Hồi mới di cư sang Hoa Kỳ năm 75 còn mang nặng cả một trời quá khứ, khi cùng chồng con sửa soạn cho cái tết tha hương đầu tiên, tôi căm cụi ngồi vẽ trên bìa cứng mấy hình hoa đào, mai, cúc và hoa thủy tiên rồi dán trên tường gần bàn ăn trong căn apartment nhỏ của chúng tôi ở Ventura. Thêm một hình vẽ quả dưa hấu “xanh vỏ đỏ lòng” mà đứa con gái 9 tuổi của tôi vẽ lại đề tài thi vẽ lúc cháu thi đậu vào trường tiểu học Lê Quí Đôn VN mấy năm trước. Tôi có dịp nói về hoa thủy tiên của miền bắc với các con tôi và vài bạn người miền nam. Thực ra chỉ nhắc lại chuyện các cụ ngày xưa coi việc tỉa thủy tiên cho ngày tết là một thú vui tao nhã chứ không biết chi tiết cách tỉa thủy tiên thế nào.
Sau gần 20 năm ở Mỹ chúng tôi sống xa cộng đồng Việt, chỉ đến khi về hưu dọn nhà đến vùng thị tứ, tôi mới có dịp nhìn thấy củ thủy tiên ở vài chợ Á châu.Tôi cũng gặp lại một người bạn thuở nhỏ thuở còn học tiểu học ở Hải Phòng. Thế là từ đó cùng các bạn quanh vùng bắt đầu học hỏi về cách tỉa thủy tiên. Sau rồi thành lệ cứ dành thì giờ cuối năm khoảng hơn một tháng cho thú vui này.
Năm nay với những ngày ‘cấm cung’ vì dịch Covid-19, tôi mới nghĩ đến việc ngồi xuống viết về “Tỉa Thủy Tiên” để chia sẻ với bạn bè thân hữu ở xa những kinh nghiệm và hiểu biết (có thể chỉ là căn bản) về thủy tiên. Lý tưởng nhất là có một buổi họp mặt để “hands-on” như lớp làm hoa hay nấu bếp… Nhưng tôi xin cố gắng trình bầy thật giản dị, hy vọng các bạn có thể theo dõi được mà không nản và cuối năm nay có thêm một giải trí, cũng để giết thì giờ nếu vẫn còn phải “trấn thủ lưu đồn” vì thời đại dịch.
Hoa thủy tiên (tên khoa học là narcissus) có nhiều loại và nhiều mầu trắng, vàng, hồng, tím, cùng một họ với hành tỏi và chắc chắn họ hàng với daffodils của Mỹ. Nhưng hoa thủy tiên người Việt ưa chuộng và hay tỉa vào ngày tết là loại có một lượt cánh trắng muốt mềm mại xếp tròn như cái đĩa và nhị vàng ở giữa trông hệt như 1 cái chén nên người ta hay tả bông thủy tiên như là “chén vàng đĩa bạc” hay “chén ngọc đĩa ngà”. Nhìn hoa này có một lượt cánh gọi là hoa đơn (hình 2) thì thấy chén vàng đĩa bạc rõ ràng còn hoa kép (hình 3) thì có nhiều lượt cánh tụ vào nhau chen lẫn với ít nhị mầu vàng nhạt.
Thủy tiên có thể mọc tự nhiên trong đất thành từng khóm, hoa trắng nhị vàng lá xanh xum xuê mọc cao và thẳng, cũng có thể trồng củ ngập rễ thêm ít hòn sỏi, hoa lá vẫn tốt lại khỏe chỉ có khác là cành lá và chùm hoa mọc cao và thẳng.
Một chậu thủy được tỉa từ củ cho chúng ta một cảm nhận khác. Trong một không gian nhỏ ở góc phòng khách hay góc bàn, chúng ta có một chậu thủy tiên có 3 mầu nổi bật nhưng không sặc sỡ, hình dáng hài hòa: mầu xanh tươi đầy hy vọng của lá, mầu trắng tinh khiết thanh nhã của hoa, nhị mầu vàng huy hoàng của sự thành công, và vẻ mềm mại của rễ như mây, như làn tóc người đẹp…tất cả được trình bầy xếp đặt một cách tự nhiên nhưng không phần trang trọng và hương thơm tỏa ra trong không gian nhẹ nhàng thanh thoát khiến mình phải chú ý nhìn quanh kiếm tìm khi bước vào phòng. Chỉ khi nào đứng thật gần dí mũi vào bông hoa mới thấy hương ngào ngạt.
