Hôm nay,  

Giã Từ Nhà Thơ Nguyễn Lương Vỵ (1952-2021)

22/02/202117:02:00(Xem: 2880)
THO CUA TRAN NHAN TONG 03
Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ. (nguồn: Việt Báo)

Lời giã biệt niềm chi đau gió hú

Khép lòng tay nghe nắng cũ thầm thì (NLV)


Tháng 10 2019, nhà thơ Du Tử Lê ra đi. Chúng tôi những người bạn của anh ở Orange County làm buổi tưởng niệm cùng ra mắt tập sách “Người Về Như Bụi” vào dịp kỷ niệm trăm ngày (15-1-2020). Ai cũng có có mặt buổi tưởng niệm ấy trừ Nguyễn Lương Vỵ vì lý do sức khỏe. Phải nói từ khi còn quán ăn Tài Bửu (trước năm 2018) mỗi sáng chiếc bàn trước cửa quán hầu như ngày nào cũng có mặt hai nhà thơ Du Tử Lê và Nguyễn Lương Vỵ. Tôi thỉnh thoảng đến uống café với hai người. Đến cuối năm 2017, Nguyễn Lương Vỵ qua trận phẫu thuật tim cùng căn bệnh tiểu đường khiến anh phải nhập viện cấp cứu nhiều lần. Từ đấy sức khỏe anh ngày một mong manh hơn. 


Năm 2020 trôi qua, trận đại dịch Covid 19 làm gián đoạn sự gặp gỡ bạn bè. Tuy nhiên tôi vẫn thường gọi điện thoại thăm Nguyễn Lương Vỵ (NLV) và bao giờ cũng được cho biết sức khỏe Ok. Anh vẫn tiếp tục làm thơ vì làm thơ với NLV như hơi thở để sống và anh đã hoàn tất Tuyển tập thơ 50 năm vào tháng 11 năm 2020. Văn Học in Tuyển tập gồm hai tập, mỗi tập hơn năm trăm trang. Nhìn công trình đồ sộ này, tôi hiểu NLV cố hoàn tất tổng thể sự nghiệp thi ca của mình. Vào tháng 12, NLV gọi điện thoại giọng buồn bã cho tôi biết nhà thơ Võ Chân Cửu, người bạn thân của anh vừa mới mất tại VN. Sau đó anh kêu gọi bạn bè đóng góp chút tiền gửi về VN cho gia đình Võ Chân Cửu. Hôm tôi chở NLV đi gửi tiền về VN và chia buồn với gia đình Võ Chân Cửu là lần cuối cùng tôi gặp anh. Hôm ấy chia tay trước nursing home, Nguyễn Lương Vỵ cho biết đang chờ được chích mũi vaccine đầu tiên. Về nhà tôi cứ cầu mong cho anh may mắn được sớm chích vaccine vì tình trạng tràn lan nguy hiểm của virus covid 19 và cũng vì sự khó khăn trong việc phân phối vaccine lúc bấy giờ. Hình ảnh ốm yếu xanh xao và run rẩy từng bước đi của NLV khiến tôi lo lắng, nhưng chỉ biết thế thôi. Tất cả đều ngoài tầm tay trước cuộc vô thường! Nửa tháng sau được tin từ Tô Đăng Khoa, Nguyễn Lương Vỵ phải nhập viện UCI cấp cứu. Con gái anh qua Facebook kêu gọi bạn bè cầu nguyện nhưng cũng không cho biết tình trạng cụ thể của anh như thế nào? Mọi người đều cho rằng anh bị Covid 19. Ba tuần lễ trôi qua, bệnh tình không thấy tiến triễn tốt vì anh vẫn chìm trong coma. Chừng một tháng từ Facebook, con gái NLV cho biết các bác sĩ bảo anh quá yếu sức và khó có thể tỉnh lại. Chiều 16 tháng 2 Tô Đăng Khoa yêu cầu tôi tìm một số hình của Nguyễn Lương Vỵ gửi cho Lê Giang Trần để chuyển cho con gái NLV theo yêu cầu. Tôi biết việc gì đến cũng sẽ đến. Chiều 17 tháng 2 lúc ba giờ rưỡi, Lê Giang Trần gọi cho biết hai giờ nữa bệnh viện sẽ rút ống vì cơ thể anh hoàn toàn không có cơ may phục hồi. Và NLV ra đi giữa mùa đại dịch trong sự buồn bã thương tiếc của bạn bè thân quen. Kỷ niệm với từng người bạn trong tôi là từng cột mốc thời gian. Chỉ hơn một năm, đã ba người bạn làm thơ (Du Tử Lê, Võ Chân Cửu, Nguyễn Lương Vỵ) lần lượt biến mất  trên cõi đời này. Tôi ngồi hồi tưởng sinh hoạt bạn bè ngày cũ thoảng như hôm qua, và nắng chiều làm như úa màu khi nhớ lại.  


