Hôm nay,  

Nguyễn Huy Thiệp: “Vàng Lửa”, “Kiếm Sắc” Chỉ Là Những Cảnh Giác Đối Với Xã Hội

25/03/202110:04:00(Xem: 2524)
BuiVanPhu_20210320_NguyenHuyThiep_H01
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện ở Đại học Berkeley tháng 10/1998 (Ảnh: Bùi Văn Phú)



Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa qua đời ngày 20/3/2021 tại Hà Nội, sau một thời gian bệnh, hưởng thọ 71 tuổi (1950-2021).


Ông được biết đến là một nhà văn tiêu biểu của Việt Nam, nổi lên vào giai đoạn “cởi trói văn nghệ”, khi tác phẩm “Tướng về hưu” của ông được phổ biến năm 1986 gây tiếng vang.


Thời điểm này là lúc văn đàn Việt Nam có một dòng văn chương mới, phản ánh con người xã hội thực hơn là những gò bó trong ý thức chính trị. “Tướng về hưu” cùng với “Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương, “Ly thân” của Trần Mạnh Hảo, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Thiên sứ” của Phạm Thị Hoài hay phim “Chuyện tử tế” của Trần Văn Thuỷ là theo dòng văn học đó, mà có những nhận định là dòng văn học phản kháng.


Chỉ vài năm sau “cởi trói” thì văn học Việt Nam lại bị “trói lại”, nhưng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.


Trước sự ra đi của ông, nhiều người đã bày tỏ lòng thương tiếc.


Giáo sư Peter Zinoman, trưởng khoa Sử của Đại học Berkeley: “Điều nổi bật về Nguyễn Huy Thiệp là hầu như mọi người đều đồng ý rằng ông đã tạo nguồn cảm hứng cho giới độc giả tinh tường nhận ra ông là một nhà văn xuất sắc mang tính khai phá của thời hậu thuộc điạ. Việt Nam vừa mất đi một bậc thầy văn học thực sự.”


Nguyễn Nguyệt Cầm, giảng viên môn văn chương Việt, Đại học Berkeley: “Buồn tê tái. Cả ngày hôm nay cứ nghĩ đến anh Thiệp là Nguyệt Cầm muốn khóc.”


Qua truyền thông xã hội, đã có nhiều dòng trạng thái viết về nhà văn trên Face Book.


Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Đại học KHXHNV – Tp Hồ Chí Minh:


“Nhà văn xuất hiện muộn màng ở tuổi gần 40 vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, chỉ với vài truyện ngắn đầu tay đã đủ làm cho văn đàn dậy sóng với giọng văn phũ phàng trần trụi mà vẫn thiết tha yêu cuộc sống của ông. Quả thật, đối với tôi NHT đúng là một hiện tượng của văn học Việt.”


Thông Đặng, giảng viên khoa ngôn ngữ cổ điển và hiện đại, Đại học Houston-Texas:


“Ngay từ khi truyện ‘Tướng về hưu’ của ông xuất hiện trên báo Văn Nghệ vào ngày 20 tháng 6 năm 1987, Nguyễn Huy Thiệp đã làm chấn động người đọc không chỉ về nội dung truyện mà còn cả về bút pháp dửng dưng lạnh lùng đến rợn người để chuyên chở đến cho người đọc một thông điệp cũng rợn người không kém.”


“Nhớ lại ngày đó, khi đọc truyện này, rồi tiếp sau đó là nhiều truyện khác mà đặc biệt là truyện ‘Không có vua’, tôi đã bàng hoàng nhận ra rằng đang có một cái gì đó sai rất nghiêm trọng trong xã hội thời hậu chiến ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, rằng các truyền thống văn hoá của Việt Nam đang bị phá hủy đến tận gốc rễ, và đồng thời cũng lờ mờ thấy được nguyên nhân sâu xa của vấn đề. Đến bây giờ thì nguyên nhân đó chắc chắn ai cũng đã thấy rõ, chẳng cần phải bàn thêm.”


Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, từ tiểu bang Ohio:


“Tôi luôn phản đối việc thần thánh hóa người trần. Con người, dù anh có là ai, tài năng tới đâu, đức độ tới đâu, vẫn vô vàn khiếm khuyết. Nhưng tôi tin thần linh, cùng những huyền hoặc. Tôi nghĩ Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết. Truyện ông hay không phải do học tập cần cù rèn luyện. Thượng đế đã chọn ông…”


Tháng 10 năm 1998 Nguyễn Huy Thiệp đến Đại học U.C. Berkeley nói chuyện và tham dự hội luận về văn học Việt Nam thời đổi mới.


Tôi đã viết bài tường thuật về sự kiện này [Thời Báo, San Jose 3/10/1998 và Văn, Tháng Mười Một 1998]. Hôm nay tóm lược lại các nét chính.


Năm đó nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua Mỹ là chuyến đi thứ hai. Lần này gây sôi nổi hơn chuyến trước vì cùng lúc ông có mặt tại Hoa Kỳ, một đoàn kịch nói từ Hà Nội đem vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ qua diễn tại vài đại học ở Quận Cam, thủ đô của người Việt ở Hoa Kỳ, mà ngày trình diễn đã có những người Việt biểu tình trước cửa nhà hát.


Hôm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói chuyện ở Đại học Berkeley cũng có vài chục người biểu tình. Họ chống việc giao lưu văn hoá với chế độ cộng sản Việt Nam.


Mở đầu buổi nói chuyện tại Đại học Berkeley, giáo sư sử học Peter Zinoman giới thiệu tiểu sử nhà văn và nhấn mạnh truyện ngắn “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp, đã được chính ông dịch sang tiếng Anh, bị nhà nước coi là nói xấu chế độ, cùng những dòng văn chương khác như của Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đăng đàn bằng tiếng Việt, giáo sư Zinoman dịch sang tiếng Anh, đề tài: “Quan hệ giữa thời thế với văn học”. Ông chỉ nói về thời thế và số phận người làm văn học tại Việt Nam, không nói về lịch sử.


Theo Nguyễn Huy Thiệp anh hùng tạo thời thế là không có tính hiện thực. Thời thế tạo anh hùng mới đúng với số phận của nhà văn vì trong một nước nhược tiểu, yếu tố khách quan là chủ yếu, yếu tố chủ quan chỉ là phù trợ.


Ông không coi truyện “Tướng về hưu” là tác phẩm xuất sắc nhất trong số 40 truyện ngắn và kịch mà ông đã viết về tình yêu, nỗi buồn, khao khát tự do và về bất lực của con người trước sự ngu dốt.


Nguyễn Huy Thiệp kể cho người nghe câu chuyện về Ngô Thời Nhậm, một nhà thơ ở Thế kỷ 19 bị đồng bào mình bắt giam và đánh đau quá mà chỉ nói: “Gặp thời thế, thế thời phải thế”. Ông không muốn bình luận về câu nói đó, chỉ khẳng định một điều: “Trong thâm tâm, tôi đã và đang chống lại thời thế”.

BuiVanPhu_20210320_NguyenHuyThiep_H02
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giao lưu với khách trong buổi nói chuyện ở Đại học Berkeley tháng 10/1998 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 


Sau đó nhà văn đã trả lời nhiều câu hỏi từ người tham dự.


- Ông nghĩ gì về phim “Tướng về hưu”?


NHT: Tôi không thích phim đó lắm.


- Ông khuyên nên đọc những ai để hiểu hơn về văn học Việt Nam?


NHT: Trước hết phải đọc những tác phẩm của tôi. Trong nước có Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh. Hải ngoại có Lê Minh Hà ở châu Âu, Trần Vũ ở Pháp; Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng ở Mỹ. Các bạn nên đọc thơ Việt Nam.


- “Vàng lửa”, “Kiếm sắc”, “Nguyễn Thị Lộ” trong đó có nhắc đến những nhân vật lịch sử như Gia Long, Quang Trung Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi mà theo những điều nhà văn viết ra là những tài liệu lịch sử do nhà văn sưu tầm được khi sống trên vùng thượng du Việt Bắc. Tôi không đồng ý với cách dựng nhân vật lịch sử đó. Xin hỏi nhà văn, những truyện đó là sự thật lịch sử hay hư cấu?


NHT: Đó chỉ là những cảnh giác của tôi đối với xã hội.


