Mỗi tháng Tư về, những người con Việt Nam tha hương như bị rơi vào hố khủng hoảng, những mộng mị đã trải qua sau 75, bị đi kinh tế mới hay nỗi hãi hùng khi vượt biển trước khi đến bến bờ tự do. Nhiều chuyện cũng phôi pha theo thời gian nhưng có những chuyện vẫn khắc sâu vào tâm khảm không thể nào quên.
Tôi cũng không ngoại lệ, lớn tuổi rồi nên cũng đã buông bỏ được nhiều hỉ nộ ái ố cuộc đời, có cái mình tự buông, có chuyện thì trí nhớ như đám mây mù bảng lảng, lúc nhớ lúc quên. Nhưng rồi có vài mảnh đời trong quá khứ, chợt hiện lên mồn một như mới xảy vào hôm qua. Thôi thì ghi lại một lần để khép lại một trang đời chơi vơi buồn bã. Những quyết định xé lòng người khi phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, xa hết người thân yêu không mong một lần gặp lại. Đau lòng lắm chứ nhưng quê hương đã không cho mình một nơi chốn dung thân. Một lần đi là một lần vĩnh biệt!
***
Cô gái ấy rời khỏi Việt Nam trong chuyến vượt biên định mệnh cuối cùng, một mình.
Lẽ ra nàng cũng muốn yên thân sau khi đất nước thống nhất một mối. Nhưng số cô truân chuyên, năm 76 đậu vào ĐHSP ban Anh Văn, học chỉ được nửa năm thì nhận được tờ quyết định cho nghỉ học vì lý lịch bằng giấy pelure xanh mỏng tanh mà thay đổi một phận người. Cô không bỏ cuộc, về lại địa phương miệt mài đi lao động rồi sang năm thi lại CĐSP AV, xong hai năm học nàng cũng không được bổ nhiệm vì lý lịch. Biết không còn đất dung thân trên chính quê hương mình nên cô và các em đã mơ đến một phương trời xa.
Mấy chuyến trước cô từng đi chung với các em của mình, bị bắt, bị bể. Cô đã từng bị giam ở Lao Thừa Phủ, từng chạy thục mạng đến bong cả da chân dọc theo bờ cát nóng đầy cây xương rồng ngoài cửa Tùng, cửa Việt, và suýt chết trong một chuyến đi bị bể ở Thuận An!!!
Cô được một bé gái đưa ra tàu lớn bằng chiếc xuồng nhỏ, không ngờ bị lộ, công an đã phục kích đầy trên tàu. Nhờ có người la lên nên cô bé xoay mũi xuồng và chèo lại vô bờ. Đêm 30 tối đen như mực, mái chèo khua tạo nên một làn lân tinh sáng loáng nên công an bắn súng theo. Tiếng đạn bắn chiu chíu trên đầu, cô cúi rạp xuống thuyền nghĩ rằng chắc đợt ni khó qua khỏi. Cô bé chèo thuyền vẫn mải miết, gần đến bờ, có lẽ cô sợ nếu có nàng là cô bị liên lụy nên cô đạp xuồng dìm nàng xuống nước và thoát thân một mình.
May sao, hồi nhỏ ở nhà Ngoại, đã từng bơi qua lại sông Hương và cồn Hến như rái nên cô trồi lên và cật lực bám theo vệt nước loang loáng đằng trước. Lên đến bờ vì quen địa hình nên cô bé lủi mất để cô đứng lơ ngơ giữa đêm đen không biết đây là chốn nào. Định thần một lát, cô thấy có bóng đèn xa xa nên đi lần tới. Tiếng đàn bà ru con ầu ơ trong nhà, cô đánh liều bước vào thú thật là vượt biên bị bể và xin trú nhờ. Người đàn bà nhân hậu đó đã nhen bếp lửa củi để cô hong khô quần áo. Ngoài đường tiếng súng ống lẻng xẻng, du kích chạy rầm rập, tiếng chó sủa tạo nên một âm thanh hỗn loạn. Người phụ nữ vẫn bình tĩnh nói với cô: Em ngồi hong khô áo quần đi, nếu tụi nó vào soát nhà thì em vào giường ôn mà nằm, để tui lo cho. Bấy giờ cô mới để ý đến cái giường có giăng mùng ở gian bên. Chị đàn bà vẫn ầu ơ ru con cho đến khi ngoài đường lặng im. Tờ mờ sáng, chị đưa cho cô một cái nón rách và bảo đi theo để chị đưa ra bến đò qua Thuận An lên Huế lại. Chuyến đó, một em gái cô bị bắt vì cá nhỏ đưa lên tàu sớm quá, cậu em trai út thoát được ở cửa Tư Hiền khi chủ tàu lên trình giấy tờ và bị tình nghi.