Tôi và Nguyễn Lương Vỵ quen nhau hơn năm mươi năm. Gặp lần đầu tiên năm 1970 qua Nguyễn Quốc Kỳ, người bạn học Văn Khoa năm thứ nhất ban Triết. Lúc bấy giờ tôi được đọc một số bài thơ của Nguyễn Lương Vỵ trên báo Khởi Hành và rất thích cách xử dụng từ mới lạ của anh. Chúng tôi quen nhau và thường trò chuyện ở quán café. Tiếp theo cũng qua Nguyễn Quốc Kỳ tôi quen với Võ Chân Cửu và sau đấy mới biết bộ ba này cùng học năm cuối Trung học Kỹ thuật Qui Nhơn. Thời gian này tuy tình hình chiến tranh ác liệt, sinh hoạt văn nghệ miền Trung lại tưng bừng với nhiều khuôn mặt trẻ như Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, Hồ Ngạc Ngữ, Vũ Hữu Định, Trần Dzạ Lữ, Võ Chân Cửu… và Nguyễn Lương Vỵ không ở ngoài vườn hoa văn nghệ trẻ này.


Tuy quen biết Nguyễn Lương Vỵ nhưng lúc bấy giờ tôi hoàn toàn không biết gì về cuộc đời của anh ngoài ấn tượng là một nhà thơ trẻ miền Trung đang học đại học ở Sài Gòn. Nguyễn Lương Vỵ nhỏ con, gầy ốm nhưng tiếng nói có âm vang và nhiệt tình sôi nổi khi đề cập đến thơ văn. Đến khóa quân sự học đường năm 1970, tiểu đoàn sinh viên biểu tình xô xát với quân cảnh, Nguyễn Lượng Vỵ bị đánh dùi cui gãy xương sườn phải nằm bệnh viện Sùng Chính ở đường Trần Hưng Đạo. Tôi và Nguyễn Quốc Kỳ đi thăm anh hai lần. Năm tiếp theo tình hình chiến sự leo thang và tổng động viên tăng thêm một tuổi nên đa phần sinh viên đều phải vào lính. Tuy nhiên Nguyễn Lương Vỵ không bị ảnh hưởng lần tổng động viên này. Sau khi vào lính và được biệt phái trở về làm công chức năm 1973, tôi không có dịp gặp lại Nguyễn Lương Vỵ lần nào nữa dù vẫn thường đọc thơ anh trên trang báo văn nghệ. 


