Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Tiễn Năm Chuột Ảo Vọng, Đón Năm Trâu Chân Chất

12/02/202100:02:00(Xem: 2951)
TIEN NAM CHUOT AO VONG DON NAM TRAU CHAN CHAT re

Bức tranh chăn trâu thứ sáu trong 10 bức tranh chăn trâu Thiền Tông. (www.hoavouu.com)

 
Năm con chuột (Canh Tý) đã đi qua. Năm con trâu (Tân Sửu) đang tới. Xét về cung cách sống, con chuột lanh lẹ, lăng xăng, lén lút, làm gì cũng có vẻ rụt rè, và dường như đầy âm mưu, trong khi con trâu thì có cái tướng lù khù, chậm chạp, không mấy thông minh, nhưng lại đi đứng chững chạc, đường đường chính chính và không có gì có vẻ âm mưu lén lút!
 
Năm con chuột ảo vọng
 
Có lẽ vì vậy mà một năm con chuột vừa qua có quá nhiều biến động và khủng hoảng, từ đại dịch vi khuẩn corona làm chết hơn 2 triệu người trên toàn thế giới đến vụ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tạo ra một thời kỳ ảo vọng và phân hóa trầm trọng trong lịch sử của Xứ Cờ Hoa.

Đại dịch đã thay đổi tận gốc các phong tục tập quán và lối sống của con người. Ngày nay đi đâu cũng thấy mọi người đeo khẩu trang, đứng cách nhau hơn một mét rưỡi, ngần ngại khi đi gần người khác, tránh xa khi thấy người nào đó ho, nhảy mũi. Sinh hoạt kinh tế cũng đã có nhiều thay đổi. Các cơ sở thương mại đóng cửa quá lâu đã phải dẹp tiệm luôn. Đa phần con người chuộng mua hàng qua mạng, ít có người muốn đi mua sắm ở các thương xá như lúc trước, bằng chứng là ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) trong cuối tháng 11 năm 2020 số người đi mua sắm đã sút giảm đáng kể trong khi số người mua qua mạng đã tăng vọt. Sự sa sút của kinh tế đã làm cho ngày càng có nhiều người nghèo hơn, đói khổ hơn và do dó nhu cầu trợ giúp thực phẩm cũng gia tăng thật mạnh. Ngược lại, thời đại dịch làm cho thế giới giảm bớt khí thải nhà kính đáng kể bởi vì xe cộ ít chạy, giao thông đường sá trống trải. Con người quan tâm đến các phương pháp giữ gìn sức khỏe nhiều hơn.

Cuộc bầu cử ở Mỹ trong năm con chuột đã tạo ra một thời kỳ ảo vọng chưa từng có trong lịch sử. Người ta có thể nói bất cứ thứ gì họ suy diễn mà không cần chứng liệu hay sự thật, có thể tạo ra bất cứ tin tức thất thiệt nào họ muốn, rồi tung lên trên các trang mạng xã hội. Họ không cần quan tâm đến điều họ nói đó có hệ quả thế nào. Không ai chịu trách nhiệm cho những gì mình nói ra hay viết ra. Một thời kỳ thông tin hỗn độn giữa thật và giả. Một ông tổng thống mới lên ngôi đã tung hỏa mù vào khu xóm truyền thông, tuyên bố rằng “truyền thông là kẻ thù của nhân dân” vì đưa toàn tin vịt (fake news). Câu này nghe quen quen và hao hao như đã từng nghe đâu đó ở đất nước XHCNVN! Dường như chưa có một cuộc bầu cử nào mà ban vận động của vị tổng thống đương nhiệm đã nạp đơn kiện trên 60 vụ vì cho rằng bầu cử có gian lận quy mô. Nhưng rốt cuộc không một vụ kiện nào thắng, vì không có chứng cứ về bầu cử gian lận. Trong thời kỳ này, người ta sống bằng ảo vọng, lấy giả làm thật để biến chúng thành những thiên kiến, định kiến và cố chấp không thể buông xả, nên đã tạo ra nhiều chia rẽ và phân hóa trầm trọng từ trong nhà ra ngoài xã hội.

