Hôm nay,  

31 CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜI (CỦA BILL GATES) VỀ COVID-19

25/03/202011:21:00(Xem: 8520)

GHI CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH: Bài hỏi đáp này về nhiều mặt có thể giúp chúng ta có thêm thông tin mà nhìn hiện trạng trận đại dịch COVID-19 với một số sách lược đã và đang được áp dụng để đối phó.

Nó cho chúng ta thấy qua ý kiến và cách đánh giá của một nhân vật thường được biết đến như một nhà tiên phong nổi tiếng của cuộc cách mạng máy vi tính trong những năm 1970’ và 1980’, người đã dự phần vào việc tạo nên nhiều biến đổi trong sinh hoạt của nhân loại ngày nay.

Bill Gates là người đồng sáng lập công ty Microsoft, từng giữ các chức vụ chủ tịch, giám đốc điều hành (CEO), chủ tịch và kiến trúc sư trưởng phần mềm, từng là cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty này.

Từ 1987, ông đã được đưa vào danh sách Forbes của những cá nhân giàu có nhất thế giới, tài sản đánh giá khoảng $96 tỉ đến hơn $100 tỉ mỹ kim.

Gates từ chức CEO của Microsoft vào năm 2000.

Chuyển sang vai trò bán thời gian tại Microsoft vào năm 2006, làm việc toàn thời gian cho Quỹ Bill & Melinda Gates, là Cơ Sở mà ông và vợ Melinda Gates thành lập, được báo cáo là tổ chức từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới.

Năm 2009, Gates và Warren Buffett thành lập The Giving Pledge, theo đó, họ và các tỷ phú khác cam kết dành ít nhất một nửa tài sản của mình cho hoạt động từ thiện.

Gates thôi giữ chức chủ tịch Microsoft từ năm 2014.

Bản Việt ngữ này, dịch theo nguyên văn Anh ngữ “31 questions and answers about COVID-19” đăng tải trong “Sổ Tay của Bill Gates” “(‘GatesNotes’ ngày 19/3/2020).
Cần so chiếu nguyên văn, có thể xem:
https://www.gatesnotes.com/Health/A-coronavirus-AMA

 

31 CÂU HỎI VÀ CÂU TRẢ LỜI VỀ COVID-19

HỎI: Về cuộc khủng hoảng hiện tại, điều gì làm ông lo nhất? Điều gì làm ông hy vọng nhất?

ĐÁP: Trong giai đoạn hiện nay, ở các nước giàu đang có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh. Với những hành động đúng đắn - bao gồm công tác xét nghiệm (thử test) và biện pháp giữ khoảng cách trong xã hội (tôi gọi là “shut down”: tắt máy, đóng cửa) áp dụng trong vòng 2-3 tháng - có nhiều khả năng là các nước giàu tránh được mức độ lây nhiễm cao. Tôi lo về các thiệt hại kinh tế, nhưng đáng ngại hơn là lo đại-dịch này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các nước đang phát triển, những nước không thể thực hiện được biện pháp giữ khoảng cách trong xã hội như ở các nước giàu và khả năng bệnh viện của những nước này thấp hơn rất nhiều.

HỎI: Ông có thể giải thích ngắn gọn: Đa số người Mỹ có thể làm gì để giúp những người Mỹ khác trong thời điểm khủng hoảng này?

ĐÁP: Điều quan trọng lớn là phải tuân hành biện pháp đóng cửa trong cộng đồng của bạn để có thể rút giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm mà trở lại bình thường càng sớm càng tốt. Một số người như các nhân viên y tế sẽ là những người làm công tác anh hùng, chúng ta phải hỗ trợ họ. Chúng ta phải giữ bình tĩnh, dù đây là một tình huống chưa từng có.

HỎI: Có cơ hội nào để thời gian 18 tháng phát triển vắc-xin có thể rút ngắn, và rút ngắn được bao lâu?

ĐÁP: Đây là một câu hỏi lớn. Đang có hơn 6 nỗ lực khác nhau để chế tạo vắc-xin ngừa bệnh. Vài cơ sở hiện đang sử dụng một phương pháp mới, chưa được chứng minh, gọi là phương pháp RNA. Chúng ta sẽ phải xây dựng rất nhiều cho công tác sản xuất với các phương pháp khác nhau, vì biết một số trong các phương pháp ấy sẽ không có hiệu quả. Chúng ta sẽ cần đến hàng tỷ liều vắc-xin để bảo vệ thế giới. Vắc-xin lại cần phải được thử nghiệm để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Một số vắc-xin như cúm không dùng được cho người già.
Tìm được rồi, thử xong rồi, sản xuất ra thì những lượng Vắc-xin đầu tiên nhận được sẽ phải dành ưu tiên cho nhân viên y tế và các nhân viên dễ bị hiểm nghèo. Nếu mọi thứ suôn sẻ, việc này có thể xảy ra trước thời gian 18 tháng. Nhưng chúng tôi với Tiến sĩ Fauci và những người khác đang cẩn thận không hứa hẹn điều này khi mà chúng tôi không chắc chắn. Công tác hiện đang diễn ra ở tốc độ tối đa.

