LỜI PHI LỘ: Đây là câu chuyện có thật, vô cùng cảm động của một người cha gốc Việt sống tại California, đã trải qua thời oan khiên của đất nước. Là một sĩ quan trong QLVNCH, ông đi tù cộng sản, và ra tù để chỉ kịp nhìn thấy con trước khi chúng vượt biên. Ông sống lây lất,làm đủ mọi nghề để mưu sinh. Đến năm 1988 mới có chương trình nộp đơn đi HO, nhưng mãi tới nắm 1994 ông mới được kêu đi định cư ở Cali, Hoa Kỳ, vì ông không nộp tiền “mãi lộ” cho bọn làm giấy tờ.
Khi sang Mỹ, vợ con ông đã ở tiểu bang khác. Vài năm sau ông bị chứng thoái hóa võng mạc. Ông được xếp loại “legally blind”, sống nhờ An Sinh Xã Hội. Mãi đến năm 2007, nhờ một người bạn qua mục Tìm Người trên mạng, ông được biết vợ con ông đã dọn về Cali. Ông gửi nhiều thư cho con, nhưng không thấy hồi âm. Đến năm 2018, có một người bạn mới, cám cảnh thân già cô độc của ông, mới tìm giúp con cho ông qua một công ty khác, và có được địa chỉ mới. Người bạn này mới thảo dùm ông một lá thư bằng tiếng Anh, vì nghĩ rằng những đứa bé lớn lên ở Mỹ sẽ không rành tiếng Việt. Lá thư được gửi đi trước ngày Father’s Day 2 tuần, với hy vọng đã sắp thành tuyệt vong.
Một tuần sau, ông nhận được một cuộc gọi điện thoại đầu tiên của con. Từ giờ phút đó cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác, sáng sủa hơn, ấm áp hơn với mái gia đình mà ông tưởng chỉ có trong mơ.
Sau đây là nội dung lá thư đã dịch tiếng Việt, giúp cha con đoàn tụ sau 30 năm chia cách.
Anh Phan
LÁ THƯ NGÀY LỄ CỦA CHA GỬI CAO& ĐỊNH
Các con thương yêu,
Ba không nghĩ là các con hiểu lý do có lá thư này. Trước hết Ba phải nói rõ rằng, Ba, người cha của các con, không cần tiền bạc, vật chất hay bất cứ thứ gì, qua những dòng chữ này xuất phát từ đáy lòng của Ba.
Kể từ khi Ba cho các con đi vượt biên với Mẹ, không ngày nào Ba không lo nghĩ tới các con. Tim Ba thắt lại mỗi khi Ba nghe tin dữ về những thuyền nhân. Cảm tạ thượng đế nhân lành, các con đã đến được bến bờ bình an! Ngay lúc này Ba nghĩ là các con ít nhất cũng đã có gia đình riêng, hay cũng đã làm cha. Các con đều đã qua tuổi 40, ít nhiều cuộc sống cũng đã cho các con hiểu giá trị của 2 chữ gia đình. Có thể là định mệnh của Ba tàn khốc, giống như đất nước của chúng ta dưới sự cai trị của cộng sản. Nhưng Ba chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày Ba không còn có thể gặp lại các con. Trong đời Ba, chưa làm việc gì để được hãnh diện, trừ chuyện Ba là một quân nhân của VNCH. Ba đã phục vụ tổ quốc. 5 năm trong trại tù cộng sản, lý do duy nhất để Ba sống sót đói rét, khổ sai, và ngược đãi, đó là nghĩ tới gia đình. Ba tự nhủ: “ Ta phải sống còn để còn có thể về chăm lo cho vợ con”. Như các con đã biết, đời không bao giờ công bằng. Nhưng ít nhất, Ba đã vui khi ra tù gặp lại các con, Cao 9 tuổi, và Định 7 tuổi, khỏe mạnh. Phải cảm ơn Mẹ con, dù có thế nào đi nữa !
Ý tưởng không còn được gặp lại con cái đã làm héo lòng các bậc Mẹ Cha. Giống như một người hấp hối mà không được thấy những người thân, không được nói lời cuối cùng với những đứa con yêu dấu. Tiếng Việt mình có câu ngạn ngữ: “ Nước mắt chảy xuôi”, có nghĩa là ông bà cha mẹ chỉ có thương xuống con cháu cho đến khi lìa đời, còn tình của con cái đối với cha mẹ thì rất là giới hạn. Nhưng đó là lẽ tự nhiên. Cha mẹ luôn giữ sự khổ đau trong lòng và luôn tha thứ khi con cái làm mình tổn thương. Có một câu nói trong truyện 1001 đêm làm Ba nhớ mãi :” Nỗi khổ về con cái là nỗi khổ mà cha mẹ phải mang theo xuống tận đáy mồ! “ Và chu kỳ đó của cuộc đời cứ tiếp tục . . .
Các con có thể hình dung một ông lão mù, ngồi trong bóng tối cô độc hàng đêm, khóc trong lặng lẽ vì mong con. Nhưng bóng tối là định mệnh của ông, vì ông đã mù từ hơn 10 năm. Võng mạc trong 2 mắt ông đã bị thoái hóa đến 95%, nên bây giờ ông chỉ còn cảm nhận được ánh sáng mặt trời mà thôi. Ba không kể chuyện này để gợi lòng thương hại, nhưng để cho các con hiểu được sự đau khổ của kiếp người là vô giới hạn, nhất là tuổi già. Rồi sẽ tới lúc các con trãi nghiệm điều này, nhưng mình học bài học của người đi trước tốt hơn là phải trả giá bằng chính kinh nghiệm đau thương của chính mình phải không?
Điều an ủi cho Ba là các con đã trưởng thành và có nghề nghiệp. Là một BS y khoa Cao phải luôn nhớ lời thề Hippocrates!
Ba biết một lúc nào đó, các con sẽ thắc mắc :”Cha của mình ra sao rồi? Ông có bị bệnh không? Có phải ông sống cô đơn? Bây giờ ông đang ở đâu? Có ai giúp đỡ ông không? Ba hiểu rằng bất cứ đứa con nào cũng sẽ hỏi những câu đó, nhất là khi ba chúng mất biệt đã 36 năm. Không có ngày nào Ba không nhớ tới 2 con. Bởi vì các con là máu, là thịt của Ba, làm sao Ba có thể quên máu thịt của mình! Còn các con có quên được không?
Ngày lễ của Cha hằng năm sắp đến, Ba nghĩ ít nhất một trong các con cũng đã làm cha. Vậy Ba có lời chúc tự đáy lòng của một người cha, chúc 2 con có một ngày Lễ của Cha thật hạnh phúc, đầm ấm và gia đình đoàn tụ!
Một lần nữa, hãy nhớ rằng Ba không cần bất cứ thứ gì từ các con, không phải là tiền, không phải sự giúp đỡ, mà chỉ là một góc nhỏ thật khiêm nhường trong trái tim của các con. Lão già mù này chỉ ước một điều duy nhất, là được nghe giọng nói của các con qua điện thoại, hỏi rằng ;” Ba, Ba có khỏe không Ba?” Là để cho tất cả nước mắt trong tâm hồn ông có dịp tuôn trào, làm nhẹ bớt cơn xuất huyết trong lòng, và sẽ vơi đi cả ngàn cân gánh nặng ưu phiền trong những ngày còn lại của cuộc đời ông.
Ba gửi tình thương vô điều kiện và vô tận cho 2 con.
Ký tên: người- cha- bị- lãng- quên