghĩ khởi sinh, đơn giản nhận biết chúng và để cho chúng đi qua. Tiếp tục thở sâu và dủng việc thở để đi sâu vào sự bình lặng bên trong, cho đến khi bạn sẵn sàng mở mắt và tiếp tục ngày của bạn.
Để giúp bạn đọc biết rõ và chi tiết hơn trong việc thực hành Thiền, xin trích đăng bài “Hướng Dẫn Thiền Tập” của Đại Sư Thanissaro Bhikkhu do Cư Sĩ Nguyên Giác dịch sang tiếng Việt được đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Sau đây là nguyên văn bản Việt dịch của Cư Sĩ Nguyên Giác.
Hướng Dẫn Thiền Tập
Hãy ngồi thẳng một cách thoải mái, không nghiêng về phía trước hay sau, trái hay phải. Hãy nhắm mắt lại, và hãy nghĩ với các niệm thiện lành. Những niệm thiện lành trước tiên là hướng về bạn, bởi vì nếu bạn không thể hướng niệm thiện lành về bạn -- nếu bạn không thể cảm thấy một khát vọng chân thực cho hạnh phúc riêng của bạn -- sẽ không có cách nào bạn có thể chân thực ước muốn cho kẻ khác có hạnh phúc.
Do vậy, hãy tự nói với bạn, “Xin nguyện cho con tìm thấy hạnh phúc chân thực.” Hãy tự nhắc rằng hạnh phúc chân thực là những gì tới từ bên trong, do vậy đây không phải là một ước muốn ích kỷ. Thực sự, nếu bạn tìm thấy và phát triển nguồn cội hạnh phúc trong bạn, bạn có thể chiếu sáng nó ra tới kẻ khác. Đây là niềm hạnh phúc không tùy thuộc vào việc lấy đi bất kỳ thứ gì từ bất kỳ ai.
Do vậy, bây giờ hãy hướng niệm thiện lành tới kẻ khác. Trước tiên, những người gần với lòng của bạn – gia đình bạn, ba mẹ bạn, những người bạn rất thân của bạn. Tương tự, hãy nguyện cho họ tìm thấy hạnh phúc chân thực. Rồi trải các niệm này ra trong vòng thân hữu rộng hơn: những người mà bạn biết rõ, những người mà bạn biết không rõ, những người bạn ưa thích, những người bạn quen biết, những người mà bạn không có cảm xúc ưa hay ghét, và cả những người bạn không thích. Đừng để có hạn chế nào khi bạn hướng niệm thiện lành, vì nếu có, tất sẽ có hạn chế trong tâm của bạn. Bây giờ, hãy trải các niệm thiện lành tới cả những người bạn không quen biết – và không chỉ người; hãy hướng tới chúng sinh mọi loài ở mọi hướng: đông, tây, bắc, nam, trên, và dưới, ra tới vô cùng tận. Hãy nguyện cho họ cũng tìm thấy hạnh phúc chân thực.
Rồi hãy hướng tâm niệm của bạn về hiện tại. Nếu bạn muốn hạnh phúc chân thực, bạn phải tìm thấy nó trong hiện tại, vì quá khứ đã trôi qua rồi và vì tương lai là một bất định. Do vậy, bạn phải hướng tâm về hiện tại. Bạn có những gì bây giờ đây? Bạn có thân này, ngồi nơi đây và hít thở. Và bạn có tâm này, suy nghĩ và nhận biết. Do vậy, hãy mang tất cả thứ này lại với nhau. Hãy nghĩ về hơi thở và rồi nhận biết hơi thở vào và ra. Giữ tâm niệm vào hơi thở: đó là chánh niệm. Nhận biết hơi thở vào và ra: đó là tỉnh giác. Hãy giữ hai phương diện này của tâm với nhau. Nếu bạn muốn, bạn có thể sử dụng một chữ thiền để củng cố chánh niệm. Hãy thử với chữ “Buddho” – có nghĩa là “tỉnh thức.” Hãy nghĩ tới chữ “bud-“ với hơi thở vào, và chữ “dho” với hơi thở ra.
Hãy cố gắng thở cho thoải mái. Một cách rất cụ thể để biết cách tự tìm hạnh phúc cho bạn trong giây phút hiện tại tức thì – và cùng lúc, củng cố sự tỉnh giác của bạn – là hãy để cho chính bạn tự thở trong cách thoải mái. Hãy thử nghiệm để xem cách thở nào làm cơ thể bạn thấy thoải mái nhất bây giờ. Nó có thể là hơi thở dài, hơi thở ngắn; [có thể là] hơi vào dài, hơi ra ngắn; hay [có thể là] hơi vào ngắn, hơi ra dài. Nặng hay nhẹ, nhanh hay chậm, cạn hay sâu. Một khi bạn tìm thấy một nhịp điệu [hơi thở] làm bạn cảm thấy thoải mái, hãy giữ cách đó một thời gian.