- Ông nói “Tướng về hưu” không phải là tác phẩm ưng ý nhất, nhưng đó là tác phẩm khiến ông nổi tiếng. Tại sao vậy?


NHT: “Tướng về hưu” chỉ là một món ăn đưa ra. Nhưng không phải là món ngon nhất. Tôi muốn viết về tình yêu như Roméo và Juliette.


- Tôi mới qua Mỹ hơn một năm. Lúc còn ở trong nước có đọc các tác phẩm của ông. Cùng thời ông có Lưu Quang Vũ soạn vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” cũng mang tính phản kháng chế độ. Tại sao Lưu Quang Vũ bị giết cả nhà, còn nhà văn vẫn ung dung. Có phải cộng sản đưa nhà văn ra để đánh bóng chế độ?


NHT: [Nguyễn Huy Thiệp chắp hai tay trước miệng, hai ngón trỏ đặt trên mũi, trầm ngâm suy nghĩ có đến 30 giây rồi trả lời] Tôi không liên quan gì đến Lưu Quang Vũ cả. Mỗi người có một số phận. Xã hội tự nó như thế, không cần ai làm đẹp, đánh bóng.


- Nhà văn nói có những nguy hiểm thì đó là những nguy hiểm gì đối với một nhà văn?


NHT: Khó khăn lắm. Bạn cứ viết đi rồi biết. Đứng trong sự nguy hiểm về tình cảm, về tài chánh và nguy hiểm về chính trị nữa. Tôi sợ nhất hiểm hoạ tình cảm và tài chánh. Chỉ hai thứ đó cũng đã đủ giết một nhà văn Việt Nam rồi.

BuiVanPhu_20210320_NguyenHuyThiep_H03
Biểu tình phản đối Nguyễn Huy Thiệp, chống giao lưu văn hoá với cộng sản Việt Nam (Ảnh: Bùi Văn Phú)

 


- Ông nói chống lại thời thế. Chống như thế nào?


NHT: Chống thời thế cũng như chống lại số phận của tôi. Số phận con người như một giòng sông. Không đắp đê tìm cách chống nó thì nó cuốn phăng đi. Chúng ta chống lại nó nhưng vẫn bị nó cuốn đi.


- Ông đang thành công, thế sao lại muốn đi ngược lại số phận của mình?


NHT: Số phận của chúng ta đều rất xấu. Cô cứ sống đi rồi cô sẽ hiểu điều đó. Cô không hiểu những thê thảm, đau đớn của một người danh tiếng. Năm hai mươi tuổi tôi có viết một câu chuyện về một chàng trai trẻ ở Hua Tát, sống cuộc đời tiếng tăm nhưng khi về già thì nói rằng: sống một cuộc đời bình thường là khó nhất.


- Ông nghĩ gì về từ ngày có chính sách đổi mới tới giờ?


NHT: Những năm đầu rất thú vị. Có nhiều cơ hội tốt. Gần đây khi có khủng hoảng kinh tế Á châu thì có những khó khăn với các nhà văn Việt Nam. Riêng tôi năm năm đầu viết nhiều. Sau đó không viết được. Gần đây lại viết nhiều. Tôi đang tìm cách vượt lên như Việt Nam đang tìm cách vượt qua khó khăn.


- Ông nói nước Việt Nam đi sau thế giới 50 năm. Vậy Việt Nam cần làm gì và cộng đồng thế giới cần làm gì?


NHT: [Trầm ngâm suy nghĩ một lát] Có lẽ phải là văn hoá. Không phải là kinh tế. Việt Nam cần cả một cộng đồng nhân hậu, lương thiện. Nhưng đấy là một mơ mộng ảo tưởng.


- Trong “Tướng về hưu” có nhân vật Kim Chi là cô gái đẹp mà lấy anh chồng tên Tuân chẳng ra gì, như là: hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Đó có phải là điển hình về phụ nữ Việt?


NHT: Không. Kim Chi không phải là điển hình. Có nhiều người đàn bà Việt Nam cũng lấy chồng không ra gì. Nhưng vai trò của người đàn bà Việt Nam bây giờ tốt hơn so với thời trước. Trong hai mươi năm gần đây, phụ nữ Việt Nam được đi học, có kiến thức, được chồng kính nể hơn.


