Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

"Người Trở Lại" của Phạm Xuân Tích Có Phải Là Một Truyện Dài Không?

29/03/202110:15:00(Xem: 1586)

Nguoi Tro Lai


Bạn Tích thân mến,

Cám ơn bạn đã có nhã ý gửi tặng tôi truyện dài “Người Trở Lại” của bạn vừa xuất bản năm nay (2020), một cuốn truyện được trình bày trang nhã, hơn nữa lại được xuất bản vào một năm đen tối của toàn thế giới đang quằn quại dưới lưỡi hái của tử thần Covid-19. Tác giả nào ra mắt được một cuốn sách trong thời kỳ khốc liệt này là một cố gắng vượt bực.

Như vậy là bạn đã hoàn thành được 4 cuốn truyện dài: “Chân Trời Tan Hợp”, “Chỉ Một Lần Sống”, “Đường Về Siêu Thoát” và “Người Trở Lại”. Với một người hoạt động trong mọi lãnh vực văn, thơ, nhạc, hội họa v.v… thì viết được bốn truyện dài quả đã là một nỗ lực đáng phục.

Năm 2014, tôi đã hân hạnh được viết những cảm nghĩ của tôi về cuốn truyện “Chân Trời Tan Hợp” của bạn. Riêng hai cuốn tiếp theo là “Chỉ Một Lần Sống”, “Đường Về Siêu Thoát” thì tôi nghĩ đã có vài người đưa ra những nhân xét đầy đủ rồi, nên tôi chỉ gửi đến bạn lời cảm ơn và vài hàng chia sẻ ngắn gọn sau khi đọc hai cuốn đó. 

Lần này, có thời gian hơn, tôi đọc và gửi đến bạn những nhận định chân thành của tôi về cuốn truyện “Người Trở Lại” của bạn. Tôi xin phép bạn được viết như một độc giả thông thường viết gửi tác giả sau khi đọc được tác phẩm, tác phẩm mà tôi thấy ông Đào Như đã điểm trên Việt Báo online và giữ trên mặt báo một thời gian rất lâu. 

Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là cuốn sách “truyện dài” của bạn sao mỏng quá. Trong 176 trang của cuốn sách thì truyện của bạn chỉ vỏn vẹn gói trong 120 trang,  mà trang dài nhất cũng chỉ có khoảng 25 hàng chữ với khổ chữ to mà mỗi hàng chứa được 10 đến 12 từ là cùng. Phần còn lại là 2 phụ lục giới thiệu hình ảnh sinh hoạt văn nghệ đa dạng của bạn và các bài góp ý, giới thiệu  của những vị có tên tuổi như cựu bộ trưởng bộ giáo dục Ngô Khắc Tĩnh, cựu ngoại trưởng Vương văn Bắc v.v…

Nhưng không sao, dài hay ngắn không quan trọng, tôi nghĩ là phải đọc ngay nội dung cuốn truyện với tựa đề hấp dẫn “Người Trở Lại”. Tôi tự hỏi, “ai trở lại?”  “trở lại đâu?, trở lại với ai?, với những gì?” 

Nhưng trước khi đi vào nội dung của truyện, tôi thấy có hai phần : “Lời Mở”, “Thay Lời Kết”. Tôi vội đọc hai phần này trước. 

Trong “Lời Mở”, tôi ghi được đoạn cuối như sau: “ Trong các trang kế tiếp dưới đây, với tất cả niềm chân thành, tôi muốn được sống lại và gìn giữ đôi chút kỷ niệm, dù lớn hay nhỏ, đã từng gây ấn tượng trong tâm thức, dẫu có những khoảng trống của thời gian và không gian, vô tình hoặc hữu ý, nhưng trên cơ bản, vẫn luôn luôn hòa nhập trong niềm ước vọng miên viễn cùng sự dấn thân của mình

Trong phần “Thay Lời Kết”, tôi chọn đoạn liên quan đến sự “Trở Lại”: “Cho nên, khi viết những dòng chữ này, tôi cũng muốn nhân đây, nói rõ hơn về tiêu đề “Người Trở Lại”. “Trở Lại” không phải để tiếc nuối hay thở than, trở lại cũng không phải để buồn phiền hay trách móc. Không, trở lại như một cái nhìn về quá khứ, để suy tư với tất cả sự bình an của tâm hồn”.

Đọc xong hai phần này, tôi tự hỏi: “ Như vậy, nội dung của truyện này là gì? nhân vật chính là ai? Cách xây dựng truyện dài này ra sao, theo lối cổ điển hay có gì mới như trường phái tân tiểu thuyết không?

Tôi nhận thấy truyện của tác giả có 5 chương. Tôi xin đi vào nội dung của mỗi chương:


Chương Một: Cũng Chuyện Vượt Biên

Khung cảnh: một quán cà phê có thể nhìn được Nhà Thờ Notre Dame de Paris ở thủ đô nước Pháp, với tách cà phê nóng hòa quyện với khói thuốc xanh thơm ngào ngạt đang lan tỏa từ chiếc pipe của nhân vật Paul.

