Chiến Trận Việt Nam: Đầu Tiên Lên Máy Truyền Hình; Chiến Trận Iraq: Đầu Tiên Thẳng Từ Mặt Trận Đến Máy Truyền Hình
Thành phố ban đêm mờ mờ trong ánh đèn điện. Nhiều vệt trắùng vụt chạy trên nền trời như sao xẹt. Nhiều tia sáng lóe như chớp giật trong giông bão. Vài ánh lửa bùng sáng, cột khói bốc lên cao, tiếp theo là tiếng ầm ầm như sấm rền. Có cột khói cuồn cuộn lên như hình nấm. Có đám khói nhuốm màu hồng theo ánh lửa. Thoạt nhìn tưởng như một cuộc đốt pháo bông.
Không! Đây là cảnh thủ đô Bagdad của Iraq đang bị dội bom và bắn hỏa tiễn trong ngày đầu của trận chiến Mỹ-Iraq. Không có bóng dáng máy bay trên nên trời, nhưng đạn súng phòng không bắn lên nổ trong đêm tối, lấp lánh như pháo bông, như sao xẹt.
Những hình ảnh tức thời, sống động về trận giội bom "chấn động và kinh sợ" của Mỹ được diễn ra trên màn ảnh đã kìm chặt tôi cũng như nhiều người khác trước máy vô tuyến truyền hình trong mấy ngày đầu của cuộc chiến tranh Iraq. Khán thính giả chứng kiến cùng lúc trận oanh tạc với tiếng bom nổ, trong lúc máy bay và hỏa tiễn trút xuống Bagdad. Một số nhà chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Mỹ cũng nói đã theo dõi hình ảnh giội bom trên màn ảnh vô tuyến truyền hình.
Từng sống qua cuộc chiến 30 năm ở Việt Nam, tôi và những người Việt khác không có dịp nhìn thấy cùng một lúc diễn tiến của tình hình chiến sự ở nhiều mặt trận khác nhau. Có chăng chỉ là họa hoằn một vài trường hợp lẻ loi, như hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Ngày nay ở cách xa Iraq cả hơn chục ngàn cây số, tôi lại được chứng kiến gần như tại chỗ cảnh bom đạn đúng lúc cuộc không tập đang tiến diễn. Khán thính giả ở Mỹ và ở khắp nơi trên thế giới, nhất là những gia đình có thân nhân ra mặt trận lại càng dán chặt mắt vào máy truyền hình, hy vọng nhìn thấy trên màn ảnh chồng con, cha chú, anh chị em mình đi trong đoàn quân ngoài chiến trường. Người ta theo dõi chiến trận ở nhà, ở sở làm, ở nơi công cộng. Truyền hình, với những tiến bộ kỹ thuật hiện đại nhất về điện tử và truyền tin, đã cho khán giả thấy tức khắc diễn tiến của chiến tranh, và đưa trận địa đến sát người dân hơn bao giờ hết.
Cuộc chiến Việt Nam được coi là chiến tranh đầu tiên diễn ra trên máy truyền hình, đi vào phòng khách các gia đình Mỹ. Nay cuộc chiến Iraq được kể là chiến tranh đầu tiên diễn ra tức thời cùng lúc ở mặt trận và ở máy truyền hình trong nhà người dân.
Hồi chiến tranh Việt Nam, các hệ thống truyền hình chỉ chiếu được những hình ảnh quay ở mặt trận cách đấy nhiều ngày, vì phim ảnh chụp tại mặt trận phải chuyển về Sài Gòn rồi gửi máy bay qua New York để tráng ra, cắt xén, biên soạn trước khi đưa lên màn ảnh. Đến năm 1967 nhờ có hệ thống truyền tin mới qua vệ tinh nhân dịp khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông ở Sapporo bên Nhật, phim ảnh được chuyển sang Nhật rồi truyền qua vệ tinh đi Mỹ.
Đạo quân 2.000 người
Ngày nay nhờ những kỹ thuật tân tiến, với điện thoại thu hình cầm tay, nối kết vào hệ thống truyền tin qua vệ tinh, khán thính giả thấy ngay hình ảnh những diễn tiến ở mặt trận. Người coi có cảm tưởng như đứng ngay ở trận tuyến để chứng kiến cuộc hành quân, xem chiến tranh thật sự đang diễn ra trước mắt, chứ không phải xem phim được đạo diễn về chiến tranh.
Điện thoại thu hình cầm tay được các hệ thống truyền hình khai thác rộng rãi. Những hình ảnh này có lúc rung rung và lu mờ, nhưng đủ để thấy quang cảnh ở mặt trận, và rõ hơn so với lần sử dụng ở chiến trường Afghanistan cách đây gần hai năm. Các phóng viên đi theo binh sĩ được trang bị cả kính nhìn đêm, dụng cụ quay phim cũng có ống viễn kính nhìn đêm, nên một số hình ảnh có màu xanh lợt khi quay quang cảnh lúc trời tối.