Hãy ngấm vào cảm thọ về hơi thở. Nói một cách tổng quát, hơi thở càng dịu dàng, càng tốt. Hãy niệm về hơi thở, không chỉ là không khí vào và ra buồng phổi, nhưng là toàn thể dòng chảy năng lực vào toàn thân với mỗi hơi thở vào-và-ra. Hãy cảm thọ những độ tinh tế của dòng chảy năng lực. Bạn có thể thấy rằng thân bạn biến đổi, sau một thời gian. Một nhịp điệu hay một mức độ tinh tế [hơi thở] có thể làm bạn cảm thấy phù hợp một thời gian, và rồi cách khác sẽ làm bạn thấy thoaỉ mái hơn. Hãy học cách lắng nghe và đáp ứng với những gì cơ thể của bạn phản ứng hiện nay. Năng lực hơi thở nào, thân bạn cần? Làm sao bạn có thể cung cấp cho nhu cầu đó? Nếu bạn cảm thấy mệt, hãy cố gắng thở trong một cách làm sung mãn năng lượng cho thân của bạn. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, hãy thở trong một cách thư giãn nhẹ nhàng.
Nếu tâm của bạn lang thang chệch hướng, hãy dịu dàng mang lại. Nếu tâm lang thang 10 lần, 100 lần, hãy mang tâm lại 10 lần, 100 lần. Đừng bỏ cuộc. Phẩm chất này gọi là tinh tấn. Nói cách khác, ngay khi bạn nhận ra tâm chạy chệch ra, bạn hãy mang tâm trở lại. Bạn không tốn thời gian chệch hướng ngừi hoa, ngó bầu trời, hay nghe chim hót. Bạn có việc phải làm: học cách làm sao để thở thoải mái, làm sao để tâm an ổn thiện lành ở giây phút hiện tại.
Khi hơi thở khởi đầu cảm thấy thoải mái, bạn có thể bắt đầu thăm dò nó ở những nơi khác trong thân. Nếu bạn giữ hơi thở thoải mái trong một khu vực hẹp, bạn có thể dễ ngủ gục. Do vậy, một cách ý thức, hãy mở rộng sự nhận biết của bạn.
Một nơi tốt để tập trung đầu tiên là quanh rún. Hãy hướng tâm về quanh rún: nơi nào bây giờ vậy? Rồi ghi nhận: nơi này cảm thọ ra sao khi bạn thở vào? Nơi này cảm thọ ra sao khi bạn thở ra? Hãy quan sát nó trong vài hơi thở, và hãy ghi nhận xem có bất kỳ cảm giác căng thẳng nào trong phần đó của thân, hoặc là với hơi thở vào hay với hơi thở ra. Nó căng thẳng lên khi bạn thở vào? Bạn có tiếp tục giữ căng thẳng đó khi thở ra? Bạn có dùng sức nhiều quá khi thở ra? Nếu bạn tự thấy vướng vào như vừa kể, hãy thư giãn thoải mái nhé. Hãy nghĩ rằng căng thẳng đó tan biến trong cảm thọ về hơi thở vào, trong cảm thọ về hơi thở ra. Nếu bạn muốn, bạn có thể nghĩ về năng lượng hơi thở chảy vào thân, ngay ở rún, làm tan bất kỳ căng thẳng nào bạn có thể cảm thấy nơi đó…
Rồi hướng tâm niệm về bên phải -- tới góc phải, dưới bụng của bạn – và hãy theo dõi cùng 3 bước nơi đó: 1) hãy dùng tâm định vị phần tổng quát đó trên thân; 2) hãy ghi nhận xem nơi đó cảm thọ ra sao khi bạn thở vào, cảm thọ ra sao khi bạn thở ra; và 3) nếu bạn cảm thấy bất kỳ căng thẳng nào trong hơi thở, hãy để nó thư giãn thoải mái… Bây giờ, hãy hướng tâm niệm về phía bên trái, tới góc trái, phía dưới bụng, và hãy làm cùng 3 bước trên nơi đó.
Bây giờ hãy hướng tâm tới chỗ chấn thủy (còn gọi là chớn thủy, trên rún khoảng hơn tấc, chỗ lõm giữa xương lồng ngực)… và rồi sang bên phải, tới be sườn phải… tới be sườn trái… tới giữa ngực… Sau một chặp, hướng tâm tới dưới cuống họng… và rồi tới giữa đầu. Hãy rất cẩn trọng với năng lực hơi thở trong đầu. Hãy nghĩ về nó rất dịu dàng trôi vào, không chỉ xuyên qua lỗ mũi nhưng cũng xuyên qua 2 mắt, 2 tai, hơi xuống từ đỉnh đầu, hơi vào từ phía sau cổ, rất dịu dàng hơi xuyên qua và làm thư giãn bất kỳ căng thẳng nào bạn có thể cảm thấy, thí dụ, quanh xương hàm, phía sau cổ, quanh hai mắt, hay quanh khuôn mặt…
Từ đó, bạn có thể chú tâm dần dần xuống lưng, hơi ra các cẳng chân, tới đầu các ngón chân, tới khoảng trống giữa các ngón chân. Như trước đó, hãy tập trung vào một phần cụ thể của thân, hãy ghi nhận xem nói cảm thọ ra sao với hơi thở vào và hơi thở ra, hãy thư giãn bất kỳ cảm thọ nào căng thẳng bạn có thể cảm thấy nơi đó, để năng lực hơi thở có trôi chảy thông suốt hơn, và rồi tiếp tục cho tới khi bạn tới đầu các ngón chân. Rồi lập lại tiến trình, khởi sự nơi phía sau cổ và đi xuống hai vai, xuyên qua các cánh tay, xuyên qua các cổ tay và trôi ra xuyên qua các ngón tay của bạn.
