Sau bầu cử, nhiều người thấy như có 2 nước Mỹ và điều quan trọng đối với mọi người là phải hòa giải thật sự để thống nhứt đất nước. Theo kết quả thăm dò dư luận do Viện Qinnipiac công bố có 70% đảng viên Cộng hòa quả quyết ông Joe Biden không thể là một ông Tổng thống chánh đáng và có 77% tin chắc có gian lận bầu cử (Hélène Vissìere tại HTĐ, Le Point, Paris). Thực tế này khó tránh sự xung đột có thể kéo dài vì thiếu tinh thần dân chủ để kẻ thắng người thua sau bầu cử thì đề huề.
Có lẽ hơn ai hết, ông Tổng thống Joe Biden đã thấy rõ điều đó nên ngay ngày tuyên thệ nhậm chức, ông liền đưa ra lời tuyên hứa « chiến thắng chủ nghĩa thượng đẳng da trắng » và « khủng bố quốc nội ». Ông sẽ là ông Tổng thống của tất cả người Mỹ, của những người đã ủng hộ ông cũng như của những người đã không bỏ phiếu cho ông.
Trong bài diễn văn nhậm chức, ông nhấn mạnh « Nay người ta thấy xuất hiện chủ trương cực đoan chánh trị, thượng đẳng da trắng và khủng bố quốc nội ». « Chúng ta phải chống lại các thứ này và chúng ta sẽ phải chiến thắng ».
«Hôm nay là ngày dân chủ, một ngày lịch sử và hi vọng... Không phải là sự chiến thắng của một ứng viên, mà chính là chiến thắng của một chánh nghĩa. Ý chí của một dân tộc đã được lắng nghe...Dân chủ là quí báu và dễ đổ vỡ, nhưng nó đã thắng».
Ông cũng thừa nhận có nhiều điều cần phải « sửa sai » sau khi ông nhắc lại « biến cố ngày 6/1 đã làm run chuyển tận nền tảng điện Capitol ».
Phải chăng bắt đầu làm « nhiều điều cần phải sửa sai » mà chỉ trong vòng tuần lễ sau khi nhậm chức, ông Tổng thống Biden đã lập thành tích phi thường, ra tay ký gần bốn mươi văn kiện, chủ yếu nhằm xóa sạch 4 năm cầm quyền của người tiền nhiệm ? Mục tiêu đầu tiên của ông ! Ông bốc tận gốc, xóa bỏ, đảo ngược, làm phai mờ, cạo rửa sạch trơn (karchérisé) 4 năm Trump trên các chủ điểm quan trọng : kinh tế, khí hậu, đại dịch, chánh trị, chủng tộc, di dân, quan hệ đối ngoại, vấn đề Iran, quan hệ với Nga. Ký giả Ph.Labro nhận xét thêm « Ông Biden cố gắng cởi bỏ hết mọi thứ Trump đã làm và tìm cách làm hài lòng tất cả các nhóm dân thiểu số, điều này chỉ làm tăng sự bất mãn ở 74 triệu cử tri của Trump mà thôi » (Le Point, 28/1/21, Paris).
Phải chiến thắng chủ thuyết « thượng đẳng da trắng »?
Hiện tượng « thượng đẳng da trắng» đang là chứng bịnh trong chánh trị nước Mỹ nhưng có phải nó thể hiện qua những hành động khủng bố, bạo loạn của những nhóm quá khích hay nó là một thực thể trong đời sống công cộng ở Mỹ?
Báo chí Pháp viết « le suprémacisme blanc » (thượng đẳng da trắng), chữ « suprémacisme » không có trong từ điển vì nó có gốc tiếng Anh. Trái lại chữ «suprématisme», với vần «t», thì có và có nghĩa «sự vượt trội» nhưng chỉ về màu sắc. Chữ « suprémacisme » chỉ sự vượt trội
về màu sắc nhưng nói về chủng tộc, còn chữ «suprémtisme» nói về sự vượt trội, nổi bật màu sắc, nhưng nói về nghệ thuật !
Nên da trắng là màu sắc của chủng tộc vượt trội những màu sắc các chủng tộc khác !
Sự vượt trội da trắng và trong lịch sử gần đây, da trắng đã đô hộ nhiều nước da màu, bắt da đen làm nô lệ, và có chế độ nô lệ thật sự, nên « da trắng vượt trội » ngày nay mới trở thành nỗi ám ảnh trong chánh trị.
Sử gia chuyên về các Tổng thống Huê kỳ, từ Roosevelt đến G.Bush, bà Françoise Coste hiện là Giáo sử ở Đại học Toulouse, nhận xét về hiện tượng « thượng đẳng da trắng » ở Huê kỳ :
« Mọi chuyện xảy ra ở Huê kỳ, trước sau gì, đều có quan hệ với di sản của chế độ nô lệ, với sự phân chia dân chúng giữa da trắng và da đen. Bà đã tưởng hồi năm 2008, ông Obama đắc cử Tổng thống, vấn đề đã được giải quyết. Nhưng ngày nay, chúng ta mới thấy mình đã lầm và chúng ta có cảm tưởng đang thụt lùi lại ở một thời kỳ rất xa » (La présidence des États-Unis de Franklin Roosevelt à George W. Bush (1933-2006, Ed. Du Temps, 2007).
Sự « vượt trội da trắng » trở thành một thứ chủ thuyết chủng tộc và có tham vọng bá chủ nên thường gây ra bạo loạn chống lại những sắc dân không phải da trắng. Chủ thuyết « thượng đẳng da trắng » và những nhóm xuất hiện ở nhiều quốc gia từ Mỹ qua Âu châu, Nga, Úc, Tân-Tây-lan và cả Nam-Phi. Riêng từ « kỳ thị chủng tộc » (racisme) xuất hiện và và có ý nghĩa mạnh bắt đầu từ thời Anh đánh chiếm thuộc địa và lập chế độ đô hộ.
Ở Âu châu, cùng là da trắng, nhưng tính thượng đẳng vẫn có trong đối xử giữa các nước Bắc Âu như các nước Scandinaves, Đức, Anh và Hòa-lan với các nước phía Nam, phía Đông và các nước không phải Âu châu.
Riêng ở Mỹ ngày nay có nhiều nhóm bạo động trong tinh thần «thượng đẳng da trắng» do hoàn cảnh thực tế của nước Mỹ, như KKK, Vanguard America (với khẩu hiệu « Blood and Soil), Alt-right, Alt-knight, Prou Boys, …
Ngoài ra có thêm một nhóm « thượng đẳng da trắng » đang sửa soạn cụ thể cho «hậu-Trump».
Nhóm này thành lập năm 2017 dưới danh xưng «Patriot Front» (Mặt Trận Ái quốc), chủ động và đầy thù hận, chủ trương đuổi tất cả di dân, da đen và do thái ra khỏi xứ Mỹ (Léah Boukobza, Le Nvl Ob, 29/10/20). Trước ngày bầu cử, họ đã sửa soạn tranh đấu để Trump sẽ không đắc cử. Hằng ngày họ luyện tập sử dụng võ khí và nhứt là cận chiến.
Đối với họ bầu cử chỉ là dấu hiệu tuân phục hợp thức hóa bạo chúa. Căn bản thiếu đạo lý. Là một sỉ nhục cho chánh nghĩa quốc gia. Theo Cassie Miller phân tách, nhóm này thượng tôn da trắng nhưng không ủng hộ Trump, mà chỉ muốn lợi dụng chánh trị của Trump để tranh đấu cho chủ nghĩa da trắng là trên hết mà thôi.
Theo những nhà nghiên cứu của « Oklahoma State University, The Conversation US và The Conversation France », trong quân đội là có nhiều «ổ» của tổ chức « thượng đẳng da trắng ». Tổ chức này là mầm mống hăm dọa nghiêm trọng những khủng bố ở Huê kỳ vì họ có hậu thuẫn là quân đội. Họ phản ứng vì họ cho rằng người da trắng ở ngay trên đất nước Huê kỳ đang bị hăm dọa nghiêm trọng.
Những nhóm này mơ ước tạo dựng một nước Huê kỳ hoàn toàn da trắng hoặc nếu không phải da trắng thì không có quyền công dân nên họ thường gây bạo loạn nhằm vào thiểu số da màu và tôn giáo. Năm 2018, họ tấn công vào các nhóm chủng tộc khác nhiều hơn bất cứ nhóm dân tộc cực đoan nào khác.
Theo kết quả thăm dò dư luận trong quân đội, chỉ có 39% cho rằng đó là vấn đề nghiêm trọng (Huffington Post).
Vì người mỹ tin tưởng ở quân đội và tôn trọng quân đội.
Mỹ sẽ bị bạo loạn?
Ông Fred Kaplan là một người chuyên nghiên cứu nổi loạn có tiếng thế giới tỏ ra nhiều lo ngại trước tình hình nước Mỹ trong những ngày gần đây.
Ông định nghĩa một cuộc « nổi loạn » ở Huê kỳ là một sự xâm nhập và bạo động có tổ chức để chiếm quyền lực chánh trị, xóa bỏ nó hoặc hỏa thiệp với nó. Một nhà nước « tiền-nổi loạn » có thể có khi nhà nước đó bị những nhóm bạo động hăm dọa nhưng lại thiếu tổ chức, hoặc thiếu võ trang hay thiếu hậu thuẫn. Như vừa rồi, sau cái chết của tên da đen George Floyd, có nhiều vụ nổi loạn đập phá, đốt nhà, đốt xe, thật sự không phải là những vụ biểu tình, tuy có cả phản biểu tình, vì không có yêu sách. Cũng không phải tiền-nổi loạn.
Bạo loạn gia tăng ở Mỹ. Theo một báo cáo gần đây của « Armed Conflict Location et Event Project », thường xuyên theo dõi những cuộc bạo loạn ở các xứ chiến tranh, ghi nhận có 20 nhóm bạo động, tả cũng như hữu, đã tham dự hơn 100 cuộc biểu tình được xách động sau cái chết của George Floyd. Tháng 6/20, có thêm 17 vụ phản-biểu tình do những nhóm hữu khuynh tổ chức. Có một nhóm bạo động mạnh. Qua tháng 7/20, có 160 vụ phản biểu tình với 18 vụ bạo loạn.
Trước đây những vụ bạo loạn xảy ra trong địa phương nhưng sau đó, đã trở thành quốc gia.
Cách đây chừng mươi năm, có 380 nhóm hữu khuynh và 50 nhóm tả khuynh, phần lớn võ trang, đã đụng độ với FBI và giáo phái « Branch Davidians » ở Waco, TX, làm cho 80 người chết.
Trở về trước hơn nữa, vào đầu thập niên 70, nhiều vụ biểu tình phản đối chiến tranh Việt nam do những nhóm phe tả tổ chức, phe hữu tới và hai bên, gồm sinh viên và thợ thuyền, đụng độ nhau, làm thiệt mạng nhiều người.
Nhưng những vụ này cũng chưa phải là những vụ nổi loạn vì không có mục tiêu cướp chánh quyền.
Ngày nay, điều đáng lo ngại là những nhóm tả khuynh cho rằng cánh hữu khuynh là những thứ «ký sinh trùng», thứ «ăn bám». Trong lúc đó, những nhóm hữu khuynh lại chửi phía tả, như nhóm BLM, là những «con chuột đen». Tình trạng này đang bốc lên mạnh, với lòng thù hận nhau cao độ, nó chi phối cả Cộng hòa và Dân chủ ngay trong Quốc hội và cả trong chánh giới mỹ. Nhưng có đủ yếu tố cho báo động « tiền-nổi loạn » chưa ? .
Tình hình khá căng thẳng như vậy chẳng khác gì một thùng thuốc súng để sẵn . Hồi tháng 6/20, dân chúng Mỹ tranh nhau đi mua súng và có 3, 9 triệu khẩu súng đủ loại được bán ra. Trong số đó, có nhiều người lần đầu tiên mua súng. Họ mua súng vì họ sợ !
Người ta ước tính có 20 triệu dân mỹ mang theo súng khi ra khỏi nhà. Chuyện khói lửa có thể xảy ra dễ dàng khi chỉ cần có vài phát súng nổ lên.
Từ 50 năm gần đây, những cuộc nội chiến, bạo loạn đều xảy ra do sợ hãi !
Nguyễn thị Cỏ May