Vài Cảm Nghĩ Khi Đọc Tuyển Tập 'Hoa Cỏ Bên Đường' Của Kiều Mỹ Duyên

12/04/202112:00:00(Xem: 1998)

Kieu My Duyen  


Thú thực, khi anh Chinh Nguyên Chủ Tịch Văn Thơ Lạc Việt, ngỏ ý nhờ Ban Biên Tập & In Ấn Văn Thơ Lạc Việt mà tôi cũng là một  thành viên, giúp layout tuyển tập cho nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên, tôi chỉ  chăm chú làm việc theo những gì mà trưởng Ban Biên Tập & In Ấn Văn  Thơ Lạc Việt Thái Phạm dặn tôi làm, theo cái kiểu “sai đâu đánh đó” vì tôi quá bận nên không chú ý nhiều đến nội dung những bài viết trong  bản thảo.  

Ban đầu, chị Kiều Mỹ Duyên chỉ gửi cho chúng tôi đâu chừng  mười mấy bài viết, cũ có, mới có. Tôi được phân công phần giàn trang, làm xong thì thấy tổng cộng chưa tới hai trăm trang. Ôi sướng thật, khỏe thật, vì sách mỏng nên hoàn thành quá nhanh. Tôi mừng thầm. Nhưng  tôi đã lầm. Số bài đó chỉ mới là một phần trong số các bài viết của nữ ký  giả chiến trường Kiều Mỹ Duyên. Tôi còn đang loay hoay thay tới đổi  lui cách trình bày, chỉnh sửa hình ảnh, thì chị Kiều Mỹ Duyên liên tục  gửi bài đến, hầu như mỗi tuần một bài, rồi đến vài ngày một bài, có ngày  chị gửi đến những hai bài! Vì nhận quá nhiều bài, nhiều hình ảnh, đến  nỗi tôi quáng cả mắt, ù cả tai, gần như là bị “tẩu hỏa nhập ma.” Tôi bèn  cầu cứu trưởng ban Thái Phạm, nhờ giúp “take over” cái tuyển tập dày  cộm nầy. Nhờ vậy tôi mới có thời gian đọc kỹ lại các bài viết của chị  Kiều Mỹ Duyên. Càng đọc, tôi càng khâm phục chị. Tôi thật sự ngã nón  trước sức viết “như vũ bão” của vị nữ ký giả kỳ cựu này. Cho tới khi  sang sinh sống ở Mỹ, chị vẫn còn giữ được cái phong độ viết mạnh mẽ  như khi làm phóng viên chiến trường thời Việt Nam Cộng Hòa mà tôi đã  từng đọc và biết về chị.  

Có thể nói tác giả Kiều Mỹ Duyên là một người rất giàu tình cảm,  luôn quan tâm đến người khác. Tuy bận rộn, nhưng chị đã bỏ ra nhiều  thì giờ quý báu để đọc hết ba tập truyện tôi mới xuất bản năm vừa rồi, và  còn cho tôi những lời ủng hộ thật chân tình. Những lời khen của bậc đàn  chị đã giúp tôi lên tinh thần và cố gắng tiếp tục viết. Cho nên, khi chị tỏ  ý muốn tôi viết cảm nghĩ về “Tuyển Tập KIỀU MỸ DUYÊN - HOA  CỎ BÊN ĐƯỜNG,” dù biết mình chỉ là hàng hậu bối, tôi cũng phải  mạo muội ghi vài hàng mộc mạc theo cái cảm xúc “nghĩ sao viết vậy” tự  đáy lòng mình, chứ không hề dám nghĩ là điểm sách hay phê bình cho  chị. Tôi đã đọc hết hơn bốn trăm năm chục trang sách, và trong tôi có rất  nhiều cảm xúc về tuyển tập mà tôi muốn ghi lại nơi đây. 