Nhân vật: Tác giả và một thanh niên tên Paul, nhưng đọc thì lại thấy Paul chính là tác giả Phạm Xuân Tích

Nội dung: Câu chuyện xoay quanh chuyện vượt biên của Paul, đúng hơn là chuyện dinh tê của gia đình tác giả từ vùng Việt Minh về vùng Quốc Gia trước năm 1954. Chuyện vượt biên này quá dễ dàng, không trở ngại, khó khăn gì mà kỷ niệm chính của tác giả là được ăn no nê súc cù là tây.

Những câu đáng ghi nhớ: Tôi chưa vượt biên nhưng lòng tôi đã vượt biên rồi trong khi nhiều người khác dù đã tới được nước ngoài nhưng trong lòng vẫn chưa hề vượt biên!

- Một viễn du ngàn dặm khởi đầu bằng một bước đi…Một đại dương bắt đầu bằng con suối nhỏ, một tài sản lớn bắt đầu bằng một đồng xu, và tình yêu sâu thẳm nhiều khi chỉ bắt đầu bằng ánh mắt, nụ cười.


Chương Hai: Bên Sườn Dốc Tâm Linh

Khung cảnh Nhân vật, Nội dung: 2.1: Phòng ăn của một ngôi nhà sang trọng ở Quận 11 Paris, nhân vật chính là tác giả và người viết cuốn “Hoa Xuyên Tuyết”, tức cựu đại tá Việt Cộng Bùi Tín, bút hiệu Thành Tín, cựu phó tổng biên tập báo Nhân Dân. Tác giả được xếp ngồi cạnh với nhà báo Bùi Tín và câu chuyện xoay quanh qua tiếng “Bác” mà ông Hồ tự xưng với nhân dân. Theo tác giả thì ông Bùi Tín dùng chữ “hỗn” để nói về ông Hồ khi ông Hồ tự xưng mình như vậy với dân chúng. Tôi không biết chữ “hỗn” mà tác giả cho là ông Bùi Tín đã nói trong buổi tiệc có chính xác không, nhưng trong chương 5 của tập hồi ký này tôi thấy ông Bùi Tín chỉ dùng hai chữ “không ổn” thôi, không dùng chữ “hỗn”. Ông Bùi Tín viết: “ Ngay cả nhiều lúc ông Hồ tự xưng là Bác với nhân dân cũng có gì đó không ổn – Xưng bác với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thì có thể được. Nhưng khi nói chuyện với nhân dân nói chung mà tự xưng là Bác thì không nên, vì trong nhân dân có những cụ già còn lớn tuổi hơn. Năm 1945, ông Hồ mới 55 tuổi mà đã tự nhận là ‘cha già dân tộc’ ”. Tác giả nhấn mạnh đến sự nhiệt thành, can đảm, dấn thân của ông Bùi Tín để bảo vệ quan điểm và những ước vọng riêng biệt của mình.

Riêng tôi, khi đọc phần này, tôi tiếc là tác giả không đào sâu câu chuyện trao đổi của tác giả với ông Bùi Tín. Chẳng nhẽ suốt bữa ăn chỉ xoay quanh chữ “Bác” của ông Hồ.

2.2: Lại là một nhà hàng thanh lịch đối diện với công trường Nation của quận 12 Paris. Tác giả trò chuyện với một phụ nữ tuổi trung niên bên tách cà phê nóng trong một khung cảnh ấm áp, ấm áp như nụ cười hiền hòa của người phụ nữ trước mặt, người phụ nữ mà tác giả mô tả ở vào tuổi “chín mọng, lứa tuổi không còn có những dè dặt quá thận trọng đắn đo, lứa tuổi biết rõ mình muốn gì, thích gì và có thể làm gì” Hơn nữa lại có chút đam mê, thách đố. Tác giả ngồi ngắm và nghe nàng, một cựu nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam, đã từng đi nhiều nơi, có vai vế, hóm hỉnh kể lại cho tác giả những chuyện vui của “xã hội chủ nghĩa” để tác giả tìm hiểu thêm khía cạnh những con người mà chúng ta gọi là “cộng sản”.

Theo tôi thì cô bạn gái mới này của tác giả có đem lại một chút thú vị về “xã hội chủ nghĩa”, chuyện lời giới thiệu viết trên tờ bao thuốc lá, chuyện cô ta bị giật đồ và được ông xếp viết giấy cho các “chiến hữu” và các “chiến hữu cướp giật” ấy trả lại ngay cho khổ chủ; tiếp theo là chuyện con cái có chức phận cao mà để bố mẹ ờ garage nhà mình khiến cô gái nổi trận lôi đình, quyết làm cho ra nhẽ để bọn đó mất chức v.v…và cả chuyện ông anh họ của tác giả từ ngoài Bắc vào khuyên một văn sĩ miền Nam cố “chuồn” đi sau khi VC chiếm miền Nam v.v… Nhưng nói chung những chuyện này cũng không có gì là độc đáo so với những chuyện thâm cung bí sử trong triều đình nhà nước cộng sản Việt Nam mà chúng ta đã được nghe kể lại trong các tập hồi ký của các cán bộ cựu đảng viên cộng sản, thí dụ như cuốn hồi ký của giáo sư và nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh hay những truyện ngắn trần trụi của Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn nổi tiếng vừa qua đời. Đáng ghi nhớ có lẽ là đoạn tác giả tả về cô gái trong đoạn văn sau đây: “ Người phụ nữ trẻ đập nhè nhẹ bàn tay trên tay tôi. Những ngón tay của nàng đầy đặn, ấm áp, tràn đầy sức sống, và nụ cười luôn nở trên môi, với ánh mắt nhìn thẳng thắn, dù luôn thoáng chút lạnh lẽo tiềm ẩn, có lẽ do dư âm lâu dài của môi trường sống tương ứng chăng?” Nhìn ngắm những ngón tay ấm áp và nụ cười, ánh mắt của cô gái này chắc còn thú vị hơn những chuyện cô ta kể.

