Diễn tiến
Gần một tuần nay, cuộc chiến tại Trung Đông bộc phát dữ dội đã khiến thế giới hồi hộp lo âu. Vào đầu tuần, từ Dải Gaza, Hamas, một tổ chức cực đoan của Palestine và tổ chức Hồi giáo Jihah đã liên tục pháo kích vào lãnh thổ Israel.
Thành phố sa mạc Beerzheva miền nam Israel, các thị trấn ven biển Ashkelon và Ashdod bị tấn công. Tất cả bị thiệt hại nặng nề. Tính cho đến thứ Bảy, thành phố Tel Aviv luôn sống trong tình trạng báo động thường trực khi bị pháo kích ba lần liên tiếp.
Theo tin của quân đội Israel, đã có tổng cộng có hơn 3.000 lượt pháo kích trong 90 mục tiêu khác nhau. Các nhân viên y tế cho biết, có ít nhất là tám người đã thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Để đáp trả, Quân đội Israel đã phản công mãnh liệt và cho tăng cường bộ binh đến vùng biên giới. Cả hai bên tiếp tục tấn công nhau.
Về phía Palestine, theo tin mới nhất, có 181 người Palestine chết, bao gồm 52 trẻ em và 22 phụ nữ; và 1200 người bị thương ở Dải Gaza; ở Beit Lahia, phía bắc dải theo ven biển và các nơi khác cũng có thường dân chết.
Bối cảnh
Trước đây, các cuộc đụng độ giữa Israel và Palestine đã thường diễn ra tại Jerusalem và Dải Gaza. Các yếu tố tác động khẩn thiết cho mối xung đột là tình trạng đe dọa cưỡng chế trục xuất các gia đình Palestine hoặc các buổi lễ kỷ niệm của Do Thái giáo tại Tempelberg.
Thực ra, chiến cuộc còn bắt nguồn từ các sự kiện lịch sử khác mà các xung đột về thành phố Jerusalem và điện thờ Tempelberg đóng một vai trò chính cho sự leo thang.
Jerusalem không thể chia cắt
Lịch sử của Jerusalem và quy chế của thủ đô là nguyên nhân chính.
Đối với người Hồi giáo, Jerusalem có Nhà thờ Al-Aqsa, một cơ sở đứng hàng thứ ba trong thế giới Hồi giáo sau Nhà thờ al-Hara và Medina. Ngoài ra, còn có Felsendom, một địa danh nổi tiêng trong lịch sử tôn giáo, được truyền tụng là nơi mà Đấng Mohamed thăng thiên.
Đối với người Do Thái, với ngôi đền Jerusalem đầu tiên của Vua Solomon, Jerusalem là vô cùng linh thiêng, cho dù đã bị người Babylon phá hủy vào đầu thế kỷ thứ VI trước Công nguyên. Sau khi người Do Thái trở về từ cuộc lưu vong Babylon, họ xây dựng ngôi đền thứ hai và bị người La Mã phá hủy vào năm 70. Do Thái giáo đã không có đền thờ, nhưng Bức tường than khóc tạo thành do bức tường phía tây của ngôi đền thứ hai này.
Israel coi Jerusalem là "Thánh địa" và muôn đời không thể chia cắt. Năm 1980, Quốc hội Israel thông qua Đạo luật Jerusalem và có quy định là: "Jerusalem toàn vẹn và thống nhất là thủ đô của Israel."
Ngược lại, Palestine kiên quyết cho là phía Đông của Jerusalem là quan trọng cho trong tương lai vì cũng sẽ là thủ đô trong trường hợp nhà nước Palestine thành hình.
Tempelberg: Lễ kỷ niệm việc sát nhập phía Đông Jerusalem
Tempelberg là một nơi có ý nghĩa lịch sử quan trọng bậc nhất đối với người Do Thái và Hồi giáo. Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng 5, Israel cử hành lễ kỷ niệm Chiến tranh năm 1967 và việc chiếm đóng phía Đông của Jerusalem.