Bạn có thể lập lại việc quán thân như thế nhiều lần tùy ý, cho tới khi tâm bạn cảm thấy sẵn sàng trụ lại.
Rồi, hãy chú tâm trở lại, vào bất kỳ điểm nào trên thân, nơi thấy tự nhiên nhất để trụ và đặt tâm vào giữa. Hãy đơn giản để sự chú tâm của bạn an nghỉ nơi đó, hòa nhập với hơi thở. Cùng lúc, hãy để tâm nhận biết của bạn trải rộng ra để nó ngập tràn toàn thân, như ánh sáng của một ngọn nến giữa phòng: lửa nến ở một điểm, nhưng ánh sáng tỏa ra đầy phòng. Hay là như một con nhện trên một mạng nhện: con nhện ở một chỗ, nhưng nó biết toàn thể mạng nhện. Hãy tinh tế duy trì cảm nhận ý thức mở rộng đó. Bạn sẽ thấy rằng nó có khuynh hướng co cụm lại, như một bong bóng có một lỗ nhỏ, do vậy hãy giữ tầm ý thức trải rộng ra, nghĩ rằng “toàn thân, toàn thân, hơi thở trong toàn thân, từ đỉnh đầu xuống tới các đầu ngón chân.” Hãy nghĩ về năng lực hơi thở vào và ra thân bạn, xuyên qua tất cả các kẽ chân lông trên da. Hãy giữ tâm ý này mở rộng, an định càng lâu càng tốt. Không có gì khác mà bạn phải nghĩ tới bây giờ, không nơi nào khác để đi, không chuyện gì khác để làm. Hãy giữ tâm với ý thức an định và mở rộng về hiện tại bây giờ…
Khi tới giờ rời khóa thiền, hãy tự nhắc bạn rằng có một kỹ năng để rời. Nói cách khác, bạn chớ hấp tấp xuất thiền. Thầy tôi, sư Ajaan Fuang, một lần nói rằng khi hầu hết người ta ngồi thiền, như thể họ trẻo lên một chiếc thang tới tầng thứ nhì tòa nhà: trèo từng bước, từng bậc, từ từ lên thang. Nhưng khi họ tới tầng thứ nhì, họ nhảy ra ngay cửa sổ. Bạn đừng làm thế. Hãy nghĩ rằng bạn đã qua nhiều nỗ lực để tâm an định. Đừng quăng bỏ nó.
Bước đầu tiên khi xuất thiền là hướng niệm thiện lành một lần nữa tới tất cả những người quanh bạn. Rồi, trước khi bạn mở mắt, hãy tự nhắc rằng ngay cả khi bạn sắp mở mắt ra, bạn vẫn muốn chú tâm an định nơi thân, nơi hơi thở. Hãy cố gắng duy trì sự chú tâm đó càng lâu khi bạn có thể, khi bạn đứng dậy, đi bộ, nói năng, lắng nghe, hay làm bất cứ gì. Nói cách khác, kỹ năng xuất thiền nằm ở chỗ học cách đừng rời bỏ nó, bất kể là bạn có thể sẽ làm bất cứ gì. Hãy hành động từ cảm giác tâm an định. Nếu bạn có thể giữ tâm an định trong cách này, bạn sẽ có một tiêu chuẩn mà theo đó bạn có thể đo lường chuyển động của nó, phản ứng của nó đối với các sự kiện xảy ra quanh nó và trong nó. Chỉ khi bạn có một an định vững vàng như thế này, bạn mới có thể nhìn thấu suốt vào chuyển động của tâm. (hết trích)
Thay lời kết
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành tựu đạo quả giác ngộ và giải thoát sau bốn mươi chín ngày đêm thiền tọa dưới gốc cây Bồ Đề. Vì vậy Thiền là chìa khóa để giác ngộ và giác ngộ là để tận diệt đau khổ. Suốt bốn mươi lăm năm sau ngày giác ngộ, Đức Phật đi khắp lưu vực sông Hằng để giáo hóa những người có cơ duyên hầu giúp họ thoát khổ đau bằng ba phương thức: giữ gìn giới luật, thực hành thiền định và khai phóng trí tuệ (Giới-Định-Tuệ).
Khi thực hành Thiền qua ba cách: điều phục thân, điều phục hơi thở và điều phục tâm thì kết quả tất yếu đi theo là làm cho thân tâm được khỏe mạnh và an lạc. Đó là lợi ích trước mắt. Nhưng lợi lạc tối hậu và cao cả hơn hết mà người Phật tử nhắm tới chính là giác ngộ bản tâm, bởi vì có giác ngộ bản tâm thì mới giải thoát khổ đau và sanh tử luân hồi vĩnh viễn.
Gửi ý kiến của bạn