Sau khi sang Mỹ, vào năm 2008 tôi gặp lại Nguyễn Lương Vỵ cũng thật bất ngờ. Tại quán ăn Tài Bửu, Khiêm Lê Trung, một người bạn đang ngồi ăn sáng với một người đàn ông lạ mặt, tuy nhiên khuôn mặt tôi mường tượng ra có chút quen thuộc. Thấy tôi, Khiêm đứng lên vồn vã giới thiệu, “Đây là Nguyễn Lương Vỵ chắc ông biết”. Tôi bước tới bắt tay anh nói ngay, “Hơn bốn mươi năm mới gặp lại ông bạn!” Vỵ cười không nói tiếng nào. Vì thời gian xa cách quá lâu nên tôi nghĩ rằng nếu gặp ngoài đường cả hai đều không nhận ra nhau. Khi nhắc đến tên tôi, Vỵ lúc này à lên một tiếng, tôi nói tiếp, “ông có gặp Nguyễn Quốc Kỳ hay chưa?” Anh lắc đầu và chúng tôi tiếp tục nhắc lại chuyện xa xưa. Vỵ cho biết đang sống một mình tại Orange county sau khi ly dị vợ. Tôi sau đấy thường cùng anh đi uống café nói chuyện đời rất tâm đắc. Vỵ phong phú trong sinh hoạt văn nghệ quá khứ có lẽ vì định mệnh anh chính là sự nghiệp thi ca. Có lần tôi nói với Vỵ, “Sau ba mươi tháng tư năm 1975, cửa cuộc đời tôi đóng lại thế nên không biết việc gì xảy ra phía sau cánh cửa … “ Vỵ cười  bảo, “Tôi sẽ kể cho ông nghe…” Từ  đó Vỵ cho tôi biết ít nhiều những gì xảy ra liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc đời của anh trước khi sang Hoa Kỳ. Và chuyện đời hình như buồn nhiều hơn vui, tôi nghiệm như thế. 


Nguyễn Lương Vỵ làm thơ đều đặn thoải mái như việc ăn uống hằng ngày. Thơ in ra đều tặng cho tôi. Đọc thơ anh, tôi mới thấy nội dung thơ không hề giống như thái độ biểu hiện khi sáng tác của anh. Mỗi tập thơ đều là cuộc đấu tranh khốc liệt tâm hồn theo từng giai đoạn của hành trình cuộc đời. Chỉ đọc tên từng tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ mới thấy được những thác ghềnh cuộc sống theo thứ tự thời gian. Rất nhiều khác biệt hiện diện trong các bài thơ, nhưng tất cả lại trong một thể nhất quán. Tôi cho rằng đó là cội nguồn, gốc rễ một niềm đau, nỗi bất hạnh khôn nguôi của cuộc đời, và nó được diễn tả như một dòng chảy tâm thức không dứt trong từng bài thơ của anh. Tôi có lần ví von, “bài thơ là những giọt mưa rớt từ một cõi thiên đường bất hạnh…”, nghe tôi nói anh suy nghĩ cuối cùng gật đầu. Tôi mượn ý niệm đối kháng để nói về nỗi đau con người vì ai cũng thế, không bao giờ có một điều bất hạnh, hay không-hạnh phúc tuyệt đối cả. Con người ta khi nhận ra nỗi đau đớn thường đã có một kinh nghiệm bình an. Thế nên thơ Nguyễn Lương Vỵ là một khát vọng, đôi lúc huyễn hoặc (dù nhiều bài thơ mang tính triết lý Phật giáo đi nữa) nhưng cái huyễn hoặc ấy rất tuyệt vời để diễn tả cuộc xung đột không ngơi nghĩ của nội tâm:

 

rất nhiều quán không ở trong mỗi chữ

rất nhiều bóng đời ở trong mỗi câu

rất nhiều sinh linh ở trong mỗi tứ

chẳng biết mần sao chẳng biết mần sao

. . . . . 

ta mồ côi em ngồi khâu mộng ảo

những vết thương tâm chưa ráo sắc màu

năm tháng trong veo treo một tà áo

náo nức thiên thanh bay vút lên cao

. . . . . 

ta đã gửi suốt một đời lầm lũi

đời mồ côi thương hạt bụi điêu linh

bụi ca hát cùng ta mơ chín suối

mộng mười sông đông đủ gió thâm tình

. . . . .

(Trường ca Âm Tuyết Đỏ Thời Gian - NLV)


Nhưng dù bao nhiêu khát vọng đi nữa, nó không hề giải quyết được những đau đớn buồn khổ khôn nguôi trong tâm tưởng của anh. Nó biến thành thứ Âm vọng, Sắc màu của giấc mơ dài cuộc đời để rồi anh sáng tác chính là anh đang sống, đang minh chứng sự tồn tại gắn liền ước mơ khát vọng của mình. 