HỎI: Còn thời gian để tìm ra một phương pháp điều trị có hiệu quả?

ĐÁP: Có thể là một trị liệu pháp - một phương pháp chữa bệnh - sẽ đạt được nhanh hơn trước khi đạt được vắc-xin ngừa bệnh. Lý tưởng nhất là trị liệu pháp này sẽ rút giảm được số người cần phải chăm sóc đặc biệt, kể cả những máy thở. Cơ Sở của chúng tôi (G.C.N.D: Quỹ Bill & Melinda Gates) đã tổ chức một Cỗ Máy Trị Liệu Tăng Tốc để xem xét tất cả các ý tưởng hứa hẹn nhất và đưa tất cả các khả năng công nghệ vào hoạt động. Vì vậy, tôi hy vọng sẽ rút ra được một cái gì đó. Nó có thể là một chất chống vi-rút hoặc các kháng thể hoặc một thứ gì khác.
Một ý tưởng đang được nghiên cứu là sử dụng huyết tương từ những người đã bình phục. Huyết tương này có thể có những kháng thể để bảo vệ con người. Nếu ý tưởng này có hiệu quả, thì đó sẽ là cách nhanh nhất để bảo vệ các nhân viên chăm sóc sức khỏe và những bệnh nhân mắc bệnh nặng.

HỎI: Là một nhà giáo, tôi có thể làm gì cho các học sinh sinh viên của mình, đặc biệt với những học sinh sinh viên thu nhập thấp, những người không tiếp cận được với công nghệ kỹ thuật cao trong thời gian này? Tôi đã cố gửi email trấn an họ (gồm cả hình ảnh những con mèo), nhưng tôi lo ngại về những tác động với ngành giáo dục, cũng như những tác động lâu dài đối với các học sinh sinh viên của tôi.

ĐÁP: Đó là một vấn đề lớn vì các trường học có thể sẽ phải đóng cửa trong vài tháng tới. Tôi rất cảm kích với những cách sáng tạo mà nhiều nhà giáo đang nghĩ ra để dạy học từ xa. (Nếu bạn là một giáo viên đang đọc bài này, tôi xin cảm ơn bạn vì công việc mà bạn đang làm.) Nhưng tôi biết không phải ai cũng có thể được dàn xếp để dạy học từ xa. Có rất nhiều nguồn trực tuyến tốt, bao gồm: Khan Academy, CommonLit, Illustrative Math, Zearn, và Scholastic. Comcast và các nhà cung cấp kết nối internet khác cũng đang thực hiện những chương trình đặc biệt để giúp truy cập. Microsoft và các cơ sở khác đang làm việc để đưa máy ra ngoài những chuỗi cung ứng khá hạn chế. Thật không may, những sinh viên học sinh có thu nhập thấp sẽ bị tổn thương hơn so với những người khác bởi tình huống này, vì vậy chúng ta phải giúp họ bằng mọi cách mà chúng ta có thể giúp được.

HỎI: Ông nghĩ gì về cách đối phó của Trung Quốc với dịch bệnh? Ông đánh giá phản ứng đối phó của họ thế nào với thang điểm từ 1 đến 10?

ĐÁP: Sau ngày 23 tháng 1 khi họ nhận thức ra mức độ nghiêm trọng của họ, việc mạnh mẽ phong tỏa, cách ly, cô lập xã hội đã tạo nên khác biệt rất lớn. Tất nhiên sự cô lập đó gây nhiều khó khăn cho những người liên quan, nhưng họ đã có thể ngăn chặn được dịch bệnh không lây ra rộng rãi. Các quốc gia khác cũng sẽ thực hiện việc đó, dẫu có hơi khác một chút, nhưng kết hợp giữa biện pháp làm test, với việc cô lập cách ly xã hội rõ ràng là có hiệu quả, và đó là tất cả những gì mà chúng ta có thể làm cho đến khi chúng ta có được vắc-xin.

HỎI: Theo ý ông, sau khi đại dịch này kết thúc - tuy có thể còn khá lâu - bước đầu tiên là nên làm gì để cộng đồng toàn cầu có thể chuẩn bị tốt hơn cho một trận đại dịch tiếp theo?

ĐÁP: Trong cuộc hội thảo TED mà tôi làm vào năm 2015 đã có nói về điều này. (GCND: Hội thảo TED - viết tắt ba chữ “Technology, Entertainment, Design”: Kỹ thuật cao cấp, Giải trí và Thiết Kế, cuộc hội thảo này đã truyền qua video với nhiều vệ tinh khắp thế giới). .Chúng ta cần phải có được khả năng mở rộng quy mô chẩn đoán bệnh, tìm ra và chế tạo thuốc trị bệnh với vắc-xin ngừa bệnh cho thật nhanh. Những công nghệ đang tồn tại có thể tiến hành tốt việc này, nếu như được đầu tư đúng. Các quốc gia có thể cùng nhau chung sức thực hiện những công tác ấy. Chúng tôi đã tạo lập ra tổ chức CEPI = Coalition for Epidemic Preparedness Innovation - Liên Hiệp Phát Huy Sáng Kiến Chuẩn Bị Dịch Bệnh - là cơ cấu đã làm một số công tác về vắc-xin, nhưng cần phải được tài trợ ở cấp cao hơn để có năng lực sản xuất dự phòng cho toàn thế giới.

