Mùa Xuân đã về, hoa mai, hoa đào rực rỡ chào đón gió Xuân. Những ngày còn là sinh viên ở Sài Gòn, mỗi lần gió Xuân lành lạnh về, chúng tôi hồi hộp lắm vì chuẩn bị ra tiền đồn thăm các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Quà gồm có thư của em gái hậu phương, bánh, kẹo, hạt dưa, mứt, … Chuyến đi do sĩ quan tâm lý chiến của tổng cục chiến tranh chính trị tổ chức. Quà do chúng tôi chuẩn bị, phương tiện di chuyển bằng máy bay do chính phủ giúp đỡ. Sinh viên gồm từng nhóm nhỏ khoảng 10 đến 12 người, cả nam và nữ. Người thì chuẩn bị quà, người thì chuẩn bị bài ca và đàn guitar, vui lắm.
Ở rừng núi, tiền đồn hẻo lánh, nơi nào cũng có hoa mai, hoa đào rực rỡ. Đi xa như đến Kontum, Pleiku, Hậu Nghĩa, Tây Ninh do tổng cục chiến tranh chính trị tổ chức, đi gần như Bình Chánh, Mật Khu Lý Văn Mạnh thì do phòng tâm lý chiến của Liên đoàn 5 Biệt Động Quân tổ chức.
Chuyến đi nào cũng vui. Những khuôn mặt hồn nhiên, học chưa xong, tương lai chưa ló dạng, nhưng tiếng cười của phái đoàn sinh viên vui lắm. Những người lính trẻ vừa ra trường 18- 19 tuổi, khuôn mặt còn vẻ ngơ ngác của học trò, dễ thương lắm bà con ơi. Có một hôm, phái đoàn sinh viên luật đến tiền đồn Mật Khu Lý Văn Mạnh, ở Bình Chánh. Tiền đồn hẻo lánh, đồng cỏ bao la, hoa mai vàng rực rỡ, nụ hoa to và đẹp mọc khắp nơi. Khi trực thăng cất cánh, những cánh tay của người lính vẫy vẫy trong gió. Một nữ sinh viên nói:
- Em nhìn thấy hoa mai vàng trên cổ áo của người chiến sĩ.
Tôi cười:
- Hoa mai của núi rừng không nhìn thấy mà chỉ thấy hoa mai trên cổ áo người chiến sĩ, sao không nói chỉ nhìn thấy anh chiến sĩ?
Cô sinh viên bẽn lẽn đỏ mặt.
Ngày xưa còn nhỏ dại, chỉ một cử chỉ, một nụ cười, một lời nói cũng cảm thấy e ngại. Tình cảm ngày xưa rất kín đáo, không biểu lộ ra ngoài như bây giờ, nhất là ở hải ngoại:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
(Nhà thơ Phùng Quán, trong bài thơ “Lời Mẹ Dặn” - 1960)
Tôi có ấn tượng thật đẹp đẽ về hoa mai và hoa đào. May mắn, khi mua nhà xong, tôi phát hiện ra ở góc vườn nhà tôi có cụm hoa mai và hoa đào. Tôi rất quý hoa nhà tôi nên không bao giờ cắt hoa ở ngoài vườn vào nhà chưng. Hoa ở góc vườn rực rỡ nhưng cứ để yên đó mà ngắm. Đi ra tiệm mua hoa về chưng. Hoa Xuân rồi sẽ đi qua nhưng tình yêu còn ở lại, tình yêu của núi rừng cao nguyên Trung phần. Tôi rất nhớ cao nguyên đất đỏ, Kontum với những hàng phượng đỏ rực hai bên đường, với nhà thờ Gỗ mà tôi đã trú ngụ khi làm phóng sự mùa hè đỏ lửa, với mùi thơm của hoa bưởi, hoa lài trong giấc ngủ say sưa. Chúng tôi được ở lại đêm nhà của dì phước. Cửa sổ mở, mùi hoa lài, hoa bưởi thơm phức thoảng vào phòng. Cảm giác này không thể có nữa trừ khi về Kontum?
Tôi giữ mục “Người Yêu của lính” của nhật báo Công Luận, chủ nhiệm là trung tướng Thượng Nghị Sĩ Tôn Thất Đính. Các em gái hậu phương gởi thư cho các anh chiến sĩ tiền tuyến nhiều lắm, cả bao bố những bức thư tình lãng mạn. Người yêu không thấy mặt, em gái hậu phương viết thư hay lắm mà không đề địa chỉ. Nhưng những tình cảm đó cũng làm cho người lính ấm lòng trong gian khổ gắn với sự hiểm nguy.
Nói về người lính chiến hào hùng nói hoài không hết, như bản trường ca bất tận. Ngày xưa và bây giờ cũng thế, cho nên khi thấy những người lính Mỹ nằm la liệt ở nhà ga Hoa Thịnh Đốn, giữa trời lạnh buốt mà không khỏi xúc động.
Mùa Xuân sắp về, những người lính chiến, trong đó có người Mỹ gốc Việt, đang lênh đênh trên biển cả giữ an ninh cho Á Châu Thái Bình Dương, ở A Phú Hãn, ở Tokyo và ở khắp nơi, sẽ rất nhớ nhà, nhớ người thân yêu của mình. Tôi còn nhớ tướng Floria, Đại Tá Christ Phan (bây giờ là chánh án di trú liên bang), và một số sĩ quan người Mỹ gốc Việt hàng năm tổ chức nấu bánh chưng gởi khắp nơi cho anh em. Một việc làm rất đẹp, hy vọng việc làm tốt đẹp này sẽ tiếp tục mãi mãi, để làm ấm lòng chiến sĩ.
Mùa Xuân năm nào hoa đào, hoa mai cũng nở rộ khắp nơi. Có những chủ vườn là người Việt Nam canh cho đúng ngày giờ hoa mai, hoa đào nở đem đến các chợ bán. Ở miền Nam Cali, năm nào cũng có chợ hoa, đủ màu đủ sắc chào đón gió Xuân. Bài hát “ Ly rượu mừng” (nhạc sĩ Phạm Đình Chương, sáng tác 1952) vang lên khắp nơi. Xuân của đất Trời, Xuân của lòng người. Mùa Xuân là mùa hy vọng, mơ ước nào năm qua chưa thực hiện được thì năm mới sẽ hoàn tất. Đồng hương gởi đến nhau những lời chúc Xuân tuyệt vời: vạn sự như ý, sức khỏe dồi dào, tiền vô như nước, tiền ra rỉ rả,… Giấc mơ làm chủ một căn nhà sẽ trở thành hiện thực. Có nhà rồi, rước nàng về dinh, đám cưới đầu Xuân rộn rã, tưng bừng.
Mùa Xuân là mùa của tươi vui, của hy vọng, của trái tim cởi mở, của sự rộng lượng, hạnh phúc. Người người chúc lành cho nhau. Nụ cười thật tươi, giọng cười giòn giã. Chim hót líu lo, nắng ấm chan hòa. Tình người và thiên nhiên như hòa nhịp thành điệu nhạc Xuân bất tận của mùa Xuân yêu thương. Ôi, mùa Xuân đẹp quá, tình người ấm áp quá. Hãy yêu thương như chưa bao giờ yêu thương, hãy ca hát ngợi khen mùa Xuân đã về.
Yêu thương - hai chữ nói dễ mà làm rất khó. Nếu trên trái đất này mọi người đều yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, người này giúp đỡ người kia với trái tim chân thật, không còn ghen ghét, không còn thù hằn thì xã hội này tuyệt đẹp biết bao. Nhà thờ mở cửa, chùa mở cửa, những cơ sở tôn giáo mở cửa, nhà tù đóng cửa, tiền rơi dưới đất không ai lượm, đêm đêm nhà mở cửa không sợ ăn trộm vào thì khi đó ta thấy Thiên Đàng ở hạ giới, xã hội như thời vua Nghêu, vua Thuấn,... Xã hội bình yên, người người bình yên, tất cả trẻ em đều được đến trường học, người già được chăm sóc, được yêu thương bởi con cháu của mình. Ngoài vườn, lúc nào cũng có tiếng hót líu lo của đàn chim, trái cây chín rục trên cành không ai bẻ trộm. Vui ơi là vui, đời thái bình, an lạc.
Năm cũ đã qua, hy vọng năm mới nhiều may mắn, tấn tài, tấn lộc, tấn bình an. Kính chúc quý đồng hương luôn sống trong tình yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Orange County, 26/01/2021
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)