Đức Phật nói bản chất của các pháp vốn không thật, là giả, là không. Bây giờ con người chấp cái giả của cái không thật đó để làm cái thật. Tình trạng này trong Thiền Tông gọi là ráp cái đầu trên một cái đầu. Rốt cuộc đã khiến cho cuộc đời vốn là mộng trở thành mộng mị hơn nữa!

Nhưng năm con chuột đã qua rồi. Bây giờ là năm con trâu nên hãy nói chuyện về con trâu.
 
Năm con trâu chân chất
 
Có một câu chuyện rất kỳ lạ, như một huyền thoại, liên quan đến việc nhà hiền triết Trung Hoa là Lão Tử, người xuất hiện vào thế kỷ thứ 6 trước tây lịch, cùng thời với Đức Phật Thích Ca ở Ấn Độ và Khổng Tử ở Trung Hoa, rất thích cỡi trâu.

Chuyện kể rằng, theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, vì nhìn thấy xã hội Trung Hoa vào thời Xuân Thu Chiến Quốc đang lúc loạn lạc hỗn mang, Lão Tử đã từ quan và cỡi trâu đi về phía Tây tức đi qua nước Tần để ẩn dật. Khi Lão Tử đến cửa ải Hàm Cốc thì gặp quan giữ ải là Doãn Hỷ. Vị quan này đã nghe tên tuổi của Lão Tử từ lâu mà chưa có dịp được gặp mặt, bây giờ gặp thì rất ái mộ và mời Lão Tử ở lại quan ải vài ngày để nghỉ ngơi trước khi tiếp tục đi. Lão Tử thấy vị quan này có lòng thành nên chịu ở lại. Khi đó Doãn Hỷ mới năn nỉ xin Lão Tử viết lại các học thuyết mà ông đã truyền bá lâu nay để lại cho đời sau học theo. Lão Tử đã đồng ý và viết lại tư tưởng của ông trong cuốn Đạo Đức Kinh. Sau khi viết xong Đạo Đức Kinh, Lão Tử tiếp tục cỡi trâu lên đường đi về sa mạc hướng tây. Rồi từ đó không còn ai biết ông ở đâu, làm gì và sống chết ra sao. Nhưng truyền thuyết nói Lão Tử sống tới 100 tuổi.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao Lão Tử lại cỡi trâu mà không cỡi ngựa? Có lẽ con trâu là con vật hiền lành, chất phác và hòa đồng với thế giới thiên nhiên và tự nhiên hơn, mà Lão Tử là người chủ trương thuận theo lẽ tự nhiên để sống, nên ông đã chọn con trâu để cởi thay vì cỡi ngựa.

TIEN NAM CHUOT AO VONG DON NAM TRAU CHAN CHAT 01

Lão Tử qua nét vẽ của họa sĩ Trương Lộ đời nhà Minh (1368-1644). (www.en.wikipedia.org)


Lão Tử, theo www.en.wikipedia.org, xuất hiện vào giai đoạn từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 4 trước tây lịch. Đó là thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Hoa, một thời kỳ “bách gia chư tử” xuất hiện rất nhiều nhà hiền triết, lý thuyết gia, thuyết khách. Nhưng trong thời kỳ này ở TQ có 2 người nổi tiếng nhất là Lão Tử và Khổng Tử. Cả hai đều là hiền triết sáng lập ra trường phái triết lý có thể nói là khác nhau. Lão Tử thì chủ trương “vô vi nhi vô bất vi” [tịch lặng mà không phải là chẳng làm gì] là sống thuận theo lẽ tự nhiên của trời đất thì viên mãn cả đạo và đức. Trong khi đó, Khổng Tử thì chủ trương phải thiết lập hai tầng triết lý: hình nhi thượng và hình nhi hạ. Hình nhi thượng là triết lý chủ đạo cho tư duy và nguyên lý vũ trụ quan và nhân sinh quan. Hình nhi hạ là các nguyên tắc đạo đức, giáo dục, chính trị để xử thế hay trị quốc. Lão Tử không tán đồng cách làm đó của Khổng Tử, nói rằng làm như vậy chỉ tạo ra thêm loạn vì đi ngược lại lẽ tự nhiên của Đạo.

