Hôm nay,  

Rosa Parks và 64 Năm Phong Trào Dân Quyền Mỹ

20/12/201909:44:00(Xem: 5876)

AFP_Tuong cua Rosa Parks

Từ trái, Lãnh Đạo Khối Đa Số tại Thượng Viện Harry Reid, Dân Chủ tại Nevada, Tổng Thống Barack Obama, Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner, Cộng Hòa tại Ohio, và Lãnh Đạo Khối Thiểu Số tại Hạ Viện Nancy Pelosi, Dân Chủ tại California, khánh thành bức tượng của nhà hoạt động dân quyền Rosa Parks tại Hội Trường Statuary của Tòa Nhà Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 2 năm 2013. (Photo: Getty Images)

 

Tháng 12 năm 2019 đánh dấu 64 năm phong trào đấu tranh cho dân quyền tại Mỹ mà người đi đầu là Rosa Parks, một phụ nữ gốc Phi Châu sinh trưởng tại tiểu bang Alabama, Miền Đông Nam Hoa Kỳ.

Tuyên Ngôn Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ đều tuyên dương và bảo vệ quyền bình đẳng cho mọi công dân Mỹ. Nhưng trên thực tế, các quyền công dân, quyền dân sự, hay dân quyền không phải tự nhiên mà có, cũng không phải lúc nào cũng được tôn trọng đúng mức, ngay cả ngày nay, là cái giá đắt đỏ của biết bao hy sinh, mất mát, tủi nhục, và quyết tâm tranh đấu của nhiều người, nhiều thế hệ.

Rosa Parks, thường được biết đến như là “người mẹ của phong trào dân quyền,” là người có tâm hồn và ý chí sắt thép tiềm ẩn bên trong vóc dáng của một phụ nữ da đen liễu yếu đào tơ và quê mùa chất phác.

Sinh vào ngày 4 tháng 2 năm 1913 tại thành phố miền quê Tuskegee thuộc tiểu bang Alabama, bà có tên họ đầy đủ là Rosa Louise McCauley, theo tài liệu trong trang mạng www.biography.com cho biết.

 Cha mẹ bà là James và Leona McCauley đã ly dị khi bà lên 2 tuổi. Rosa theo mẹ về quê ngoại tại Pine Level, Alabama sinh sống. Ông bà ngoại Rosa có nguồn gốc là những di dân Châu Phi và vì vậy họ nhiệt tình cổ võ cho sự bình đẳng chủng tộc. Do đó, từ nhỏ Rosa đã từng chứng kiến nạn kỳ thị chủng tộc và các hoạt động bảo vệ quyền bình đẳng của cộng đồng người da đen. Hình ảnh ấn tượng nhất đối với cô bé Rosa là khi thấy ông ngoại xách súng trường ra đứng ngay trước cửa nhà trong khi các thành viên Ku Klux Klan (KKK) diễn hành trên đường phố.

Sinh ra trong gia đình da đen thời đó cũng có nghiã là trót mang vào mình thân phận nghiệt ngã của giai cấp bị ruồng bỏ, bóc lột và kỳ thị trong xã hội mà người da trắng thống trị. Chính vì thế, Rosa từ lúc còn tấm bé đã không được đi học trường công của chính phủ đài thọ mà phải học tại trường dành riêng cho người da đen, với sự thiếu thốn đủ điều, trường thì chỉ có một phòng học, kể cả cái bàn ngồi học cũng không có. Các học sinh da đen bị buộc phải đi bộ tới trường, mà đúng ra chỉ là ngôi nhà thô sơ, trong khi thành phố Pine Level, nơi Rosa ở, chỉ cung cấp xe buýt cho học sinh da trắng.

Năm 11 tuổi, Rosa vào học Trường Công Nghệ dành cho nữ sinh của thành phố Montgomery. Trong khi đang học lớp 11 Rosa đã phải nghỉ học để chăm sóc cho bà ngoại và mẹ bị bệnh.

