HÀ NỘI, VN – Giữ im lặng trước nhân viên công lực để không bị rơi vào tình trạng tự buộc tội mình mà không biết là quyền hạn hiến định đối với các nước dân chủ pháp trị, nhưng tại Việt Nam người giữ im lặng bị chụp mũ là mắc bệnh tâm thần rồi đưa vào bệnh viện tâm thần như trường hợp nhà hoạt động nhân quyền Trịnh Bá Phương, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) tường thuật hôm 22 tháng 3 năm 2021. Bản tin Đài RFA cho biết thêm thông tin về vụ này như sau.
Ông Trịnh Bá Phương - một nhà hoạt động nhân quyền được nhiều người biết đến ở Việt Nam, vào ngày 22-3 được điều tra viên công an Hà Nội thông báo với gia đình rằng ông đã bị chuyển sang bệnh viện Tâm thần Trung ương số 1 - Thường Tín, Hà Nội để "xác minh, điều tra”.
Ông Trịnh Bá Phương bị bắt giữ hôm 24/6/2020 với cáo buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Bà Đỗ Thị Thu, vợ ông Phương vào chiều ngày 22-3 đến cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội để hỏi về vụ việc của chồng mình thì được điều tra viên Nguyễn Thế Bắc, người thụ lý vụ án ông Phương, khẳng định, do nhà hoạt động này bất hợp tác nên đã chuyển sang bệnh viện tâm thần để giám định sức khỏe tâm thần.
Bà Thu nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
"Là anh Nguyễn Thế Bắc, họ chỉ thông báo bằng mồm rằng đã trích xuất chồng em đi tới Bệnh Viện Tâm Thần Trung Ương 1 vào hôm 1 tháng 3.
Em bảo là 'Lý do tại sao các anh lại chuyển chồng em đi', thì các anh ấy nói rằng là 'chồng em chống đối, không hợp tác giống như là không chịu trả lời những câu hỏi của anh ấy (điều tra viên - PV) cho nên họ đưa đi.
Họ bảo rằng có những dấu hiệu đấy thì Viện Kiểm sát yêu cầu đi giám định, từ 4-6 tuần."
Người nhà ông Phương cho biết, gia đình từng bị Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an Hà Nội triệu tập để hỏi về tiền sử của gia đình có ai bị tâm thần hay không vì ông Phương "không nhìn điều tra viên và cũng không trả lời những câu hỏi của điều tra viên".
"Ngày 3 tháng 9 năm 2020 thì họ triệu tập em đến, họ hỏi em là: 'Tình hình anh Phương ở nhà tâm lý có sao không và gia đình có ai bị tâm thần hay không?”
Em cũng trả lời họ là: 'Ở nhà thì anh Phương khỏe mạnh, yêu thương vợ con và gia đình em cũng chả có ai bị tâm thần.'
Họ cũng nói rằng trong quá trình điều tra thì anh Phương không trả lời và cũng không nhìn họ, anh lấy giữ quyền im lặng!
Tháng 12 năm 2020, anh Phương cũng nhờ một người gọi điện ra cho em và người đó bảo rằng anh Phương sẽ giữ quyền im lặng cho đến khi gặp được luật sư và cũng nhắc nhở gia đình không phải nói gì hết bởi vì mình có quyền im lặng".
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do sau đó gọi cho Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 thì người trực máy cho hay, không biết có ai tên là Trịnh Bá Phương được chuyển vào đây vì cả bệnh viện có đến 600 người bệnh.
Người này cũng cho số của Phòng kế hoạch tổng hợp để hỏi thăm, nhưng phóng viên nhiều lần gọi điện mà không có người nhấc máy.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho ông Trịnh Bá Phương cho rằng, thân chủ của mình đang thực hiện quyền "không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” mà Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định.
Luật sư Mạnh khẳng định sẽ khiếu nại quyết định này của Viện kiểm sát nhân dân cũng như cơ quan An ninh điều tra Hà Nội. Ông nói:
"Thật ra cái việc mà một người bị can không trả lời là cái quyền do Bộ luật tố tụng hình sự quy định sẵn rồi, cho nên anh rất là ngạc nhiên khi mà nói rằng là:
'Không trả lời thì hóa ra có dấu hiệu về tâm thần để mà đưa đi giám định về vấn đề tâm thần'. Đại khái là nghe rất là lạ!
Trước mắt là anh sẽ yêu cầu cơ quan an ninh điều tra họ thông tin về sự việc, tái xác nhận lại sự việc này vì chuyện này cũng chỉ nghe bên gia đình họ báo lại chứ không phải là một cái tin chính thức để báo cho luật sư.
Một khi mà bên phía cơ quan an ninh điều tra họ xác nhận lại việc thì mình mới có những bước tố tụng, thủ tục của luật sư tiếp theo có thể là khiếu nại về việc họ đưa đi giám định như vậy thì không có cơ sở phương diện pháp lý chẳng hạn".
Nhà hoạt động Lê Anh Hùng - một blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cũng bị chuyển vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 từ năm 2019, chỉ 1 năm sau khi bị tạm giam để điều tra vì cáo buộc ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước'.
Hồi tháng 2-2021, bạn bè đến thăm ông Hùng thì được báo là ông bị biệt giam và canh giữ trong điều kiện hết sức nghiêm ngặt.