Đối với việc trị quốc, Lão Tử chủ trương “dĩ chính trị quốc,” như trong Chương Hai Mươi của Đức Đạo Kinh (bản mới phát hiện trong ngôi mộ của Mã Vương Thôi tại tỉnh Hồ Nam ở Trung Hoa vào năm 1973, do Huỳnh Kim Quang dịch và xuất bản tại California vào năm 1994). “Dĩ chính trị quốc” là đem cái chân chính, ngay thật, minh bạch, không gian lận, không âm mưu ra mà cai trị đất nước. Đối với Lão Tử, nhà lãnh đạo quốc gia mà đem cơ tâm, mưu mẹo, gian dối ra để trị nước thì đất nước sẽ nguy vong. Trong Chương Hai Mươi Mốt của Đức Đạo Kinh Lão Tử viết rằng, “Bởi vì không có chân chánh, sự chân chánh lại trở thành gian trá, sự thánh thiện lại trở thành gian tà. Sự mê lầm của con người vốn đã có từ xa xưa.” Lão Tử còn nói thêm rằng muốn có được sự chân chánh thì nhà lãnh đạo phải “dĩ vô sự thủ thiên hạ,” tức là “lấy phong thái siêu thoát lên trên mọi sự mà lãnh đạo thiên hạ,” theo Chương Hai Mươi của Đức Đạo Kinh của Lão Tử. Hay có lúc Lão Tử nói lấy “vô vi nhi trị,” tức là thuận theo Đạo vô vi mà trị nước chứ không dùng mưu trí để trị dân.

Lão Tử viết trong Chương Mười Một của Đức Đạo Kinh: “Tịch lặng nhưng không có gì là không làm. Người lãnh đạo thiên hạ thì phải luôn luôn siêu thoát lên trên mọi sự. Bởi vì, khi người ta hệ lụy vào sự việc, họ sẽ không đủ tư cách để lãnh đạo thiên hạ.”

Đạo Phật có mười nguyên tắc mà một vị vua nên thực hành lãnh đạo quốc gia được ghi trong Kinh Bổn Sinh (Jataka). Trong bài viết “Thập Vương Pháp Và Giá Trị Đạo Đức Cốt Lõi Của Tư Tưởng Và Phương Pháp Chính Trị Theo Tinh Thần Phật Giáo,” được đăng trên Thư Viện Hoa Sen, tác giả Hà Văn Minh đã giải thích về 10 nguyên tắc này như sau:

“Để tiện cho việc phân tích chi tiết, có thể tóm tắt lại ‘Mười nguyên tắc chính trị’ đã được Đức Phật đúc kết và giảng thuật (cùng nét nghĩa từ vựng cơ bản của các từ ngữ được dùng làm thuật ngữ biểu đạt các nguyên tắc ấy) như sau: (1) bố thí (dana), chia sẻ với người khác phần của cải mình có; (2) giới (sila), giữ các giới luật, tối thiểu là giữ 5 giới của một cư sĩ: không sát hại, không trí trá, không tà dâm, không nói lời sai trái, không uống rượu; (3) biến xả (pariccaga), sẵn lòng từ bỏ mọi thứ thuộc sở hữu của mình để hết lòng phụng sự nhân dân; (4) trực hạnh (ajjava), phẩm hạnh trung thực, cương trực để làm gương cho dân chúng; (5) khổ hạnh (tapa), kiệm ước, kiềm chế dục vọng của bản thân; (6) nhu hòa (maddava), tính tình và cư xử hoà nhã; (7) vô sân (adoha): không thù hận, ác độc, đặc biệt là không giữ mối tư thù; (8) bất hại (avihimsa), không làm hại, cố tạo hòa bình hòa giải, chấm dứt chiến tranh - sát hại - bạo động; (9) nhẫn nhục (khanti), chịu đựng mọi khó khăn khổ nhục trước mọi thăng trầm; (10) vô cản (avirodha), không đối lập hoặc ngăn cản ý chí của toàn dân, không cấm đoán bất kì chủ trương/ hành động/ việc làm nào đem lại hạnh phúc cho toàn dân.”