Có trên 2.000 phóng viên, nhà báo hiện ở Trung Đông tham dự vào việc thu thập tin tức về cuộc chiến Iraq. Các cơ quan báo chí lớn đều có mặt. Các hệ thống truyền hình gửi nhiều phóng viên đi các mặt trận, phái nhân viên đi theo nhiều đơn vị tham chiến. Báo New York Times có tới ba chục người ở trong vùng. Báo Washington Post gửi 29 nhân viên tới đó.
Trước khi chiến tranh xảy ra, có 450 nhà báo kéo tới Bagdad. Khi cuộc chiến sắp khai mào, Mỹ khuyến cáo báo chí và các người ngoại quốc nên rời Bagdad để được an toàn. Các cơ quan báo chí đã cân nhắc việc làm tin và vấn đề an ninh của nhà báo. Đa số đã rút đi, sang thu lượm tin tức ở những vùng kế cận. Ở lại Bagdad chỉ còn chừng 150 người, phần đông không phải là Mỹ. Trong số những người ở lại, có Peter Arnett, người từng đoạt giải Pulitzer về chiến tranh Việt Nam, và đã từng là phóng viên nổi tiếng nhất của CNN trong cuộc chiến với Iraq năm 1991. Lần này Arnett làm cho National Geographic Explorer, đồng thời cộng tác với NBC và MSNBC nhân dịp đi Bagdad. Arnett cho rằng "ý nghĩa trận chiến Bagdad quan trọng hơn hiểm họa của chiến tranh," nên quyết định ở lại Bagdad. Sau 11 ngày tường thuật trận chiến, Arnett bị NBC, MSNBC và National Geographic Explorer sa thải vì ông đã xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình nhà nước Iraq, trong đó ông cho rằng cuộc tấn công của Mỹ ở Iraq đã bị thất bại giai đoạn đầu vì sức kháng cự của Iraq, và những bản tường trình của ông về thương vong của dân chúng đã giúp cho những người chống đối chiến tranh.
Có hai loại nhà báo theo dõi chiến trận Iraq. Chừng 600 người thuộc loại "nằm chặt" với một đơn vị của Mỹ và Đồøng minh. Khoảng 1.500 người khác thuộc loại "đơn phương," tự do đi thu lượm tin tức không cần có sự đồng ý của nhà chức trách quân sự Mỹ.
Đi theo lực lượng Mỹ và Đồng minh, nhà báo phải theo một số quy định. Nhà báo "nằm chặt" với một đơn vị chỉ đi theo đơn vị đó mà thôi, ăn ngủ với binh sĩ của đơn vị để tường thuật tình hình, và không được tiết lộ địa điểm và số lượng binh sĩ trong cuộc hành binh. Họ cũng đồng ý không loan báo tên tuổi binh sĩ bị thương vong, trước khi gia đình binh sĩ đó được nhà chức trách thông báo. Còn nhà báo tự do bay nhảy từ đơn vị này sang đơn vị khác thì được tự do làm việc theo lệnh của cơ quan mình. Vì không đủ người đi theo các mặt trận, một số cơ quan báo chí đã tổ hợp để làm việc với nhau, như cùng dùng chung hình ảnh thu được khi trận chiến mới khởi đầu. Một số khác hợp tác với nhau, như NBC, MSNBC hợp tác với National Geogrpahic TV; ABC với BBC và đài al-Jazeera của Ả Rập; CNN với New York Times và hãng thông tấn AP.
Tại Bagdad, nhà báo tường thuật tin tức phải theo những quy định của Bộ Thông Tin Iraq. Muốn đi làm phóng sự, phỏng vấn ai, cần có phép của nhà cầm quyền và phải có "hướng dẫn viên" đi theo. Hướng dẫn viên thường ở sát bên mỗi khi nhà báo loan tin hoặc tường trình tình hình về đài, để theo dõi việc tường thuật và nếu cần thì kiểm duyệt. Lúc Bagdad bị oanh tạc hôm đầu của cuộc chiến này, các phóng viên ở trong phòng nhìn ra ngoài quan sát, ống kính và máy ghi âm đặt tại cửa sổ để thu hình và ghi tiếng động. Khi tường thuật tình hình, họ phải thận trọng lời nói. Nữ phóng viên Anne Garrels của National Public Radio được đài yêu cầu cho biết rõ chi tiết về thiệt hại của những tòa nhà bị giội bom gần đó, cô trả lời "tôi không thể nói chi tiết rõ rệt được, theo như quy định của Bộ Thông Tin." Hai phóng viên của CNN, trong đó có Nic Robertson, hẳn làm nhà cầm quyền Iraq bất bình, đã bị trục xuất sau khi chiến tranh khai diễn được hai ngày. Trước đó, phóng viên của Fox News và vài hệ thống truyền hình khác đã bị trục xuất.