Thật sự đọc hết chương này tôi vẫn chưa thấu triệt được ý nghĩa của cái “ Hai Sườn Dốc Tâm Linh” mà tác giả đề cập đến. Tâm linh của tác giả và của ông Bùi Tín, hay của tác giả đối với tâm linh của người phụ nữ có “ khuôn mặt bầu bình, ánh mắt tinh anh, và nụ cười rộng mở như pha chút vẻ liều lĩnh, thách đố”?


Chương ba: Một Niềm Vui Nhỏ

Khung cảnh Nhân vật, Nội dung: 3.1: Tác giả đề cập đến chuyện mình mới đặt chân lên đất Pháp, khi tuổi đã tứ thập “nhi bất hoặc”, nhưng vẫn muốn tìm cho mình một cái gì “mới”, dù có thể là cũ cho người khác, nhưng vẫn là một điều gì đó khác lạ, đem lại “nỗi vui bừng nở trong tâm hồn” của tác giả.

3.2: Sự kiện mới này là việc ra mắt cuốn sách đầu tay của tác giả tại Paris, cuốn “Tuyển Tập Kịch Thơ Hoa Vàng Cũ”. Trong chương này chúng ta có thể khám phá con người của giáo sư Phạm Xuân Tích, học vị của ông, thân thế gia đình, những chức vụ ông đã đảm nhận, những năm tháng khởi sự công việc viết lách, sự giao tiếp rộng rãi, lịch thiệp của ông với những nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng VN ở Paris và công việc ấn loát tác phẩm của ông cũng như việc sửa soạn cho buổi ra mắt sách. Tác giả kết luận đoạn này như sau: “Việc tổ chức buổi ra mắt sách này, như tôi đã nói, nếu được tường thuật một cách đầy đủ, có lẽ có thể giúp ích được cho những ai, nhất là giới trẻ, hiện đang có ý định ra mắt cuốn sách đầu tay của mình, có thêm được một vài ý kiến bổ túc hữu ích nào đó chăng?”

3.3: Phần này dành cho việc tường thuật chi tiết buổi ra mắt cuốn tuyển tập “Hoa Vàng Cũ” vào ngày Chủ Nhật 09 tháng 04 năm 1995 tại Hội Trường thuộc Quận 16 Paris, với sự góp sức và tham dự của rất nhiều nhân vật tên tuổi trong cộng đồng người Việt tại Thủ Đô Ánh Sáng, nổi bật nhất là bài phát biểu của luật sư Vương Văn Bắc, cựu ngoại trưởng VNCH đã “phân tích các sắc thái về thi phong, tình tiết và ý nghĩa của các vở kịch. Ông chia sẻ về những ưu tư và thao thức của tác giả về những giá trị truyền thống của nhân sinh xuyên qua các hình tượng nhân vật lịch sử, giữa thời đại mà các giá trị căn bản của con người đang cần được đặt lại trên quê hương” (Trích Thế Kỷ 21 số báo tháng 5, 1995)

3.4: Tiếp theo là chuyện ra mắt sách trên tại California, Hoa Kỳ vào ngày thứ Bảy, 17 tháng 6 năm 1995 tại hội trường Nhật Báo Người Việt với sự ủng hộ tích cực của giáo sư Nguyễn Đình Cường, tổng thư ký “Hội Cựu Giáo Chức VN Tại Hải Ngoại vào thời đó cùng phu nhân, cũng như ông Lê Đình Điểu, chủ bút tờ nhật báo Người Việt. Tuy số người tham dự không đông, nhưng buổi ra mắt sách được tổ chức trang trọng với sự có mặt của vài vị có tên tuổi trong sinh hoạt văn học nghệ thuật tại quận Cam như giáo sư Nguyễn Sỹ Tế, giáo sư Lê Trung Khảo v.v… Giáo sư Nguyễn Sỹ Tế đã đưa ra nhận định như sau: “Chúng ta cũng không nghĩ rằng sẽ tìm được những lời thơ trác tuyệt của các bậc đàn anh của chúng ta như Hoàng Cầm hay Vũ Hoàng Chương, nhưng chúng ta bắt gặp được cái gì quý hơn. Đó là hương thơm toát ra từ những đóa hoa chân thật, những bông hoa mộc mạc,những bông hoa dân tộc.”


Chương 4: Vài Thứ Vui Nho Nhỏ Khác.