Triết lý cao siêu và thoát tục của Lão Tử đã vô tình giúp cho Thiền Phật Giáo phát triển phong phú trên mảnh đất trọng nông của Trung Hoa khi Phật Giáo được truyền bá vào đây. Các Thiền Sư thay vì cỡi trâu đi về phương tây ở ẩn như Lão Tử thì ngày đêm chăn con trâu động loạn và vô minh trong tâm để kiến tánh thành Phật.
 
Phép chăn trâu của nhà Phật
 
Ngay trong đêm nhập Niết Bàn tại rừng cây Sa La (Salavana) ở thành Câu Thi Na (Kushinagar), đức Phật, trong lời dặn dò cuối cùng đối với chư vị Tỳ Kheo, cũng đã có dạy:

“Các Thầy Tỳ kheo, đã hay giữ tịnh giới; còn cần phải biết cách tự chế, không cho năm căn dông dỡ đuổi theo năm dục vọng. Cũng như người chăn trâu, cầm roi trông chừng, là cốt giữ trâu khỏi ăn lúa mạ nhà người ta.” (Kinh Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật, tức Kinh Di Giáo, Thích Trí Tạng dịch.)
Tâm vô minh của chúng sinh, của con người với sự si mê của con trâu vốn khởi đi từ một gốc gác vô minh như nhau. Cả hai đều không giác ngộ được tâm như thật của mình. Cả hai đều sống theo vọng tâm điên đảo từ hằng hà sa số kiếp. Cả hai đều bị ông chủ vô minh sai khiến mà không biết. Nhưng cả hai đều vốn sẵn có tánh Phật hay tánh giác siêu việt. Cả hai đều có thể thành tựu giác ngộ và giải thoát. Cả hai đều là Phật sẽ thành.

Chính vì vậy, trong Luận Đại Thừa Khởi Tín (Mahāyāna Śraddhotpāda Śāstra), Bồ tát Mã Minh (Aśvaghoṣa) đã chỉ rõ tâm chúng sinh chứa đựng hai diệu nghĩa: một là chân tâm tức tâm chân như bất sinh diệt; hai là vọng tâm tức tâm sinh diệt điên đảo. Trâu ví như vọng tâm điên đảo. Người tu tập chuyển hóa tâm giống như kẻ mục đồng chăn trâu, điều ngự vọng tâm sinh diệt để thuần phục nó. Bởi lẽ đó, quá trình tu chứng chính là quá trình chuyển hóa tâm, từ vọng sang chân, từ sinh diệt sang vô sinh diệt, từ mê sang ngộ, từ chúng sinh sang quả vị Phật. Nhưng quá trình chuyển hóa tâm đó, tùy theo căn cơ của người tu mà có đốn tiệm, có cao thấp, có sâu cạn.

Thiền đốn ngộ mà Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) truyền qua Trung Hoa vào thế kỷ thứ 5 sau tây lịch chủ đích là kiến tánh, tức thấy tánh, mà tánh ở đây chính là bản tâm vô sinh diệt. Vì vậy, Thiền khước từ việc nương vào chữ nghĩa kinh điển và các pháp môn tiệm tu, bởi vì đốn ngộ là thấy tánh tức thì mà không suy tư nghiền ngẫm đắn đo gì cả. Hay nói cách khác là Thiền không để cho hành giả có cơ hội để sinh tâm vọng niệm. “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật” [Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật] là chủ đích của Thiền.

