Họ thường gặp nhau tại "Nam Đồng Thư Xã" để thảo luận về xã hội, chính trị, với chủ trương bất bạo động. Họ tổ chức những lớp học miễn phí về đêm để nâng cao trình độ dân trí và văn hóa cho anh chị em trong giới lao động và gây quỹ tương trợ cho giới thợ thuyền.
Để tiến hành mục đích cải cách xã hội, Nguyễn Thái Học thay mặt nhóm, viết thỉnh nguyện thư lên chính quyền Pháp đề nghị , yêu cầu cải cách nền công thương nghiệp Việt Nam, và đòi Pháp thực hiện những dự án về dân sinh để giúp đỡ dân nghèo bớt khổ cực. Tuy nhiên, chính quyền Pháp cố tình tảng lờ, không hề phúc đáp. Đến tháng sáu năm 1927, Nguyễn Thái Học lại gởi đơn đến Thống sứ Bắc Kỳ, xin xuất bản một Nguyệt San lấy tên là "Nam Thanh" với mục đích phổ biến, nâng cao trình độ dân trí, hướng dẫn đồng bào thay đổi quan niệm về hư danh mà chú trọng về nông, công, thương nghiệp, phát triển đất nước. Tuy nhiên tất cả đều không được người Pháp quan tâm.
Nhận thấy người Pháp thực sự không muốn cho đất nước Việt Nam phát triển mà họ chỉ muốn dùng quyền lực áp chế và bóc lột, khiến dân chúng mỗi ngày một thêm lầm than, nên vào cuối tháng mười năm 1927, Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí của ông đã quyết định thành lập một đảng bí mật, chủ trương dùng võ lực lật đổ chính quyền Pháp, giành lại chủ quyền đất nước cho toàn dân. Đầu tiên tổ chức được tạm gọi là "Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã" do Nguyễn Thái Học làm chi bộ trưởng. Từ đó chi bộ bắt đầu chiêu mộ anh hùng nghĩa sĩ khắp nơi. Trong thời gian không đầy một tháng, tổ chức đã thành lập được tất cả 18 chi bộ, rải rác trên 14 tỉnh Bắc Kỳ, và Bắc Trung Kỳ với tổng số thành viên trên 200 người.
Cho đến ngày ngày 25-12-1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng thực sự được ra đời sau một phiên họp kín tại bắc phần và anh hùng Nguyễn Thái Học được tín nhiện tôn vinh làm đảng trưởng. Lúc ấy ông mới ngoài hai mươi tuổi. Trong ba năm hoạt động, với ý chí can đảm và nhiệt tâm với xã tắc, ông đã đánh thức được lòng ái quốc của đồng bào, khiến mỗi ngày đảng viên một đông, bao gồn cả già trẻ, nam nữ... Từ đó, VNQĐD cũng đã tạo ra nhiều trận đánh oanh liệt, gây khó khăn cho chính quyền Pháp.
Trong bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng ái quốc đang sôi sục và sự đau khổ của dân tộc hối thúc, bộ chỉ huy đảng bộ cảm thấy không đủ kiên nhẫn chờ đợi lâu hơn nữa. Bởi vậy đảng đã quyết định Tổng Khởi Nghĩa vào ngày 10-2-1930.
Điều đáng buồn là vì số đảng viên phát triển quá mạnh nên thiếu phần kiểm soát, khiến bọn CS đã có cơ hội gài người vào nằm vùng trong hàng ngũ đảng viên. Chính vì thế khi bộ chỉ huy đảng quyết định Tổng Khởi Nghĩa thì tin tức bị tiết lộ vì CS đã cho người rải truyền đơn tố cáo với chính quyền Pháp. Tuy vậy, đoàn quân yêu nước quyết tử vẫn tiếp tục khai triển mặt trận khắp nơi với lời nói can trường của đảng trưởng "Không thành công cũng thành nhân". Với tinh thần yêu nước và đoàn kết, tiếng súng khai hỏa bắt đầu vào lúc 1 giờ sáng ngày 11-2-1930.
