Tăng thống và là lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, viên tịch tối ngày 22/2/2020 tại chùa Từ Hiếu, Quận 8 Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi.
Ngài sinh ngày 27/11/1928 tại xã Nam Thanh, huyện Từ Hải, Thái Bình với tên khai sinh là Đặng Phúc Tuệ.
Cái chết của Thầy Quảng Độ sẽ để lại một khoảng trống lớn cho hàng giáo phẩm giáo hội phật giáo độc lập, giữa lúc đang có những bất hoà nội bộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong những năm gần đây, sau các Giáo chỉ số 9 và số 10 được lãnh đạo giáo hội ban hành.
Quyết định của Thầy Quảng Độ năm 2013 qua Giáo chỉ Số 10 trong việc chấn chỉnh sinh hoạt của giáo hội trong nước cũng như tại hải ngoại khiến một số thượng toạ không đồng ý và đã lập ra một cơ cấu tổ chức khác hoạt động độc lập với giáo hội, là Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và đã chọn Hoà thượng Thích Thiện Hạnh từ Huế làm người đứng đầu.
Phật giáo sử Việt Nam đã ghi nhận thời Lý Trần là giai đoạn hưng thịnh của đạo Phật. Ngược lại từ thập niên 1950 cho đến nay Phật giáo tại Việt Nam đã trải qua nhiều cơn sóng gió.
Sau năm 1954, khi đất nước chia đôi thì sinh hoạt của các tôn giáo nói chung và đạo Phật nói riêng bị nhiều giới hạn ở miền Bắc và gần như im lặng dưới chế độ cộng sản.
Tại miền Nam, Phật giáo đã gặp những thử thách vào thập niên 1960, nhiều thượng toạ đã lên tiếng đòi tự do, bình đẳng trong sinh hoạt tôn giáo qua các chế độ Việt Nam Cộng hoà. Những biến động tại miền Trung, với sự nổi dậy của Phong trào tranh đấu Phật giáo và nhiều nhà sư tự thiêu đã đưa đến sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm vào ngày 1/11/1963.
Lịch sử của đạo Phật khi vào đến Việt Nam có bắc tông đại thừa và nam tông tiểu thừa nên tuy cùng một tôn giáo nhưng có sinh hoạt riêng biệt. Với mục đích thống nhất các hoạt động, đầu năm 1964 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất chính thức ra đời. Trong hơn mười năm sau đó Phật giáo tại miền Nam đã được sự lãnh đạo của Hoà thượng Thích Tịnh Khiết và các thầy Thiện Hoa, Trí Quang, Tâm Châu, Tâm Giác, Huyền Quang.
Tuy nhiên vì thời cuộc lúc bấy giờ, khi các lãnh đạo tôn giáo quan tâm đến tình hình chính trị, đến phát triển tôn giáo, xã hội và có những đường lối khác biệt nên sinh hoạt của Phật giáo tại miền Nam chia làm hai hệ phái là Viện Hoá đạo do thầy Tâm Châu đứng đầu và Ấn Quang với thầy Trí Quang lãnh đạo. Thầy Quảng Độ khi đó làm Tổng Thư ký Viện Hoá đạo.
Sau ngày 30/4/1975 Việt Nam được thống nhất dưới chế độ cộng sản thì Phật giáo, cũng như các tôn giáo khác, bị đàn áp và ngăn cấm hoạt động. Nhiều chùa không còn được tự do sinh hoạt đạo pháp, các cơ sở giáo dục và xã hội bị nhà nước thu hồi hoặc đóng cửa.
Cuối năm 1975 đã có vụ tự thiêu của 12 tăng ni và Phật tử tại chùa Dược Sư ở Cần Thơ để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước cộng sản.
Giáo hội lên tiếng đòi tự do tôn giáo thì lãnh đạo như các Thầy Huyền Quang, Quảng Độ, Thiện Minh bị bắt giam, bị kết án tù. Thầy Thiện Minh chết trong tù năm 1978.
Năm 1981 nhà nước cho ra đời Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thường được biết đến là "giáo hội quốc doanh" vì đứng trong Mặt trận Tổ quốc, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản. Nhà nước cũng đặt sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài vòng pháp luật.
Các tu sĩ gia nhập giáo hội nhà nước thì được hưởng những quyền lợi, chùa chiền các ngài trụ trì được phép sinh hoạt. Các ngôi chùa này đã phải đục bỏ hai chữ "Thống Nhất" có từ nhiều năm trên cổng chùa, để chỉ còn tên "Giáo hội Phật giáo Việt Nam".
Những ai không gia nhập giáo hội nhà nước và phản đối thì bị đàn áp hoặc ngăn cấm sinh hoạt phật sự. Năm 1982 Thầy Huyền Quang bị đưa về giam lỏng ở Quảng Ngãi, thầy Quảng Độ bị đưa về nguyên quán ở thôn Đoài, Thái Bình.
Hai thầy là tiếng nói bất khuất tranh đấu cho quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam dưới chế độ cộng sản.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuy bị cấm hoạt động, nhưng vẫn thường xuyên lên tiếng tranh đấu cho tự do nhân quyền tại Việt Nam. Tháng 5/1993 đã có một cuộc biểu tình tại chùa Linh Mụ, Huế với hàng vạn phật tử tham gia đòi tự do tôn giáo.
Giáo hội lên tiếng kêu gọi giúp đỡ nạn nhân thiên tai, tổ chức đi cứu trợ lũ lụt thì bị ngăn cấm, thầy Quảng Độ tiếp tục bị kết án tù.
