Bản tin VOA cho biết chi tiết như sau.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/9 nói Việt Nam đã “đấu tranh bằng mọi biện pháp” để chống lại các hoạt động vi phạm chủ quyền trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các hoạt động “bất hợp pháp” trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam đưa ra thông tin trên trong một cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tại Hà Nội hôm 4/9, theo ghi nhận của truyền thông trong nước.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam có phát ngôn trực tiếp liên quan đến tình hình ở Biển Đông kể từ khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào hoạt động tại khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam nói là vi phạm vùng biển của mình từ ngày 3/7.
Ông Phúc không nhắc tới Trung Quốc hay một sự việc cụ thể nào nhưng nói rằng: “Chúng ta đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh bằng mọi biện pháp đối với các hoạt động của nước ngoài vi phạm chủ quyền trên biển của ta.”
Bộ Ngoại giao ở Hà Nội đã 3 lần lên tiếng cáo buộc tàu Trung Quốc “vi phạm” chủ quyền và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng vài lần phản bác những cáo buộc của Hà Nội và cho rằng tài Hải Dương 8 của họ luôn hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.
Việt Nam đã tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong vụ Bãi Tư Chính khi Thủ tướng Phúc cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison nêu lên “quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông” trong một cuộc họp báo chung sau khi gặp mặt nhau tại Hà Nội hôm 23/8.
Trước đó vài tuần, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng” về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương 8 trong một cuộc họp kín với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Bangkok hôm 1/8.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chưa lần nào lên tiếng trước công chúng về những căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong hai tháng qua trên Biển Đông.
Ngoài ra trong một bản tin khác cùng ngày của Đại VOA có tựa đề “Căng thẳng Biển Đông: Trung Quốc muốn ‘bào mòn quyết tâm của Việt Nam’” viết như sau.
Một chuyên gia nghiên cứu về chiến lược nhận định rằng việc Trung Quốc đưa tàu vào Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam (EEZ) nhiều tuần qua nhằm mục đích “bào mòn quyết tâm” của Hà Nội, trong bối cảnh xuất hiện tin nói rằng tàu được trang bị cần cẩu thuộc loại lớn nhất thế giới “hiện diện trong vùng lãnh hải của Việt Nam”.
Ông Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nói rằng giống như Ấn Độ, Việt Nam “không có đồng minh quân sự và buộc phải một mình đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc”.
“Bài học chính cho Việt Nam là phải chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ vì mục tiêu của Trung Quốc là bào mòn quyết tâm của Việt Nam thông qua việc gây áp lực từ nhiều hướng”, ông Chellaney nói, khi được hỏi về điều Hà Nội có thể học được từ kinh nghiệm đương đầu với Bắc Kinh của chính quyền New Delhi.
Trong khi đó, Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp Tiếng Việt (RFI) hôm 4 tháng 9 trong bản tin “Biển Đông: Cần tăng sức ép để Bắc Kinh dừng hành vi phi pháp,” viết như sau.
Các hành vi coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi cho tàu vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như của Malaysia và Philippines càng lúc càng bị công luận thế giới tố cáo.
Chuyên san trên mạng Eurasia Review trong một bài xã luận ngày 03/09/2019 đã vạch trần tính chất phi pháp trong các hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là tại khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam, để cho rằng cần phải tiếp tục lên án các hoạt động đó, đồng thời gia tăng sức ép, buộc Bắc Kinh phải cho rút tàu của mình ra khỏi vùng biển của các nước láng giềng.
Bài viết mang tựa đề: “Tôn trọng luật pháp: Hòa bình là ưu tiên hàng đầu tại Biển Đông - Respect For Rule Of Law: Peace Top Priority In South China Sea Conundrum”, trước hết cho rằng các diễn biến gần đây ở Biển Đông không chỉ đáng ngại, mà còn có nguy cơ trở thành một cuộc chiến thật sự, phá vỡ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.
Diễn biến đáng lo ngại là những vụ việc xẩy ra từ đầu tháng 7, khi tàu khảo sát của Trung Quốc, được tàu võ trang hộ tống, đã thâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Philippines và Malaysia cũng bị Trung Quốc hù dọa.
Đối với Veeramalla Anjaiah, một nhà báo Indonesia kỳ cựu, tác giả bài phân tích, Bắc Kinh là nguyên nhân làm cho tình hình xấu đi khi chà đạp lên bản Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà chính Trung Quốc đã ký kết.
Theo Eurasia Review, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển thông qua năm 1982, quy định là các quốc gia ven biển được có một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, và một vùng biển hay thềm lục địa 12 hải lý. Ngoại trừ Đài Loan, tất cả những quốc gia tranh chấp ở Biển Đông – Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đều đã ký kết và phê chuẩn công ước này, vốn nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp về biển.
Thế nhưng, trong một động thái vi phạm rõ ràng quy định của Công Ước, Trung Quốc đòi chủ quyền trên hơn 90% Biển Đông với một đường 9 đoạn mập mờ, căn cứ vào “quyền lịch sử” không được công nhận trong luật biển quốc tế, chồng lấn với đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei và cả Indonesia, một nước không tranh chấp.
Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc dựa trên “Đường 9 Đoạn” và quyền lịch sử. Và một lần nữa, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết quốc tế và tiếp tục áp đặt chủ quyền của họ bằng các hành động đơn phương, bất hợp pháp và mang tính cưỡng bức.
Trung Quốc cũng bồi đắp một cách phi pháp các đảo nhân tạo, xây dựng căn cứ quân sự trên đó, và cũng đã cố ngăn chặn việc đánh bắt cá, khai thác tài nguyên của các nước tranh chấp khác, ngay trong vùng biển mà các láng giềng được hưởng một cách hợp pháp.
Trong một bản tin khác của hãng ANI hôm 4 tháng 9 nói rằng Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn Harry Harris hôm Thứ Tư đã phát động một cuộc tấn công nhắm vào TQ trong bài diễn văn của ông tại Hội Nghị Ấn Độ Dương (IOC), dẫn đến môi trường căng thẳng chứng kiến một nhà ngoại giao TQ trong đám đông phản bác lại phát biểu của ông.
Harris chỉ trích TQ dữ dội về một số vấn đề gồm việc đối xử với người dân Duy Ngô Nhĩ, sáng kiến Một Đai Một Đường và hành xử tại Biển Đông trong bài diễn thuyết của ông.
“Ngoại giao của TQ tìm cách ép buộc các nước ASEAN xác định các quy tắc ứng xử trong khu vực do Bắc Kinh ra lệnh và phù hợp với các tiêu chuẩn của TQ. Bạn có thể thấy sự hăm dọa trong việc quân sự hóa Biển Đông và sự xem thường luật quốc tế của TQ. Như Ngoại Trưởng Pompeo đã nói -- việc bắt nạt của TQ tại Biển Đông phản ảnh sự chọn lựa rộng lớn hơn đối với các quốc gia trong khu vực. Ép buộc và kiểm soát tự do và luật lệ,” Harris phát biểu như thế.