4.1: Đây là một chương khá lý thú. Tác giả Phạm Xuân Tích, trong việc tìm những cái mới lạ ở xứ Phú Lăng Xa, bây giờ lại đưa chúng ta vào một thế giới mới ở Paris, thế giới của những chú ngựa và các kỵ mã, nhất là các nữ kỵ mã. Lần nảy, tác giả bỏ chuyện văn chương, chữ nghĩa để biến thành một ngự lâm quân, một “mousquetaire”, tập sự làm một anh chàng d’Artagnan với việc luyện tập cưỡi ngựa trong vòng 6 tháng cùng các nữ huấn luyện viên cao lớn, lực lưỡng và những con ngựa màu trắng dễ bảo hay những con ngựa màu xám khá bướng bỉnh, có thể đá văng các kỵ sĩ ra xa hàng chục thước. Chúng ta cũng phải gật đầu thán phục tác giả đã tìm được một niềm vui khác lạ, không nhỏ mà có lẽ nhiều người Việt sinh sống lâu năm tại Pháp chưa chắc kinh qua, trải nghiệm. Người đọc phải cúi đầu, ngả rạp mũ chào tác giả kiểu các ngự lâm quân thời vua Louis thứ XIV.

4.2: Bây giờ xin độc giả theo chân văn sĩ Phạm Xuân Tích vào một thế giới “niềm vui nhỏ khác”. Quý vị thử đoán xem, ngoài việc trò chuyện tìm hiểu xã hội chủ nghĩa với cô bắc kỳ không nho nhỏ, tuổi trung niên, nhưng tràn đầy sức sống, ngoài chuyện viết kịch, cưỡi ngựa thì tác giả làm thêm chuyện gì nữa? Thưa quý vị, tác giả nhảy vào địa hạt âm nhạc và bắt đầu tập sử dụng một số nhạc khí như clarinette, rồi vì thổi clarinette có nhiều rắc rối như quấy rầy hàng xóm, phải lau kèn v.v… nên tác giả đổi sang học kéo violoncelle, một nhạc cụ mà nếu quý vị đã nghe Mstislav Rostropovich, Pablo Casals, Jacqueline du Pré, Yo Yo Ma và sau này Stjepan Hauser thì thấy âm thanh của chiếc trung hồ cầm mới quyến rũ tuyệt vời làm sao. Quý độc giả cử mở cuốn sách ở trang cuối, trang 172 thì sẽ thấy hình tác giả Phạm Xuân Tích chụp đang chơi violoncelle một cách trịnh trọng qua ống kính của nhiệp ảnh gia Arno Lévène thu hình vào năm 2008. Thật đáng ngưỡng phục, nhất là tác giả đã bỏ ra một số tiền khá lớn để sắm 2 cây đàn violoncelle và miệt mài học chơi ròng rã gần 8 năm để có thể chơi vài đoạn trong 6 trường khúc dành cho viloncelle của Bach, mà chỉ những tay chơi cello có hạng mới dám tập và trình tấu. Độc giả cứ vào youtube đánh “ Bach, Cello Suite” thì thấy các nhạc sĩ tên tuổi trình tấu những trường khúc này. Rồi tác giả lại còn nhảy vào tập piano 2 năm nữa. Chapeau bas cho nhạc sĩ Phạm Xuân Tích nhất là ông lại rước vào nhà một cái piano Yamaha mà tôi biết chắc đã chiếm một chỗ không nhỏ trong các căn hộ chật hẹp ở Paris. Suốt bao năm học nhạc, cuối cùng tác giả đã soạn một ca khúc có tên “Theo Cánh Chim Trời”, tự hòa âm, được giáo sư âm nhạc người Pháp khen hay, và quý vị có thể tìm thấy score bản nhạc ở trang 162-163.

4.3: Những niềm vui nhỏ vẫn chưa chấm dứt thưa quý vị. Với giáo sư Phạm Xuân Tích, lãnh vực nào cũng là một khám phá mới để tìm hiểu và học hỏi cặn kẽ. Sau khi nhảy vào lãnh vực âm nhạc với Bach, Mozart, Beethoven v.v… thì lần này ông lại muốn đi vào thế giới đường nét, sắc màu với Van Gogh, Renoir, Monet, Degas … Tình cờ gặp được họa sư Duclos, một họa sĩ nổi tiếng và là thầy dạy vẽ, tác giả xin học hội họa, và sau khi thử tài vẽ của tác giả, ông Duclos đã nhận kịch tác gia và nhạc sĩ của chúng ta làm học viên và hướng dẫn  kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu cho tác giả. Ròng rã học vẽ 2 năm trời,  tác giả đã để lại nhiều họa phẩm giá trị như “ Khu Phố Cổ Annecy, France”. “ Cây Cẩu Tình Yêu, Annecy, France”, “ La Rochelle, France”, “ Cẩu Wilson, Tours, France”, Kênh Đào Nhỏ, Bruges, Belgique” v.v.. được trưng bày trong vài cuộc triển lãm. Phạm Xuân Tích còn là một họa sĩ đã từng đoạt giải hội họa danh giá của Pháp Prix Peinture de La Ville de Bourget-Paris năm 2018 với bức tranh Le Canal de Saint Martin-Paris. 

Một số tranh nổi tiếng khác đã được tác giả cho in lại ở trang 145 trong cuốn “Người Trở Lại”. Tôi nghĩ đây là một lãnh vực mà họa sĩ Phạm Xuân Tích đã gặt hái nhiều thành công với những đề tài về thiên nhiên, thắng cảnh thể hiện những đường nét, các gam màu sắc khởi sắc. Hơn thế nữa, tác giả còn đưa ra một đường lối vẽ tranh riêng biệt của mình được đặt tên là “Trường Phái Ấn Tượng Tình Cảm” với một tuyên ngôn như sau: “ Đây là một phương pháp sáng tạo họa phẩm, trong khuôn khổ của trường phái Ấn Tượng cổ điển, nhưng với những nét chấm phá cuối cùng với những màu sắc đặc biệt để truyền đạt vào tác phẩm mối tình cảm sâu đậm của người họa sĩ trong giây phút chót của việc hoàn thành tác phẩm”. Đường lối hay cách vẽ này, đúng hơn cách dùng màu sắc thì tác giả tự nghĩ và giữ trong lòng mình khi cầm cọ, không cần và tránh thảo luận, phân tích với bất kỳ ai. 