Lần cuối cùng là một chị hàng xóm quen, buôn bán hàng máy móc ở chợ trời Tây Lộc về báo tin có chuyến đi chắc chắn nhưng chỉ còn một chỗ và phải đi liền. Theo ước hẹn, cô về đứng gần nhà máy xay gạo ông Cúc, tay cầm cái nón, nghe xe máy nào dừng lại, bấm 3 tiếng còi là tự động leo lên không biết người dẫn đường là ai, phó mặc cuộc đời đưa đẩy đi bất cứ nơi đâu.
Qua đò Thuận An, về đến thôn Hoà Duân, được ém trong nhà một đêm để sáng mai đi sớm. May sao, người tổ chức chuyến đi là vợ chồng anh Lợi chị Anh, giáo viên và bạn thân dạy cùng trường với chị đầu của cô. Chuyến đi này khác hẳn những chuyến vượt biên thường tình khác vì đi vào buổi sáng lúc thanh thiên bạch nhật.
Kể ra thì cũng ly kỳ! Người tổ chức và ghe là của gia đình anh Lợi. Vì anh muốn đưa vợ và hai con trai cùng cậu em đi nên kế hoạch phải bảo đảm an toàn tuyệt đối với sự góp sức của một ông già khá giả trong làng để gởi gắm cô con dâu và cháu nội. Con trai của ông đã sang đến Mỹ hơn năm rồi, sợ lâu thì anh ấy thay lòng đổi dạ lấy Tây lấy Mỹ nên gấp rút đưa con dâu và cháu nội sang.
Vì sao phải đi ban ngày? Hồi đó phong trào vượt biên nở rộ, bờ biển được canh phòng cẩn mật nên khó đi thoát ngoại trừ mua bãi. Ông già và vài người khác lập mưu phao tin đêm đó có chuyến vượt biên nên du kích, công an ra đi tuần cả đêm, gần sáng mỏi mệt lết vô thì ngang nhà thấy ông đang làm thịt con chó sẵn tiện mời mấy chú ghé nhậu chơi. Khi thấy đủ mặt bá quan văn võ của đội đi tuần thì ông cho cô con dâu bồng con đi báo và lên thuyền luôn. Và cũng vì đi ban ngày nên có nhiều người đi hôi chật cứng cả ghe. Ra khỏi bờ một đoạn người ta mới bốc bớt những người đi hôi thả xuống biển cùng với một chiếc xuồng con để chèo vào. Thuyền an toàn ra khỏi cửa biển và đi mấy tiếng thì ra khỏi hải phận quốc tế, bấy giờ mọi người mới nhẹ nhõm và bàn tán râm ran. Cô được ngồi chung với gia đình chủ tàu, ăn uống thì khỏi lo nhưng mới đi được mấy tiếng là cô đã mửa ra mật xanh mật vàng. Thuyền đi được hai ngày thì gặp bão. Những con sóng lớn nhồi chiếc thuyền con như mèo vờn chuột. Ngọn sóng cao mấy thước tưởng chừng ập xuống là sẽ nhấn chìm tất cả vào lòng đại dương. Vậy mà không, con thuyền vẫn nhấp nhô trên mặt biển mặc cho mọi người nằm la liệt trên sàn, ói mửa vào nhau, chú thợ máy hét đến khản cổ để điều động một số thanh niên múc nước tát liên tục. Đến khuya bão lặng, mọi người nằm im tạm nghỉ đôi chút. Sáng ra, anh thuyền trưởng định hướng lại để tiếp tục cuộc hành trình thì mới khám phá ra cái la bàn không điều chỉnh được. Người tổ chức đã mua nhầm cái la bàn dổm đưa ra phía nào cũng chỉ hướng Nam cả.