Số báo chí tham gia cuộc chiến Iraq vượt trên số nhà báo trong cuộc chiến Việt Nam. Vào tháng 1, 1968 số nhà báo ngoại quốc được Mỹ cấp thẻ báo chí ở Việt Nam là 464 người, trong đó có 179 người Mỹ, 114 Việt Nam làm cho báo ngoại quốc, và 171 người thuộc các nước khác. Khi cuộc tấn công Tết Mậu Thân xảy ra, số nhà báo tăng lên 648 người. Khi Mỹ giảm dần tham chiến, số nhà báo Mỹ và ngoại quốc tới Việt Nam cũng sụt giảm, còn chừng khoảng ba, bốn trăm vào lúc chiến cuộc kết thúc.
Dồi dào tin tức và hình ảnh
Với đạo quân đông đảo, hăng say lùng kiếm tin tức, cùng với những kỹ thuật điện tử hiện đại, báo chí đã cung cấp cho độc giả và khán thính giả những bài viết và những hình ảnh sống động ở mặt trận, những diễn biến của tình hình về cuộc chiến giữa Mỹ và Iraq. Số tin tức và hình ảnh cuộc chiến tràn ngập nhiều trang báo, xuất hiện nhiều giờ trên màn ảnh truyền hình.
Khi tin chiến trận khai mào vào tối 19 tháng 3, các hệ thống truyền hình lớn như ABC, CBS, NBC, CNN, MSNBC, Fox News đã cắt ngang chương trình thường lệ ngày hôm đó và nhiều ngày kế tiếp, bỏ quảng cáo, làm chương trình đặc biệt để tường thuật diễn tiến của tình hình. Mỗi hệ thống truyền hình đều có những phóng viên đi theo những đơn vị tham chiến ở những địa điểm khác nhau, nên hình ảnh và tin tức thật phong phú. Khán giả được xem nhiều hình ảnh ở nhiều nơi: Bagdad bị giội bom và bắn hỏa tiễn; những phi cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm đi oanh tạc; phi công trở về diễn tả những phi vụ vừa hoàn tất; đoàn chiến xa tung cát bụi chạy trên sa mạc; những binh sĩ mang mặt nạ trú ẩn trong hầm khi còi báo động rú lên ở Kuwait; những cuộc chạm súng giữa lực lượng Đồng Minh và quân Iraq ở trận địa; những trẻ em tỵ nạn, mắt sáng long lanh, núp dưới lều vải, ló đầu nhìn ra ngoài trời mưa băng giá; nét mặt sầu thảm của thân nhân binh sĩ thiệt mạng trong trận chiến; những đoàn người biểu tình phản chiến náo động, la ó ở Chicago, New York, Ý, Đức, Nhật, Ai Cập, Trung Đông và nhiều nước khác.
Bên cạnh những hình ảnh của chiến tranh, là những tin tức thu lượm từ nhiều nơi khác. Nhiều khuôn mặt quen thuộc của những nhân vật Mỹ và Iraq xuất hiện, từ Tổng Thống George W. Bush tới Saddam Hussein. Hình cũ hoặc thu trước của Hussein đã được đưa ra trên màn ảnh vô tuyến, sau khi Mỹ loan tin giội bom trúng tòa nhà Hussein trú ngụ.
Thêm vào tin tức từ trận địa là những cuộc họp báo của tòa Bạch Ốc, Bộ Quốùc Phòng, Bộ Ngoại Giao và những sĩ quan cao cấp chỉ huy chiến trường. Khi có chiến tranh, cuộc họp báo của giới chức quân sự được chú ý hơn. Xuất hiện trong các cuộc họp báo kỳ này thường là những nhân vật cao cấp nhất, như Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld, Tổng Tham Mưu Trưởng Richard Myers, Tư Lệnh chiến trường Tướng Tommy Franks. Hồi chiến tranh với Iraq năm 1991, có mặt trong những cuộc họp báo quân sự là Tướng Tư Lệnh Norman Schwarzkopf, hoặc một tướng phụ tá của ông. Tại Ngũ Giác Đài có tướng ba sao Kelly Thomas, trưởng phòng Hành Quân.
Báo chí cũng tường thuật cuộc họp báo của Bộ Trưởng Thông Tin và Bộ Trưởng Quốc Phòng Iraq, trong đó ông quả quyết cuộc xâm lăng của Mỹ sẽ bị đánh bại và Saddam Hussein vẫn bình yên sau cuộc oanh tạc phá nát tòa nhà riêng của lãnh tụ Iraq.