Còn nhớ có lần chị Kiều Mỹ Duyên đã nói với tôi, “Chị là nhà báo  nên viết khô khan lắm, không ướt át đâu em ơi!” Khi ấy tôi cũng đã tin  như vậy. Thường thì độc giả dễ bị hấp dẫn hơn đối với những sách  truyện dưới dạng tiểu thuyết trữ tình... lâm ly bi đát, và nhiều người cho  là những câu chuyện viết theo kiểu thông tin báo chí thì quá khô khan.  Ngày trước khi còn đi học, cô bạn Mỹ ngồi cùng lớp sáng tác (Creative Writing) với tôi đã than là “quá chán” khi viết chuyện thật (non-fiction)  vì cô không thể sáng tạo, thêm thắt cho hấp dẫn hơn được. Nhưng, như  đại văn hào Ernest Hemingway từng có một câu nói nổi tiếng dành cho  giới viết văn, là hãy “Viết những gì bạn biết” (Write What You Know) sẽ  giúp bạn thành công. Và nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên đã làm được điều  này. Tập sách của chị quá hấp dẫn, lôi cuốn, tất cả các bài viết đều là  những câu chuyện thật chị biết, gặp, hay chứng kiến, được chị diễn tả rất  sống động, mạch lạc, kèm theo nhiều hình ảnh thật và cảm động vô  cùng. 

Nội dung Tuyển Tập HOA CỎ BÊN ĐƯỜNG rất đa dạng, phong  phú. Ngoài việc những nhân vật có tiếng tăm viết giới thiệu tác giả Kiều  Mỹ Duyên, như nhà văn Huy Phương, văn thi sĩ Chinh Nguyên, nhà báo  Mặc Lâm, và nhà báo Nguyễn Lệ Uyên, tuyển tập thể hiện một sự bao  gồm rộng lớn, sự quan tâm đối với xã hội về mọi mặt, mọi vấn đề, của  đất nước Hoa Kỳ, và thế giới, những bài phỏng vấn nóng hôi hổi quý vị  lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, từ quý Hòa Thượng, Thượng Tọa, đến  quý Đức Cha, Đức Hồng Y, ... và kể cả nhiều vị Tổng Thống, Mỹ, Nga,  ... cộng thêm nhiều bài viết chia sẻ, những băn khoăn, trăn trở, buồn đau,  của tác giả mỗi chuyến đi làm từ thiện, hay khi nghe tin người quen, bạn  bè xa lìa cõi thế. 



Tôi thật thích thú lẫn ngưỡng mộ, khi đọc những bài nữ ký giả viết  tường thuật về các chuyến đi phỏng vấn những nhân vật quan trọng. Hãy  nghe chị kể lại, “Nhờ làm nghề truyền thông mà tôi được nhiều cơ hội  gặp mọi người, từ anh lính đến Đại Tướng, từ người dân đến Tổng  Thống, từ một người giáo dân đến Đức Cha chủ tịch Hội Đồng giám  mục Hoa Kỳ, Đức Cha chủ tịch Hội Đồng giám mục Việt Nam....Tôi  phỏng vấn nhiều nhân vật quan trọng trên thế giới và tôi được cử làm  phóng sự, thuyết trình, gồm có: Tổng Thống Gerald Rudolph Ford, bộ  trưởng Elizabeth Dole, Tổng Thống Nga Mikhail Sergeyevich  Gorbachev. Tổng Thống Nga nói sở dĩ nước Nga có tự do, nhờ ông và Tổng Thống George W. Bush làm việc ròng rã suốt 10 năm...” (TT  KMD, tr.84-85) 

Tôi tâm đắc nhất là cái câu chị Kiều Mỹ Duyên hỏi tống thống Nga  Gorbachev, và câu trả lời của ông, “- Thưa Tổng Thống, bao giờ Việt  Nam có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền thật sự?” “Tổng Thống  Nga trả lời: - Bao giờ Trung Quốc có Tự Do thì Việt Nam có tự do.”  (TT KMD, tr.87). Đúng là tổng thống Nga Gorbachev đã “đi guốc”  trong bụng chính phủ Việt Nam hiện tại. Biết đến bao giờ đất nước mình  mới “thoát Trung” được như người dân hằng mong ước đây? 

