Ở một xứ sở tự do ngôn luận như Hoa Kỳ, việc phân biệt giữa sự thật và ý kiến, cách kiểm chứng giữa tin thật và tin giả là rất quan trọng đối với cả người đọc lẫn người viết tin tức. Ngay từ thuở còn cắp sách đến trường, nhiều học sinh Mỹ đã làm quen với khái niệm này.
-
Sự thật (Fact): là một cái gì đó đúng, có thể kiểm chứng được. Sự thật chỉ bao gồm những thông tin về thực tế xảy ra một cách khách quan, mà không bao gồm ý kiến của người đưa ra.
Thí dụ: Sau ngày 20 tháng 7 năm 1954, Việt Nam bị chia đôi đất nước ra làm hai miền Nam- Bắc
-
Ý kiến (Opinion): là suy nghĩ, các đánh giá riêng của một cá nhân về một sự việc, vấn đề. Ý kiến mang tính chủ quan của người đưa ra.
Thí dụ: Sau năm 1954, nhiều người miền Bắc cho rằng họ có được độc lập, còn miền Nam thì bị đế quốc Mỹ cai trị. Ngược lại, người Miền Nam cho rằng mình được sống tự do, còn người Miền Bắc sống trong ngục tù cộng sản.
-
Tin không đúng (tin giả - misinformation): là những thông tin sai sự thật, không được kiểm chứng. Những tin này được lan truyền bởi những người không biết nó là tin sai, và họ loan tin cũng không có chủ đích.
Thí dụ: Sau năm 1954, người dân Miền Bắc tin rằng người Miền Nam sống trong lầm than, đói khổ dưới sự cai trị của “Mỹ- Ngụy”. Họ truyền tin cho nhau như vậy vì không biết điều đó sai sự thật.
-
Tung tin giả (disinformation): là những thông tin sai sự thật được tuyên truyền một cách có chủ ý bởi những người có mưu đồ về chính trị, kinh tế…
Thí dụ: chính quyền cộng sản Bắc Việt cố tình tuyên truyền những tin tức sai sự thật về cuộc sống của người dân Miền Nam, để đẩy người dân Miền Bắc vào cuộc nội chiến Nam-Bắc.
-
Cách để phân biệt được tin thật và tin giả: Trong thời đại thông tin toàn cầu hiện nay, rất khó cho một cá nhân có thể tự kiểm chứng được những thông tin xảy ra ở khắp nơi. Một cách hữu hiệu để kiểm chứng thông tin là sử dụng nhiều nguồn tin độc lập khác nhau.
Thí dụ: Fox News và CNN là hai nguồn tin độc lập. BBC, Reuters (Anh), RFI (Pháp) là những nguồn tin độc lập đối với Hoa Kỳ.
-
Cách để biết được những nguồn tin nào là đáng tin cậy: Tin tức từ những công ty truyền thông độc lập, có uy tín, tồn tại lâu đời… thường là những nguồn tin đáng tin cậy.
Thêm một thí dụ gần đây cho những khái niệm kể trên:
-
Sự thật: Cuộc bầu cử tổng thống 2020 có kết quả sau cùng là ông Joe Biden trở thành tân tổng thống Hoa Kỳ
-
Ý kiến: cuộc bầu cử này có gian lận với qui mô lớn, đã cướp đi chiến thắng của ông Donald Trump. Đây là nhận định, ý kiến của nhiều người Mỹ, trong đó có ông Trump. Vì tin là như vậy, ông Trump đã có hơn 60 vụ kiện về kết quả bầu cử. Tuy nhiên, sau khi tất cả các vụ kiện đã kết thúc và không có bằng chứng cho thấy bầu cử bị gian lận ở qui mô lớn, thì những tin tức “gian lận bầu cử” sẽ trở thành tin giả (cho đến khi chúng được kiểm chứng)
-
Tin giả: Ngày 13-11-2020, trên kênh truyền hình Mỹ Newsmax, Dân Biểu Liên Bang Louie Gohmert đã nói: những người có mặt tại Đức tường thuật rằng Scytl, một công ty của Tây Ban Nha, sản xuất phần mềm thu thập và xử lý dữ liệu bầu cử tổng thống Mỹ 2020, đã bị một lực lượng lớn quân đội Mỹ đột kích và đã tịch thu các máy chủ Dominion ở Frankfurt, Đức... Tin này đến nay đã được xác nhận là hoàn toàn giả mạo! Không có một nguồn tin độc lập nào ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức ghi nhận tin về “…một lực lượng lớn quân đội Mỹ đột kích và đã tịch thu các máy chủ Dominion ở Frankfurt, Đức…”
-
Tung tin giả: những tổ chức, cá nhân hiện vẫn tiếp tục lan truyền những tin giả về “gian lận bầu cử” kể trên để đạt được những mục tiêu của riêng mình.
Dân Việt