Thủy tiên là loại hoa cao sang và quí phái. Từ lúc ngâm củ, cắt tỉa, lột vỏ cho đến lúc nhìn thấy giò hoa và lá non, rồi ngâm rửa và thay nước hàng ngày, tiếp tục cắt sén điểm trang, uốn cành uốn lá cho đế lúc giò hoa lớn và chùm hoa hé nở _là cả một công trình.
Thủy tiên là một loại hoa khó tính, rất cần được săn sóc và rất thích nước (chắc vì vậy mới có tên thủy tiên ) Không đủ lòng yêu hoa, để quên củ đã tỉa ở một góc nhà mà không thay nước hay tắm gội kỹ càng là củ sẽ thâm, vàng, và èo uột ngay.
Mua củ và chọn củ:
Cứ vào đầu tháng 11 âm lịch là có thể điện thoại hỏi các vườn cây Á Châu xem có củ thủy tiên chưa nếu muốn mua nhiều và mua cả thùng. Phải gần tết mới thấy thùng thủy tiên bán lẻ để ở cửa chợ hay tiệm hoa, giá khoảng $3-$4 một củ và chỉ là củ bình thường chứ không phải là thứ thật tốt. Tôi thấy những củ TT ở VN được nhập cảng từ Trung Quốc trông rất già, mầu nâu sẫm như còn dính đất rất khô. Củ TT tôi mua được ở các vườn cây tại California hì phẩm chất không được bằng, củ không được già lắm và hình thù méo mó không đẹp hoặc có nhiều nhánh quá. Củ thủy tiên trông giống như củ hành tây có một nhánh chính ở giữa to hơn cả và các nhánh nhỏ dính hai bên. Muốn được hoa đẹp, khỏe và mọc nhiều rễ phải chọn củ già, các nhánh tròn to và đều, không nhiều nhánh quá , 5 hoặc 6 nhánh là vừa tốt và xòe ra như bàn tay, các nhánh không chồng lên nhau hay méo mó rất khó cắt tỉa nhánh lớn đứng đằng sau.
Củ già thì bên trong mỗi nhánh sẽ có “giò hoa” hay bao hoa lớn. Củ non và nhiều nhánh nhỏ thì hay bị lép, không thấy giò mà chỉ cho lá. Vậy không nên chọn củ nhiều nhánh quá hay méo mó, không có dáng đẹp, tỉa ra thì yếu chẳng khác gì như nhà nghèo nuôi đông con không đủ đồ ăn chất bổ….! Khi gặp củ như thế thì để cho dễ cắt nhánh lớn phía sau, phải vứt bỏ bớt nhánh nhỏ phía trước (mà có thể là lép, không có giò!)
- 1 con dao đầu nhọn, phần đuôi hơi cong lòng máng ( a hay b)
- 1 cái kéo nhỏ để cắt lá và ‘dọn dẹp’các phần vỏ hay lá còn vướng vào kẽ của củ, hoặc để cắt phần vỏ nâu đen xấu xí ở phía trước và phía đàng sau của củ (d)
Cẩn thận thêm 1 cái gắp (tweezers) để gắp những mẩu vỏ vụn trong các kẽ và một cây cọ nhỏ cùng mấy cục bông gòn hay Q-tips để len vào các kẽ cọ rửa.
Mấy năm trước các con dao loại này (a,b) có bán ở các vườn cây Nhật và Trung Hoa, sau này không thấy nữa và tôi biết có người nhờ mua hay đặt mua nhiều ở Hà nội giá rất rẻ. Ở đây các bạn tôi có người dùng dao cắt tỉa rau quả, cà rốt củ cải để trang hoàng đồ ăn tiệc tùng. Nguyên hộp dao của Nhật cả chục lưỡi dao có thể thay đổi cắm vào cán (c). Tôi cũng nghe nói có thể dùng loai X-acto knife để tỉa.
Mấy năm trước các con dao loại này (a,b) có bán ở các vườn cây Nhật và Trung Hoa, sau này không thấy nữa và tôi biết có người nhờ mua hay đặt mua nhiều ở Hà nội giá rất rẻ. Ở đây các bạn tôi có người dùng dao cắt tỉa rau quả, cà rốt củ cải để trang hoàng đồ ăn tiệc tùng. Nguyên hộp dao của Nhật cả chục lưỡi dao có thể thay đổi cắm vào cán (c). Tôi cũng nghe nói có thể dùng loai X-acto knife để tỉa.