Âm Tuyết Đỏ Thời Gian là tập thơ cuối của Nguyễn Lương Vỵ. Tuy nhiên Tuyển Tập Thơ 50 Năm (1969-2019) là công trình cuối cùng. Cầm hai tập của Tuyển Tập mà anh tặng, tôi nhìn dòng chữ ký tặng nhận ra sức mạnh ý chí vô cùng của anh. Tôi từng hi vọng rằng thể chất của anh có thể nhờ ý chí mạnh mẽ này mà hồi phục dần. Nhưng ngày 17 tháng 2 năm 2021 Nguyễn Lương Vỵ đã ra đi, rất lặng lẽ âm thầm như ngày nào anh rời khỏi gia đình để mưu sinh và bắt đầu cuộc đời sáng tác thi ca bằng vào cõi lòng yêu thương định mệnh (amor fati) của mình. Cõi thơ 50 năm của anh chính là bức tranh đời yêu thương định phận này. Nó đậm đà sắc màu âm thanh của một dòng sông với khát vọng tìm về nguồn cội. Có thể đó là nỗi hoài niệm, thương cảm êm đềm hay kêu gào xót thương một thời vàng son đã mất, nhưng hình như sắc màu âm thanh cõi thơ anh mãi mãi không bao giờ lụi tàn.  