Nhưng không phải ai cũng có trí tuệ thượng thừa để đốn ngộ trong sát na hiện tiền mà đa phần chúng sinh có căn cơ với các pháp môn tiệm tu, tức tu từ từ. Để hướng dẫn cách tiệm tu, các họa sĩ tại Trung Hoa miêu tả việc chăn con trâu tâm bằng 10 bước qua 10 bức tranh, gọi là 10 bức tranh chăn trâu hay “thập mục ngưu đồ” và kèm theo các bài tụng và lời giải cho mỗi bức tranh. Không ai biết chắc các bức tranh chăn trâu này đã có từ thời nào, nhưng đến thời nhà Tống vào khoảng thế kỷ thứ 12 tại Trung Hoa xuất hiện nhiều loại tranh chăn trâu, tất cả đều vẽ 10 bức. 10 tranh chăn trâu còn được lưu truyền nhiều nhất là của Thiền Sư Thanh Cư và Thiền Sư Quách Am.

Tranh chăn trâu có hai loại: Tranh chăn trâu Đại Thừa và tranh chăn trâu Thiền Tông. Tranh chăn trâu Đại Thừa vẽ con trâu đen toàn thân ở bước thứ nhất rồi từ trắng dần khi sự tu tập có thành tựu cho đến khi viên mãn. Trong khi tranh chăn châu Thiền Tông vẽ cả hai màu đen và trắng, nhưng phổ biến vẫn là tranh màu đen.

Mười bức tranh chăn trâu Đại Thừa có tên như sau:

1-    Vị mục: chưa chăn
2-    Sơ điều: mới chăn
3-    Thọ chế: chịu phép
4-    Hồi Thủ: quay đầu
5-    Tuần phục: chịu vâng lời
6-    Vô ngại: không ngại
7-    Nhiệm vận: tha hồ
8-    Tương vong: cùng quên
9-    Độc chiếu: soi riêng
10-  Song dẫn: dứt cả hai.

Mười bức tranh chăn trâu Thiền Tông có tên như sau:

1-    Tầm ngưu: tìm trâu
2-    Kiến tích: thấy dấu
3-    Kiến ngưu: thấy trâu
4-    Đắc ngưu: được trâu
5-    Mục ngưu: chăn trâu
6-    Kỵ ngưu quy gia: cỡi trâu về nhà
7-    Vong ngưu tồn nhân: quên trâu còn người
8-    Nhân ngưu câu vong: người trâu đều quên
9-    Phản bổn hoàn nguyên: trở về nguồn gốc
10-  Nhập triền thùy thủ: thõng tay vào chợ.

TIEN NAM CHUOT AO VONG DON NAM TRAU CHAN CHAT 03

Bức tranh chăn trâu thứ năm trong 10 bức tranh chăn trâu Thiền Tông. Tranh được cho là của thiền sư và họa sĩ Nhật Bản Tenshō Shūbun (1414 - 1463). (www.musttriumph.com)


Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã dịch thơ 10 bức tranh chăn trâu theo bản vẽ Thiền Sư Thanh Cư và Thiền Sư Quách Am là thơ chữ Hán. Bài này nằm trong phần phụ lục của bài “Tranh Chăn Trâu Đại Thừa và Thiền Tông” được đăng trên Thư Viện Hoa Sen. Xin trích 10 bài tụng được dịch thơ tiếng Việt của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ để độc giả thưởng lãm trong ba ngày Tết Tân Sửu.
 
I. Mất Trâu
 
Nức lòng vạch cỏ rong tìm
Non xa nước rộng đường chim mịt mù
Sức cùng dạ mỏi tìm mô?
Rừng phong bóng ngả nghe hồ ve ngâm.
 