- Tôi không hiểu biết nhiều về chính sách đổi mới. Tôi hỏi đơn giản và cũng muốn ông trả lời đơn giản là có tự do phát biểu ý kiến ở Việt Nam không?


NHT: Có nhiều hơn so với trước.


- “Tướng về hưu” đưa ra hình ảnh một viên tướng, sau bao nhiêu năm chiến đấu, nay trở về với xã hội phải chứng kiến bao điều xấu, bao tệ nạn xã hội và cuối cùng ông đi tìm cái chết. So với mười năm trước khi “Tướng về hưu” ra đời, tình trạng xã hội Việt Nam bây giờ xấu hơn lúc đó, giống vậy hay khá hơn?


NHT: Tệ hơn trước. Có thể là vì trước đó cũng có những tệ nạn xã hội mà đã được che dấu đi.


- Anh viết văn, Dương Thu Hương cũng là người viết văn, thế sao bà ấy bị theo dõi, rắc rối. Giữa anh và Dương Thu Hương có gì khác biệt?


NHT: Dương Thu Hương là người can đảm hơn tôi. Bà ấy có tham vọng chính trị. Tôi không can đảm bằng bà ấy nhưng có thể tôi khôn hơn bà ấy.


- Ông có được tự do sáng tác không?


NHT: Lúc trước có khó khăn. Mấy năm trước công an đã vào nhà tịch thu một số bản thảo.


Đó là tâm tình, suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi ông nói chuyện tại Đại học Berkeley tháng 10/1998.


Đã 23 năm qua, số phận nhà văn Việt từ “cởi trói” 1986 đến nay ra sao? Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài sống lưu vong. Nguyễn Huy Thiệp mở quán ăn trong nước không thành công, xuất bản thêm vài tác phẩm nhưng không sâu sắc như trước. Bảo Ninh, Trần Mạnh Hảo không có thêm tác phẩm gây chú ý. Chỉ vì văn học lại bị “trói lại”.


Như nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, tác giả của “Bóng đè”, đang sống ở nước ngoài, nhận xét khi hay tin Nguyễn Huy Thiệp qua đời: 


“Nghe nói Hội nhà văn sẽ đứng ra lo tang lễ. Tôi, một độc giả, một người bạn của ông trân trọng điều đó. Mong thay, sau khi mồ ông yên mả ông đẹp, linh hồn ông theo dòng sông trôi đi tìm thấy con gái thủy thần, người ta sẽ cấp phép in ấn - phát hành cho cuốn tiểu thuyết võ hiệp ông viết xong đã mấy năm nay, đã long đong hết nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác mà chưa có phép.”