2/22/2021

Lê Lạc Giao


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
…Khi anh tới cổng viện dưỡng lão, trời đã chạng vạng tối, chỉ còn bà mẹ anh và bà thư ký ngồi co ro trên ghế đá… họ đợi anh, bà thư ký vội báo cho anh hay là anh hãy canh giữ, nuôi bà cụ khoảng một tháng, chờ tình hình dịch bệnh tăng giảm ra sao, rồi thành phố sẽ quyết định và nhà già sẽ liên lạc với anh ngay sau đó. Bà thư ký đi khỏi, anh quay lại ngó mẹ và đau lòng thấy bà cụ co dúm như một mớ giẻ rách khô… anh đỡ mẹ ra xe, và nhỏ nhẹ khuyên trấn an: - Mẹ cứ về ở với con ít lâu, coi tình hình ra sao?
Có nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, nhưng thật ra nếu nghĩ thường xuyên đến cái chết là một việc hết sức tích cực và giúp cho người già rất nhiều. Mỗi khi nghĩ đến cái chết giúp cho ta thức tỉnh và sống trở lại giây phút hiện tại và quán chiếu xem mình phải làm gì trước khi nhắm mắt lìa đời. Nghĩ đến cái chết giúp ta dừng lại, xem xét những việc mình đang làm, những gì mình ước mong thực hiện và những tham vọng về tiền tài, chức phận, vật chất để được hưởng thụ. Khi tuổi về già chúng ta không nên tránh né nghĩ đến cái chết, mà nên nghĩ đến nó thường xuyên và nhất là nên chuẩn bị cho cái chết. Khi chuẩn bị cho cái chết ta sẽ suy nghĩ chín chắn hơn những gì nên và không nên làm trước khi qua đời và mình sẽ tự giúp tránh những việc vô ích, không có ích cho ai và mất thì giờ, để dành cho những việc quan trọng hơn, có ích lợi
Xâu chuỗi ngọc. Những viên đá quý. Tôi lại mỉm cười. Quý hay không quý tôi cũng không biết. Tôi không biết gì về vàng bạc, nữ trang. Tôi chỉ biết là tôi thích những tia màu phản chiếu lấp lánh phát ra từ những hạt đá nhỏ trong xâu chuỗi. Những tia màu như những câu chào hỏi rộn ràng. Cũng có thể xâu chuỗi làm bằng những hạt đá giả bằng nhựa. Bởi chúng rất nhẹ. Người đàn bà làm tôi xiêu lòng. Tôi sẽ mua tặng người yêu như lời bà ta nhắc nhở, dù tôi không chắc là đến ngày tháng này tôi đã có người yêu hay chưa. Tiểu Quyên là người nữ duy nhất trong thế giới tôi. Nhưng Tiểu Quyên với tôi là hai người bạn, hay đúng hơn là hai chú cháu.
Chiếc xe đò rẽ vào ngả ba Lộ Tẻ, chạy chậm lại rồi ngừng hẳn. Trên xe một số người nhốn nháo, ló đầu ra cửa sổ xem có chuyện gì. Anh phụ xe nhảy xuống vội vàng chạy về phía trước. Đã hơn 2 giờ chiều, trong xe hầm nóng và trở nên ồn ào. Vài phút sau, anh phụ xe trở lại và báo tuyến đường về Rạch Giá đã đóng vì nước lũ về ngập một số đoạn đường dài phía trước. Tất cả bà con phải xuống xe, hoặc tìm nhà nghỉ tạm chờ nước rút, hoặc bao đò máy về Rạch Giá. Đó là một buổi chiều giữa mùa nước nổi, tôi theo dòng người bước xuống xe, trời hanh nắng và đứng gió. Đường xá, đò ghe tôi không biết rành, chắc là phải tìm nhà xin trọ, chờ nước rút.
Rứa là tui được hưởng hai cái bánh nhỏ thanh tao dòn rụm, bột họ pha răng mà mê rứa không biết, kèm mấy lát vả, lát khế, rau sống chấm nước tương pha chế ngon ơi là ngon. Tỉnh táo bao tử rồi hắn chở tui đi vòng thành phố Huế, qua khu Thương Bạc, ủa bữa ni răng mà người đông rứa, bớt vẻ yên tĩnh như ngày xưa, tiệm quán cũng mọc lên khó còn đất trống. Vừa đi hắn vừa kể nỗi gian khổ lúc trẻ, nay thì hậu vận quá tốt, con có địa vị thành công, chồng cưng yêu nhiều hơn lúc tuổi xế chiều, mà nhìn kỹ hắn tươi đẹp mặn mà ghê, chắc hạnh phúc gia đình biến sắc thêm xinh hè. Đi nửa ngày hắn thả tui về nhà” tau bận chút chuyện, sẽ gặp mi sau nữa nghe. Tui cám ơn hắn, gần 50 năm tuy xa mà hắn vẫn nhớ, vẫn đầy tình bạn thân thiết như hồi mô.
Sàigòn cũng như Phan Rang không có 4 mùa, nhất là mùa Thu. Nhưng Sàigòn cũng như Phan Rang đều có những đêm trăng Thu mờ ảo đẹp và buồn giống như mắt của em.
Cuộc điện thoại đã dứt mà Tử Linh vẫn còn đứng tần ngần một lúc rồi mới quay trở ra hiên, ngồi xuống cái ghế gỗ mà khi nãy cô đang ngồi, vừa đọc sách, vừa nhâm nhi tách trà nóng và những chiếc bánh madeleine thơm mùi vanilla trước khi tiếng chuông điện thoại từ trong phòng khách buộc cô phải chạy vào...
Ba đứa chơi thân với nhau tự thuở nào, thiên hạ ai cũng bảo ba đứa ấy như hình với bóng, họ còn kháo nhau là mật thiết hơn cả tam tinh, tam điểm, tam tụ, tam anh… Chẳng cần kết nghĩa đào viên nhưng chúng sống chết có nhau, chưa bao giờ rời nhau một li hay một khoảnh khắc nào. Thỉnh thoảng cũng có xung đột giữa ba đứa nhưng rồi cũng trôi qua êm thấm. Cả ba nương tựa nhau, hỗ trợ nhau, sinh hoạt qua lại với nhau. Thật tình mà nói thì chỉ có hai mới đúng, vì thằng Tưởng vốn là đệ tử ruột của thằng Tâm mà ra, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt nào đó nên thiên hạ cho là ba, nói cho cùng thì là bộ bà cũng đúng hay khắt khe bảo bài trùng cũng không sai.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.