Quá trình cắt tỉa:
a) Củ mua về ngâm nước lạnh, đổ ngập nước, lấy khăn giấy gấp lại để trên mặt đè củ cho nặng chìm xuống chứ không nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Củ ngâm nước 2 hôm thì dễ tỉa hơn vì củ có nở ra và mình dễ nhìn thấy giò hoa lộ ra. Nhưng khi củ nở ra và mềm hơn thì cũng dễ để con dao đầu nhọn làm tổn thương người đẹp (giò hoa) nghĩa là dao cắt vào cũng dễ quá đà, dễ “phạm” giò. Một khi giò hay bao hoa bị vết cắt hay cứa vào thì sẽ yếu, sẽ èo uột, có thể ủng, và hỏng luôn không nở được. Phải rất cẩn thận nhẹ nhàng, khiên nhẫn, không quá tay hay nặng tay khó tránh được nỗi đau “giết người trong mộng”!
Củ ngâm 2 ngày rồi, lấy ra bóc 1, 2 lượt vỏ nâu khô xấu xí ở ngoài phía trước và sau cho đến khi có một củ hành trơn tru trắng bóng. Dùng dao cạo hết phần đen hay rễ khô dưới đáy
(b) Bắt đầu lột các lớp vỏ của nhánh giữa bằng cách dùng đầu nhọn của dao vạch mạnh 1 đường ngang cách đáy (phần rễ) chừng 1cm và 2 đường cong bên cạnh lượn theo bề rộng của củ gần đến đầu mũi nhọn ở trên. Bạn đang có 1 nửa hình củ hành to nhỏ tùy theo nhánh. Dùng phần lòng máng của dao bóc từng lượt vỏ của nhánh theo chu vi đường đã khía đó, cuối cùng phần vỏ bị lóc ra lõm xuống gần một nửa bề mặt của nhánh củ và chúng ta thấy giò hoa lộ ra trông như chiếc thuyền dựng đứng. Lúc này phải rất cẩn thận không để đầu mũi dao cắt phải giò hoa.
Giò hoa hình cái thuyền đứng có cuống ngắn chừng gần 1/2 cm đi xuống tận dưới thềm (dầy 1cm đã cắt từ trước) và tiếp xúc với đáy cũng là phần rễ. Tiếp tục cắt và lột vỏ các nhánh bên cạnh và cuối cùng chúng ta có một củ thủy tiên trông như củ hành tây bị cắt non nửa phần bề mặt để lộ ra 5,6 giò hoa như thế này (hình 10) . Không quên “vạt” gần phần trên từ đầu nhọn của củ đi xuống đến chỗ lòng chảo đã cắt rồi để tất cả có cùng một mặt phẳng.
(c) Giò hoa lộ ra có phần cuống ngắn độ 1/2cm, đi thẳng xuống thềm dầy 1cm thì bạn có thể thấy một hạt tròn nhỏ. Lấy đầu dao cà nhẹ vào hạt tròn đó, đả thương nó một tý, chắc là làm giảm đi một chút nhựa nuôi cây để cây không lớn tự do được mà lùn đi hay nhỏ lại. Tôi không biết làm cây bonsai như thế nào nhưng tôi chắc cũng cùng một nguyên tắc nghĩa là giảm chất nhựa nuôi cây để cây không lớn. Nếu không đụng gì tới phần cuống này thì hoa sẽ mọc tự do, cao và dài như cây hành, thẳng như cái đũa như đám hoa trồng TT trồng dưới đất và lại cho mình một niềm vui khác. Đả vào phần cuối của giò sẽ cho ta một loại bonsai. Có thể dùng dao cà nhẹ 1 chút vào phía bên phải của phần cuống (sau này cành hoa sẽ cong về bên phải), cà nhẹ vào phía cuống bên trái và hơi chếch lên cao hay thấp hơn bên kia 1 tý (là cành sẽ lại cong về phía trái).
Nhưng không phải lúc nào cũng nhìn thấy cái hột tròn phía dưới vì có khi nó bị dấu trong thềm1 cm mà mình đã tạo lúc đầu. Vì vậy, để có thể ‘đả’ cái cuống gốc mà mình không nhìn thấy, xin bật mí một bí quyết: dùng kim tây (safety pin) châm 1, 2 cái vào phần gốc đó_theo tôi_ là một cách ‘đả thương’ gọn gàng, có hệ thống và an toàn để làm cho hoa thấp đi mà không quá tay cà mất hết cái hạt tròn phía dưới đem chất bổ cho hoa.