Một lần nữa, lại phải ngả mũ chào họa sĩ Phạm Xuân Tích. Tuy nhiên nếu trong phần này tác giả chọn  một họa phẩm của mình rồi chỉ cho người xem những nét chấm phá cuối cùng của lối họa Ấn Tượng Tình Cảm thì người thưởng ngoạn mới có thể hiểu thấu triệt được phương pháp hội họa này và những nét chấm phá, màu sắc đặc biệt của nó khác với các bức tranh của các họa sư ra sao..


Chương 5: Hai Nửa Đường Đời.

Chương 5 có ba tiểu đoạn. Tôi nghĩ khi đặt tên “Hai Nửa Đường Đời” là tác giả muốn “Trở Về” nhìn lại cuộc sống của mình, nhất là trong 40 năm sống tại xứ người, Nhìn lại thì thấy một nửa quá dài khoảng 30 nâm là mình sống như bao con người khác, vật lộn với cuộc sống để sinh tồn, dù có những lúc mơ mộng, muốn nổi loạn, nhưng rồi cũng phải chấp nhận, buông xuôi, sống “không dấu ấn, không thiết tha”.  Nửa đường đời còn lại khoảng chừng mươi năm là thực sự sống cho mình, hay cho người theo nghĩa phục vụ xã hội, đáp lại phần nào những ước muốn. mong mỏi của mình với những chất liệu đặc biệt của tâm hồn, trí óc, con tim của tác giả.

Và tác giả kết thúc chương cuối với một bài thơ viết năm 2015, và đây là những câu mở đầu:

Tuổi trắng tóc bạc, tuổi vàng nhung nhớ

Thời gian qua mau, cuộc sống muôn màu

Mây vẫn bay đi, gió chẳng đợi chờ

Soi bóng tìm xem nơi hồn ẩn náu

Rồi, bàn chuyện xa gần, tác giả thấy thế giới, đất nước sao bây giờ tung nhiều chuyện hỏa mù chẳng đáng tin cậy, chẳng đáng thảo luận chia sẻ với ai. Tác giả đưa ra một thái độ: “Cho nên ngồi buồn nói với đầu gối” và nhận ra rằng 

Thiên hạ ngu cả, sao thức mình ta

Thiên hạ say cả, ta nhai cả bã

A ha, như vậy là khi “Trở Về”, khi nhìn lại con đường đã đi qua, tác giả đã hãnh diện thấy riêng mình minh mẫn, tỉnh thức, và tìm ra nguyên lý “nói chuyện với đầu gối” :

“Nói chuyện với đầu gối là một phương cách thích nghi trong giới hạn của những không gian tương ứng, biểu rõ tinh thần ‘không tin’, không tin về những điều đã được nghe, và về những vỏ bọc hỏa mù của các sự thật bị che dấu.”

Rồi “Người Trở Lại” kết luận: “Nói chung, giữa trời đất trắng đen, mình quay lại với tâm thức của chính mình, độc hành kỳ đạo, và không khuất phục. Nghe tuy ngậm ngùi, và thoáng chút bi phẫn, nhưng dù sao mình sẽ vẫn còn giữ lại được một chút gỉ cho tâm thức, dù phải nhẫn nại tới ven bờ vực của tư duy”

  Trở về đề bảo vệ cái riêng tư, đường lối sống, suy nghĩ, tư duy cá biệt của chính mình dù vẫn phải hòa nhập với thế giới thiên nhiên hay nhân sinh trong con người “tại thể và tại thế”

.

Ông Đào Như, người đã viết bài giới thiệu cuốn “Người Trở Lại” của Phạm Xuân Tích trên Việt Báo online cũng đưa ra nhận xét như sau:


Khi tôi nhân được tác phẩm NGƯỜI TRỞ LẠI, tôi có email cho tác giả: “Mình rất thích thú đọc “LỜI MỞ” của tập truyện”.  Chinh tác giả đã viết: “Sống cũng chính là hòa hợp với tha nhân, từ nẻo quê hương cho tới vùng xa xôi nhất cuối chân trời...Bởi lẽ dù phải chấp nhận một số điều kiện để có thể hòa nhập vào tập thể ,nhưng trên cơ bản, ước vọng riêng tư của mình  vẫn phải luôn có chỗ đứng và giữ được sự cá biệt trên đường dài...” 