Rosa kết hôn vào năm 1932 với Raymond Parks, là một thợ hớt tóc và là thành viên trong Hội National Association for the Advancement of Colored People (NAACP) [Hội Quốc Gia Vì Sự Tiến Bộ Của Người Da Màu], mà Rosa cũng là thành viên. Đến năm 1933, bà mới đậu bằng trung học nhờ sự hỗ trợ của người chồng.

Vì sống trong bối cảnh gia đình và xã hội như thế Parks đã có ý định chống lại sự kỳ thị của người da trắng để mang lại quyền bình đẳng cho mọi người.

Rồi cuối cùng chính bà cũng đã đối diện với tình cảnh nghiệt ngã buộc bà phải lấy quyết định sinh tử biến mình thành cản lực trước thế lực kỳ thị có hệ thống của những người da trắng thượng đẳng khi vào ngày 1 tháng 12 năm 1955 bà đã bị bắt bỏ tù vì dám công khai từ chối yêu cầu của tài xế xe buýt phải nhường ghế cho hành khách da trắng.

Hành động can trường đó của người phụ nữ da đen đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh đòi dân quyền trên nước Mỹ.

Bi kịch về sự kỳ thị chủng tộc màu da tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20 xảy ra cho bà Rosa Parks được kể lại như sau.

Hôm đó là ngày 1 tháng 12 năm 1955, sau một ngày làm việc mệt nhọc tại tiệm may ở Montgomery, Parks lên xe buýt trên đường Cleveland Avenue để về nhà. Bà ngồi vào một trong những hàng ghế đầu được chỉ định cho các hành khách “da màu.”

Luật thành phố Montgomery đòi hỏi tất cả hệ thống xe chở khách công cộng đều phải chia riêng 2 khu vực, một cho người da màu và một cho người da trắng, và tài xế xe buýt có “quyền lực của cảnh sát thành phố chịu trách nhiệm trên xe buýt cho các mục đích thực thi những điều khoản” của luật thành phố. Trong khi lái xe buýt, các tài xế được yêu cầu cung cấp chỗ ngồi riêng biệt nhưng bằng nhau cho hành khách da trắng và da đen bằng cách chỉ định chỗ ngồi.

Điều này đã được thực hiện với một đường thẳng nằm giữa xe buýt ngăn cách hành khách da trắng ở phía trước xe buýt và hành khách người Mỹ gốc Phi Châu ở phía sau. Khi một hành khách người Mỹ gốc Phi Châu lên xe buýt, họ phải lên xe để trả tiền vé và sau đó xuống xe và lên lại xe buýt ở cửa sau.

Khi chiếc xe buýt mà bà Parks đi đang chạy trên đường, thì nó lần lượt đón khách da trắng. Cuối cùng, chiếc xe buýt này đã đầy chỗ và tài xế thông báo rằng nhiều hành khách da trắng không có chỗ ngồi đã phải đứng dọc theo lối đi trong xe. Tài xế ngừng xe buýt và dời bảng hiệu chia chỗ ngồi xuống 2 hàng ghế phía sau để thêm một hàng ghế cho người da trắng, và yêu cầu 4 hành khách da đen rời khỏi chỗ ngồi của họ.

Luật xe buýt của thành phố này đã không trao quyền cho các tài xế yêu cầu một hành khách rời khỏi chỗ ngồi để cho một người khác nào đó, bất luận màu da. Tuy nhiên, các tài xế xe buýt tại Montgomery đã theo thói quen dời bản phân chia hành khách da đen và da trắng và, nếu cần, họ yêu cầu hành khách da đen phải rời khỏi chỗ ngồi cho hành khách da trắng. Nếu hành khách da đen chống lại, thì tài xế xe buýt có thẩm quyền từ chối không phục vụ và có thể gọi cảnh sát đến để đuổi họ, tức là hành khách da đen không làm theo lệnh, ra khỏi xe.

3 hành khách da đen khác trên xe buýt đã tuân theo đòi hỏi của tài xế, nhưng bà Parks đã từ chối và vẫn ngồi yên tại chỗ. Tài xế đến hỏi bà:

-         “Tại sao bà không đứng dậy?”

Bà Parks trả lời:

-         “Tôi không nghĩ là tôi phải đứng dậy.”