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nữ sĩ Linh Bảo kỷ niệm sinh nhật 98 tuổi hôm chủ nhật April 14, 2024 và vừa mất sáng sớm hôm qua, April 22, 2024 tại tư gia ở Westminster, nam Cali...
Chiều thứ Bảy, 13/4/2024, tại hội trường Nhật báo Người Việt, Quận Cam, đã có một sự kiện văn học đáng chú ý. Đó là buổi Ra Mắt Sách (RMS) của nhà văn Đặng Thơ Thơ với cuốn tiểu thuyết mới nhất của chị, “Ai”...
Nhà văn, nhà thơ Viên Linh (1938-2024) vừa ra đi. Ông tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20/1/1938 tại Hà Nam, từ trần ngày 28/3/2024 tại Virginia, Hoa Kỳ, hưởng thọ 86 tuổi. Bài viết này để đưa tiễn nhà thơ Viên Linh, người mà tôi hân hạnh có nhiều năm thân cận tại Quận Cam, California. Tôi thuộc thế hệ sau nhà thơ Viên Linh rất xa, nên những gì biết và tương tác với nhà thơ chỉ là một góc nhìn. Tôi hân hạnh được gọi nhà thơ Viên Linh là "anh" theo thói quen giao tiếp trong giới văn nghệ, cũng như tôi đã gọi anh Mai Thảo, anh Nhật Tiến, anh Nguyễn Mộng Giác, anh Trần Dạ Từ, chị Nhã Ca... trong những buổi gặp nhau ở Quận Cam. Thật sự họ cách biệt tôi rất nhiều, vì họ đã hiện ra như các ngọn núi huyền thoại của văn học Miền Nam trước 1975. Và tôi đã có cơ duyên làm người bạn trẻ của họ. Và cũng là người viết các bản tin về họ, vì tôi phụ trách mục tin tức trên tờ Việt Báo. Trong các bài viết hay bản tin trước giờ về Viên Linh, đôi khi tôi gọi Viên Linh là anh, đôi khi gọi là ông.
Nhà thơ Viên Linh ra đi trong Tháng Ba, nhưng tang lễ của ông diễn ra trong Tháng Tư. Ừ nhỉ, Tháng Tư! Bây giờ đã bước vào Tháng Tư. Tháng Tư đối với người Việt Nam chứa đầy ký ức thương đau! Đất nước thay ngôi đổi chủ. Hàng hàng lớp lớp người bị đẩy vào các ngục tù khổ sai trên khắp nước. Hàng triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa vườn tược để đi tới những “vùng kinh tế mới” xa xôi, lạ hoắc, những nơi “khỉ ho cò gáy.” Hàng trăm ngàn người bỏ nước ra đi, lên núi, xuống biển để tìm lẽ sống trong cái chết bi hùng! Đúng như nhà thơ Viên Linh đã viết, “Tháng tư máu chảy một trời sương tan.”
Cùng một thời điểm làm “Thơ Tình”với Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương, nhưng có một cái gì rất khác với hai thi sĩ này. Thanh Tâm Tuyền mở ra cho chúng ta một trang Thơ Tình rất lạ, rất khác, rất kén độc giả nhưng vô cùng quyến rũ. Nhân kỷ niệm ngày qua đời của Thi Sĩ Thanh Tâm Tuyền, tôi muốn nói về 2 bài Thơ trong số những bài Thơ tôi yêu thích của Thanh Tâm Tuyền...
Vòng Tay Học Trò là tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng, được đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa năm 1964. Tác phẩm được công chúng nồng nhiệt đón nhận và theo đó cũng hứng nhiều luồng ý kiến khác nhau, càng làm cho tác phẩm nổi tiếng hơn. Chính vì vậy, từ khi xuất hiện, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, làm xôn xao dư luận trong giới chuyên môn và công chúng độc giả. Hàng chục năm sau, lúc chúng tôi còn nhỏ, chưa đọc tác phẩm đã thuộc tựa đề vì Vòng Tay Học Trò gắn liền với tên tuổi tác giả. Nói đến Nguyễn Thị Hoàng người ta nhớ đến Vòng Tay Học Trò...
Nhà sư, nhà thơ, nhà thư pháp Thích Nhuận Tâm cho biết sau khi thầy hoàn tất Lớp hướng dẫn thư pháp tại Huntington Beach, California cuối tuần này, Thầy sẽ bay sang Houston, Texas để sẽ hướng dẫn một lớp thư pháp dự kiến sẽ mở ra tại Tịnh Xá An Nhiên ở Houston.
Bài thơ Lời tình buồn được nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc năm 1967, khi nhạc sĩ và thi sĩ Chu Trầm Nguyên Minh cùng đang theo học lớp Sĩ quan tại quân trường Lam Sơn, Đồng Đế, đến nay đã trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian, được thể hiện qua những giọng ca: Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Bằng Kiều…
Trong một bối cảnh đất nước nhiễu nhương, hỗn loạn, nhà văn thường đóng một vai trò quan trọng bằng cách sử dụng ngôn từ của mình để phản ánh, phê bình, truyền cảm hứng và đôi khi thậm chí thách thức hiện trạng. Trong suốt chiều dài lịch sử, nhà văn phản ứng với những biến động khác nhau, cho dù đó là xã hội, chính trị hay văn hóa...
Tết và Xuân, Xuân và Tết, thời điểm kỳ lạ trong một năm. Vừa trông chờ vừa mong đừng đến. Vừa lưu luyến rét đông vừa háo hức xuân ấm. Vừa khép kín đoàn tụ gia đình vừa chan hoà xôn xao lễ hội. Vừa lặng lẽ hoài niệm chuyện riêng tư vừa hân hoan cùng nhau “nâng chén ta chúc nơi nơi”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.