Thấy những cuộc họp báo này, tôi không khỏi nhớ lại những cuộc họp báo hàng ngày lúc năm giờ chiều ở Việt Nam trong thời chiến. Những nhân vật cao cấp Việt Nam rất ít khi tiếp xúc với báo chí. Những cuộc họp báo ở Việt Nam, do các viên chức trung cấp trong ngành thông tin và quân sự đảm trách. Ở dịa vị ít được thông báo những tiến triển của tình hình, họ chỉ cung cấp những tin tức rất sơ lược, không cập nhật, và thường không giải đáp thỏa đáng những câu hỏi của ký giả. Báo chí ngọaị quốc hồi đó đã diễu cợt gọi những buổi họp báo đó là "The 5 o'clock Follies" (Những Ngớ Ngẩn lúc 5 giờ.)
Ngoài những tin tức do phóng viên thu thập, các đài còn mời những chuyên viên, những nhân vật hiểu biết để phân tích tin tức và giải đoán tình hình. Nhiều tướng lãnh hồi hưu thuộc các quân chủng Hải, Lục, Không Quân đã có mặt trên các đài để thuyết giải tình hình, trong đó có cả tướng bốn sao Schwarzkopf, từng chỉ huy trận đánh Iraq cách đây 12 năm. Trong vài chương trình đặc biệt, Tom Brokaw của hệ thống NBC News thường có bốn tướng của Hải Quân, Không Quân và Lục Quân ngồi ngay bên cạnh để giải đáp và bàn luận về chiến sự.
Muốn khán giả vừa theo dõi tin tức nóng sốt ở hai ba nơi khác nhau, các hệ thống truyền hình còn để hình ảnh của hai ba nơi trên cùng một màn ảnh. Nhiều người ham theo dõi tin tức ở những đài khác nhau, thích nhảy đài này qua đài kia. Tôi cũng là một trong những người hay ngứa tay bật máy đổi đài.
Với tin tức và hình ảnh của cuộc chiến Iraq được tường thuật rộng rãi trên báo chí, nhất là trên màn ảnh truyền hình, cuộc chiến và ảnh hưởng của tin tức có thể gây ra nhiều tranh luận. Một số người trước đây cho rằng Mỹ thất trận trong chiến tranh Việt Nam một phần vì những hình ảnh chết chóc của binh sĩ và thường dân đã gây nên những phản ứng bất lợi, mở rộng tinh thần phản chiến. Trong số những tấm hình gây xúc động mạnh khắp thế giới hồi đó là hình Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, chĩa súng bắn một Việt Cộng bị bắt và được dẫn tới trước mặt ông trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Hình cô bé chín tuổi Phan Thị Kim Phúc kêu khóc, trần truồng chạy ở gần Tràng Bảng vì bị phỏng bom xăng đặc năm 1972 đã tiêu biểu cho nạn nhân vô tội của chiến tranh. Trong trận chiến Iraq kỳ này, nhiều hình ảnh cuộc chiến đã tràn lan trên màn ảnh vô tuyến. Mai kia nếu chiến trận trở nên gay go, khi có những cuộc giao tranh đẫm máu, thêm số tù binh bị bắt giữ, số thương vong tăng gia, những cảnh đổ nát của chiến tranh, những nheo nhóc, đói khổ của nhiều lớp dân tỵ nạn, những chết chóc, thiệt hại nhân mạng của binh sĩ và thường dân cũng được chiếu lên.
Truyền hình mấy ngày qua đã cho thấy vài khía cạnh thương vong của cuộc chiến. Một gia đình có binh sĩ bị chết vì trực thăng rớt đã buồn giận chê trách cuộc chiến và phản đối quyết định của Tổng Thống George W. Bush. Trong trường hợp khác, bà Nancy Chamberlin có con là Thiếu Tá Day Aubin cũng bị thiệt mạng vì trực thăng rơi đã nói rằng kỹ thuật hiện đại của truyền hình mang hình ảnh chiến tranh đến gần người dân thật là "hay, nhưng còn có những bà mẹ, những người cha, những người vợ đang đau khổ vì vụ này." Bà cho rằng nhiều người ở sát bên máy truyền hình không phải chỉ để theo dõi tin tức mà còn để biết số phận những người thân yêu của họ.
31/3/2003
Vũ Thụy Hoàng: Hơn 44 năm trong ngành báo chí, trong đó có 33 năm với Washington Post, và là tác giả ba cuốn sách Sài Gòn Tuyết Trắng: Việt Nam tháng 4, 1975, Quê Hương Thương Ghét: Nỗi Lòng Người Việt Hải Ngoại và Rồng Vàng Vượt Biển.