II. Tìm Trâu
 
Dấu chân dọc bến ven rừng
Cỏ non chằng chịt biết chừng đâu đây?
Non kia cứ vẫn xa dầy
Trời cao mũi hẹp dấu mày được ư?
 
III. Thấy Trâu
 
Vàng anh trên ngọn líu lo
Gió reo nắng ấm bên bờ cỏ xanh
Chỗ này thôi hết chạy quanh
Đầu sừng rối rắm khó thành vẽ lên.
 
IV. Được Trâu
 
Trăm đường mới chộp được mi
Cứng đầu hăng tiết chưa qui thuận nào
Thoảng khi dắt đến gò cao
Lại trông mây nổi dạt dào buông lung.
 
V. Chăn Trâu
 
Cây roi mang sẵn kè kè
Ngại y tung vó theo bè trần ai
Sửa lưng, mày đó ta đây
Trói chân cho kỹ, mày quây đường nào?
 
VI. Cưỡi Trâu Về Nhà
 
Lưng trâu bước chậm ta về
Sáo lên vi vút ngoài tê ráng chiều
Vừa ca vừa nhịp hiêu hiêu
Tri âm rồi khỏi ra điều nọ kia
 
VII. Quên Trâu Còn Người
 
Lưng trâu thoắt đã quê mình
Buông trâu mất hút mặc tình thong dong
Nắng cao còn đượm giấc nồng
Quăng roi nhà cỏ hết dùng nữa thôi
 
VIII. Người Trâu Đều Quên
 
Người, Trâu, roi vọt đều không
Trời xanh vời vợi mù trông chốc mòng
Tuyết khoe trắng giữa than hồng
Cội nguồn quê quán tao phùng một phen
 
IX. Phản Bản Hoàn Nguyên
 
Mắt công mò lại cội nguồn
Trắng trong một dải ra tuồng điếc đui
Trong am không thấy cõi nào
Ngoài kia hoa thắm nước trào mênh mông
 
X. Vào Chợ Buông Tay
 
Lưng trần chân đất chợ người
Cát lầm bụi vẫn ta cười say sưa
Thần tiên bí quyết cũng thừa
Cây khô thoắt đã đong đưa nhụy vàng.
 