Một nữ độc giả khác ở Canada cũng viết cho tác giả đoạn nhận xét này:

  Sau cùng, em cũng rất thích phần lời mở và lời kết của truyện.Tác giả đã giới thiệu hay bày tỏ niềm ao ước được sống lại trong niềm vui và tự hào của cá thể. Nhưng đôi lúc anh không khỏi ngậm ngùi và bi phẫn khi nhìn lại diễn biến của lịch sử trái ngược với hoài bão của mình như tâm trạng của anh đã được thể hiện qua bài thơ "Soi Bóng" trong truyện. Cho dù vậy anh đã đi đến kết luận là bản thân anh không thể thay đổi được tạo hóa hay lịch sử, chi bằng đón nhận nó trong khuôn khổ cá biệt. Anh đã tìm lại được niềm vui trong đau khổ, hạnh phúc trong bi kịch và cuối cùng là sự bình an trong tâm hồn. Khái niệm già hay hạnh phúc chỉ là tương đối, mình chỉ "già" khi mất đi ý chí trong tâm thức, và hạnh phúc do mình tự tạo, chỉ cần mình vui với những gì mình đang có đã là hạnh phúc rồi...


Như vậy là tôi đã tóm lược nội dung của cuốn “Người Trở Lại” của Phạm Xuân Tích, Tôi xin trở lại với câu hỏi chính của tôi. “Người Trở Lại” có phải là một truyện dài như ghi trên bìa cuốn sách không? 

Truyện dài là gì? Câu hỏi được nêu lên nhưng tôi nghĩ chắc mỗi người chúng ta đã có câu trả lời dễ dàng.

Chúng ta lấy định nghĩa thông thường nhất về tiểu thuyết như sau trong từ điển Wiki:

“Tiểu thuyết là thể loại văn xuôi có hư cấu, thông qua nhân vật, hoàn cảnh, sự việc để phản ánh bức tranh xã hội rộng lớn và nói về những vấn đề của cuộc sống con người. Tiểu thuyết mang tính tường thuật, kể chuyện bằng ngôn ngữ văn xuôi theo một chủ đề xác định. –

Dựa trên định nghĩa trên, chúng ta thấy truyện dài, theo cách viết cổ điển từ xưa, là một câu chuyện kể có thật hay hư cấu trong một hoàn cảnh hoặc vấn đề nào đó, với những nhân vật, tình tiết lôi cuốn khiến độc giả như sống lại một đoạn đời, đôi khi họ say mê tưởng mình như là một trong những nhân vật của cuốn truyện. Nhiều người nghĩ mình là Mai trong “Nửa Chừng Xuân” của Khái Hưng, hay là Loan, là Dũng trong “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh” v,v…Không cần phải là những tác phẩm lớn như Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoy, nhưng những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng khác của thế giới như “Ông Già Goriot của Balzac, Đỉnh Gió Hú của Emily Bronte, Bà Bovary của Flaubert hay Anh Em Nhà Karamazov của Dostoevsky… vẫn là những mẫu mực điển hình để làm ví dụ cho định nghĩa ở trên về truyện dài.

Như vậy, đối chiếu với định nghĩa trên, “Người Trở Lại” không có chuyện hiểu theo một diễn tiến sự việc và con người …Về nhân vật, ngoài tác giả Phạm Xuân Tích, thì vài nhân vật đã xuất hiện một cách mờ nhạt, câu chuyện chỉ là những kỷ niệm về sinh hoạt của tác giả trong những năm tháng ở đất Pháp, khung cảnh chỉ là những quán cà phê hay vài khu ở Paris, tình tiết không có gì đặc biệt, cũng không có xung đột giữa các nhân vật hay mang một chủ đề gì về con người nói chung và xã hội nói riêng.

Thật ra, truyện dài cũng có thể không cần dài lắm, nhân vật không nhiều, tình tiết ít như cuốn “Kẻ Xa Lạ” của Albert Camus, chi là chuyện kể của chính tác giả, nhưng vẫn phải là một chuyện kể với những xung đột, những chi tiết dẫn kết kết cục cuối cùng, tháo gỡ một mấu chốt, căng thẳng gì đó.

Nói rộng hơn nữa, cũng có thể không cần đến tình cảnh, câu chuyện, chi tiết, nhân vật như trường phái “Tân Tiểu Thuyết” của Pháp đưa ra ở thế kỷ trước với Natalie Sarraute, Alain-Robbe- Grillet và Michel Butor và Marguerite Duras, gạt bỏ nhân vật và tình tiết, gạt bỏ luôn sự phân tích tâm lý hay xã hội.

Nhưng trong truyện của phái tân tiểu thuyết này, trừ Alain Robbe Grillet, vẫn có một nội dung nhất định, có đối thoại, độc thoại và một cái nhìn về cuộc đời với một kỹ thuật viết về việc sử dụng ngôn ngữ.

“Người Trở Lại”  cũng không thật sự là một truyện ngắn, một hồi ký, một tap ghi, môt đoản thiên dù thoáng có chút pha trộn những kiểu viết trên. Truyện ngắn thì vẫn phải có “truyện” dù thu hẹp về tình tiết và nhân vật hơn truyện dài; hồi ký thì cũng phải ghi lại diễn tiến của cuộc sống một con người có thể theo thời gian hoặc không, phản ánh hoàn cảnh và thời đại sống của người đó; tap ghi thì ghi lại những nhận định khác nhau về mọi vấn đề trong cuộc sống, đoản thiên dù là ngắn nhưng vẫn phải có một nội dung nhất quán nào đó.

