
Vừa qua, đề xuất sẽ tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm của Tổng Liên đoàn Lao động VN đã gợi nên nhiều ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia lao động và phía các chủ doanh nghiệp, theo Vnexpress.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất bổ sung 3 ngày vào số ngày nghỉ chính thức trong năm, cụ thể có 2 phương án: một là nghỉ lễ 2/9 từ 1 ngày thành 4 ngày (từ ngày 2 đến 5/9 hàng năm); hai là nghỉ thêm 2 ngày vào dịp Tết Dương lịch (từ ngày 1 đến 3/1) và cho nghỉ 1 ngày vào ngày Gia đình VN (28/6).
Vnexpress dẫn lời ông Ngọ Duy Hiểu, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN cho biết, lao động trong nhiều ngành kinh tế của VN chủ yếu là lao động di cư, nhập cư nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết, nhất là khi ngày nghỉ lễ, tết của VN vốn ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực, như Camphuchia nghỉ 28 ngày, Brunei là 15 ngày, Indonexia là 16 ngày, Trung Quốc 21 ngày, Nhật Bản 16 ngày...
Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn VN cho rằng, đề nghị này đem lại lợi ích cho người lao động, cần được ủng hộ vì số ngày nghỉ lễ ở VN hiện nay là 10 ngày, thấp nhất khối ASEAN.
Tuy nhiên, ông Thọ phân vân, rằng phần đông người lao động VN hiện có mức thu nhập còn thấp nên nhiều người vẫn có nhu cầu làm việc hơn là nghỉ ngơi, khiến họ sẽ đăng ký làm thêm vào ngày cho nghỉ. Lại nữa, do việc tăng ngày nghỉ là giúp người lao động tái tạo sức khỏe để làm việc chứ không tăng năng suất lao động nên không có lợi cho phía doanh nghiệp, và việc người lao động có nhiều ngày nghỉ sẽ khiến doanh nghiệp tăng chi phí, giảm tính cạnh tranh.
Vnexpress dẫn lời ông Đặng Văn Sơn - phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy, Bột giấy VN, khẳng định: "Chẳng doanh nghiệp nào thích nghỉ thêm 3 ngày cả", bởi khi tăng ngày nghỉ, người lao động không có tiền đi du lịch nên sẽ muốn đi làm, lại hưởng lương phụ trội, khiến doanh nghiệp bị đội chi phí; có nghĩa ngày nghỉ thêm là cơ hội để đi chơi, du lịch chỉ khi người lao động có nhiều tiền, thu nhập cao.
Ông Nguyễn Xuân Dương – chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên (cũng là chủ một doanh nghiệp may mặc), nói: "Các ngày nghỉ hiện nay của VN cũng không còn là ít, với tổng số ngày nghỉ trong năm lên 22 ngày, gồm 12 ngày phép và 10 ngày nghỉ các loại. Thêm 3 ngày nghỉ này nếu trùng với những vụ mùa sản xuất sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp rất nhiều".
Ông Dương lý giải thêm, hiện phần lớn doanh nghiệp VN làm gia công, tính thời vụ thường cao. Như ngành điện tử, cuối năm là cao điểm để tập trung sản xuất hoặc nghề cá, vào mùa cá về, ngư dân phải tranh thủ làm để tăng sản lượng, doanh thu. Còn nghề may, có 2 mùa vụ chính đó là mùa xuân và đông, khi vào chính vụ, doanh nghiệp phải tận dụng tối đa thời gian để hoàn thành đơn hàng theo thời hạn đã ký kết.
Vnexpress ghi nhận trước lập luận của Tổng liên đoàn Lao động VN cho rằng nâng số ngày nghỉ của người lao động lên 13 ngày một năm thì vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực, đại diện các doanh nghiệp đã phản bác, rằng trong bối cảnh năng suất của Việt Nam thấp nhất khu vực, dân số xếp thứ 15 nhưng GDP bình quân xếp thứ 131 (chưa bằng ½ của Thái Lan, ¼ của Trung Quốc…), kinh tế còn nghèo mà nghỉ nhiều thì không nên.