Thế kỷ 21 có nhiều câu chuyện tréo cẳng ngỗng chẳng hạn như Việt Nam đưa tiền cho Mỹ lì xì Tết dân chúng vào cả hai dịp đầu và cuối năm. Hoa Kỳ mắc nợ như chúa chổm thì tiền lấy đâu ra mà Trump cuối năm 2020 lì xì 900 USD rồi Biden đầu năm con trâu lại muốn lì xì thêm 1400 USD cho mỗi đầu người? Câu trả lời là Việt Nam thặng dự mậu dịch với Hoa Kỳ trên 50 tỷ USD, dự trữ ngoại hối cở 80 tỷ USD trong số đó khoảng 30 tỷ USD mua nợ công để nhà nước Mỹ lì xì dân chúng cho vui dù không biết có cần hay không (các con số tính tròn cho dễ nhớ) - tức là những gói kích cầu hay stimulus.
Gọi là đưa tiền cho Mỹ xài vì Việt Nam cho vay chịu lỗ với lãi xuất âm -1.02% (sau lạm phát). Đến khi Việt Nam đòi thì Hoa Kỳ in đô-la trả lại. Nhưng không riêng gì An-Nam mà nhiều nước khác tiếp tục mua nợ công của Mỹ cho nên mức lời nằm lì ở mức cực thấp trong khi đô-la không mất giá. Trong truyền thuyết có ông vua Midas sờ ra vàng thì nay các phù thủy kinh tế Hoa Kỳ bấm chuột (mouseclick) ra tiền!
Vấn đề là trong đám mù kẻ chột làm vua. Chẳng nước nào muốn tích trữ thêm Euro vì sợ EU rã bèn. Kinh tế Tàu lớn thứ 2 nhưng Việt Nam buôn bán lời với Mỹ mà lỗ với Tàu nên dư USD trong khi thiếu NDT (Nhân Dân Tệ), nhưng đâu ai khùng mà đổi tiền Mỹ ra tiền Tàu làm quỹ dự trữ! Cho nên trên thế giới nước nào thừa USD (Việt, Tàu, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Saudi, ….) thì phải chịu lỗ đưa cho Mỹ giữ giùm khiến lãi xuất nợ công của Hoa Kỳ ở mức âm – trái với lệ thường là khi đã mang nợ quá nhiều thì khó lòng vay thêm nợ mới hoặc phải chịu mức lời cao.
Cũng theo thông lệ thì một nước thiếu nợ chỉ có vài cách để trả: quịt nợ, thu thuế, in tiền hay vay nợ mới đắp nợ cũ (trường hợp như Việt Nam vay nợ bằng USD nên không thể in USD để trả mà cần có khoảng dự trử lớn.) Chỉ riêng Hoa Kỳ lại khác: thuyết Tân Tiền Tệ (Modern Monetary Theory hay MMT) hiện có ảnh hưởng lớn thuyết phục Biden rằng lãi xuất đang thấp thì cứ mượn thêm tiền xài cho sướng, không thiếu quốc gia cho mượn nên chẳng cần tăng thuế mà cũng không sợ quịt nợ bởi vì in tiền mà đô-la không mất giá!
Biden sẽ tăng thuế ít ít chỉ đủ để xoa dịu cánh tả mà không dám nặng tay vì sợ kinh tế xì hơi. Cả chính quyền lẫn doanh nghiệp cùng các cửa hàng, cửa tiệm vay nợ không lời để hồi phục sau dịch Tàu mà không sợ cạn nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào. Tức là nước Mỹ đang ở khoảng không gian lý tưởng (godilocks zone) không cần tăng thuế mà vẫn đủ tiền xài thả cửa nhờ thế giới chịu lỗ cho vay. Ngược lại chủ nợ không bao giờ sợ mất vốn bởi vì nước Mỹ có nhà máy in bạc.
Phe chống cho rằng in tiền thì đô-la mất giá (lạm phát) còn phe bênh giải thích đừng quá lo vì nước Mỹ in USD ồ ạt từ 2008 mà đô-la không mất giá trong khi quốc tế vẫn buộc lòng (không phải vui lòng) cho Mỹ mượn thêm tiền. Lý do vì các nước như Tàu, Việt… hiện tích trữ một bọng tiền khổng lồ (savings glut) mà không chịu xài nên phải đưa cho Mỹ tiêu bằng không hàng hóa xuất cảng không có nước mua.
Kinh tế gia lổi lạc kiêm đại phù thủy Larry Summer tính toán nhờ lãi xuất ngày càng rẻ nên từ năm 2008 nợ tuy tăng vọt mà tiền hàng tháng trả nợ lại giảm xuống. Thước đo mới không còn là nợ nhiều hay ít so với GDP (giả sử lên đến 150% GDP cũng không sao) nhưng nếu tiền trả nợ hàng năm dưới 2% GDP trong khi GDP tăng cũng khoảng 2% mỗi năm rồi thì nợ sẽ từ từ bốc cạn.
Người viết cho vui nhưng đây là những lý luận kinh tế hiện đại và tinh vi nhất chỉ áp dụng riêng cho Hoa Kỳ nhờ vị thế độc quyền của đồng đô-la - Việt Nam đừng bắt chước in tiền và mượn nợ thì khốn! Âu châu ghanh tức cho là Mỹ hưởng “ưu đải quá đáng” (exorbitant privilege), mặt trái của nó là khiến dân Mỹ mất việc giận dữ lên án “gánh nặng quá đáng” (exorbitant burden).
Bạn đọc nào không ưa chuyện phù phép xin mời vào thử phá mê hồn trận. Có vài khe hở mà người viết xin tạm dấu, bạn đọc tò mò xin tìm hiểu trong The Economist số 12/12/2020 để rồi đấu trí.
Để kết luận: cám ơn tiền lì xì Tết gởi từ Việt Nam qua Mỹ.