Khi cây khô bắt đầu nở nhụy vàng là đã hết mùa đông u ám giá lạnh và bước qua mùa xuân quang đãng ấm áp. Thời tiết bốn mùa xuân hạ thu đông là lẽ tự nhiên như thế. Nhưng lòng người thì chưa chắc đã được vậy dù mỗi giây phút, mỗi sát na niệm niệm liên tục vô thường biến đổi. Chỉ khi nào cái tâm vọng động, điên đảo và cố chấp biết dừng lại để nhìn thẳng vào “bản lai diện mục” của nó và rồi buông xả hết nhân ngã bỉ thử, được mất hơn thua thì nụ hoa vàng sẽ nở trước gió đông biến loạn của cuộc đời, của thế sự.
Xin chúc mọi người năm mới Tân Sửu tràn đầy an lạc.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trải qua gần bảy thập niên, từ cuối thập niên 1950’ đến nay, trong lãnh vực báo chí và văn chương, tên tuổi Trần Dạ Từ, Nhã Ca nổi bật, quen thuộc với giới báo chí, văn nghệ sỹ và độc giả từ miền Nam Việt Nam ở hải ngoại. Với nhiều bài viết về Trần Dạ Từ trên nhiều khía cạnh trong sự nghiệp và sáng tác nên nếu viết cũng là sự lặp lại, vì vậy trong bài viết nầy trích dẫn bạn văn, bạn tù đã sống gần gũi nhau đã viết về ông, nhất là bạn tù.
Ông Tri vung tay hất đổ chén canh, vỡ nhiều mảnh trên nền nhà, tung toé mùng tơi và tôm khô. Ông đưa tay lên lần thứ hai, muốn tát vào mặt con rể. Anh nắm tay ông lại. Lòng tung tóe giận dữ. Ánh mắt giết người làm ông sợ hãi. Rụt tay lại. Quay mặt vào vách. Anh hít một hơi đầy, thở mạnh ra. Xả cơn giận. Đứng lên đi dọn dẹp. Những mảnh chén vỡ làm anh nhớ lại lần đầu tiên khi anh đến nhà thăm Lài, ông Tri đã giận dữ đập vỡ tách trà vì không muốn con gái ông quen biết với người nhìn bề ngoài trông giống du đảng, tóc dài và ăn mặc không tiêu chuẩn.
Măc dầu câu kết của hai bài thơ của họ Thôi và ho Lý đều kết thúc bởi câu “sử nhân sầu” Nhưng cái buồn của họ Thôi, cái buồn của người hiểu thế sự. Cái buồn của họ Lý là cái buồn tích cực nhập thế. Họ Thôi thì nhớ về quê hương còn họ Lý thì nhớ thủ đô Tràng An. Như vậy xem ra mối sâu của Thôi Hiệu và của Lý Bạch không giống nhau. Hai bài thơ có những ưu điểm riêng, bổ túc cho nhau.
Bài thơ Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường vào đầu thế kỷ XIX của khuyết danh chỉ đề cập tổng quát, được đề cập nhiều (Sau nầy có bài thơ của Nguyễn Bính nhưng không có gọi tên phố phường). Tác phẩm Hà Nội 36 Phố Phường của nhà văn Thạch Lam (1910-1942) ấn hành năm 1943 được phổ biến rộng rãi, được mọi người biết đến nếp sống, sinh hoạt… của Hà Nội xa xưa.
Nhà thơ Đinh Hùng sinh ngày 3/7/1920, làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông. Ông là con út trong gia đình gồm sáu anh chị em: anh cả là Đinh Lân, các chị là Loan, Yến, Hồng, Oanh. Chị Đinh Thục Oanh lập gia đình với nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1915-1976). Đinh Hùng theo bậc tiểu học tại trường Sinh Từ, rồi bậc trung học tại trường trường Bưởi, Hà Nội. Và sau khi đậu bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d’Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) thường gọi là bằng Thành Chung. Ông được học bổng tiếp tục đèn sách để thi Tú Tài bản xứ thì “Thần Ái tình đã hiện đến cùng một lúc với sự thành công đầy hứa hẹn” (theo lời kể của ông anh rể Vũ Hoàng Chương), khiến ông bỏ ngang để đi viết văn, làm thơ. Năm 1943, ông xuất bản tập văn xuôi Đám Ma Tôi nhưng sau đó nổi tiếng với bài thơ Kỳ Nữ. Năm 1944, nhà thơ Vũ Hoàng Chương cưới bà Thục Oanh đưa về Nam Định sinh sống, ông ở lại Hà Nội và cho ra đời giai phẩm Dạ Đài, và năm này, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Thanh về Thái Bình dạy học.