Như vậy, theo nhận định chủ quan của tôi, và như tôi đã viết ở trên, cuốn “Người Trở Lại” của tác giả Phạm Xuân Tích chỉ ghi lại một số kỷ niệm về sinh hoạt của tác giả trong thời gian ở Pháp từ chuyện trò với một nhân vật nữ, với ông Bùi Tín, tới việc ra mắt sách, rồi  kinh nghiệm học đánh kiếm, cưỡi ngựa, học nhạc và hội họa v.v…

Điểm son của tác phẩm là cho người đọc thấy sự hội nhập nhanh chóng của tác giả vào một môi trường mới, một đất nước mới, dù khi đến Pháp tác giả đã bước vào tuổi khá cao, tuổi tứ tuần..

Như vậy, theo thiển ý, tác giả có thể nên đề tựa cuốn sách, một cuốn tự truyện, như sau: “Người Trở Lại, Những Năm Tháng của Phạm Xuân Tích Tại Pháp Quốc”  hay: “Người Trở Lại, Hành Trình Tìm Về Chính Mình của Phạm Xuân Tích”

Với tựa đề trên thì hai phần phụ lục I ghi lại chút tư liệu về kịch thơ “Hoa Vàng Cũ” với những bài nhận định của ông Ngô Khắc Tĩnh và Vương Văn Bắc, và phụ lục II đưa ra các hình ảnh, tài liệu về sinh hoạt nghệ thuật của tác giả mới hợp lý và có ý nghĩa.

Những nhận định trên của tôi về cuốn truyện dài “Người Trở Lại” là những nhận định tuy chủ quan, nhưng chân thành của tôi về một tác giả, một người bạn mà tôi luôn khâm phục những cố gắng hội nhập của ông vào một đất nước mới, những nỗ lực để vươn lên, giữ lại bản sắc của mình qua những năm tháng vừa phải lo “cơm áo, gạo tiền”, nhưng vẫn lạc quan để tìm cho mình một hướng đi tốt đẹp. làm phong phú cuộc sống của mình qua những thử nghiệm trên nhiều lãnh vực, nhưng vẫn canh cánh suy tư về cuộc sống. con người và đất nước. Phải nhận cuộc sống đã ưu ái tác giả Phạm Xuân Tích nhiều, một con người lịch thiệp, quảng giao và tài hoa.

Một lần nữa, xin cảm ơn bạn Phạm Xuân Tích đã gửi cho tôi tác phẩm này. Xin chúc bạn có nhiều sức khỏe và sức sáng tác dồi dào để có thêm nhiều tác phẩm đáng ghi nhớ.

 