Tài xế xe buýt đã gọi cảnh sát đến để bắt bà Parks.

 

AFP_Rosa Parks ngoi trong xe buyt
Rosa Parks ngồi phía trước của xe buýt thành phố Montgomery, tiểu bang Alabama, sau khi Tòa Tối Cao ra phán quyết sự phân biệt bất hợp pháp trên hệ thống xe buýt thành phố vào ngày 21 tháng 12 năm 1956. Bà Parks đã bị bắt vào ngày 1 tháng 12 năm 1955 vì từ chối dành chỗ ngồi của bà trên hàng ghế phía trước của xe buýt thành phố Montgomery thực hiện một cuộc tẩy chay xe buýt thành phố thành công. Người đàn ông ngồi trong xe phía sau bà Parks là Nicholas C. Chriss, phóng viên của báo United Press International tại Atlanta.(Photo: Getty Images)


Cảnh sát đã bắt bà Parks tại hiện trường xe buýt và cáo buộc bà đã vi phạm Chương 6, Khoản 11 của Luật Thành Phố Montgomery. Bà đã bị bắt đem về ty cảnh sát, nơi mà tối khuya hôm đó, bà đã được thả với tiền thế chân tại ngoại.

Sự kiện bà Parks bị bắt đã chính thức khởi động phong trào đòi dân quyền, với cuộc vận động Tẩy Chay Xe Buýt Thành Phố Montgomery (Montgomery Bus Boycott) kéo dài 381 ngày liên tục sau đó.

Các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu được yêu cầu tẩy chay xe buýt thành phố vào Thứ Hai, ngày 5 tháng 12 năm 1955 – là ngày bà Parks ra tòa -- để chống lại việc bà bị bắt. Người dân được khuyên đình công toàn diện, ở trong nhà, không đi làm, không đến trường, nếu đi thì lấy xe taxi hay đi bộ đến sở. Với việc hầu hết cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu đều không đi xe buýt, các nhà tổ chức tẩy chay tin rằng cuộc tẩy chay lâu dài có thể mang lại thành công.

Cuộc Tẩy Chay Xe Buýt Thành Phố Montgomery, như nó được biết với tên như vậy, đã có kết quả rất lớn, kéo dài 381 ngày và kết thúc bằng việc Tòa Tối Cao ra phán quyết nói rằng việc chia riêng trên các hệ thống chuyên chở công cộng là vi phạm Hiến Pháp.

E.D. Nixon, người lãnh đạo chi bộ địa phương của tổ chức NAACP, đã bắt đầu hình thành các kế hoạch tổ chức cuộc tẩy chay xe buýt thành phố Montgomery vào ngày 1 tháng 12, ngay chiều tối bà Parks bị bắt. Các quảng cáo được đăng trên các tờ báo địa phương, các truyền đơn được in ra để phân phát cho các xóm người da đen.

Vào buổi sáng ngày 5 tháng 12, một nhóm các vị lãnh đạo của cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu tụ họp tại Nhà Thờ Mt. Zion Church tại Montgomery để thảo luận các chiến lược, và quyết định rằng nỗ lực tẩy chay của họ đòi hỏi phải có tổ chức mới và cần lãnh đạo cứng cựa hơn. Vì vậy, họ đã thành lập Hội Cải Thiện Montgomery (MIA), bầu người mới đến Montgomery là Mục Sư Martin Luther King Jr. làm mục sư của Nhà Thờ Dexter Avenue Baptist Church. MIA tin rằng vụ án của bà Parks đã mang đến cơ hội tuyệt vời cho cuộc vận động hầu tạo ra sự thay đổi thực sự.

Khi bà Parks đến tòa án để dự phiên xử vào sáng hôm đó với luật sư của bà, là Fred Gray, bà đã được chào đón bởi đám đông khoảng 500 người ủng hộ tại địa phương. Sau 30 phút điều trần, bà Parks đã bị kết án có tội vi phạm luật lệ địa phương và bị phạt $10, cũng như phải trả lệ phí tòa án $4.