Trong lần Tổng Khởi Nghĩa này các chiến sĩ VNQĐD cũng đã oanh liệt chiến thắng nhiều nơi, cờ bay rợp trời, nhưng vì lực yếu, không đủ vũ khí đạn dược, hơn nữa Pháp đã được báo trước, nên có phòng bị. Cuối cùng, cuộc Tổng Khởi Nghĩa thất bại, rất nhiều chiến sỹ đã hy sinh và bị bắt giam tại hoả lò.
Sau một thời gian xét xử, đến ngày 24-3-1930 hội đồng xét xử Pháp tuyên bố tất cả 39 án tử hình, 33 án khổ sai chung thân, 9 án hai mươi năm khổ sai và 5 án bị lưu đầy trong đó có cô Nguyễn thị Bắc (5 năm tù). Tuy nhiên, cho đến đầu tháng 6-1930, một công điện được gởi qua từ Paris đã thay đổi các bản án, và chỉ còn lại 13 án tử hình trong đó có đảng trưởng Nguyễn Thái Học.
Chiều ngày 16-6-1930, thưc dân Pháp đã cho chuyển đảng trưởng Nguyễn Thái Học cùng mười hai đồng chí của ông từ Hoả lò đi Yên Bái "thọ án". Khi ra đi đảng trưởng Nguyễn thái Học đã nói to để từ giã anh em với những lời, can trường đầy xúc động như sau: "Chúng tôi đi trả nợ nước đây! Các anh em còn sống cứ công nào việc ấy nhé! Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu. Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa, nhiều nữa! Rồi thế nào cách mạng cũng thành công! Thôi kính chào các anh em ở lại"....
Vào sáng sớm ngày 17-6-1930, tại pháp trường Yên Bái, 13 anh hùng dân tộc đã bước lên đoạn đầu đài với tấm lòng yêu nước và lời hô: "VIỆT NAM MUÔN NĂM!"
Người đầu tiên bước lên máy chém là anh hùng Bùi Tử Toàn 37 tuổi. Ông là một nông dân, sinh quán tại làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông vừa hô to được hai chữ "Việt Nam..." thì bọn lính lê dương đã bịt miệng và chém ông. Người thứ hai là Bùi văn Chuẩn , 35 tuổi, thuộc Binh đoàn Yên Bái. Cũng như người thứ nhất, ông Chuẩn chỉ hô to được hai chữ "Việt Nam..." trước khi lìa đời. Người thứ ba là Nguyễn An , 31 tuổi , thuộc Binh đoàn Yên Bái, cũng chỉ hô to được hai chữ "Việt Nam". Người thứ tư là Hà văn Lạo, 25 tuổi thợ hồ, cũng hô to được chữ "Việt Nam... " Người thứ năm là Đào văn Nhít, thuộc Binh đoàn Yên Bái, ông Nhít chỉ hô to được một chữ "Việt..." Người thứ sáu là: Ngô văn Nhu thuộc Binh đoàn Yên Bái. Người thứ bẩy là: Nguyễn đức Thịnh , thuộc Binh đoàn Yên Bái, Nguyễn Đức Thịnh cũng chỉ hô to được hai chữ "Việt Nam..." Người thứ tám là: Nguyễn văn Tiềm thuộc Binh đoàn Yên Bái, ông Tiềm chỉ hô to được chữ "Việt..." Người thứ chín là Đỗ văn Sứ thuộc Binh đoàn Yên Bái, cũng chỉ hô to được hai chữ "Việt Nam..." Người thứ mười là Bùi văn Cửu, thuộc Binh đoàn Yên Bái, chỉ hô to được một chữ "Việt...". Người thứ mười một là Nguyễn như Liêm tức Ngọc Tỉnh, 20 tuổi, học sinh, quê làng Cao Mại, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, cũng chỉ hô to được hai chữ "Việt Nam..." Đến người thứ mười hai là Phó đức Chính, người anh hùng duy nhất đòi thực dân Pháp cho nằm ngửa để xem lưỡi dao rớt xuống cổ như thế nào.
