Sài Gòn hiện có hơn 13 triệu dân cư ngụ tạo gánh nặng công ăn việc làm và chỗ ở đối với giới chức thẩm quyền, theo bản tin của báo Tuổi Trẻ Online cho biết hôm 18 tháng 9.
Báo Tuổi Trẻ Online cho biết chi tiết như sau.
Nhiều giải pháp xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp đã được các chuyên gia đưa ra trong hội thảo quốc tế về phát triển nhà ở, đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP.HCM.
Hội thảo do UBND TP.HCM tổ chức ngày 17-9 với sự tham dự của nhiều chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay thống kê mới nhất dân số TP hiện khoảng 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại TP.
Tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm TP gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng 1 triệu người. Đây là áp lực lớn cho quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Hiện nay, diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP đạt 19,9m2. Tuy nhiên vẫn còn người lao động, đặc biệt là người thu nhập thấp đang sinh sống trong nhà chật chội, cũ kỹ, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn.
Phần lớn những hộ này không có khả năng sở hữu nhà ở, thậm chí đi thuê cũng khó. "Qua hội thảo, TP.HCM muốn tìm kiếm những giải pháp để xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, người nhập cư" - ông Phong nói.
Đáp lại, GS Yap Kioe Sheng - Viện Công nghệ châu Á - cho rằng trong việc xây dựng nhà ở cho người mới đến lập nghiệp ở đô thị đa phần có thu nhập thấp, yếu tố giá nhà rẻ không phải quan trọng nhất.
Yếu tố quyết định là giải pháp tạo việc làm, thu nhập đi kèm nhà ở, đây mới làm nên thành công của dự án nhà ở thu nhập thấp.
Ông Yap Kioe Sheng dẫn chứng tại Thái Lan, từ năm 1980 chính phủ đã xây nhiều nhà và trợ giá cho người nghèo mua. Nhưng cũng giống tình trạng nhà tái định cư "vắng người" ở Việt Nam, sau một thời gian phần lớn căn hộ trợ giá được bán lại cho những người khá giả, do nơi ở không đảm bảo được nhu cầu sống và mưu sinh của dân nghèo.
Từ đó, ông đề xuất thay vì làm các dự án lớn, TP có thể xây nhà tại nhiều điểm nhỏ với các loại nhà đa dạng khác nhau. Trong đó có nhà bán, cho thuê. Đồng thời, có chính sách kết nối ngân hàng cho người dân vay mua nhà trả góp.
Cùng góc nhìn nhà cho người nghèo nhưng chất lượng không thấp, TS Bernadette Pinnel - tổng giám đốc Compass Housing New Zealand - cho rằng việc tăng số lượng nhà cho người nghèo là không đủ.
Dự án nhà ở, kể cả cho người nghèo đều phải cân nhắc những giá trị kết nối cộng đồng và có hạ tầng trường học, bệnh viện, chợ... đi kèm, nhờ vậy mới tạo nên khu dân cư bền vững, lâu dài.
Do đó, theo bà, chính quyền TP.HCM phải tìm kiếm những đối tác từ các tổ chức phi chính phủ, tư nhân hỗ trợ TP trong phát triển nhà ở cho người nghèo ở các khía cạnh khác nhau như: xây dựng, vốn vay, việc làm... cho người dân.