Tuy nhiên, không thể chối cãi rằng phiên xử của bà Parks ngày hôm đó đã biến nó thành sự kiện lớn nhất. Tất cả xe buýt của thành phố đều trống không. Một số người đã đi chung xe và nhiều người khác đã đi xe taxi do người Mỹ gốc Phi Châu điều hành, nhưng có tới 40,000 người Mỹ gốc Phi Châu đi làm bằng xe sống trong thành phố này vào lúc đó đã chọn đi bộ đến sở làm ngày hôm đó – có người phải đi bộ tới 20 dặm.

Do quy mô và phạm vi của, và sự trung thành với, việc tham gia tẩy chay, nỗ lực này đã tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng. Thành phố Montgomery đã trở thành nơi quái dị, với hàng chục xe buýt công cộng đang ngồi không, cuối cùng làm tê liệt nghiêm trọng tài chính cho công ty vận chuyển của thành phố. Tuy nhiên, với tiến trình của cuộc tẩy chay đã xuất hiện sự phản kháng mạnh mẽ.

Một số người phân biệt chủng tộc đã trả đũa bằng bạo động. Nhiều nhà thờ người da đen bị đốt cháy, và nhà của Mục Sư Luther King Jr. và E.D. Nixon đều bị phá hủy bằng bom. Nhiều nỗ lực hơn nữa đã được thực hiện để chấm dứt tẩy chay. Bảo hiểm bị hủy bỏ đối với hệ thống xe taxi thành phố mà được người Mỹ gốc Phi Châu sử dụng. Các công dân da đen bị bắt vì vi phạm luật cũ rích cấm tẩy chay.

Để đối phó lại các vụ tiếp theo, các thành viên cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu đã khởi kiện. Được trang bị với phán quyết của vụ kiện Brown đối với Hội Đồng Giáo Dục, phán rằng chính sách phân biệt nhưng bình đẳng đã không có chỗ đứng trong giáo dục công cộng, nhóm pháp lý người da đen đã đưa vấn đề phân biệt trên các hệ thống giao thông công cộng lên Tòa Án Địa Hạt Hoa Kỳ cho Tòa Địa Hạt Trung Tâm của Alabama, Miền Bắc (Montgomery). Luật sư của bà Parks là Fred Gray, đã lập hồ sơ kiện.

Vào tháng 6 năm 1956, tòa địa hạt đã tuyên bố luật phân biệt chủng tộc (cũng được biết là “luật Jim Crow”) là vi hiến. Thành phố Montgomery đã chống án ngay sau đó, nhưng vào ngày 13 tháng 11 năm 1956, Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã giữ nguyên phán quyết của tòa án dưới, tuyên bố rằng sự phân biệt trên hệ thống chuyên chở công cộng là vi hiến.

Với công ty chuyên chở và các doanh nghiệp thành phố bị thiệt hại tài chánh và phán quyết của hệ thống pháp lý chống lại họ, thành phố Montgomery đã không còn chọn lựa nào khác ngoài việc gỡ bỏ việc thực hiện phân biệt đối xử trên các xe buýt công cộng, và cuộc tẩy chay đã chính thức kết thúc vào ngày 20 tháng 12 năm 1956.

Việc kết hợp hành động pháp lý, được hỗ trợ bởi quyết tâm không ngừng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi Châu, đã khiến cuộc Tẩy Chay Xe Buýt Thành Phố Montgomery trở thành một trong những phong trào quần chúng lớn nhất và thành công nhất chống lại sự phân biệt chủng tộc trong lịch sử Hoa Kỳ.

Dù trở thành biểu tượng của Phong Trào Dân Quyền, bà Parks đã gánh chịu thiệt hại nặng nề trong nhiều tháng sau khi bà bị bắt tại Montgomery và cuộc tẩy chay sau đó. Bà đã mất việc làm tại tiệm may và chồng bà đã bị đuổi việc sau khi người chủ cấm ông nói về người vợ hay về vụ kiện.

Không thể tìm việc làm, cuối cùng hai vợ chồng và Parks cùng với người mẹ của bà phải rời khỏi Montgomery dọn tới thành phố Detroit thuộc tiểu bang Michigan. Họ đã làm lại cuộc đời mới ở đó. Bà Parks làm thư ký và tiếp khách tại văn phòng của Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ John Conyer. Bà cũng làm việc trong hội đồng của Planned Parenthood Federation of America.

