Theo phong tục Việt Nam, vào ngày 30 Tết, nói chung là ngày cuối cùng của tháng 12 Âm lịch, mọi nhà đều bày mâm cơm cúng Tất Niên mời ông bà khuất bóng về sum họp với con cháu và đón năm mới.
Thực đơn cúng ngày 30 Tết của mẹ tôi thường ít khi thay đổi, luôn đủ tám đến mười món, và chắc chắn không thể thiếu thịt vịt thịt bò. Theo mẹ, vịt lạch bạch chậm chạp, không tốt! bò to xác óc nhỏ, không khá! Cho nên cuối năm mình phải chế biến thịt mấy con vật này thành món cúng, cầu cho qua hết mọi chuyện ì ạch để đầu năm việc học việc làm được “thuận buồm xuôi gió”. Tám hoặc mười món cúng ngày Tết của mẹ ngoài thịt gà, thịt heo, còn có vịt hầm rượu chát, bò xào khoai tây, bò xào bông cải, canh bún tàu kim châm nấu lòng gà vịt. Vậy đó, món Tây món Ta đủ cả. May là số chẵn hàng chục không quá 10, nếu mẹ tôi bày đúng kiểu người Huế thì không khác chi nhà hàng.
Ông bà ngoại tôi lúc sinh thời có 3 con trai, 9 con gái, nhưng chỉ mình mẹ tôi được học chữ đến nơi đến chốn. Mẹ tôi đã là nữ sinh Đồng Khánh một thời. Các dì khác học nữ công gia chánh. Các cậu không thích học thì đi làm ruộng trên chính những thửa ruộng của ông bà ngoại. Sau khi mẹ tôi lấy xong bằng trung học Pháp, được một ông Tú hỏi cưới, đó là cha tôi. Cha tôi lớn tuổi hơn mẹ tôi một con giáp, đang làm việc trong phủ quan Tây. Giã từ chữ nghĩa, theo chồng vào ở trong Thành Nội, mẹ tôi bắt đầu cuộc sống của một người nội trợ khi còn chưa biết nấu cho ra nồi cơm.
Cha tôi mời đầu bếp Tây về dạy cho mẹ tôi nấu ăn. Không biết sau khóa học mẹ tôi có làm vừa lòng cha tôi và bạn bè của ông không. Riêng tôi phải công nhận mẹ đã nấu rất ngon các món Tây, từ những món ăn đơn giản hằng ngày cho đến các món công phu trong bữa tiệc. Quả thật, mẹ đã khiến cha say đắm, không những về nhan sắc mà còn có học vấn và khéo tay.
Sau khi cha tôi qua đời, mẹ tôi thường xuyên cúng vào những dịp giỗ, tết, nên thực đơn tôi đã kể trên cũng thường xuyên hiện diện trên mâm cúng. Đặc biệt, số lượng nấu gấp nhiều lần vào ngày 30 và mùng 3 Tết. Dĩ nhiên thức ăn luôn dư rất nhiều, mà qua năm mới mẹ nào có chịu để yên cho vịt, bò chứ!
Thế là “Nồi Hổ Lốn Ngày Tết” của mẹ ra đời, giải quyết mọi vấn đề. Các món còn lại có vịt, bò, heo, rau, củ... mẹ cho hết vào một nồi lớn, nấu sôi, vớt sạch bọt để dành hôm sau hâm nóng ăn với cơm hoặc bún. Cách mẹ hâm sôi vớt sạch bọt nồi hổ lốn rất có lý vì chưa bao giờ bị thiu khi để nguội bên ngoài. Thật là một món ăn tuyệt vời, hương vị Đông Tây kết hợp thơm ngào ngạt. Chỉ cần một món, một nồi thôi là cái bếp gọn gàng ngay, thay vì phải hâm tới 5-6 cái soong chảo trên bếp. Ra vậy, vịt, bò nấu hỗn hợp nhiều thứ thì không còn chậm chạp ì ạch nữa sao? A ha! Mẹ thật sáng tạo.
Những ngày Tết còn ở Việt Nam, có khi tôi cũng phải nấu hổ lốn theo cách của mẹ, may là chồng con tôi chưa bao giờ chê. Không biết do người thân muốn tôi vui, hay “tay nghề” của tôi không tệ nhờ lúc còn ở với mẹ, tôi luôn được giao nhiệm vụ nấu ăn cho cả nhà?
Khi chúng tôi đủ lớn, năm tôi khoảng 12 tuổi học lớp đệ thất, mẹ không thuê người giúp việc nữa. Từ lúc chúng tôi tập tành đi chợ, mẹ thường ghi các thứ ra giấy cho chúng tôi cầm theo. Sau này chúng tôi cứ thuộc lòng từng món mà mua, không cần mẹ “kê toa” nữa. Mẹ bận đi làm, công việc trong nhà được phân trách nhiệm cho anh em chúng tôi tự lo. Riêng chuyện bếp núc do ba chị em gái tôi đảm nhận. Em tôi tính cẩn thận, gọn gàng nên rất thích hợp với việc “phụ bếp”, chuyên rửa cá thịt, cắt gọt rau củ. Còn gì khỏe hơn khi mọi vật liệu đã sẵn sàng chỉ còn chờ tôi, “bếp trưởng” ra tay nấu nướng? Chị tôi là người cuối cùng nhận rửa hết đám chén dĩa soong chảo, loáng một cái là chị thanh toán chúng sạch sẽ. Trời, thật khó hiểu! cái công việc mà tôi rất sợ trong khi đối với chị lại rất dễ dàng. Âu cũng là luật tự nhiên ở đời, luật phân công trong xã hội thôi. Nói vậy nhưng không có nghĩa là chị và em gái tôi không biết nấu ăn, và tôi cũng chưa từng bị rửa chén, lặt rau.
Năm đầu tiên “ăn Tết” ở Mỹ, tôi vẫn giữ thói quen nấu nướng cúng 30 rườm rà như ở Việt Nam khiến anh em và con cháu tôi thấy kỳ lạ. Khỏi phải nói, thức ăn dư ra quá nhiều đến nỗi tôi phải “bổn cũ soạn lại” cái món hổ lốn để còn dọn dẹp bếp núc. Con gái tôi mới nhìn vào cái nồi lớn đã la lên:
-
Mẹ nấu chi nhiều mất công, bây giờ chế thêm món súp thập cẩm sao ăn cho hết?
À, gọi “súp thập cẩm” mới hay làm sao! Con tôi mới đúng là “chế thêm” tên cho cái món cũ rích trên đời. Tôi có cố giải thích cho con gái hiểu về món ăn đặc biệt của bà ngoại nó trong thời buổi văn minh này chắc “đứa con 8x” cũng khó mà hiểu nỗi.
Những hôm cả nhà chúng tôi đi ăn tiệm, lẩu Thái, lẩu hải sản đều có, nhưng tôi gọi món khác trong lúc mọi người thưởng thức món lẩu. Con hỏi, tôi chỉ cười đánh trống lảng, “mẹ ngán lẩu rồi!” Thật ra, khi nhìn vào những tô lẩu kia tôi lại thấy ẩn hiện trong đó món hổ lốn kỷ niệm của mẹ.
Mỗi lần có dịp nhắc nhớ chuyện ngày xưa, nồi hổ lốn ngày Tết của mẹ không đơn giản chỉ hấp dẫn các giác quan của thời niên thiếu, mà giờ đây nó còn gợi lên trong tôi một cảm xúc khác nữa. Một cảm xúc âm thầm nhưng mãnh liệt làm tim tôi đau nhói khi năm hết Tết đến...
Hồ Thị Kim Trâm