Khi hiểu ra thì đã muộn, thuyền đã ra đến vùng biển nước màu tím thẫm, thả neo không đụng đáy. Chủ thuyền là anh giáo viên tin mình đọc được la bàn là ổn chứ không có kinh nghiệm đi khơi xa. Thợ máy thì có mà dân đi biển nhà nghề kinh nghiệm thì không. Con thuyền khi đó như một ngọn lá tre giữa biển cả mênh mông. Nhìn thấp thoáng xa xa như có con tàu lớn nên hy vọng lái tới gần để được cứu vớt. Đến gần thì đó là một trạm khai thác dầu của Trung cọng (vì nhìn thấy nhiều người đội nón có sao vàng trên đầu). Khi đến gần thì trên tàu phun vòi rồng xua đuổi, trong cái cảnh chín phần chết một phần sống, nước vòi rồng phun trúng thì chìm thuyền là cái chắc. Hắn nhìn thấy những chuyên gia người ngoại quốc đứng ở bong tàu làm dấu thánh giá là hiểu rồi. Đành phải lùi ra xa, mất phương hướng giữa biển cả mênh mông, thả neo lờ lững vì chạy nữa thì sợ hết nhiên liệu. Mọi người trên thuyền khi đó lặng im vì tình hình bế tắc, bi đát không lối thoát. Có một bà mẹ trẻ kiếm đoạn dây dài cột chặt tay của mình và ba đứa con nhỏ để có chết thì chết chung cả mẹ lẫn con, bà nói. Cô chỉ cảm thấy bình thản. Ừ, may mà mình đi một mình, có chết cũng không sao, chứ dẫn theo em út thì có phải ân hận không?
Con thuyền thả neo giữa biển hơn một tiếng đồng hồ thì bỗng đâu một đàn cá heo lượn đến bơi giỡn trước mũi thuyền, bên hông thuyền rồi lòn qua lòn lại dưới đáy thuyền. Những con cá heo khổng lồ, tưởng chừng chỉ cần hắn đội lưng lên là lật thuyền. Đàn cá heo bơi lượn khoảng 15 phút xong rồi tự dưng xếp hàng theo một hướng, trước mũi thuyền, sau đuôi thuyền, hai bên hông thuyền. Mấy người miền biển tin rằng cá heo đem điềm lành đến nên nổ máy đi theo hướng cá heo đã vạch. Chạy hú họa như vậy đâu cũng gần một tiếng bỗng dưng đàn cá heo lặn đâu mất tiêu không còn một con. Mọi người hoang mang, lại tắt động cơ và thả neo để con thuyền lênh đênh trên mặt biển.
Một lúc lâu sau, mọi người thấy xuất hiện một tàu đánh cá xa xa. Khi tới gần thì ngư dân biết là thuyền bị nạn vì không nổ máy và người say sóng nằm la liệt dọc ngang. Sau một hồi, tàu đánh cá thả xuống biển hai túi bóng lớn, một cái chứa mấy can dầu và túi kia có lẽ là thức ăn xong rồi đi mất. Mọi người trên thuyền bàn bạc với nhau. Nếu chèo tới lấy hai túi bóng cứu trợ thì cũng chỉ sống thêm mấy ngày, lấy dầu thì cũng chẳng biết chạy hướng nào mà những người trên tàu đánh cá sẽ an tâm và không cứu giúp mình nữa. Vì vậy nên mọi người cứ nằm yên chờ đợi và không nổ máy. Hai túi bóng cứ trôi dập dềnh mỗi lúc một xa.