Tỉa lá:
Tách nhẹ nhàng từng lá (sau này mọc dài như lưỡi kiếm) chạy từ đỉnh nhọn của nhánh xuống. Cách đỉnh 1cm , bắt đầu lượn con dao vào trong 1/3 hay ½ bề rộng của lá tùy theo rông hẹp, lượn con dao đi xuống đến khoảng ½ chiều cao của cả lá (hay nhánh) thì lượn ra ngoài giống như mình may hẹp lại đường cong của áo quần. Phần mép lá bị gọt sẽ làm cho lá cong vào phía trong.
Ngâm rửa thủy tiên:
Cắt tỉa xong xuôi thì để vòi nước máy nhỏ trong sink chảy qua rửa củ cho thật sạch, có thể dùng khăn giấy hay bông gòn cọ rửa rồi úp mặt cắt của củ vào chậu nước sạch, nước lọc là tốt nhất, nhớ để bông gòn hay khăn giấy towel lên trên mặt cho củ ngập nước (hình 11). Ngày hôm sau đem ra rửa và thay và ngâm nước nữa. Hai ngày đầu ngâm nước sẽ thấy củ TT ra rất nhiều nhựa, có khi đặc quánh vào như gel phải dùng móng tay cào bớt ra rồi mới dùng cọ, Q-tip hay bông gòn chà nhẹ vào các ngõ ngách của củ vừa tỉa. Nếu rửa không kỹ thì củ không sạch nhựa và các đường cắt sẽ thâm vàng chứ không “trong ngọc trắng ngà”. Ngày thứ 3, để củ vào bát (to nhỏ tùy theo củ) ngửa mặt đã cắt lên trên hay dựng củ thẳng đứng. Đổ nước lọc cho ngập hết phần rễ và phần thềm (cao 1cm đã cắt lúc đầu) ngập trên phần cuống bao hoa một chút. Nếu cần thì dùng bông gòn thấm nước phủ vào giữa càng tốt để phần cắt khỏi bị thâm nếu nhô nên khỏi mặt nước.
Thay nước sạch mỗi ngày, tiếp tục cắt xén sửa sang dọn dẹp những đầu lá héo, vỏ vụn xấu xí đen đủi xung quanh, hay tiếp tục tỉa lá khi nó mọc dài ra, gài lá vào kẽ các củ để uốn lá cong theo ý mình hay tạo dáng hay dẹp đường lá cho giò hoa khỏi bị chèn bị lấp mà có chỗ vươn lên (bằng cách chèn những bông gòn ở giữa 2 giò chen nhau hay bị lá lấn át…v.). Chừng 1 tuần sau là bắt đầu thấy lá non xanh và các giò hoa mập lớn dần và rễ trắng cũng mọc. Nếu củ cho nhiều rễ thì nên đổi chậu hay bình để rễ được mọc tự do thoải mái không bị nằm bẹp xuống dưới đáy chậu. Các giò có bao mỏng xung quanh sẽ từ từ xé ra vào cuối tuần lễ thứ 3.
Thay nước sạch mỗi ngày, tiếp tục cắt xén sửa sang dọn dẹp những đầu lá héo, vỏ vụn xấu xí đen đủi xung quanh, hay tiếp tục tỉa lá khi nó mọc dài ra, gài lá vào kẽ các củ để uốn lá cong theo ý mình hay tạo dáng hay dẹp đường lá cho giò hoa khỏi bị chèn bị lấp mà có chỗ vươn lên (bằng cách chèn những bông gòn ở giữa 2 giò chen nhau hay bị lá lấn át…v.). Chừng 1 tuần sau là bắt đầu thấy lá non xanh và các giò hoa mập lớn dần và rễ trắng cũng mọc. Nếu củ cho nhiều rễ thì nên đổi chậu hay bình để rễ được mọc tự do thoải mái không bị nằm bẹp xuống dưới đáy chậu. Các giò có bao mỏng xung quanh sẽ từ từ xé ra vào cuối tuần lễ thứ 3.