Người cuối cùng được đưa đến máy chém là đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Ông rất điềm tĩnh và ung dung mỉm cười đưa mắt nhì bốn phía, nghiêng mình chào đồng bào lần cuối và hô to được ba tiếng "Việt Nam Muôn..." Lúc đóù vào đúng 5 giờ 35 phút sáng ngày 17-6-1930 nhằm ngày 21 tháng 5 năm Canh Ngọ.
Quan tài của mười ba liệt sỹ được mai táng dưới chân đồi, bên cạnh đền thờ Trần Quán, cách ga Yên Bái độ một km.
Theo một số tài liệu cho biết , ngày hôm sau 18-06-1930 tại ngã ba Bồ Đề, chỗ rẽ vào làng Phù Tang, người vợ của Nguyễn Thái Học là bà Nguyễn Thị Giang về thăm thân mẫu của chồng như một buổi từ giã lần cuối. Sau đó bà dùng súng tự sát. Lúc ấy bà đã mang thai được mấy tháng. Người chị ruột của bà là Nguyễn thị Bắc cũng đã hy sinh cho đại cuộc.
Trước khi chết bà Nguyễn thị Giang để lại bài thơ tuyệt mạng như sau:
Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho người tình chung
Dẫu rằng đương độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh
Con đường tiến bộ mông mênh
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây
Dẫu rằng chút phận thơ ngây
Số đồng chí đã có ngày ghi tên
Chết chi dạ những buồn phiền
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình
Quốc Kỳ phất phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ
Cực lòng lỡ bước sa cơ
Chết sầu, chết thảm có thừa xót xa
Thế ru, đời thế ru mà
Đời mà ai biết, người mà ai hay...
Nhắc đến ngày 17-6-1930, ngày tang Yên Bái, và là ngày tang chung của dân tộc, chúng ta một lần nữa tưởng nhớ những anh hùng yêu nước vị quốc vong thân, ngoài những thương tiếc, xót sa, kính ngưỡng bằng những nén hương hay sự suy niệm, chúng ta nên tự hỏi lại chính mình nên hay phải nghĩ gì và làm gì trong lúc này. Lúc đất nước đang lầm than khổ ải có lẽ còn tệ hơn dưới thời thực dân Pháp khi xưa.
Nhân kỷ niệm 74 năm "Ngày Tang Yên Bái", kính mong toàn thể chúng ta hãy suy nghĩ câu lại nói từ giã của anh hùng Nguyễn Thái Học để cùng nhau tìm một hướng đi chung cho dân tộc "Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu. Hoa tự do phải tưới bằng máu! Tổ quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa, nhiều nữa!..." Tuy ngày nay cục diện đã thay đổi rất nhiều, nhưng sự ý thức và lòng trung thành đối với Tổ Quốc vẫn là bất biến tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi cá nhân trong chúng ta...
Thơ Tưởng niệm ngày tang Yên Bái (17-6-1930)
Mười bảy tháng sáu
Ngày tang Yên Bái
Ngày đau buồn tổ quốc quấn khăn tang
Nhìn non sông chìm tăm tối, nghiệt oan
Cùm gông xiết trong bàn tay đế Quốc.
Lòng kẻ sĩ
Cơn ngặt nghèo vận nước
Đem tin yêu tẩy rửa nỗi lầm than
Dân chúng cơ hàn
Gông, xiềng, lũ giặc
Đem xác thân giải oan nền xã tắc
Lấy máu xương xây dựng lại cơ đồ
Hy họng đời con cháu được ươm mơ
Người Oai dũng, hiên ngang lên máy chém
Việt Nam Muôn năm
Quân thù hổ thẹn
Mười ba anh hùng liệt sỹ thành danh
"Không thành công cũng đã được thành nhân"
Dòng lịch sử sáng soi hồn sông núi.
Non nước hôm nay
Điêu tàn ngập lối
Giống tiên rồng nối gót bậc cha anh
Sát vai nhau thắp sáng lửa đấu tranh
Nung ý chí đánh tan loài cộng Phỉ.
Lớp lớp vùng lên
Tràn đầy dũng khí
Quét bạo tàn, tận diệt lũ vong nô
Ta cùng nhau xây dựng lại ước mơ
Cờ lộng gió, tế anh hồn Liệt Sĩ
Phạm thanh Phương