HỎI: Tại sao ông nghĩ hầu hết các chính phủ trên thế giới đều không chuẩn bị nếu ông và các chuyên gia khác cảnh-báo về những sự kiện như thế này?

ĐÁP: Không ai có thể tiên đoán khả-năng gì, tình-thế nào mà một loại virus mới mẻ có thể xuất hiện ra. Tuy nhiên, chúng ta biết chắc chắn điều đó sẽ xảy ra vào một lúc nào đó đối với bệnh cúm hoặc một số loại virus đường hô hấp khác. Hầu như không có kinh phí. Việc tạo ra CEPI là do tiền tài trợ bởi Cơ Sở của chúng tôi. Wellcome (GCND: một cơ sở chính trị và tài chánh độc lập), với Na Uy, Nhật Bản, Đức và Vương quốc Anh đã đạt được một bước tiến, nhưng quá bé nhỏ so với những gì đáng lẽ phải thực hiện. Chúng ta thường chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh có thể có, những trận hỏa hoạn có thể xảy ra, và bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho những trận đại dịch cần được xử lý với mức độ nghiêm trọng tương tự. Thông tin tốt là các dụng cụ sinh học của chúng tôi - bao gồm cả những đường lối mới mẻ để chẩn bệnh, điều trị, và vắc-xin ngừa bệnh - sẽ cho chúng ta khả năng có được một hệ thống mà phản ứng mạnh đối với các dịch bệnh tự nhiên xẩy ra.

HỎI: Tôi sống ở thành phố Seattle như ông, và có cảm giác như công tác làm test, việc thử bệnh của chúng ta không tăng lên. Số lượng các trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh của chúng ta đang bắt đầu thụt lui so với các tiểu bang khác. Ông nghĩ gì ? Đây là do biện pháp cách ly xã hội có hiệu quả hay do tình trạng thiếu thử nghiệm, thiếu làm test?

ĐÁP: Công tác thử nghiệm ở Mỹ chưa được tổ chức. Trong vài tuần tới, tôi hy vọng Chính phủ sẽ khắc phục được điều này bằng cách có một trang web để bạn có thể truy cập mà tìm hiểu và thử test tại nhà và tại các trạm. Ngay bây giờ, mọi sự đang có chút rối rắm lầm lẫn về điều này. Ở Seattle, Đại Học Tiểu Bang Washington đang làm hàng ngàn vụ test mỗi ngày nhưng không ai kết nối với hệ thống theo dõi toàn quốc.
Bất cứ khi nào thấy một vụ test có kết quả dương tính, nó cần phải được xem xét để tìm hiểu bệnh từ đâu đến và liệu chúng ta có cần tăng cường sự cách ly xã hội hay không. Nam Hàn đã thực hiện được điều này một cách tuyệt vời, bao gồm cả việc theo dõi liên lạc bằng kỹ thuật số.

HỎI: Tôi đã đọc báo cáo của Nhóm Phản Ứng COVID-19 thuộc Đại học Hoàng Gia cũng như lời giải thích này trong một văn mạch lịch sử. Về căn bản, bản báo cáo nói sẽ có 4 triệu người Mỹ chết, bằng cách không làm gì cả. Còn qua chiến lược rút giảm - nghĩa là thực hiện khoảng cách trong sinh hoạt xã hội và làm phẳng đường cong trong biểu đồ lây nhiễm – báo cáo này nói từ 1,1 đến 2 triệu người Mỹ sẽ chết. Tuy nhiên, báo cáo này cũng nói rằng nếu thực hiện chiến lược mãnh liệt đàn áp, tức là “tắt máy/ đóng chặt tất cả mọi thứ trong 18 tháng” - thì sẽ chỉ có vài nghìn người chết.
Ông có đồng ý với những con số này không, và nếu vậy, có lý do gì biện minh mà không lập tức ban hành lệnh ẩn trú tại chỗ cho toàn quốc?

ĐÁP: May mắn thay, dường như các tham số sử dụng trong mô hình ấy quá tiêu cực. Kinh nghiệm ở Trung Quốc là dữ liệu nguy kịch nhất mà chúng ta có. Họ “tắt máy/đóng chặt cửa” và đã có thể cắt giảm được số lượng các trường hợp nhiễm bệnh. Họ thử test rộng rãi, nhờ thế lập tức họ thấy được việc tái nhiễm có hay không, mà cho đến nay không nhiều. Họ đã tránh không cho nhiễm trùng lan rộng. Mô hình của Đại học Hoàng Gia không phù hợp với trải nghiệm này. Các mô hình chỉ tốt như các giả thiết được đưa vào các mô hình ấy. Mọi người ở đây đang làm việc trên các mô hình phù hợp với những gì mà chúng ta đang chứng kiến gần đây hơn, và chúng sẽ trở thành công cụ chính. Một nhóm có tên là Viện Mô Hình Bệnh mà tôi tài trợ, là một trong những nhóm đang làm việc với nhiều nhóm khác về vấn đề này.

HỎI: Các tiêu chuẩn làm test thử Covid-19 dường như không công bằng, có sự thiên vị cho những người giàu và những người nổi tiếng. Việc thử test đang được thực hiện cho những người - như những tay chơi thể thao chuyên nghiệp - ngay cả những người không có bất kỳ triệu chứng nào. Tôi không nói đến các nhân viên chăm sóc sức khỏe hoặc những người phụ trách các công việc thiết yếu - Tôi nói về các nam nữ diễn viên, những ngôi sao thể thao, v.v. Mặt khác, các hướng dẫn của hệ thống y tế Kaiser ở tiểu bang Washington cho biết là họ chỉ làm test nếu bạn phải bị sốt 101,5 độ (GCND: độ F, tính ra là 38.61 độ C) và khó thở nghiêm trọng hoặc ho nặng, và thậm chí sau đó kết quả thử nghiệm phải mất đến 5 ngày hoặc hơn.


Chuyện này là thế nào? Ngay đối với việc làm test thử covid-19, chính phủ đáng lẽ phải quản lý, mà những người giàu có, nổi tiếng, lại được đối xử đặc biệt? Phải chăng có một số lớn test được cất dấu riêng cho “những nhân vật tai mắt”? Phải chăng việc này là đạo đức giả : đối với tất cả những người khác thì bảo là phải nhìn vào lợi ích chung, đừng đòi hỏi quá nhiều ở hệ thống y tế. Trong khi những người giàu có nổi tiếng thì đạt được bất cứ điều gì họ muốn, bất cứ khi nào họ muốn?

ĐÁP: Chúng ta cần phải dân chủ hóa và mở rộng hệ thống thử test bằng cách có một trang web của Trung Tâm Kiểm Soát Phòng Chống Bệnh Hoạn (CDC) cho mọi người truy cập và đưa vào tình huống của họ. Các tình huống ưu tiên sẽ được kiểm tra trong vòng 24 giờ. Điều này rất có khả năng thực hiện được, vì nhiều quốc gia đã thực hiện rồi. Nhân viên y tế chẳng hạn nên được ưu tiên. Người cao tuổi nên được ưu tiên. Chúng ta sẽ có thể bắt kịp nhu cầu thử test trong vòng một vài tuần kể từ khi hệ thống hoạt động. Không có hệ thống, chúng ta không biết chúng ta thiếu gì - từ cả bông băng đến thuốc thử, v.v.

HỎI: Ông nghĩ gì về cách tiếp cận hiện tại mà Hà Lan đang thực hiện để chống loại virus này? Họ sẽ không hoàn toàn khóa cửa, thay vì thế họ cố cho dịch bệnh lây truyền một cách có kiểm soát mà hướng đến “miễn dịch bầy đoàn”.

ĐÁP: Mô hình duy nhất được biết có hiệu quả là nỗ lực nghiêm chỉnh với biện pháp cách ly, tạo nên khoảng cách xã hội (“Đóng chặt cửa”). Nếu không làm điều này, bệnh sẽ lây truyền sang phần lớn dân số và bệnh viện sẽ bị quá tải với các trường hợp nhiễm bệnh. Vì vậy cách tiếp cận của Hà Lan nên tránh, bất kể những vấn đề gì mà biện pháp “Đóng chặt cửa” có thể gây nên chăng nữa thì vẫn phải làm. Nếu một quốc gia không kiểm soát được các trường hợp nhiễm bệnh trong nước mình, thì các quốc gia khác sẽ ngăn chặn bất kỳ ai đi vào hay đi ra khỏi quốc gia đó. Tôi nghĩ cuối cùng thì Hà Lan cũng sẽ làm những gì mà các nước khác đang làm.

HỎI: Ông nghĩ gì về thuốc chloroquine / hydroxychloroquine?

ĐÁP: Có rất nhiều loại thuốc điều trị đang được kiểm tra. Đây là một trong nhiều thứ thuốc nhưng không được chứng minh. Nếu nó có hiệu quả, chúng ta sẽ cần bảo đảm cho những nguồn cung cấp hữu hạn để giữ cho những bệnh nhân cần nó nhất. Chúng tôi đang có một cuộc nghiên cứu để xem xét việc này. Chúng tôi cũng đang nỗ lực sàng lọc mà cứu xét tất cả những ý kiến được nêu ra về thuốc chữa bệnh, vì có rất nhiều đề nghị, và chỉ thứ nào hứa hẹn nhất mới nên thử cho các bệnh nhân. Trung Quốc đã thử một số, nhưng bây giờ họ có rất ít trường hợp nhiễm bệnh nên công tác thử thuốc đó cần phải chuyển đến các địa điểm khác.

HỎI: Tổ chức của ông đang giúp đối phó đại dịch hiện nay như thế nào? Ông có cho tiền, có sản xuất các sản phẩm cho nhân viên y tế không?

ĐÁP: Cơ Sở của chúng tôi đang làm việc với tất cả các nhóm làm chẩn đoán, trị liệu và vắc-xin để đảm bảo các nỗ lực đúng đắn cần phải được đặt ưu tiên. Chúng tôi muốn đảm bảo cho tất cả các quốc gia đều có thể đạt được những dụng cụ này. Hồi tháng Hai, chúng tôi tặng 100 triệu đô la cho nhiều thứ và chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa. Một ưu tiên là phải chắc chắn đảm bảo cho đủ năng lực sản xuất thuốc trị bệnh và vắc-xin ngừa bệnh. Chúng tôi cũng có những nỗ lực khác như nhóm giáo dục của chúng tôi đang làm việc để đảm bảo các nguồn trực tuyến cho sinh viên học sinh được hữu ích với tất cả khả năng.

HỎI: Ông có thể làm gì để hỗ trợ cho việc sản xuất máy thở không?

ĐÁP: Có rất nhiều nỗ lực để làm công tác này. Nếu chúng ta thực hiện một cách đúng đắn về biện pháp cách ly xã hội (“tắt máy / đóng cửa”) thì sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sẽ không bị tràn ngập. Vì các chuyên gia thuộc Cơ Sở chúng tôi đang hoạt động trong các lãnh vực chẩn đoán, trị liệu và vắc-xin nên chúng tôi không tham gia vào các nỗ lực sản xuất máy thở, nhưng có thể góp tiền để có nhiều máy hơn, đặc biệt khi dịch bệnh lan vào các quốc gia đang phát triển, gồm cả Phi Châu.

HỎI: Có nên có tạo một nơi trú ẩn trên cấp độ quốc gia ? Tại sao nên, tại sao không?

ĐÁP: Hầu hết mọi người đều có thể trú ẩn trong nhà của họ, nhưng đối với những người không làm việc (GCND: có lẽ Gates muốn nói đến những người “homeless”, người vô gia cư) thì nên có một chỗ cho họ đến. Chúng tôi đang nghiên cứu xem liệu chúng ta có thể gửi những bộ dụng cụ làm test đến cho những người ở nhà, để họ không phải đi ra ngoài hay không, và nhờ thế việc làm test đưa đến được cho những người có nhu cầu ưu tiên. Nước Mỹ vẫn chưa tổ chức được công tác làm test.

HỎI: Những thay đổi nào chúng ta phải thực hiện cho các doanh nghiệp nào vẫn hoạt động để duy trì nền kinh tế của chúng ta, trong khi thực hiện khoảng cách xã hội?

ĐÁP: Câu hỏi về những doanh nghiệp nào nên tiếp tục là một câu hỏi phức tạp. Dĩ nhiên là các hoạt động cung cấp thực phẩm và hệ thống y tế. Chúng ta vẫn cần có nước, có điện và internet. Chuỗi cung cấp những thứ quan trọng cần phải được duy trì. Nhiều quốc gia vẫn còn đang suy tính xem những gì cần phải duy trì.
Đến lúc nào đó, chúng ta sẽ phải có những chứng chỉ bằng kỹ thuật số để cho biết ai đã bình phục, gần đây ai đã thử test, khi nào chúng ta có vắc-xin, ai đã nhận được vắc-xin.

HỎI: Khi nào tất cả vụ việc này sẽ kết thúc?

ĐÁP: Để dẫn đến việc giảm thiểu số người nhiễm bệnh trên toàn cầu, chúng ta cần có vắc-xin. Nếu người ta làm đúng, nhiều nước giàu (kể cả nước Mỹ) sẽ có thể giữ cho số người nhiễm bệnh ở số lượng nhỏ, nhưng các nước đang phát triển sẽ rất khó ngăn sự lây lan, nên vắc-xin rất quan trọng. Một nhóm có tên là GAVI sẽ giúp mua vắc-xin cho các nước đang phát triển và họ sẽ đóng vai trò then chốt vào lúc chúng ta có được vắc-xin, và lúc vắc-xin được sản xuất với số lượng lớn.

HỎI: Vụ việc này sẽ kéo dài bao lâu?

ĐÁP: Việc này mỗi quốc gia sẽ thay đổi khác nhau. Hiện nay, Trung Quốc đang chứng kiến rất ít trường hợp nhiễm bệnh, do công tác thử test của họ và công tác “đóng chặt cửa” của họ rất có hiệu quả. Nếu một quốc gia thực hiện tốt công tác thử test và công tác “đóng chặt cửa” thì trong vòng từ 6 đến 10 tuần, họ sẽ thấy sẽ có rất ít trường hợp nhiễm bệnh và có thể mở cửa trở lại.

HỎI: Liệu sẽ có tình trạng tái nhiễm tái phát xẩy ra sau khi chấm dứt biện pháp đóng cửa?

ĐÁP: Nó tùy thuộc vào cách đối phó với những người đến từ các quốc gia khác và tùy thuộc vào nỗ lực thử test mạnh mẽ như thế nào. Cho đến nay tại Trung Quốc, số lượng tái nhiễm tái phát được thấy rất thấp. Họ đang kiểm soát những người vào Trung quốc một cách rất chặt chẽ. Hồng Kông, Đài Loan và Singapore cũng đều thực hiện tốt công tác này. Nếu chúng ta làm đúng, việc tái nhiễm tái phát sẽ khá ít xẩy ra.

HỎI: Ông dự kiến thế nào về số lượng các trường hợp dương tính trong thời gian 1 tháng? 3 tháng? 6 tháng?
Xin cho biết bất cứ suy nghĩ nào hoặc lý thuyết nào về những gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc khi lệnh “đóng chặt cửa” được dỡ bỏ?
Liệu có thể xẩy ra một làn sóng thứ 2 ?

ĐÁP: Trung Quốc không báo cáo nhiều về sự tái nhiễm. Số lượng các trường hợp nhiễm bệnh ở Nam Hàn đang đi đúng hướng. Nếu những người làm test có kết quả dương tính mà được cách ly thì sự lây lan có thể rất thấp. Những người càng sớm biết rằng họ bị nhiễm bệnh thì họ càng có thể cách ly sớm.

HỎI: Ước tính có thể có bao nhiêu dân số thế giới sẽ bị nhiễm bệnh?

ĐÁP: Điều này khác biệt rất nhiều tùy theo mỗi quốc gia. Đài Loan, Hồng Kông và Singapore đã hành động nhanh và sẽ có rất ít trường hợp nhiễm bệnh. Ngay Trung Quốc sẽ giữ ở mức thấp, cho đến nay số nhiễm bệnh ít hơn 0,01% so với dân số. Thái Lan là một ví dụ khác. Thật không may là ở các nước nghèo, công tác cách ly xã hội khó hơn nhiều. Mọi người sống gần gũi nhau và cần phải làm việc để kiếm ăn . Những quốc gia ấy là nơi virus sẽ lây rộng.

HỎI: Với tình trạng dịch bệnh COVID tác động đến kinh tế - do việc phải duy trì khoảng cách xã hội, cô lập, cách ly - Cơ Sở của ông có cam kết thêm bất cứ điều gì ngoài sự can thiệp trực tiếp về y tế hay không? Ví dụ như tăng tiền tài trợ cho các ngân hàng thực phẩm, hỗ trợ về mặt chính trị cho các đạo luật nhằm cung cấp lợi tức/ tiền nghỉ bệnh cho công nhân viên, v.v…

ĐÁP: Cơ Sở của chúng tôi tập trung vào lĩnh vực chuyên khoa là chẩn đoán bệnh, trị liệu bệnh và vắc-xin ngừa bệnh. Sẽ có rất nhiều cơ hội để mọi người quyên góp cho các tổ chức dịch vụ xã hội, trong đó gồm cả các ngân hàng thực phẩm, và tôi chắc chắn rằng mọi người sẽ hào phóng về việc này. Một khi chúng ta biết ai thử test mà có kết quả dương tính, là chúng ta có thể tìm ra cách hỗ trợ họ như thế nào để họ có thể cách ly mà vẫn có được thực phẩm và thuốc men họ cần.

HỎI: Tôi có một người bạn là bác sĩ của NHS (Dịch Vụ Y Tế Quốc Gia, National Health Service). Từ hôm qua đến nay anh ấy làm việc mà không đeo khẩu trang vì đã hết khẩu trang. Ai đang hốt đi hết tất cả các khẩu trang?

ĐÁP: Tôi rất tiếc khi nghe nói chuyện này. Đây là một ví dụ cho thấy tại sao chúng ta cần phải giữ khoảng cách xã hội để giảm thiểu số lượng các trường hợp nhiễm bệnh và tại sao chúng ta cần phải có một mạng thử test toàn quốc và một cơ sở dữ liệu quốc gia chạy được càng sớm càng tốt.

HỎI: Thế còn phúc trình của tờ NY Times vừa rò rỉ một tài liệu của chính phủ nói rằng thời gian này sẽ là thời gian 18 tháng với “nhiều đợt sóng chập chùng” thì sao?

ĐÁP: Có rất nhiều mô hình để nhìn những gì sẽ xảy ra. Bài báo đó dựa trên một loạt giả định có nguồn gốc từ Cúm Influenza và nó không phù hợp với những gì đã xảy ra ở Trung Quốc hoặc ngay cả ở Nam Hàn. Vì vậy, chúng ta cần phải khiêm tốn về những gì chúng ta biết, nhưng dường như việc giữ khoảng cách xã hội với việc thử test có thể khiến cho con số nhiễm bệnh hạ xuống mức thấp.

HỎI: Nhưng khi họ mở cửa lại không giống như bắt đầu lại? Tổng số người được chữa khỏi so với những người vẫn có thể bị nhiễm vẫn còn ít.

ĐÁP: Mục tiêu là giữ cho số lượng bị nhiễm bệnh ở một tỷ lệ nhỏ. Tại Trung Quốc, ít hơn 0,01% dân số bị nhiễm bệnh do các biện pháp mà họ đã áp dụng. Hầu hết các nước giàu nên có thể đạt được mức độ nhiễm trùng thấp. Một số nước đang phát triển sẽ không thể làm được điều đó.

HỎI: Bạn có tin những thông tin từ Trung Quốc hay không? Nó khó khăn ở điểm này.

ĐÁP: Trung Quốc đang làm rất nhiều công tác thử test. Nam Hàn cũng đang hoạt động tốt về việc làm test. Từ tháng Giêng, khi Trung Quốc trở nên nghiêm chỉnh, họ đã khá cởi mở về các trường hợp nhiễm bệnh của họ, vì vậy, thông tin tốt là họ đang gặp rất ít hồ sơ nhiễm trùng vào thời điểm này. Hoa Kỳ cần phải tổ chức hệ thống thử test của mình để chúng ta thấy được những gì đang diễn ra.

HỎI: Tôi nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa nào khi giao những thứ như đồ tạp hóa cho cha mẹ tôi để hạn chế việc tiếp xúc của tôi với cha mẹ tôi?

ĐÁP: Điều then chốt là phải rửa tay . Phải giữ một khoảng cách. Để cho người khác làm việc đó nếu bạn bị sốt hoặc bị ho.

HỎI: Tại sao chúng ta chưa “khóa máy, đóng chặt cửa”?

ĐÁP: Chúng ta đang tiến hành việc “khóa máy, đóng cửa”. Nhưng như thường lệ khi nhìn lại, thì thấy đáng lẽ chúng ta nên thực hiện việc ấy sớm hơn. Càng thực hiện sớm thì càng dễ hạ giảm các trường hợp nhiễm bệnh xuống những con số nhỏ.

HỎI: Theo bạn, nền kinh tế có khả năng phục hồi như thế nào?

ĐÁP: Vâng rút cục sẽ đến đấy. Hậu quả của việc "tắt máy đóng cửa" sẽ tác động lên kinh tế rất lớn, nhưng nếu nó được thực hiện tốt (bao gồm cả phần thử test mà tôi vẫn cứ nhắc đi nhắc lại) thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ có thể mở cửa lại.

HỎI: Với chiến lược dài hạn để chống đại dịch này bạn nhìn thấy gì, và bạn có cảm thấy như nó sẽ chuẩn bị đầy đủ để chúng ta đối phó với trận dịch kế tiếp sau này không?

ĐÁP: Tôi nghĩ sau khi kiểm soát được trận đại dịch này, các chính phủ và nhiều người khác sẽ đầu tư mạnh vào việc chuẩn bị để có thể đối phó với đại dịch tiếp theo sau này. Điều ấy đòi hỏi sự hợp tác của toàn cầu, đặc biệt để giúp các quốc gia đang phát triển, là những nơi sẽ bị tổn thương nhiều nhất. Một ví dụ điển hình là cần phải thử test để chẩn đoán và trị bệnh ở bất cứ nơi nào có bệnh mà giúp cho toàn thể thế giới.
Virus không hề tôn trọng biên giới các quốc gia.

(Nguồn: GatesNotes 19/3/20 - Dịch thuật: Nguyễn Bá Trạc 25/3/20)




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Các thành viên trong đại gia đình của dòng họ Kennedy phần lớn đã xa lánh chiến dịch tranh cử tổng thống của Robert F. Kennedy Jr., gọi nó là nguy hiểm và chính thức ủng hộ việc Tổng thống Biden tái tranh cử. Dòng họ Kennedy đã đưa ra sự chứng thực chính thức và nhấn mạnh vào thứ Năm, Politico đưa tin, xuất hiện cùng Biden vào thứ Năm tại Philadelphia.
Trung tâm chiếu khán Quốc gia (NVC) là một bộ phận của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đây là trung tâm duyệt xét tất cả các đơn xin chiếu khán di dân cho những người sống bên ngoài Hoa Kỳ. NVC duyệt xét các đơn xin chiếu khán di dân theo diện gia đình đối với các đơn đã được Sở Di Trú chấp thuận. NVC cũng thực hiện việc thanh toán phí, thu thập giấy tờ và cung cấp dịch vụ khách hàng cho đương đơn. Sau khi quá trình duyệt xét ở NVC hoàn tất, họ gửi hồ sơ đã được phê duyệt đến lãnh sự quán Hoa Kỳ để tiếp tục quy trình duyệt xét.
Hiệp Hội Pháp Huy Công lý Người Mỹ gốc Á Nam California (AJSOCAL) đã công bố gói lập pháp năm 2024, bao gồm 04 ưu tiên nâng cao cộng đồng gốc Á. Các ưu tiên này nhằm mục đích tăng cường lực lượng lao động song ngữ, giáo dục những người lao động có trình độ Anh ngữ hạn chế về quyền lao động, cung cấp nghiên cứu về nạn buôn người và chấm dứt phương thức tuyển sinh truyền thống ở các trường đại học tư ở California.
– Vào trưa ngày Thứ Năm 11 tháng 4 2024, tổ chức Phục Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (Ethnic Media Services -EMS), kết hợp với tổ chức Truyền Thông Gốc Phi California (California Black Media) đã có buổi họp báo qua zoom với giới truyền thông cộng đồng sắc tộc. Chủ đề của buổi họp báo là để giới thiệu về những đặc điểm ưu việt của chương trình Medi-Cal mở rộng. EMS dự định sẽ có 6 buổi họp báo về chủ đề này, nhằm nâng cao nhận thức của các cộng đồng sắc tộc về những cải tiến gần đầy của Medi-Cal.
Tòa Bạch Ốc đã chỉ đạo NASA thiết lập một tiêu chuẩn thời gian thống nhất cho Mặt Trăng và các hành tinh khác trong thái dương hệ. Trong tình hình ngày càng có nhiều quốc gia và công ty tư nhân tham gia vào cuộc đua khám phá Mặt Trăng, Hoa Kỳ đang muốn thiết lập các quy chuẩn quốc tế cho những hoạt động trong không gian vũ trụ.
Quốc Hội đang xúc tiến nỗ lực buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc, phải bán lại ứng dụng mạng xã hội phổ biến này hoặc đối mặt với lệnh cấm ở Hoa Kỳ. Hạ Viện đã lên lịch biểu quyết vào thứ Bảy tuần này, và một nghị sĩ Dân Chủ hàng đầu tại Thượng Viện cũng đã lên tiếng ủng hộ biện pháp này, theo Reuters.
Theo Giám đốc FBI Christopher Wray, các tin tặc có liên kết với chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ, và đang chờ đợi “thời cơ thích hợp để giáng một đòn tàn khốc,” theo Reuters.
Tại Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ đã ngăn chặn Hội Đồng Bảo An thông qua quy chế thành viên của nhà nước Palestine bằng quyền phủ quyết, theo Reuters.
Canada: Sáu người đã bị bắt trong vụ trộm vàng trị giá hàng chục triệu đô la năm ngoái tại Sân bay Quốc tế Pearson ở Toronto, theo lời cảnh sát Canada và Mỹ cho biết hôm thứ Tư. Cảnh sát cũng đã ra lệnh truy nã ba người khác. Tất cả 9 nghi phạm đã bị truy tố tội trộm với hơn 19 tội danh.
EMS cảnh báo khuynh hướng xã hội ngày nay xem người gầy như một chuẩn mực, dẫn đến tâm lý sợ hãi cơ thể mập một cách thái quá, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh thiếu niên.
Trong phiên tòa hình sự xét xử vụ chi tiền bịt miệng tài tử khiêu dâm, các công tố viên muốn thẩm vấn Donald Trump về các vụ kiện dân sự mà cựu Tổng thống bị cáo buộc gian lận và lạm dụng tình dục, nếu ông quyết định cho lời khai trước tòa, theo Reuters.
Thượng Viện với đa số Đảng Dân Chủ đã bác bỏ các cáo buộc luận tội đối với Bộ trưởng Nội An Alejandro Mayorkas, đặt dấu chấm hết cho nỗ lực mà các nghị sĩ Đảng Cộng Hòa đã khởi xướng từ nhiều tháng trước, theo Reuters.
kính mời quí đồng hương tham dự buổi nói chuyện với các vị tăng ni tu viện Lộc Uyển về những phương cách kết nối truyền thông trong gia đình, cải thiện liên hệ giữa cha mẹ con cái.
Biden kêu gọi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) tăng gấp ba lần mức thuế 7,5% hiện tại đối với thép và nhôm nhập cảng từ Trung Quốc, với lý do TQ cạnh tranh không công bằng đối với công nhân Mỹ từ “các sản phẩm thay thế giá rẻ giả tạo của Trung Quốc được sản xuất với lượng khí thải cao hơn”.
Một ủy ban Quốc Hội đã điều tra và phát hiện ra rằng Trung Quốc đang trực tiếp tài trợ sản xuất các tiền chất của fentanyl để bán ra nước ngoài, và khiến cho cuộc khủng hoảng opioid ở Hoa Kỳ thêm phần trầm trọng. Kết quả điều tra được công bố hôm thứ Ba (16/4), đã vạch trần những động cơ của Bắc Kinh đằng sau việc tiếp tay sản xuất ra các loại hóa chất độc hại này, theo Reuters.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.