Tôi cũng thích những bài phỏng vấn của nữ ký giả Kiều Mỹ  Duyên; tôi cảm động khi đọc bài “Hội Nghị Copenhagen, Đan Mạch: Vì  Nhân Quyền Việt Nam”; tôi xúc động khi đọc các bài tường thuật về  những buổi đi làm từ thiện của tác giả, như, “Một Chuyến Đi Ngậm  Ngùi”; và tôi rơi lệ vì những bài chị viết để tưởng niệm những người quá  vãn có công lớn với cộng đồng, như “Người Đã Đi Nhưng Người Vẫn  Ở Bên Ta: Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn...”. Và còn nhiều, nhiều  lắm, những bài viết xúc động khác. 

Vài bài viết ở cuối Tuyển Tập càng khiến cho người đọc cảm nhận được cái tâm lành, cái tư chất thiện lương của nữ ký giả Kiều Mỹ  Duyên. Trong “Hãy Cho Nhau Tiếng Cười,” tác giả đã trải lòng mình  cùng với vạn vật, với nhân sinh. Kính mời quý vị hãy cùng tôi đọc một  đoạn sau đây để hiểu được tâm tư vị tác giả đầy lòng nhân ái, “Hãy cho  nhau nụ cười, cho nhau tiếng cười.... Yêu người, yêu đời qua tiếng cười.  Hãy yêu thương, lòng rộng mở, tiếng cười của mình sẽ hồn nhiên hơn,  giòn giã hơn. Tôi yêu tiếng cười của trẻ thơ khắp nơi, nhất là các em  trong viện mồ côi. Hãy ôm chặt các em trong tay với trái tim nồng nàn,  chúng ta sẽ tìm thấy tình người trong vòng tay ấm áp của mình. Hãy  nắm chặt tay người già trong viện dưỡng lão, chúng ta sẽ cảm nhận  được người cần người dù trong chốc lát...” (TT KMD, tr. 434) 

Và cái thông điệp tác giả Kiều Mỹ Duyên chuyển tải đến độc giả  trong bài viết cuối cùng, “Lạc Quan, Yêu Người, Yêu Đời Mà Sống” đã khiến cho lòng tôi thật thanh thản, nhẹ nhàng sau khi đọc những câu  chuyện về sự mất mát, sự ra đi của những người tác giả thân quen.  “Sống lạc quan, đời sống sẽ đẹp hơn. Hãy yêu thương, yêu người, yêu  đời, yêu thiên nhiên, yêu tiếng chim hót líu lo trong vườn buối sáng, yêu  những cành đào, cành mai rung rinh trong gió thì lòng mình sẽ thanh  thản hơn, nhẹ nhàng hơn. Đâu phải giàu có mới hạnh phúc.” (TT KMD,  tr. 459) 

Tóm lại, “Tuyển Tập KIỀU MỸ DUYÊN - HOA CỎ BÊN  ĐƯỜNG” của nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên là một tác phẩm có thể gọi là  “để đời” cho chính tác giả, và để “lưu cho hậu thế” đối với những thế hệ  nối tiếp con cháu người Việt Nam chúng ta nơi hải ngoại. Không thể nào  diễn tả hết ý nghĩa của tác phẩm độc đáo đầy giá trị này trong chỉ vài  trang ngắn ngủi. Phải đọc hết, mới thấy hết, mới cảm hết.  

Xin kính trân trọng giới thiệu Tuyển Tập KIỀU MỸ DUYÊN đến  với độc giả gần xa. 