Vào năm 1987, cùng với người bạn lâu đời Elaine Eason Steele, bà Parks sáng lập Viện Parks and Raymond Parks Institute for Self-Development. Tổ chức này điều hành các chuyến du lịch xe buýt có tên “Pathways to Freedom” để giới thiệu cho các thanh niên về sự quan trọng của dân quyền và tại những trạm Xe Điện Ngầm trên khắp nước Mỹ.

Năm 1992, bà Parks đã xuất bản cuốc sách “Rosa Parks: My Story,” một cuốn tự truyện kể lại cuộc đời của bà tại Miền Nam bị phân biệt đối xử. Năm 1995, bà xuất bản cuốc sách “Quiet Strenght,” gồm những hồi ký của bà và tập trung vào vai trò niềm tin tôn giáo trong suốt cuộc đời bà.

Vào năm 1998, nhóm hip-hop Outkast phát hành nhạc phẩm, “Rosa Parks,” đã giành được vị trí top 100 trên bảng xếp hạng âm nhạc Billboard năm sau. Bài hát có đoạn điệp khúc:

"Ah-ha, ồn ào quá. Mọi người di chuyển ra phía sau xe buýt.”

Năm 1999, Parks nạp đơn kiện nhóm này và cáo buộc nhãn hiệu của họ phỉ báng và quảng cáo sai sự thật vì Outkast đã sử dụng tên bà Parks mà không có sự cho phép của bà. Outkast cho biết bài hát đã được bảo vệ bởi Đệ Nhất Tu Chính Án và không vi phạm các quyền công khai của bà Parks.

Năm 2003, một thẩm phán đã bác bỏ các tuyên bố phỉ báng. Luật sư của bà Parks không bao lâu sau đó đã tái nạp hồ sơ kiện dựa trên các khiếu nại quảng cáo sai lệch khi sử dụng tên của bà mà không được phép, đòi bồi thường 5 tỷ đô la.

Vào ngày 14 tháng 4 năm 2005, vụ kiện đã được giải quyết. Outkast và các bị cáo SONY BMG Music Entertainment, Arista Records LLC và LaFace Records thừa nhận không có hành động sai trái nào nhưng đã đồng ý hợp tác với Viện Rosa và Raymond Parks để phát triển các chương trình giáo dục “giác ngộ cho thanh niên ngày nay về vai trò quan trọng của Rosa Parks ở Mỹ trong việc làm nước Mỹ thành nơi tốt hơn cho tất cả các chủng tộc,” theo một tuyên bố được đưa ra vào thời điểm đó.

Vào ngày 24 tháng 10 năm 2005, bà Parks đã an nhiên qua đời tại chung cư của bà ở thành phố Detroit thuộc tiểu bang Michigan ở tuổi 92. Trước đó bà đã được chẩn đoán mắc bệnh mất trí nhớ, mà bà đã bị kể từ ít nhất là năm 2002.

Với sự đóng góp to lớn cho phong trào dân quyền ở Mỹ, bà Rosa Parks đã nhận được nhiều vinh danh cao quý. Trong đó gồm có huy chương cao quý nhất của Hội NAACP là Spingarn Medal, và giải thưởng danh tiếng Martin Luther King Jr. Award.

Ngày 9 tháng 9 năm 1996, Tổng Thống Bill Clinton đã trao tặng bà Parks Huy Chương Tự Do của Tổng Thống là sự vinh danh cao nhất của hành pháp Hoa Kỳ. Năm sau, bà được trao Huy Chương Congressional Gold Medal, là huy chương cao nhất của lập pháp Mỹ.

Còn nữa, năm 2000, Đại Học Troy University đã xây dựng Bảo Tàng Viện Rosa Parks đặt ngay nơi bà đã từng bị bắt tại thành phố Montgomery, Alabama.

Một cuốn phim nói về cuộc đời của Rosa Parks do tài tử Angela Bassett đóng và được đạo diễn bởi Julie Dash có tựa đề “The Rosa Parks Story” đã được công chiếu vào năm 2002.

