Những ngày hôm nay các con số thống kê vẫn tiến triển hàng giờ, khiến cho những con số bây giờ và hiện tại ghi nhận được, chỉ qua vài tiếng sau là đã trở thành số cũ. Ngay trong giờ phút này trên toàn thế giới số người nhiễm khuẩn SARS-CoV-2 đã tăng lên đến 593.527 người và số tử vong vì COVID-19 là 27.214, nước Ý đang bị SARS-CoV-2 tấn công nặng nề nhất với số tử vong lên đến 9134 người . Tại nước Đức số người nhiễm khuẩn là 49.344 và tử vong vì COVID-19 là 304 người.
Riêng tại Berlin hiện tại có 2152 người nhiễm khuẩn SARS-CoV-2 và tổng cộng 8 người chết. Trong các bệnh viện ở Berlin có 261 bệnh nhân COVID-19 kể cả 53 bệnh nhân đang được điều trị trong các khu săn sóc đặc biệt.
Sự lây lan quá nhanh của vi khuẩn SARS-CoV-2 trên toàn cầu là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học. Thế giới đang chạy đua tìm thuốc chữa trị và thuốc chủng ngừa để chặn đứng sức tấn công của vi khuẩn.
Trong bài này tác giả chỉ xin đề cập đến hai vấn đề trong cơn đại dịch này.
1) Tại sao số tử vong vì COVID-19 tại Đức thấp hơn các nước lân cận: các giới chức Đức luôn nhấn mạnh là nước Đức đang đứng ở ngưỡng cửa của trận đại dịch và chỉ đi sau nước Ý vài ngày, nếu không có biện pháp nào ngăn chận thì tình trạng quá tải trong bệnh viện Đức cũng sẽ diễn ra như tại Ý bây giờ.
Tuy nhiên thực tế vẫn cho thấy con số tử vong tại Đức khá thấp . Có người cho rằng tại Đức mối liên hệ gia đình không chặt chẽ như ở các nước lân cận , đặc biệt là Ý và Tây Ban Nha. Trong khi ở các nước lân cận một gia đình với 3 thế hệ sống chung dưới một mái nhà là rất phổ biến thì tại Đức con cái trưởng thành đều ra riêng. Vì vậy sự lây lan cũng giảm đi.
Ngoài ra yếu tố phát hiện người nhiễm khuẩn sớm để cách ly , theo dõi và điều trị kịp thời đúng lúc cũng rất quan trọng. Do hệ thống y tế phát triển nên khả năng làm xét nghiệm của nước Đức khá cao. Đầu tuần rồi viện Robert-Koch thông báo có thể làm 160.000 xét nghiệm mỗi tuần trên toàn quốc, hôm nay các giới chức Đức xác định đã làm 60.000 xét nghiệm mỗi ngày, khả năng này sẽ tăng lên 100.000/ ngày vào giữa tháng tư với mục đích tăng con số xét nghiệm lên 200.000/ngày vào cuối tháng tư này. Viện Robert-Koch kêu gọi các Bác Sĩ phòng mạch và các Bác Sĩ ngoại chẩn đừng ngần ngại làm xét nghiệm khi bệnh nhân hội đủ các yếu tố nghi ngờ bị nhiễm SARS-CoV-2. Bác Sĩ tiếp xúc sẽ là người quyết định gửi Bệnh Nhân đi nhập viện ngay hay chỉ cần cách ly tại nhà. Bệnh nhân bị cách ly tại nhà sẽ được Phòng Y Tế ( Gesundheitsamt ) địa phương theo dõi sát và sẽ được chuyển vào bệnh viện ngay khi bệnh nhân có nguy cơ trở nặng.
2) Khẩu trang phòng dịch : đây là một vấn đề rất nhạy cảm . Chúng ta bỏ qua yếu tố có đủ hay không đủ khẩu trang mà chỉ bàn về tính thiết yếu của khẩu trang để bảo vệ con người trước đại dịch COVID-19.
BS Hoàng Thị Mỹ Lâm