Để ngăn chặn các cuộc đụng độ đã được tiên đoán trước, cảnh sát Israel đã cấm các tổ chức diễu hành ở Tempelberg. Tuy nhiên, nhiều tín đồ Do Thái đã tập trung ở đó dẫn đến sự gây chiến của người Palestine.
Cưỡng chế trục xuất các gia đình Ả Rập
Một lý do khác là các sự kiện ở Sheikh Jarrah, một khu phố của người Ả Rập ở Jerusalem. Nguồn gốc của vấn đề là trước khi có chiến tranh giành độc lập Israel vào năm 1948, đây là một phần khu vực thuộc về người Do Thái.
Theo lịch sử của Israel, người Do Thái có thể dựa trên luật pháp để xin thu hồi đất đai ở Jerusalem mà họ hoặc tổ tiên đã mất trong cuộc chiến năm 1948. Điều luật này không áp dụng cho người Palestine. Một tổ chức Do Thái cực đoan đã đệ đơn xin lại đất, do đó, có một số gia đình Ả Rập hiện đang cư ngụ phải đối mặt với việc trục xuất.
Để ngăn chận tình hình leo thang ở Sheikh Jarrah, dự kiến sẽ có một phiên điều trần về các vụ trục xuất tại Tòa án Tối cao Israel, nhưng cuối cùng đã bị hủy bỏ. Do quyết định này mà các cuộc đụng độ với cảnh sát của Israel xảy ra.
Huỷ bỏ cuộc bầu cử Quốc hội Palestine
Trong quá khứ, Hamas chủ trương đấu tranh bạo động, đã từng có các cuộc tấn công bằng tên lửa. Để cho phù hợp với nhu cầu của thời đại, Hamas đã cố gắng loại bỏ những hình ảnh khủng bố cực đoan khi thay đổi quan điểm từ cực đoan đến trung dung, thậm chí còn muốn có cuộc thương thảo về một ký kết với Israel. Theo kết qủa các cuộc thăm dò ý kiến, công luận cho biết là hiện nay Hamas không mất nhiều thiện cảm.
Nhưng vì nhiều lý do tranh chấp khác nhau trong nội bộ, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã hủy bỏ cuộc bầu cử Quốc hội. Trước mắt, không có gì chắc chắn là việc ấn định lịch trình bầu cử sẽ được sớm xúc tiến.
Trong khi chính quyền Mahmoud Abbas luôn bị cáo buộc là tham nhũng và không được lòng dân, Hamas tự cho mình là một lực lượng trung kiên tranh đấu cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, cho dù gây thương tổn nặng nề cho cả hai bên. Vì vậy, đó cũng là một lý do mà tổ chức Hamas đang huy động toàn lực để chứng tỏ có thực lực mạnh nhất trên đấu trường chính trị Palestine.
Tranh chấp về vấn đề Jerusalem rất đa dạng và phức tạp, nội dung xung đột một phần bắt nguồn từ hai cuộc chiến trong thế kỷ XX.
Cuộc chiến năm 1948
Tháng 11 năm 1947, Nghị Quyết 181 của Liên Hiệp Quốc quy định về việc phân chia lại các khu vực trước đây thuộc Palestine ủy quyền cho Anh cai trị, nay chia thành nhà nước Do Thái và Ả Rập. Thành phố Jerusalem phải là thuộc về quốc tế. Mặc dù các quốc gia Ả Rập bác bỏ kế hoạch này, Do Thái đã thành lập nhà nước Israel vào ngày 14 tháng 5 năm 1948.
Sau một cuộc tấn công đẩy lùi các quốc gia Ả Rập vào ngày hôm sau, Israel đã chiếm luôn được các vùng lãnh thổ bên ngoài không được cấp cho Israel, kể cả khu phía tây của Jesuralem thuộc vùng Jordan, nhưng lại nối liền với phía đông của Jerusalem, kéo dài cho đến Jordan.
Cuộc chiến năm 1967
Trong 19 năm, vùng phía Đông Jerusalem nằm dưới sự cai trị của Jordan. Tháng 6 năm 1967, do hậu quả của Chiến tranh Sáu ngày, Israel đã chinh phục cả hai phía Tây và Đông Jerusalem, và sau đó sát nhập, đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.