Ngày 4 tháng 2 năm 2013, để đánh dấu ngày sinh nhật thứ 100 của bà Parks, Sở Bưu Điện Hoa Kỳ đã cho phát hành con tem gọi là Rosa Parks Forever.

Cũng trong tháng 2 năm 2013, Tổng Thống Barack Obama đã khánh thành bức tượng được thiết kế bởi Robert Firmin và được điêu khắc bởi Eugene Daub để vinh danh bà Parks trong tòa nhà Quốc Hội. Trong dịp này ông Obama nhớ về bà Parks nói rằng, "Trong một khoảnh khắc, với những cử chỉ đơn giản nhất, bà ấy đã giúp thay đổi nước Mỹ và thay đổi thế giới. ... Và hôm nay, bà ấy chiếm vị trí xứng đáng trong số những người định hình quốc gia này," theo báo The New York Times.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhóm Vietnamese American Art Club (VAAC) triển lãm hội họa với chủ đề Hương Sắc Quê Nhà...
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hận thù, xung đột, phân hóa và cực đoan. Mạng sống vốn bình đẳng và quý giá của con người đã chẳng còn chút giá trị thiêng liêng và cao quý nào cả trong cái nhìn lạnh lùng và trái tim sắt đá của những nhà lãnh đạo và chính trị gia cuồng vọng, hay của những đảng phái và chủ nghĩa cực đoan, độc tài và tàn bạo! Nhân loại đang rơi vào thảm họa của một thời kỳ nhuốm màu sắc văn hóa cục bộ, phiến diện và bất bao dung. Đó là sắc thái văn hóa, mà trong đó hoặc là anh đúng, hoặc là tôi đúng; hoặc là anh chết, hoặc là tôi sống; không có thỏa hiệp, không có cộng sinh. Và dĩ nhiên, không ai chấp nhận mình sai, cũng không ai muốn mình chết. Cho nên, chúng ta phải quyết đấu nhau, một còn một mất.
Tại Westminster Civic Center (Sunken Gardens) 8200 Westminster Blvd Thành phố Westminster CA 92683, ban Liên Lạc các Hội Đoàn Giới Trẻ Nam California tổ chức Tết Trung Thu năm 2023 cho các em Thiếu Nhi.
Thời gian thắm thoát trôi qua nhanh. Chuyến hành hương một tháng: Phật tích, hội thảo Phật giáo và từ thiện của Chùa Hương Sen tại ba nước Hàn Quốc, Ấn Độ và Tích Lan đã khép lại với nhiều thành tựu đáng nhớ. Thành kính tri ân Chư tôn thiền đức Tăng ni và các Phật tử đồng hương xa gần đã ủng hộ cho chương trình Bảo trợ Tăng Ni Sinh du học và Từ thiện ba nước.
Khởi viết từ năm 2013, sách Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời vừa hoàn tất và được Ananda Viet Foundation ở Nam California xuất bản, Amazon phát hành...
Với tư cách một công dân, nhà văn Khuất Đẩu đã, ít nhất, không hổ thẹn là một người cầm bút...
"Một Tuần Một Đời", tác phẩm thứ bảy của Đặng Mai Lan, là một truyện dài hai trăm trang. Theo lời tâm sự của tác giả, truyện được hoàn tất chỉ sau vài tháng. Tác giả đã viết như được ai cầm tay ghi lên giấy...
Cô Liudmyla Chychuk là nhạc sĩ piano người Ukraine, một nhà giáo dục danh tiếng, và là sáng lập viên của Tổ chức “Power of Art” với mục đích giới thiệu âm nhạc, văn học, nghệ thuật và văn hóa cổ truyền của Ukraine đến công chúng Ukraine và thế giới...
Bản dịch Việt ngữ dựa trên nguyên bản Anh ngữ bài điểm sách ‘Wild Dances’ puts consequences of a long-ago, faraway conflict at center (NPR May 9, 2023) của Đinh Từ Bích Thúy...
Ý nghĩa thâm nghiêm của tượng Phật đi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.