Thành phố ban đêm mờ mờ trong ánh đèn điện. Nhiều vệt trắùng vụt chạy trên nền trời như sao xẹt. Nhiều tia sáng lóe như chớp giật trong giông bão. Vài ánh lửa bùng sáng, cột khói bốc lên cao, tiếp theo là tiếng ầm ầm như sấm rền. Có cột khói cuồn cuộn lên như hình nấm. Có đám khói nhuốm màu hồng theo ánh lửa. Thoạt nhìn tưởng như một cuộc đốt pháo bông.
Không! Đây là cảnh thủ đô Bagdad của Iraq đang bị dội bom và bắn hỏa tiễn trong ngày đầu của trận chiến Mỹ-Iraq. Không có bóng dáng máy bay trên nên trời, nhưng đạn súng phòng không bắn lên nổ trong đêm tối, lấp lánh như pháo bông, như sao xẹt.
Những hình ảnh tức thời, sống động về trận giội bom "chấn động và kinh sợ" của Mỹ được diễn ra trên màn ảnh đã kìm chặt tôi cũng như nhiều người khác trước máy vô tuyến truyền hình trong mấy ngày đầu của cuộc chiến tranh Iraq. Khán thính giả chứng kiến cùng lúc trận oanh tạc với tiếng bom nổ, trong lúc máy bay và hỏa tiễn trút xuống Bagdad. Một số nhà chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Mỹ cũng nói đã theo dõi hình ảnh giội bom trên màn ảnh vô tuyến truyền hình.
Từng sống qua cuộc chiến 30 năm ở Việt Nam, tôi và những người Việt khác không có dịp nhìn thấy cùng một lúc diễn tiến của tình hình chiến sự ở nhiều mặt trận khác nhau. Có chăng chỉ là họa hoằn một vài trường hợp lẻ loi, như hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Ngày nay ở cách xa Iraq cả hơn chục ngàn cây số, tôi lại được chứng kiến gần như tại chỗ cảnh bom đạn đúng lúc cuộc không tập đang tiến diễn. Khán thính giả ở Mỹ và ở khắp nơi trên thế giới, nhất là những gia đình có thân nhân ra mặt trận lại càng dán chặt mắt vào máy truyền hình, hy vọng nhìn thấy trên màn ảnh chồng con, cha chú, anh chị em mình đi trong đoàn quân ngoài chiến trường. Người ta theo dõi chiến trận ở nhà, ở sở làm, ở nơi công cộng. Truyền hình, với những tiến bộ kỹ thuật hiện đại nhất về điện tử và truyền tin, đã cho khán giả thấy tức khắc diễn tiến của chiến tranh, và đưa trận địa đến sát người dân hơn bao giờ hết.
Cuộc chiến Việt Nam được coi là chiến tranh đầu tiên diễn ra trên máy truyền hình, đi vào phòng khách các gia đình Mỹ. Nay cuộc chiến Iraq được kể là chiến tranh đầu tiên diễn ra tức thời cùng lúc ở mặt trận và ở máy truyền hình trong nhà người dân.
Hồi chiến tranh Việt Nam, các hệ thống truyền hình chỉ chiếu được những hình ảnh quay ở mặt trận cách đấy nhiều ngày, vì phim ảnh chụp tại mặt trận phải chuyển về Sài Gòn rồi gửi máy bay qua New York để tráng ra, cắt xén, biên soạn trước khi đưa lên màn ảnh. Đến năm 1967 nhờ có hệ thống truyền tin mới qua vệ tinh nhân dịp khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông ở Sapporo bên Nhật, phim ảnh được chuyển sang Nhật rồi truyền qua vệ tinh đi Mỹ.
Đạo quân 2.000 người
Ngày nay nhờ những kỹ thuật tân tiến, với điện thoại thu hình cầm tay, nối kết vào hệ thống truyền tin qua vệ tinh, khán thính giả thấy ngay hình ảnh những diễn tiến ở mặt trận. Người coi có cảm tưởng như đứng ngay ở trận tuyến để chứng kiến cuộc hành quân, xem chiến tranh thật sự đang diễn ra trước mắt, chứ không phải xem phim được đạo diễn về chiến tranh.
Điện thoại thu hình cầm tay được các hệ thống truyền hình khai thác rộng rãi. Những hình ảnh này có lúc rung rung và lu mờ, nhưng đủ để thấy quang cảnh ở mặt trận, và rõ hơn so với lần sử dụng ở chiến trường Afghanistan cách đây gần hai năm. Các phóng viên đi theo binh sĩ được trang bị cả kính nhìn đêm, dụng cụ quay phim cũng có ống viễn kính nhìn đêm, nên một số hình ảnh có màu xanh lợt khi quay quang cảnh lúc trời tối.
