VIỆT NAM – 117,000 liều thuốc chích ngừa Covid-19 hiệu AstraZeneca đã về tới Việt Nam trong đợt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2021, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do trích thuật tin Reuters cho biết hôm Thứ Tư. Bản tin RFA tường thuật thêm thông tin về việc này như sau.
Việt Nam đã nhận được lô vaccine đầu tiên gồm 117.000 liều vaccine AstraZeneca COVID-19 vào ngày 24/2 trước thời điểm triển khai chương trình tiêm chủng dự kiến từ tháng tới. Reuters loan tin vừa nói cùng ngày.
Các loại vaccine đã đến Thành phố Hồ Chí Minh trên chuyến bay từ Hàn Quốc sẽ được sử dụng để tiêm chủng cho hơn 50.000 người được coi là có nguy cơ cao.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã có mặt tại sân bay để đón chuyến hàng vaccine bay từ Seoul về. Công ty SK Bioscience của Hàn Quốc có một nhà máy đã được phê duyệt để sản xuất vaccine AstraZeneca.
Chính phủ Hà Nội cho biết lô này là một phần trong số 30 triệu liều mà Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam, một công ty thành lập để xử lý việc nhập khẩu và phân phối vaccine, đã mua.
Quốc gia Đông Nam Á với dân số 98 triệu người này cho biết họ sẽ nhận được 60 triệu liều vắc xin trong năm nay, bao gồm một nửa theo chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới - WHO đứng đầu.
Cũng trong ngày 24/2, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã báo cáo Chính phủ về tiến độ 7 đợt cung ứng 150 triệu liều vaccine và dự kiến đối tượng được tiêm từng đợt.
Theo đó, đợt 1 là 117.000 liều vaccine vừa đến, sẽ được tiêm cho những người phòng chống dịch gồm: nhân viên y tế, thành viên ban chỉ đạo phòng chống dịch, nhân viên khu cách ly, điều tra dịch tễ, tình nguyện viên, phóng viên…
Từ đợt 2 đến đợt 5 sẽ có 34,7 triệu liều vaccine thuộc chương trình COVAX của WHO và mua của AstraZeneca, đến Việt Nam từ quý 2 đến quý 4 năm 2021 và đối tượng tiêm sẽ mở rộng theo thứ tự đầu tiên là nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ xuất nhập cảnh, quân đội, công an... sau đó đến giáo viên, người có bệnh nền và những trường hợp còn lại.
Đợt 6 và 7 sẽ có 115,3 triệu liều vaccine từ COVAX của WHO, nguồn mua nước ngoài và sản xuất trong nước. Đến Việt Nam từ quý 4 năm 2021 đến quý 2 năm 2022.
Trong khi đó, liên quan đến đại dịch, bản tin khác của Đài RFA hôm 24 tháng 2 cho biết rằng VN đã phát hiện thêm biến thể thứ 5 của vi khuẩn corona. Bản tin của Đài RFA tường trình thêm về vụ này như sau.
Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã phát hiện biến thể COVID-19 thứ 5 ở Việt Nam sau khi giải trình tự gen của chuyên gia Nhật Bản tử vong tại Hà Nội.
Thông tin trên được Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long công bố tại cuộc họp trực tuyến chính phủ diễn ra ngày 24/2 và được truyền thông Nhà nước loan.
Ông Long nói kết quả giải trình tự gen của bệnh nhân người Nhật tử vong tại khách sạn ở quận Tây Hồ cho thấy bệnh nhân này nhiễm biến thể 20C của virus SARS-CoV2. Chủng này chủ yếu có tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan, nhưng lại không có ở Nhật Bản.
Cũng theo ông Long, đây là biến thể virus corona thứ 5 ghi nhận tại VN.
Các chủng trước đó lần lượt là biến thể từ Anh (ghi nhận trên bệnh nhân COVID-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh), biến thể từ Nam Phi (ghi nhận đầu tiên trên chuyên gia nhập cảnh sân bay Nội Bài), biến thể từ Rwanda (ghi nhận trên các ca bệnh làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất) và một đột biến thể G (bệnh nhân trong đợt dịch Đà Nẵng trong tháng 7/2020).
Riêng đối với ổ dịch tại Hải Dương, ông Long khẳng định chủng corona virus gây bệnh phổ biến tại tỉnh này là biến thể từ Anh và Nam Phi và đây đều là những biến thể có khả năng lây truyền cao hơn 70% so với chủng trước đây. Trong đó biến thể từ Nam Phi nguy hiểm hơn biến thể Anh do có khả năng đánh lừa kháng thể.
Hiện tỉnh này vẫn còn 6 ổ dịch. Ông Long nói thêm, so với đợt dịch bùng phát ở Đà Nẵng năm ngoái, số ca ở Hải Dương đã vượt xa. Cụ thể, Đà Nẵng trong 36 ngày lây nhiễm 389 người, trong khi tại Hải Dương đến thời điểm này đã tăng 627 ca, nâng tổng số ca mắc trong cộng đồng sau gần một tháng dịch bùng phát trở lại lên 811 ca.