Cha anh, ông Thụ, là một người trung bình về mọi phương diện. Ưa thích quyền lực nhưng không thỏa mãn. Quyền lực mà ông có nhiều nhất là đối với vợ con. Đứa con trai duy nhất, “Em à, số vợ chồng mình thật xui. Có một đứa con mà nó lại sống ở trên mây.” _”Còn hơn nó chết à?” Thú vui lựa chọn của ông Thụ là tập bắn súng. Súng trường, súng lục, súng nào ông bắn cũng giỏi. Đã đoạt một số giải thưởng bắn thi. Và dĩ nhiên, ông muốn truyền tài năng này cho con trai. Năm 17 tuổi anh đã đoạt giải quán quân về tầm bắn xa 200 mét. Khi anh đeo dây huy chương trên cổ, tay cầm cái cúp giải thưởng, cha anh đã ôm anh thật chặt, Hơi nóng ấm áp chuyền qua làn áo vải. Ông đã tìm thấy ông và anh đã tìm thấy cha. Tính tình cha con anh có nhiều chuyện khác nhau, từ sở thích đến suy nghĩ. Khi còn nhỏ, anh không thích ăn thịt. Ông ăn thịt bò bíp-tết hai ngày mỗi tuần. Mỗi lần ăn, ông cắt thịt ra từng mảnh nhỏ, bắt anh hả miệng và đút vào. _”Nhai đi.” Cùng một cách ra lệnh, _”Nghĩ đi”, _”Làm đi”, _”Thở đi” _Số
Mẹ tôi, sinh nhật nào cũng bốn cây bạch lạp thắp sáng, năm nào bà cũng bốn mươi tuổi, không già hơn. Sinh nhật năm nay cũng vậy. Đàn cháu hát hăm hở Happy Birthday mừng bà nội. Mừng điều gì, tôi không biết. Sống lâu? Bà gần như không bao giờ chết. Xinh đẹp? Bà có bao giờ thay đổi đâu. Khỏe mạnh? Bà sẽ không bao giờ bệnh. Có lẽ con gái tôi biết được điều gì tôi không biết. “Chúc bà nội năm nay có tình yêu.” Cả đám con cháu cười vang kèm theo tiếng vỗ tay. Mẹ cười âu yếm. Trong căn phòng khách này, tôi là người già nhất và là người lạc hậu nhất.
LTS: Nhà văn Dương Nghiễm Mậu qua đời lúc 21 giờ 35 phút tối, giờ VN, ngày 2 tháng 8 năm 2016 (nhằm ngày 30 tháng 6 năm Bính Thân) tại Sài Gòn, hưởng thọ 81 tuổi. Dương Nghiễm Mậu tên thật là Phí Ích Nghiễm, sinh ngày 19 tháng 11 năm 1936 tại quê nội làng Mậu Hòa (quê ngoại làng Dương Liễu), huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Lập gia đình năm 1971, với Hồ Thị Ngọc Trang, giảng viên Anh ngữ. Sau 30/4/1975 bị bắt giam. 1977 đươc tạm tha. Từ 1977, học nghề sơn mài và sống bằng nghề này tại Sài Gòn. Từ 12 đến 18 tuổi sống ở Hà Nội. Học tiểu học ở trường Hàng Than, trung học, Chu Văn An, viết đoản văn, tùy bút cho báo trường và các báo có phụ trang văn nghệ học sinh. 1954 di cư vào Nam với gia đình, năm đầu ở Huế, năm sau ra Nha Trang, hè 1957 vào sống hẳn Sài Gòn. Từ 1957 trở đi Ông viết nhiều: tạp văn, tùy bút, đoản văn, truyện ngắn, truyện dài. Nhân ngày giỗ thứ tám, Việt Báo xin trích đăng lại nhà văn Dương Nghiễm Mậu từ tập “Tự Truyện Nguyễn Du”.
Tôi không khỏi bâng khuâng được tin Chị Võ Phiến, tên thật là Viễn Phố, phu nhân nhà văn Võ Phiến (1925-2015), đã qua đời ngày 24 tháng 7, 2024, hưởng thọ 94 tuổi. Trong số các bạn đời của các bạn văn của tôi, chị là người phối ngẫu tôi có dịp gần gũi hơn cả, từ khi anh còn sống và cả sau khi anh đã qua đời...
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Kafka đã viết hàng trăm bức thư, từ những bức thư tình cảm động và đầy đau thương, cho đến những lá thư gửi cho bạn bè để chia sẻ về những tác động diệu kỳ của chữ nghĩa đối với tâm hồn. Tuy nhiên, không có bức thư nào có thể so sánh với bức thư dài 47 trang mà ông viết cho cha mình, Hermann Kafka, vào tháng 11/1919. Bức thư này gần như là tự truyện duy nhất của Franz Kafka, được dịch bởi Ernst Kaiser và Eithne Wilkins và được xuất bản vào năm 1966 với tựa đề “Letter to His Father” (Thư Gửi Cha).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.