Có trên 2.000 phóng viên, nhà báo hiện ở Trung Đông tham dự vào việc thu thập tin tức về cuộc chiến Iraq. Các cơ quan báo chí lớn đều có mặt. Các hệ thống truyền hình gửi nhiều phóng viên đi các mặt trận, phái nhân viên đi theo nhiều đơn vị tham chiến. Báo New York Times có tới ba chục người ở trong vùng. Báo Washington Post gửi 29 nhân viên tới đó.
Trước khi chiến tranh xảy ra, có 450 nhà báo kéo tới Bagdad. Khi cuộc chiến sắp khai mào, Mỹ khuyến cáo báo chí và các người ngoại quốc nên rời Bagdad để được an toàn. Các cơ quan báo chí đã cân nhắc việc làm tin và vấn đề an ninh của nhà báo. Đa số đã rút đi, sang thu lượm tin tức ở những vùng kế cận. Ở lại Bagdad chỉ còn chừng 150 người, phần đông không phải là Mỹ. Trong số những người ở lại, có Peter Arnett, người từng đoạt giải Pulitzer về chiến tranh Việt Nam, và đã từng là phóng viên nổi tiếng nhất của CNN trong cuộc chiến với Iraq năm 1991. Lần này Arnett làm cho National Geographic Explorer, đồng thời cộng tác với NBC và MSNBC nhân dịp đi Bagdad. Arnett cho rằng "ý nghĩa trận chiến Bagdad quan trọng hơn hiểm họa của chiến tranh," nên quyết định ở lại Bagdad. Sau 11 ngày tường thuật trận chiến, Arnett bị NBC, MSNBC và National Geographic Explorer sa thải vì ông đã xuất hiện trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình nhà nước Iraq, trong đó ông cho rằng cuộc tấn công của Mỹ ở Iraq đã bị thất bại giai đoạn đầu vì sức kháng cự của Iraq, và những bản tường trình của ông về thương vong của dân chúng đã giúp cho những người chống đối chiến tranh.
Có hai loại nhà báo theo dõi chiến trận Iraq. Chừng 600 người thuộc loại "nằm chặt" với một đơn vị của Mỹ và Đồøng minh. Khoảng 1.500 người khác thuộc loại "đơn phương," tự do đi thu lượm tin tức không cần có sự đồng ý của nhà chức trách quân sự Mỹ.
Đi theo lực lượng Mỹ và Đồng minh, nhà báo phải theo một số quy định. Nhà báo "nằm chặt" với một đơn vị chỉ đi theo đơn vị đó mà thôi, ăn ngủ với binh sĩ của đơn vị để tường thuật tình hình, và không được tiết lộ địa điểm và số lượng binh sĩ trong cuộc hành binh. Họ cũng đồng ý không loan báo tên tuổi binh sĩ bị thương vong, trước khi gia đình binh sĩ đó được nhà chức trách thông báo. Còn nhà báo tự do bay nhảy từ đơn vị này sang đơn vị khác thì được tự do làm việc theo lệnh của cơ quan mình. Vì không đủ người đi theo các mặt trận, một số cơ quan báo chí đã tổ hợp để làm việc với nhau, như cùng dùng chung hình ảnh thu được khi trận chiến mới khởi đầu. Một số khác hợp tác với nhau, như NBC, MSNBC hợp tác với National Geogrpahic TV; ABC với BBC và đài al-Jazeera của Ả Rập; CNN với New York Times và hãng thông tấn AP.
Tại Bagdad, nhà báo tường thuật tin tức phải theo những quy định của Bộ Thông Tin Iraq. Muốn đi làm phóng sự, phỏng vấn ai, cần có phép của nhà cầm quyền và phải có "hướng dẫn viên" đi theo. Hướng dẫn viên thường ở sát bên mỗi khi nhà báo loan tin hoặc tường trình tình hình về đài, để theo dõi việc tường thuật và nếu cần thì kiểm duyệt. Lúc Bagdad bị oanh tạc hôm đầu của cuộc chiến này, các phóng viên ở trong phòng nhìn ra ngoài quan sát, ống kính và máy ghi âm đặt tại cửa sổ để thu hình và ghi tiếng động. Khi tường thuật tình hình, họ phải thận trọng lời nói. Nữ phóng viên Anne Garrels của National Public Radio được đài yêu cầu cho biết rõ chi tiết về thiệt hại của những tòa nhà bị giội bom gần đó, cô trả lời "tôi không thể nói chi tiết rõ rệt được, theo như quy định của Bộ Thông Tin." Hai phóng viên của CNN, trong đó có Nic Robertson, hẳn làm nhà cầm quyền Iraq bất bình, đã bị trục xuất sau khi chiến tranh khai diễn được hai ngày. Trước đó, phóng viên của Fox News và vài hệ thống truyền hình khác đã bị trục xuất.