Tổng cộng từ lúc ngâm củ đến lúc nở hoa là khoảng 21-25 ngày nhưng cũng còn tùy thuộc vào thời tiết và nơi ở. Có lần gặp trời nóng quá thì chỉ 2 tuần là đã thấy hoa và cũng có đôi lần hoa của tôi ỳ ra cả tháng. Phòng có nắng chiếu vào vừa đủ ấm (filtered light) thì tốt nhất và chắc phải khác với phòng nhỏ lạnh và tối tăm. Các vùng gần biển ấm và đủ độ ẩm hơn vùng lục địa hay thung lũng, thì hoa to, khỏe, đẹp và thơm hơn vùng tôi ở ngay thung lũng nóng và khô của LA county..
Tóm lại, tỉa thủy tiên là một công trình tỉ mỉ, chăm sóc hoa như chăm con mọn và nẩy sinh tình yêu thương như chăm nuôi một đứa con, nhìn thấy nó lớn lên từng ngày và thấy vui, hài lòng với thành quả của mình. Tỉa TT cho tôi thời gian được yên lặng, để lòng lắng xuống cũng như ngồi thiền, được nghỉ ngơi, thấy thoải mái sau những lúc tất bật tang bang running the rat race!! Người tỉa hoa luyện được tính kiên trì, nhẫn nại, tỉ mỉ, có dịp nhắc cho mình phải chậm lại, tĩnh lại, làm để mà làm, chứ không phải là làm cho xong đi để còn làm việc khác. (Cả năm mới có một lần hành nghề nên củ đầu tiên trong tháng 11 tôi thường là mất hơn1 giờ, sau ôn bài vở nhuần nhuyễn những củ sau có thể mất 45 hay 30 phút). Công sức bỏ ra trong 3 tuần lễ để có một chậu thủy tiên ngắm trong 7 -10 ngày là tối đa thì mình có nên so sánh với việc trồng lan hay hoa gì khác? Tôi chỉ biết nói rằng phải có lòng yêu hoa, yêu cái đẹp, và tình yêu nào cũng có lý lẽ riêng của nó. Nàng tiên áo trắng mong manh kiều mị, không bền như hoa lan lại là điều đáng cho mìmh nâng níu trân quí.
TB. (Xin mời quí vị thưởng lãm một vài dáng dấp của nàng tiên áo trắng đã thăm chúng tôi trong thập niên vừa qua.)
Xin cảm ơn nhà thơ Lan Đàm đã cho những vần thơ diễm lệ làm tăng vẻ đẹp thanh nhã quí phái của Thủy Tiên, và con gái Quỳnh Thư đã cho những bình thủy tiên đẹp (hậu sinh khả úy, con trẻ học nhanh và mắt tinh hơn mẹ nên làm đẹp hơn!…)
Từ xưa nay đã có bao nhiêu dòng thơ ca tụng loài hoa đẹp này. Chỉ xin viết vào đây bài thơ “Thủy Tiên Kiều Nữ’ mà nhà văn Nguyễn Lân tặng chúng tôi mươi năm trước để nghe lời ca tụng kiều nữ Thủy tiên.
THỦY TIÊN KIỀU NỮ
Một đêm trừ tịch
Em đến bên anh
Vóc mai, mình hạc thanh thanh
Đợi chờ em ...một năm tròn xa vắng...
Trong tay anh thủy tiên mảnh khảnh
Trang nhã và ý nhị làm sao,
Chiêm ngưỡng em,anh tự hào
Em vẫn đẹp, vẫn vô cùng thu hút!
Ngày từng ngày, nâng niu chăm chút
Em héo mòn ủ dột nét hoa
Em ra đi trong nắng chiều tà
Nhìn nhau lần cuối,
tưởng là vĩnh quyết!
Bao tháng qua, tin em biền biệt
Em ở đâu? Em ở nơi đâu?
Nhớ em , trằn trọc canh thâu
Nhớ em, rưng rưng mắt lệ...
Bỗng, một chiều...
Trong huy hoàng tráng lệ
Em trở về ngào ngạt hương hoa
Em trở về lộng lẫy, kiêu sa
Em trở về như lòng ta mơ ước!
Lặng ngắm em trầm mình
trong giòng nước
Thân nõn nà, tươi mát Thủy Tiên ơi!
“Bên mình một đóa hoa trời
Bao nhiêu hoa thế rã rời hết hương...”
NGUYỄN LÂN
(viết xong ngày 22 tháng 8 năm Covid 2020)
Gửi ý kiến của bạn