Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus
Theo tin của ký giả Friederike Böge từ Peking, cập nhật ngày 13.02.2021 lúc 11:08
“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khuyến nghị nghiên cứu sâu hơn về câu hỏi liệu coronavirus Sars-CoV-2 có thể đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm tại Vũ Hán, Trung Quốc, hay không. Thứ sáu vừa qua, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phản bác lời tuyên bố của người đứng đầu phái đoàn điều tra WHO tại Vũ Hán.
Tedros nói, “ Nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu một số giả thuyết có bị bác bỏ hay không. Sau khi nói chuyện với một số thành viên của nhóm, tôi muốn xác nhận rằng tất cả các giả thuyết vẫn tồn tại và cần phải được phân tích và nghiên cứu thêm. "
Trước đó, từ Vũ Hán, người đứng đầu phái đoàn chuyên gia WHO, Peter Ben Embarek, cho biết hôm thứ ba là phái đoàn không đề nghị bất kỳ cuộc điều tra nào thêm về luận điểm rằng đại dịch có thể được kích hoạt bởi một sự cố trong phòng thí nghiệm. Điều này "cực kỳ khó xảy ra".
Có hai phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nghiên cứu vi rút Corona.
Mầm bệnh đến từ những con dơi sống trong hang động ở miền nam Trung Quốc. Sự cố từ phòng thí nghiệm là một trong bốn giả thuyết các chuyên gia đang kiểm tra, và là giả thuyết duy nhất mà nhà khoa học Đan Mạch Ben Embarek cho rằng không cần nghiên cứu thêm.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu tại trụ sở của WHO ở Geneva, Ben Embarek đã giải thích tại sao ông đưa ra kết luận này: “Thông thường, các nhà nghiên cứu vi rút tại các phòng thí nghiệm khi phát hiện một vi rút mới sẽ công bố kết quả của họ ngay lập tức. Đây là thực tế bình thường trên toàn thế giới, đặc biệt là với những loại virus mới và đáng lưu ý ”.
Có thể là "vi rút đã và đang có mặt trong các mẫu chưa được xử lý hoặc trong số các vi rút chưa được xếp loại". Tuy nhiên, tất cả các nhân viên phòng thí nghiệm mà họ đã nói chuyện đều không hay biết về loại vi rút này.
Hiện nay, thông qua các cuộc phỏng vấn với các thành viên khác của phái đoàn, đã có nhiều thông tin chi tiết hơn về công việc của nhóm chuyên gia quốc tế tại Vũ Hán. Tờ "New York Times" trích dẫn một số người tham gia, loan tin đã có căng thẳng giữa các nhà khoa học đôi bên, quốc tế và Trung Quốc, và đã nổ ra các cuộc tranh cãi lớn. Trung Quốc cũng không cung cấp cho các chuyên gia quốc tế tất cả các dữ liệu được yêu cầu:
Trước hết liên quan đến dữ liệu của những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được biết đến từ đầu tháng 12 năm 2019 cũng như 92 trường hợp trước đó từ tháng 11 và tháng 10 năm 2019 với các triệu chứng tương tự. Nhà vi sinh vật Úc Dominic Dwyer nói với New York Times rằng phía Trung Quốc "đã không nhất thiết cung cấp đầy đủ" dữ liệu. Tờ báo cũng đưa tin rằng các nhà khoa học Trung Quốc đã thúc giục phái đoàn WHO thừa nhận bản tường trình của chính phủ Bắc Kinh rằng mầm bệnh đã được đưa vào Trung Quốc từ nước ngoài.
Tổng Giám đốc WHO Tedros hôm thứ Sáu cũng thừa nhận rằng nhóm chuyên gia qua Vũ Hán đã làm việc “trong những điều kiện rất khó khăn”. Một báo cáo sơ bộ về cuộc điều tra sẽ được công bố vào tuần tới và báo cáo cuối cùng sau đó vài tuần.
Đánh giá tình hình:
Trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Biden xác nhận đã đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm Donald Trump và trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ngày 21/1, Mỹ thông báo sẽ tiếp tục tài trợ cho WHO trong bối cảnh tân Tổng thống đang thúc đẩy chính sách hướng đến hợp tác quốc tế mạnh hơn trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Đây không phải là tin bất ngờ vì trong suốt thời gian tranh cử ông Biden đã tuyên bố trong danh sách 'Những việc cần làm' là đẩy mạnh chiến dịch làm dịu các mối quan hệ đang căng thẳng, đặc biệt là ở Nato, và tái gia nhập các liên minh toàn cầu như Tổ chức Y tế Thế giới và tìm cách lãnh đạo một phản ứng quốc tế chống virút corona.
Bác sĩ Fauci, cố vấn hàng đầu của chính phủ Biden trong đại dịch Covid-19 đã lên tiếng ủng hộ "Trong những tình huống khó khăn, tổ chức WHO đã tập hợp được cộng đồng khoa học, nghiên cứu và phát triển để đẩy nhanh việc điều chế vắc xin, các liệu pháp và cách thức chẩn đoán bệnh."
Về phía WHO, giữa tháng 12/2020 tổ chức này đã thành công trong việc đòi hỏi Trung Quốc cho phép một nhóm chuyên gia quốc tế đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 1 để điều tra nguyên nhân bắt đầu đại dịch, song nhân sự và chương trình của nhóm này phải được Trung Quốc chấp thuận.
Phải hiểu rằng mục đích chính của nhóm chuyên gia QT này, không phải là để đổ lỗi mà là để hiểu cách xử lý tốt hơn nếu có các đợt bùng phát bệnh trong tương lai, theo lời cắt nghĩa của một thành viên trong nhóm, ông Fabian Leendertz, một nhà sinh vật học tại Viện Robert Koch của Đức chuyên nghiên cứu các bệnh mới xuất hiện.
Một số nhà khoa học khác của nhóm cho biết họ quan tâm đến việc trao đổi ý kiến với các đồng nghiệp Trung Quốc để xem những dấu vết nào vẫn còn có thể được theo dõi. Trong giai đoạn đầu, chuyến đi được sử dụng để khám phá những nghiên cứu đang diễn ra và những dữ liệu nào có sẵn. Sau đó, một kế hoạch nên được lập cho giai đoạn thứ hai.
Sau 14 ngày kiểm dịch, nhóm chuyên gia WHO, bao gồm các chuyên gia từ 10 quốc gia khác nhau, đã đến thăm các bệnh viện, viện nghiên cứu và một khu chợ có liên quan đến nhiều ca nhiễm coronavirus ban đầu. Sau đó, họ nghiên cứu các mẫu và dữ liệu y tế để tìm cách tiến gần hơn đến việc xác định cách thức và vị trí lần đầu tiên vi rút lây truyền từ động vật sang người.
Cuộc họp báo của WHO hôm thứ sáu 12.02.2021 cho thấy vài khía cạnh tích cực cũng như tiêu cực trong chuyến đi do những thành viên khác nhau của nhóm chuyên gia nhận xét. Dù chưa có báo cáo cuối cùng, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chỉ trích những điều kiện làm việc tại Trung Quốc “đầy khó khăn” và không lùi bước trước ý muốn của Trung Quốc là loại bỏ giả thuyết vi rút corona đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm của họ. Cho thấy, Tổ chức Y Tế Thế Giới có thế đứng mạnh hơn để hoạt động, với sự có mặt của Hoa Kỳ.