Số báo chí tham gia cuộc chiến Iraq vượt trên số nhà báo trong cuộc chiến Việt Nam. Vào tháng 1, 1968 số nhà báo ngoại quốc được Mỹ cấp thẻ báo chí ở Việt Nam là 464 người, trong đó có 179 người Mỹ, 114 Việt Nam làm cho báo ngoại quốc, và 171 người thuộc các nước khác. Khi cuộc tấn công Tết Mậu Thân xảy ra, số nhà báo tăng lên 648 người. Khi Mỹ giảm dần tham chiến, số nhà báo Mỹ và ngoại quốc tới Việt Nam cũng sụt giảm, còn chừng khoảng ba, bốn trăm vào lúc chiến cuộc kết thúc.
Dồi dào tin tức và hình ảnh
Với đạo quân đông đảo, hăng say lùng kiếm tin tức, cùng với những kỹ thuật điện tử hiện đại, báo chí đã cung cấp cho độc giả và khán thính giả những bài viết và những hình ảnh sống động ở mặt trận, những diễn biến của tình hình về cuộc chiến giữa Mỹ và Iraq. Số tin tức và hình ảnh cuộc chiến tràn ngập nhiều trang báo, xuất hiện nhiều giờ trên màn ảnh truyền hình.
Khi tin chiến trận khai mào vào tối 19 tháng 3, các hệ thống truyền hình lớn như ABC, CBS, NBC, CNN, MSNBC, Fox News đã cắt ngang chương trình thường lệ ngày hôm đó và nhiều ngày kế tiếp, bỏ quảng cáo, làm chương trình đặc biệt để tường thuật diễn tiến của tình hình. Mỗi hệ thống truyền hình đều có những phóng viên đi theo những đơn vị tham chiến ở những địa điểm khác nhau, nên hình ảnh và tin tức thật phong phú. Khán giả được xem nhiều hình ảnh ở nhiều nơi: Bagdad bị giội bom và bắn hỏa tiễn; những phi cơ cất cánh từ hàng không mẫu hạm đi oanh tạc; phi công trở về diễn tả những phi vụ vừa hoàn tất; đoàn chiến xa tung cát bụi chạy trên sa mạc; những binh sĩ mang mặt nạ trú ẩn trong hầm khi còi báo động rú lên ở Kuwait; những cuộc chạm súng giữa lực lượng Đồng Minh và quân Iraq ở trận địa; những trẻ em tỵ nạn, mắt sáng long lanh, núp dưới lều vải, ló đầu nhìn ra ngoài trời mưa băng giá; nét mặt sầu thảm của thân nhân binh sĩ thiệt mạng trong trận chiến; những đoàn người biểu tình phản chiến náo động, la ó ở Chicago, New York, Ý, Đức, Nhật, Ai Cập, Trung Đông và nhiều nước khác.
Bên cạnh những hình ảnh của chiến tranh, là những tin tức thu lượm từ nhiều nơi khác. Nhiều khuôn mặt quen thuộc của những nhân vật Mỹ và Iraq xuất hiện, từ Tổng Thống George W. Bush tới Saddam Hussein. Hình cũ hoặc thu trước của Hussein đã được đưa ra trên màn ảnh vô tuyến, sau khi Mỹ loan tin giội bom trúng tòa nhà Hussein trú ngụ.
Thêm vào tin tức từ trận địa là những cuộc họp báo của tòa Bạch Ốc, Bộ Quốùc Phòng, Bộ Ngoại Giao và những sĩ quan cao cấp chỉ huy chiến trường. Khi có chiến tranh, cuộc họp báo của giới chức quân sự được chú ý hơn. Xuất hiện trong các cuộc họp báo kỳ này thường là những nhân vật cao cấp nhất, như Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld, Tổng Tham Mưu Trưởng Richard Myers, Tư Lệnh chiến trường Tướng Tommy Franks. Hồi chiến tranh với Iraq năm 1991, có mặt trong những cuộc họp báo quân sự là Tướng Tư Lệnh Norman Schwarzkopf, hoặc một tướng phụ tá của ông. Tại Ngũ Giác Đài có tướng ba sao Kelly Thomas, trưởng phòng Hành Quân.
Báo chí cũng tường thuật cuộc họp báo của Bộ Trưởng Thông Tin và Bộ Trưởng Quốc Phòng Iraq, trong đó ông quả quyết cuộc xâm lăng của Mỹ sẽ bị đánh bại và Saddam Hussein vẫn bình yên sau cuộc oanh tạc phá nát tòa nhà riêng của lãnh tụ Iraq.