Trước quan tâm của quốc tế về tự do tôn giáo tại Việt Nam, dịp Quốc Khánh 1998 Hà Nội đã ban hành lệnh đặc xá để thầy Quảng Độ rời Thái Bình ra nước ngoài sinh sống nhưng ngài không muốn đi.
Về lại Sài Gòn, ngài tạm trú tại Thanh Minh thiền viện ở quận Phú Nhuận. Tuy nhiên đó cũng là hình thức tiếp tục giam lỏng vì ngài bị hạn chế đi lại, công an canh gác không cho ngài được tự do gặp gỡ chư tăng, tín hữu.
Năm Phật lịch 2544, tức năm 2001, thầy Quảng Độ lại lên tiếng đòi nhà nước cải cách chính trị để đem lại tự do, dân chủ cho Việt Nam. Bản lên tiếng viết:
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất nhận định rằng: Để đối trị xu thế độc đảng và chuyên quyền, cần hình thành một liên minh dân tộc bao gồm mọi khuynh hướng chính trị và tôn giáo làm nền tảng cho một chính quyền dân chủ đa nguyên."
"Cụ thể là bỏ điều 4 trên Hiến pháp hầu xác định vị trí tối thượng của văn hóa và tư tưởng Việt khởi phát từ thời đại các Vua Hùng, đồng lúc tạo cơ sở cho sự hình thành và ra đời của liên minh dân tộc này."
"Để đối trị chế độ độc tài toàn trị, cần thực thi toàn vẹn những công ước quốc tế liên hệ đến nhân quyền, đến các quyền dân sự và chính trị, mà Việt Nam đã ký kết, tham gia…"
Luôn lên tiếng tranh đấu cho sự độc lập giữa giáo hội và nhà nước, cho tự do tôn giáo trong tinh thần ôn hoà nên tiếng nói của thầy Quảng Độ gây chú ý quốc tế. Năm 2006 thầy được trao giải Thorolf Rafto của Na-Uy và từ chối đi nhận vì e ngại nhà nước không cho trở về. Nhiều lần ngài cũng được đề cử cho Giải Nobel Hoà bình.
Năm 2013, sau khi tách khỏi sự lãnh đạo của thầy Quảng Độ, Tăng đoàn Giáo hội dưới sự lãnh đạo của Hoà thượng Thích Thiện Hạnh cũng chủ trương bảo vệ quyền sinh hoạt tôn giáo độc lập với nhà nước. Dịp tết vừa qua Tăng đoàn có tâm thư, do Hoà thượng Thích Viên Định ký, lên tiếng cảnh tỉnh người dân Việt về hiểm hoạ từ Trung Quốc qua những hoạt động trên Biển Đông và những đặc khu kinh tế.
Thư Xuân 2020 của Tăng đoàn nêu lên những ý nguyện sau:
"Trước thềm năm mới, Tăng Đoàn GHPGVNTN thiết tha kêu gọi Phật tử và Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước thức tỉnh và ưu tư về hiện tình lâm nguy của đất nước."
"Kêu gọi các nước dân chủ, tự do tích cực vận động và áp lực mạnh mẽ buộc Nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền giúp người dân Việt có cuộc sống văn minh an ổn."
"Rất mong Nhà cầm quyền Việt Nam sớm thức tỉnh, từ bỏ chế độ độc tài độc đảng, chuyển sang thể chế tự do, dân chủ, đa nguyên, thả các tù nhân lương tâm, các nhà báo độc lập, các bloggers, các nhà hoạt động vì môi trường…, để đoàn kết toàn dân cùng nhau bảo vệ và phát triển đất nước."
Trước khi viên tịch, thầy Quảng Độ để lại di chúc chuyển quyền lãnh đạo tạm thời cho Hoà thượng Thích Tâm Liên xử lý thường vụ Viện Tăng thống cho đến khi có đại hội bầu chọn Đệ Lục Tăng thống để lãnh đạo giáo hội.
Giới quan sát biết rằng thầy Quảng Độ không chấp nhận sinh hoạt tôn giáo theo cách "xin, cho" và không đồng ý với những ai thoả hiệp với nhà cầm quyền để nhận những ưu đãi, đặc quyền từ phía nhà nước.
Năm 2018 nhà nước tìm cách ép buộc ngài rời Sài Gòn về lại thôn Đoài, tỉnh Thái Bình. Thầy Quảng Độ phải rời Thanh Minh Thiền viện trở lại miền Bắc, nhưng chỉ vài tuần thì tự chuyển nơi cư trú vào Sài Gòn, sống trong chùa Từ Hiếu ở Quận 8 cho đến ngày viên tịch.
Qua cuộc đời, thầy Quảng Độ không chỉ là tiếng nói phản kháng lại các chính sách đàn áp tôn giáo của nhà nước, ngài còn là một học giả uyên thâm về đạo Phật với nhiều tác phẩm nghiên cứu và biên soạn để lại.
Không còn tiếng nói bất khuất của Hoà thượng Thích Quảng Độ, nội tình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có sẽ còn mạnh để lên tiếng đòi quyền tự do tôn giáo cho Việt Nam và bảo vệ được sự độc lập với nhà nước trong các sinh hoạt tôn giáo, khi mà đạo pháp ngày một suy đồi giữa những ngôi chùa được dựng lên, tuy nguy nga hoành tráng nhưng thực ra chỉ là những tụ điểm du lịch hơn là nơi tín đồ đến để thờ phượng, cầu nguyện hay tu tập theo Phật pháp.