Thân mến,

Lại quốc Hùng 


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
03/10/202410:07:00
Nó mắng tôi, đánh tôi. Nó đã thắng tôi, đã cướp của tôi. Ai ôm hiềm hận ấy, thì hận thù sẽ không thể nguôi. Nó mắng tôi, đánh tôi. Nó đã thắng tôi, đã cướp của tôi. Không ôm hiềm hận ấy, thì hận thù sẽ được tự nguôi.
01/10/202410:28:00
Thật khó để tưởng tượng được một ứng cử viên không xứng đáng hơn Donald Trump để giữ chức tổng thống Hoa Kỳ. Ông ta đã chứng tỏ mình không phù hợp về mặt đạo đức cho một chức vụ đòi hỏi người nắm giữ nó đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân. Ông ta đã chứng tỏ tính khí thất thường của mình không phù hợp với vai trò đòi hỏi những phẩm chất — sự khôn ngoan, trung thực, đồng cảm, can đảm, kiềm chế, khiêm tốn, kỷ luật — ông ấy thiếu nhất. Ngoài những đặc điểm không đủ tiêu chuẩn đó còn có nhiều thứ khác làm hạn chế khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tổng thống: nhiều cáo buộc hình sự, tuổi cao, sự thiếu quan tâm cơ bản của ông đối với chính sách và toán cộng sự kỳ lạ của ông ta. Sự thật rõ ràng và gây chán nản này - Donald Trump không thích hợp làm tổng thống - là đủ cho bất kỳ cử tri nào quan tâm đến sức mạnh của đất nước và sự ổn định của nền dân chủ của chúng ta để từ chối việc ông tái đắc cử. Vì lý do này, bất chấp những bất đồng chính trị mà cử tri có
27/09/202400:00:00
Việc Donald Trump được gần phân nửa người Mỹ chấp nhận và ủng hộ trong những năm gần đây đã khiến nhiều người trí thức trong xã hội Hoa Kỳ đặt câu hỏi về sự tồn tại của “human decency”, hay dịch nôm na là “sự đàng hoàng, sự tử tế, đạo đức nhân tính của con người”. Liệu xã hội ngày nay đã hạ thấp chuẩn mực “đàng hoàng”, hay có thể nào sự đàng hoàng, tử tế giờ đây không còn là một nhân tính cần thiết trong giá trị nhân bản? Dĩ nhiên trong mỗi xã hội, mỗi người có mỗi “thước đo” riêng về mức độ của “đàng hoàng”, nhưng từ ngữ tự nó phải phần nào nói lên một chuẩn mực nhất định. Theo một số tự điển tiếng Việt, chúng ta có thể đồng ý rằng: 1. Đàng hoàng là một tính từ tiếng Việt mô tả cuộc sống đầy đủ, đáp ứng được các nhu cầu chung của xã hội. Ví dụ: cuộc sống đàng hoàng, công việc đàng hoàng, nhà cửa đàng hoàng. 2. Đàng hoàng còn được dùng để chỉ những biểu hiện về tính cách mẫu mực, hay tư cách con người tử tế đáng được coi trọng.
27/09/202400:00:00
Bốn năm trước tôi đã viết một loạt bài có tựa đề: Tiếng Nói Cử Tri 1.2-3-4... đăng trên Việt Báo. Kẻ bênh người chống, có đến mấy trăm cái còm dài vô cùng tận. Ngày TT Biden nhậm chức mới hết chuyện. Tôi đã định không viết về những đề tài liên quan đến việc bầu cử năm nay. Nhưng sau khi nghe bà "Có Nụ Cười Xấu" (lời của ai đó) nói hay quá, tôi đã "lỡ tay" viết vài dòng khen. Chỉ bấy nhiêu thôi mà đất bằng dậy sóng. Thậm chí bài sau tôi viết về hai nhân vật: ƯCV tổng thống và phó TT đại diện cho đảng DC. Khen họ từ hai gia đình nghèo, chiến đấu vươn lên qua những chặng đường khó khăn, để hôm nay cơ hội đến, được đảng đề cử (và đang có cơ hội 45% trở thành TT thứ 47 Hoa Kỳ). Một bài viết với mục đích giới thiệu với con cháu và các bạn trẻ VN: Hãy có một ước mơ, có ý chí vươn lên... Tất có ngày sẽ thành công ở đất nước nhiều cơ hội này.
22/09/202408:47:00
Mới đây tác giả đã viết lại câu chuyện mối tình đầu tan vỡ của chị nữ tu Theresa mà đã được Nhà Dòng của chị ở VN cho phép chị ra ngoài lập gia đình với một người đàn ông độc thân ngoan đạo. Nhưng ông này thuộc hạng người keo kiệt, bủn xỉn, bần tiện đếm lu nước mắm tính củ dưa hành, chỉ biết yêu tiền trên hết mọi sự không biết thương yêu vợ.
20/09/202400:14:00
Sự trỗi dậy của những nhóm cực hữu đang làm sống lại làn sóng kỳ thị chủng tộc, một căn bệnh trầm kha chưa bao giờ thực sự chấm dứt ở Hoa Kỳ. Để thực hiện những chương trình nghị sự của mình, những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng đã thực hiện nhiều chiến lược, chiến thuật khác nhau. Trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động đã cảnh báo các nhóm cực hữu đang cố sử dụng nền tảng giáo dục làm công cụ để bảo vệ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Một bài viết trên trang mạng lithub.com của tác giả Jason Stanley đã phân tích sâu sắc về đề tài này.
19/09/202413:57:00
Trước năm 1975 tại Saigon, thầy San là lead guitar trong ban nhạc Nha Quân Y Việt Nam Cộng Hòa và trong thời bấy giờ Nha Tâm Lý Chiến VNCH vẫn chưa được thành lập, nên vào mỗi cuối tuần lễ, thầy San tình nguyện đánh đàn trong ban nhạc Nha Quân Y, để giúp vui chương trình văn nghệ cho các thương bệnh binh tại Tổng Y Viện VNCH
18/09/202409:48:00
Bạo lực chính trị trở thành chuẩn mực mới của nước Mỹ nhưng vẫn gây sốc. Trump là một nhân vật gây tranh cãi, cổ võ bạo lực, reo rắc thù hận, chủ trương độc tài. Gậy ông lại đập lưng ông. Chơi với súng có ngày chết vì đạn. Trump phải chấp nhận luật ân oán giang hồ, không thể đổ thừa cho ai về vụ ám sát. Kể từ hôm nay đến ngày bầu cử còn đúng bẩy tuần hay 49 ngày. Mong đất nước này được bình an, không có bất ngờ trong tháng 10 để toàn dân Mỹ và thế giới được chứng kiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa PTT Kamala Harris và cựu TT Donald Trump.
18/09/202408:08:00
Đã là loài người hay ngay cả loài vật được Thượng Đế hay Thiên Chúa tạo dựng trên trái đất này, đều ban cho loài người hay cho loài vật một trí óc biết yêu thương lẫn nhau, con người với con người, loài vật với loài vật hoặc con người với loài vật hay ngược lại loài vật với con người đều biết thương yêu nhau; ngoại trừ người cộng sản vô thần được tẩy não trí tuệ và được giáo dục từ lúc còn là những trẻ thơ vô tội, để sau này khi các em bé khôn lớn, các em chỉ biết yêu mến đảng trên hết mọi sự
16/09/202408:44:00
Bài thơ Mười Điều Khuyến Tu ghi lại giáo lý cốt tủy của Phật giáo, một con đường thẳng tắt để giải thoát. Bài thơ này làm theo thể thơ song thất lục bát, gồm 10 đoạn, mỗi đoạn gồm 8 câu. Cách dùng chữ của Đức Phật Thầy Tây An thích nghi với ngôn phong người Miền Nam, đơn giản, dễ nhớ, rất ít chữ Hán Việt, nêu lên những lời dạy để tu trong đời thường hàng ngày. Thời thế kỷ 19 lúc đó, đồng bào Miền Nam mình đa số mù chữ, nên giáo lý được gói vào thơ để ngâm nga phải rất cô đọng.
“Đây là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.”
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.