Thấy những cuộc họp báo này, tôi không khỏi nhớ lại những cuộc họp báo hàng ngày lúc năm giờ chiều ở Việt Nam trong thời chiến. Những nhân vật cao cấp Việt Nam rất ít khi tiếp xúc với báo chí. Những cuộc họp báo ở Việt Nam, do các viên chức trung cấp trong ngành thông tin và quân sự đảm trách. Ở dịa vị ít được thông báo những tiến triển của tình hình, họ chỉ cung cấp những tin tức rất sơ lược, không cập nhật, và thường không giải đáp thỏa đáng những câu hỏi của ký giả. Báo chí ngọaị quốc hồi đó đã diễu cợt gọi những buổi họp báo đó là "The 5 o'clock Follies" (Những Ngớ Ngẩn lúc 5 giờ.)
Ngoài những tin tức do phóng viên thu thập, các đài còn mời những chuyên viên, những nhân vật hiểu biết để phân tích tin tức và giải đoán tình hình. Nhiều tướng lãnh hồi hưu thuộc các quân chủng Hải, Lục, Không Quân đã có mặt trên các đài để thuyết giải tình hình, trong đó có cả tướng bốn sao Schwarzkopf, từng chỉ huy trận đánh Iraq cách đây 12 năm. Trong vài chương trình đặc biệt, Tom Brokaw của hệ thống NBC News thường có bốn tướng của Hải Quân, Không Quân và Lục Quân ngồi ngay bên cạnh để giải đáp và bàn luận về chiến sự.
Muốn khán giả vừa theo dõi tin tức nóng sốt ở hai ba nơi khác nhau, các hệ thống truyền hình còn để hình ảnh của hai ba nơi trên cùng một màn ảnh. Nhiều người ham theo dõi tin tức ở những đài khác nhau, thích nhảy đài này qua đài kia. Tôi cũng là một trong những người hay ngứa tay bật máy đổi đài.
Với tin tức và hình ảnh của cuộc chiến Iraq được tường thuật rộng rãi trên báo chí, nhất là trên màn ảnh truyền hình, cuộc chiến và ảnh hưởng của tin tức có thể gây ra nhiều tranh luận. Một số người trước đây cho rằng Mỹ thất trận trong chiến tranh Việt Nam một phần vì những hình ảnh chết chóc của binh sĩ và thường dân đã gây nên những phản ứng bất lợi, mở rộng tinh thần phản chiến. Trong số những tấm hình gây xúc động mạnh khắp thế giới hồi đó là hình Tướng Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc cảnh sát quốc gia, chĩa súng bắn một Việt Cộng bị bắt và được dẫn tới trước mặt ông trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân. Hình cô bé chín tuổi Phan Thị Kim Phúc kêu khóc, trần truồng chạy ở gần Tràng Bảng vì bị phỏng bom xăng đặc năm 1972 đã tiêu biểu cho nạn nhân vô tội của chiến tranh. Trong trận chiến Iraq kỳ này, nhiều hình ảnh cuộc chiến đã tràn lan trên màn ảnh vô tuyến. Mai kia nếu chiến trận trở nên gay go, khi có những cuộc giao tranh đẫm máu, thêm số tù binh bị bắt giữ, số thương vong tăng gia, những cảnh đổ nát của chiến tranh, những nheo nhóc, đói khổ của nhiều lớp dân tỵ nạn, những chết chóc, thiệt hại nhân mạng của binh sĩ và thường dân cũng được chiếu lên.
Truyền hình mấy ngày qua đã cho thấy vài khía cạnh thương vong của cuộc chiến. Một gia đình có binh sĩ bị chết vì trực thăng rớt đã buồn giận chê trách cuộc chiến và phản đối quyết định của Tổng Thống George W. Bush. Trong trường hợp khác, bà Nancy Chamberlin có con là Thiếu Tá Day Aubin cũng bị thiệt mạng vì trực thăng rơi đã nói rằng kỹ thuật hiện đại của truyền hình mang hình ảnh chiến tranh đến gần người dân thật là "hay, nhưng còn có những bà mẹ, những người cha, những người vợ đang đau khổ vì vụ này." Bà cho rằng nhiều người ở sát bên máy truyền hình không phải chỉ để theo dõi tin tức mà còn để biết số phận những người thân yêu của họ.
31/3/2003
Vũ Thụy Hoàng: Hơn 44 năm trong ngành báo chí, trong đó có 33 năm với Washington Post, và là tác giả ba cuốn sách Sài Gòn Tuyết Trắng: Việt Nam tháng 4, 1975, Quê Hương Thương Ghét: Nỗi Lòng Người Việt Hải Ngoại và Rồng Vàng Vượt Biển.
Gửi ý kiến của bạn