California, Tháng Tư, 2021 

Phương Hoa 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tác phẩm Thế Sự Thăng Trầm của Trần Bảo Anh, dày 280 trang, gồm các bài viết: Đẹp & Xấu, Thời Gian Hiện Tượng & Sự Tái Diễn, Từ Chối, Ngô Văn Định Lữ Đoàn Trưởng LĐ 258 TQLC, Chiến Thắng Phượng Hoàng, Ảnh Hưởng Của Lời Nói, Nói Chuyện Anh Hùng, Tôi & Ý Trời, Những Chuyện Can Đảm Cổ Kim, Cách Suy Nghĩ Của Một Người Công Chức, Lương Tâm & Lòng Tận Tụy, Bằng Trời Bằng Bể, Yêu & Rất Yêu, Đang Ở Nơi Khác, Đắc Thế Thất Thế & Tư Cách…
Vì là lớn tuổi mà phải lu bu với nhiều công việc không tên hàng ngày cho nên tôi ít có thì giờ đọc sách. Vậy mà tôi đã dành ra nhiều ngày liên tục để say sưa đọc từ đầu chí cuối tập truyện Trọn Đời Yêu Thương của anh Duy Nhân tặng cho tôi hồi đầu Xuân Quý Mão...
Tôi rất phục những người viết sách, in sách, nhất là những nhà văn định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi lần cầm quyển sách trên tay, tôi rất cảm phục tác giả đã chịu khó viết văn. Khi tôi cầm quyển sách "Thiền Tập Với Pháp Ấn" của Cư sĩ, nhà văn Nguyên Giác, nhà xuất bản Ananda Viet Foundation, Tâm Diệu, một Phật tử đã học ở Cal State Fullerton, trình bày, điều đầu tiên tôi tự nhủ: hình bìa đẹp quá, màu sắc nổi bật, Phật đang ngồi thiền trên tòa sen...
“… Đêm qua trăng mọc trên đồi / thấy tâm tịch lặng không người, không ta / ai hỏi thì nhấc cành hoa / thấy gì, được thấy, đều xa muôn trùng …” (bài thơ “Như nắng tà huy” của Cư sĩ Nguyên Giác viết tặng “quý tôn túc Đỗ Hồng Ngọc, Trần Tuấn Mẫn, Nguyên Cẩn, và pháp huynh HT Minh Diệu Nguyễn Thế Đăng,”)
"Các bài viết nơi đây hầu hết là trích từ Kinh Phật, ghi lại trong nỗ lực hoằng pháp để rủ nhau tu học. Người viết không bao giờ tự nhận là giáo sư, giảng sư, thầy dạy hay bậc đàn anh trong đạo.Trong khi những chữ này được gõ lên nơi đây, chỉ là do duyên mà hiện lên. Người viết luôn nhớ lời Đức Phật dạy rằng không hề có ai đang gõ, cũng như chỉ có những dòng chữ đang được đọc, và không hề có ai đang đọc. Người viết luôn luôn viết trong trong tinh thần như thế, trong khi trích lời Phật và ý Tổ để chia sẻ, và để mời gọi nhau cùng bước sang bờ bên kia." Đó là Lời Thưa của tác giả Nguyên Giác về cuốn Thiền Tập Với Pháp Ấn.
Sách Thiền Tập với Pháp Ấn dày 460 trang gồm 27 chương do Ananda Viet Foundation ở California vừa xuất bản mà tác giả gửi biếu tôi bản đầu tiên. Đây là cuốn sách thứ bảy biên khảo về Thiền của cư sĩ Nguyên Giác...
Khi nhận được sách của tác giả Cù Mai Công gửi tặng, nhìn mấy hình trên bìa là một trời ký ức lại ùa về vì tôi đã được sinh ra và đã lớn lên ở vùng đất có tên Ngã ba Ông Tạ...
“Trọn Đời Yêu Thương” là tuyển tập gồm có 36 truyện ngắn, cũng là tập truyện thứ tư của nhà văn Duy Nhân. Như trong lời tựa, Duy Nhân đã nhắc nhở “cây có gốc mới nở cành xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Tư tưởng này đã quán xuyến xuyên suốt 36 truyện ngắn của tập truyện Trọn Đời Yêu Thương...
Đọc Tập truyện và Tản văn “Chỉ có con đường đó mà thôi” của Tiểu Lục Thần Phong, do NXB Ananda Viet Foundation ấn hành cuối năm 2022)...
Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người. O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy. Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm.