Giữa mùa đại dịch COVID-19, tại những buổi tường trình mỗi ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence không ngớt tiên đoán sự lớn mạnh vượt bực của kinh tế quốc gia Hoa Kỳ sau khi tình hình dịch tễ lắng đọng. Hai ông nhấn mạnh rằng kinh tế Mỹ hậu-COVID-19 sẽ tìm lại thế quân bằng sau những chao đảo khiếp hãi khiến cả 40 triệu nhân công thất nghiệp trong vòng vỏn vẹn ba tháng trời. Đầu tháng Sáu, hy vọng bắt đầu le lói khi guồng máy kinh tế rục rịch mở cửa lại, ai nấy trông đợi ánh sáng tỏa lớn cuối đường hầm.
Tuy nhiên, mặc dù người ta có quyền hy vọng vào sự thịnh vượng chung, nhưng sự thật là đối với các thành phần ít may mắn hơn trong xã hội (vâng, phần đông trong đó là những sắc dân da màu thiểu số), khó khăn kinh tế gần như là một điều chắc chắn. Ai cũng tưởng sau khi COVID-19 giáng một đòn chí tử lên kinh tế Hoa Kỳ, thì khoảng cách chênh lệch giữa hai thành phần giàu-nghèo sẽ phần nào thu hẹp, nhưng oái oăm thay, mọi bằng chứng cho thấy sự khác biệt ấy sẽ gia tăng chứ không hề giảm thiểu. Khủng hoảng y tế lần này là dịp cho người ta nhìn thấy rõ hơn mức độ chênh lệnh giữa giàu nghèo trong xã hội Mỹ và góp phần không nhỏ vào tình trạng bất ổn nội địa. Con số thống kê cho thấy người da đen chết vì COVID-19 là rất đông. Có nhiều địa phương, tổng số người đa đen sinh sống trong vùng chỉ chiếm từ 10 đến 12%, nhưng có đến 80% là da đen trong số những kẻ xấu số bị lưỡi hái tử thần dẫn đi. Người ta giải thích rằng, sở dĩ có hiện tượng này là vì người đa đen sống thiếu thốn, không được hưởng những quy chế y tế tốt đẹp dành cho người da trắng, trong người có bệnh sẵn dễ bị vi khuẩn cướp đi mạng sống.
Thiếu một chính sách kinh tế thích hợp, chiều hướng đi xuống ấy cộng hưởng với những xáo trộn bạo loạn sau cái chết oan ức và oan khiên của người Mỹ da đen George Floyd, chỉ khiến đám dân đen (đen cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) đã thiệt thòi nay lại càng thiệt thòi hơn.
Những con số thống kê đưa ra một viễn ảnh cực kỳ đen tối: Quý thứ nhất năm 2020, tổng sản lượng nội địa giảm 30%, và trong vòng ba tháng, hơn 40 triệu công nhân viên (khoảng một phần tư tổng số lực lượng công nhân Hoa Kỳ) nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, một con số khủng khiếp, mấp mé Đại Khủng hoảng Kinh tế năm 1929. Nhà nước đốt sáu ngàn tỉ đô-la (tức 28% tổng sản lượng nội địa năm 2019) vào những chương trình trợ giúp kinh tế và cứu giúp người dân. 39% công nhân viên với mức thu nhập dưới 40 ngàn đô-la mỗi năm bị mất việc hay nghỉ dài hạn không lương. Tức là kiếm tiền càng ít càng dễ mất việc. Phụ nữ và dân thiểu số bị nặng nhất. Trong số 20 triệu rưỡi công việc bị xóa sổ vào tháng Tư 2020, thì 55% là phụ nữ. Tính ra, cho đến nay, phần trăm số người thất nghiệp là như sau: phụ nữ, 15%; đa đen, 16,4%; và da nâu (Mễ, Châu Mỹ La-tinh), 20,2%.
Những người không bị ảnh hưởng nhiều phần lớn là thành phần công nhân viên cổ áo trắng, tức là những người làm công việc lao động đầu óc, những nhà kinh doanh, mức thu nhập đã cao lại có thể làm việc tại nhà. Theo tường trình của Học viện Becker Friedman thuộc Đại học Chicago, khoảng một phần ba công việc nước Mỹ, nhân viên có thể đem về nhà làm, nhưng một lần nữa lại cho thấy sự thiệt thòi của dân lao động chân tay. Xin viện dẫn một thí dụ, trong khi 76% nhân viên ngành tài chính và bảo hiểm (thu nhập cao) có thể đem máy vi tính về làm việc tại tư gia, thì chỉ có 3% nhân viên ngành cung cấp dịch vụ và ẩm thực (thu nhập thấp) có thể làm tương tự.
Không bị đe dọa mấy trong đại dịch là những việc làm trong bệnh viện, nhà điều dưỡng, siêu thị, v.v… Thế nhưng, đó là những việc làm nguy hiểm, đòi hỏi sự hy sinh cá nhân cao độ, chẳng cần nói nhiều, ai cũng biết. Số người vì quá mệt mỏi trở nên trầm cảm, tự ý bỏ việc, là không ít, thậm chí có người tìm đến cái chết.
Kinh tế phục hồi càng chậm, khó khăn lên người dân, nhất là dân nghèo, càng nặng nề, và điều này thường dẫn đến những bất ổn xã hội và chính trị. Những vụ bạo loạn bộc phát sau cái chết của người da đen George Floyd, bị một nhân viên công lực thành phố Minneapolis dùng đầu gối chẹn cổ đến tắt thở, là điển hình. Bên cạnh sự phẫn uất cao độ vì cung cách tàn bạo đến bất nhân của cảnh sát đối xử người da đen, còn là sự bất mãn chất chứa bao năm của những kẻ have-nots với người có tất cả, trên một đất nước giàu có bậc nhất thế gian. Sự kiện những tay giàu sụ, sau kỳ đại dịch, làm giàu thêm nhờ thị trường chứng khoán (có vài phỏng ước các nhà tỉ phú Mỹ sau đại dịch tích lũy thêm trong tài khoản một ngàn tỉ đô-la) chỉ đào sâu hơn hố chia cách giữa người giàu với kẻ nghèo. Xu hướng Xã hội Chủ nghĩa trong xã hội Mỹ những năm gần đây lên cao do hố sâu chia cách giàu-nghèo càng lúc càng trầm trọng, tiếng nói của những nhân vật như Bernie Sanders không phải không có người nghe, ngược lại, nhiều là đằng khác, và tình trạng phân hóa, kỳ thị, chống báng, thù ghét, theo đó cũng gia tăng. Chưa bao giờ trên truyền thông TV (Fox News vs. MSNBC), và nhất là các mạng xã hội, người ta thóa mạ nhau thậm tệ như ngày nay.
Trong lúc con số người chết vì COVID-19 lên đến con số khiếp hãi gần 110 ngàn, các gia đình với thu nhập thấp lo lắng kiếm từng đồng cho bữa ăn ngày hôm sau cho vợ chồng con cái, thì thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục tăng lên vèo vèo. Đây là một hiện tượng nghịch lý hiếm xảy ra, khi Wall Street không phản ánh thực tại đang xảy ra ở Main Street. Đất nước tơi tả trong khi các ngài mặc áo vét cổ cồn ngồi trong phòng điều hòa rung đùi bỏ vào tài khoản cả tỉ đô-la mỗi ngày.
Sự kiện trái ngoe này có thể giải thích như sau: thành phần sở hữu cổ phần, làm giàu nhờ thị trường chứng khoán, là những gia đình da trắng giàu có. Trong trận đại dịch COVID-19, họ ít bị thiệt thòi, thất nghiệp ít, nhất là những ai có thể làm việc thoải mái tại nhà riêng. Đời sống họ cũng ít bị dao động vì các vụ bạo loạn. Trên 60% các gia đình da trắng sở hữu cổ phần, với người da đen thì con số này là 30%. Hai thế giới, hai con người, hai số phận khác nhau.
Số phần trăm người thất nghiệp sẽ không nhanh chóng trở lại mức độ bình thường như mơ ước của nhiều người. Các kỹ năng tự động hóa và số hóa công nghệ chỉ khiến tình trạng thất nghiệp trở nên trầm trọng hơn khi máy móc và rô-bô, do những phát minh mới trong công nghệ Trí khôn Nhân tạo đem lại, có thể thay thế công nhân làm những công việc hết sức phức tạp, mà từ trước đến nay vẫn đòi hỏi bàn tay và trí thông minh của con người. Thậm chí con em những người thất nghiệp do đại dịch COVID-19 gây nên cũng bị ảnh hưởng lây. Những đứa trẻ và các thanh niên nam nữ ấy thường không có đủ phương tiện học trực tuyến, vì vậy, khoảng cách giáo dục giữa giàu nghèo lại càng cách xa. Con vua lại làm vua, con thầy chùa thì tiếp tục quét lá đa!
Để nhanh chóng phục hồi kinh tế và ngăn ngừa khoảng cách chênh lệch giàu-nghèo càng lúc càng khó chữa do đại dịch COVID-19, Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ cần đẩy mạnh những biện pháp cấp thời, mà chủ yếu là Xét nghiệm / Testing và Theo dõi Tiếp xúc / Contact Tracing. (Biện pháp “Theo dõi Tiếp xúc” đã được các cơ quan y tế sử dụng từ nhiều thập niên trước đây để đối phó những bệnh lây nhiễm như lao phổi, bại liệt, AIDS, sởi, v.v…Với công nghệ truyền thông hiện đại, máy điện thoại thông minh là công cụ hữu hiệu để kết nối những người dương tính COVID-19, giúp họ tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế và tìm hiểu xem họ đã tiếp xúc với những ai mà họ không biết, hoặc chính họ lây nhiễm cho người khác.)
Những biện pháp này càng khẩn thiết hơn khi kinh tế bắt đầu mở cửa lại, các cộng đồng xã hội dần dà sinh hoạt lại và làm quen dần với hoàn cảnh mới, tình huống mới: Chung sống với COVID-19! Bởi không như vi khuẩn SARS, con vi khuẩn này có lẽ sẽ ở lại với chúng ta rất lâu trong thời gian sắp tới.
Chính phủ cần tập trung giúp đỡ những thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất, đó là dân nghèo, chứ không phải các đại công ty tư bản. Main Street chứ không phải Wall Street! Những hiểm tượng tai hại cho người dân và kinh tế chồng chất theo thời gian, càng để lâu càng khó chữa và càng hao tổn tài nguyên quốc gia.
Chưa có một dấu hiệu nào cho thấy một viễn ảnh kinh tế phục hồi mau chóng. Ngay lúc này, theo ước lượng, có 30% dân Mỹ tay trắng, tài sản zero hoặc âm vì thiếu nợ nhà băng hay thẻ tín dụng. Những kẻ tuyệt vọng, vô vọng, không việc làm, không tài sản sẽ dễ dàng trở nên phẫn nộ, uất ức, quay ra chống báng, thù ghét kẻ có tiền của, dẫn đến những bất ổn xã hội. Bài học Lịch sử còn đó rành rành, năm 2005 sau trận đại phong Katrina, thành phố New Orleans trở thành mộ địa chôn xác người và tan nát vì bạo loạn. Nếu nhà nước sử dụng đến quân đội hoặc các lực lượng bán quân sự để đàn áp người biểu tình chống đối thì chỉ dẫn đến sự băng rã của xã hội mà thôi.
Mục tiêu chính yếu (thậm chí có lẽ là mục tiêu duy nhất) của chính sách kinh tế thời điểm này là, bằng mọi giá, ngăn ngừa tình trạng băng rã xã hội. Một xã hội văn minh tiến bộ là xã hội không để đồng tiền và những lợi ích của thiểu số ưu đãi làm mù quáng, mà phải làm sao giữ chặt mối dây ràng buộc xã hội trong một cảnh huống mà áp lực đè nặng chưa từng thấy bao giờ.
Gửi ý kiến của bạn