Cho đến nay, thế giới Ả Rập đã luôn cáo buộc Israel là đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược trong khi Israel gọi đó là một cuộc tấn công phòng ngự trước một mối đe dọa từ các nước Ả Rập, không chỉ riêng Ai Cập.
Triển vọng
Các cuộc pháo kích của Hamas đang leo thang đáng ngại vì công luận quốc tế xem là tấn công Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảm thấy như là cá nhân mình đang bị thách thức nghiêm trọng và cảnh báo là Hamas đã vượt qua lằn ranh đỏ và sẽ phải đón nhận các cuộc phản công thích đáng.
Trước các nguy cơ này, chính giới và công luận quốc tế quan tâm đặc biệt và phản ứng khá nhanh chóng; điển hình là tại New York, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp ba lần trong tuần để giải quyết, nhưng không có kết qùa.
Sau vụ tấn công, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để bày tỏ quan ngại. và nhắc lại sự ủng hộ đối với quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công của Hamas và các nhóm khủng bố khác ở Dải Gaza. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng điện đàm với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi Biden nhậm chức. Biden đã báo cho Abbas biết về sự can thiệp ngoại giao của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột và ỵêu cầu Hamas phải ngừng pháo kích Israel. Biden lo ngại về cái chết của những thường dân vô tội và cam kết về một giải pháp hai nhà nước đang được thương thảo.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres phản ứng đặc biệt trước cuộc tấn công của Israel, nhất là về việc phá hủy một tòa nhà cao tầng ở thành phố Gaza, nơi có các cơ quan truyền thông quốc tế đặt trụ sở, trong đó có hãng thông tấn của Mỹ Associated Press (AP) và chi nhánh của Đài Truyền hình Quatar Al Jazeera.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện cho các nạn nhân và lên tiếng kêu gọi hai bên tiết chế việc sử dụng bạo lực Liên Âu, Đức, Pháp và Liên Xô cũng lên tiếng quan tâm vấn đề leo thang
Nhìn chung, cho đến nay, không có một hy vọng nào về một lệnh ngừng bắn có hiệu lực đình chỉ tức thời sẽ được thoả thuận cho dù có nhiều quốc gia lên tiếng muốn làm trung gian hoà giải.
Ai Cập
Ai Cập hiện đang nỗ lực vận động để đạt được một lệnh ngừng bắn cho toàn khu vực. Tuy nhiên, Israel đã bác bỏ đề xuất của Ai Cập về một lệnh ngừng bắn trong vòng một năm mà giới lãnh đạo Hamas đã chấp nhận. Chính phủ Jordan và các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng đã kêu gọi đàm phán.
Hoa Kỳ
Trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hady Amr, Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Israel và Palestine, Đặc phái viên của Biden, tham gia thảo luận và sau đó đã đến Israel vào thứ Sáu để tham khảo tại chổ. Các nhà quan sát quốc tế hy vọng rằng, Hoa Kỳ sẽ có nỗ lực hòa giải lâu dài hơn giữa hai bên, nhưng Palestine có thể ủng hộ một lệnh ngừng bắn cấp thời.
Israel
Quân đội Israel tuyên bố là với các cuộc phản công mãnh liệt, họ đã làm cho khả năng tác chiến của Hamas suy yếu trầm trọng, đáng kể nhất là hàng chục vị chỉ huy cấp cao đã thiệt mạng và một mạng lưới đường hầm bị hư hại, một cơ sở tình báo quân sự và một số bệ phóng tên lửa ở phía bắc Dải Gaza thiệt hại nặng nề.
Một phát ngôn viên của Hamas cho biết sẽ xem xét lời đề nghị đàm phán để làm xoa dịu cuộc chiến nếu Israel tuân thủ một số yêu cầu nhất định.
Các quan chức an ninh của Israel xin được ẩn danh cũng hé lộ là Israel có thể sẽ cởi mở hơn với cuộc đàm phán về một lệnh ngừng bắn.
***
Bài viết sẽ còn được cập nhật tại trang nhà của tác giả: