WESTMINSTER (VB) – Đêm nhạc thính phòng có chủ đề “Tình Hoài Hương” do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ của Viện Việt Học tổ chức tại Hội Trường Nhật Báo Việt Báo trên Đường Moran, Thành Phố Westminster, vào tối Thứ Bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2019, đầy ấp tình quê hương dân tộc, với sự tham dự của khoảng 200 người gồm văn nghệ sĩ và giới yêu thích âm nhạc tại Quận Cam.
Mở đầu đêm nhạc Tình Hoài Hương, Xướng Ngôn Viên Bích Trâm là người điều hợp chương trình đã giới thiệu Giám Đốc Viện Việt Học Nguyễn Kim Ngân lên phát biểu khai mạc. Trong lời phát biểu, bà Nguyễn Kim Ngân chào đón tất cả văn nghệ sĩ và mọi người đã đến tham dự đêm nhạc Tình Hoài Huơng. Bà cho biết chương trình nhạc thính phòng Tình Hoài Hương sẽ trình bày những ca khúc ngợi ca quê hương được phổ biến tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975 cũng như những sáng tác mới của một số văn nghệ sĩ hải ngoại. Trong tâm trạng nhớ về quê hương, bà Nguyễn Kim Ngân đọc lại bài thơ bất hủ “Thề Non Nước” của cố Thi Sĩ Tản Đà:
“Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây chiếu bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề.”
Ca khúc Trăng Ban Chiều -- thơ & nhạc Trần Dạ Từ -- ca sĩ Thu Vàng
Đêm nhạc Tình Hòai Hương đã trình bày gần 20 nhạc phẩm, với sự đóng góp của các ca sĩ Thu Vàng, Diệu Trang, Khắc Hiền, Phạm Gia Nghị, Vương Đức Hậu, Nhóm Ca Hoài Hương gồm Lan Hương, Vũ Hùng, Xuân Thanh và nhóm Tứ Ca Hương Xưa gồm Hồng Tước, Mai Phương, Vũ Khiêm, Vương Lan. Các Dương Cầm Thủ gồm Nghiêm Phú Phát, Trương Vũ. Các nhạc sĩ Tây Ban Cầm gồm Võ Tá Hân và Phạm Ngọc Tú.
Đôi song ca Xuân Thanh và Lan Hương đã mang hương thơm ngọt ngào của bông lúa miền quê quyện trong tiếng hò của cô gái miền sông nước Cửu Long, qua nhạc phẩm “Lối Về Xóm Nhỏ” của nhạc sĩ Trịnh Hưng, làm cho người nghe cảm nhận nỗi nhớ quê hương da diếc!
“… Có những chiều hôm
Trời nghiêng nắng xế đầu hôm
Nắng xuống làng thôn
Làm cho đôi má em thêm hồng
Lúa đã lên bông
Mắt già tươi sáng thôi chờ mong
Tiếng hò cô gái bên Cửu Long
Mơ rằng mai lúa lên đầy bông…”
Từ tiếng hò miền đồng quê, chương trình đêm nhạc Tình Hoài Hương đưa người nghe trở lại một thời xa xưa ở quê nhà có hình ảnh của đường quê với ngọn tre và những con nghé trong nhạc phẩm “Kỷ Niệm” của nhạc sĩ Phạm Duy qua tiếng hát của nam ca sĩ Khắc Hiền:
“…Cho tôi lại chiều hè, tôi đi giữa đường quê
Hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre
Thấp thoáng vài con nghé,
Tiếng nước dưới chân đê
Tôi mê trời mây tía không nghe mẹ gọi về…”
Nhưng phải đợi đến khi nữ ca sĩ Thu Vàng, mà MC Bích Trâm giới thiệu là người nữ ca sĩ này không trải qua trường lớp âm nhạc nào cả và đã sống hơn nửa đời người dưới chế độ cộng sản thiếu tự do nhưng bà lại lấy nỗi đam mê âm nhạc ca hát để giữ được tiếng hát thiên phú cho đến bây giờ, cất tiếng hát của nhạc phẩm chủ đề “Tình Hoài Hương” của nhạc sĩ Phạm Duy thì nỗi niềm nhớ quê hương mới cất cánh bay lên cao vút tận 9 tầng không.
“…Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi
Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơị
Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu!...”
Đêm nay, ca sĩ Thu Vàng có lẽ là nhân vật chính của chương trình nhạc thính phòng “Tình Hoài Hương,” nên chị đã hát nhiều ca khúc hơn các ca sĩ khác. Người nữ ca sĩ này có chất giọng thiên phú, trầm ấm mà không thiếu bay bổng cao vút, sắt nét chơi vơi mà không thiếu khoảng lặng tận vực sâu. Ca sĩ Thu Vàng còn trở lại nhiều lần trên sân khấu để mang đến cho người nghe nhiều cảm xúc của những bản nhạc trước năm 75 trong nước và sau năm 75 tại hải ngoại, như “Trăng Ban Chiều” của thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ; “Một Chút Việt Nam” của Trần Doãn Nho; “Theo Tiếng Sông Dài” của Trịnh Y Thư; “Hồi Âm” thơ của nhà thơ Thành Tôn và nhạc sĩ Nhật Ngân phổ nhạc; “Tháng Ngày Gió Xóa” của nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo; “Bông Hồng Cho Mẹ,” thơ của nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc và nhạc của nhạc sĩ Võ Tá Hân; “Dòng Suối Trăm Năm” thơ của Du Tử Lê, nhạc của Trần Duy Đức; “Chiều Trên Sông” của Phạm Duy; “Chở Thêm Lời Tôi Yêu Em,” thơ của Phan Tấn Hải, nhạc của Trần Chí Phúc.
Nhà thơ kiêm nhạc sĩ Trần Dạ Từ được mời lên sân khấu để chia sẻ cảm tưởng trong đêm nhạc “Tình Hoài Hương.” Ông nói rằng đêm nay nghe lại các bản nhạc trước năm 1975 mà nhớ đến cố nhạc sĩ Phạm Duy thật là nhiều.
Xen kẽ trong chương trình, còn có phần trình bày nhạc phẩm “Dòng An Giang” của nhạc sĩ Anh Việt Thu do nhóm Tứ Ca Hương Xưa gồm, Hồng Tước, Mai Phương, Vũ Khiêm, và Vương Lan. Ca sĩ Vũ Hùng đã hát xuất thần trong nhạc phẩm “Tiếng Sông Hương” trong đại nhạc phẩm Hội Trùng Dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
“…Hò ơi! Ai là qua là thôn vắng
nghe sầu như mùa mưa nắng cùng em
xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi!Bao giờ máu xương hết tuôn tràn
quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn
cho em vang khúc ca nồng nàn…”
Ca sĩ Diệu Trang với nhạc phẩm “Những Giọt Mưa Từ Vô Lượng Kiếp” của nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cho biết cái melody của nhạc phẩm này nghe giống nhạc phẩm “Thà Như Giọt Mưa” của nhạc sĩ Phạm Duy là bởi nhân duyên cách nay trên chục năm, khi đọc bài của Diệu Trân kể về việc nghe bản “Thà Như Giọt Mưa” của Phạm Duy mà thấy giống pháp Tứ Diệu Đế của đức Phật dạy. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát kể rằng nhân đó ông cảm hứng để viết bản nhạc này sau khi xin phép nhạc sĩ Phạm Duy cho phép sử dụng medody của “Thà Như Giọt Mưa.”
Hai nhạc sĩ mà cũng là bác sĩ Phạm Gia Nghị và Vương Đức Hậu đã trình bày ca khúc “Thanh Bình Ca” của nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Ca sĩ Khắc Hiền hát ca khúc “Dưới Giàn Hoa Cũ” của nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Chương trình đêm nhạc thính phòng “Tình Hoài Hương” khắp lại với đại nhạc phẩm “Hòn Vọng Phu” của nhạc sĩ Lê Thương, sáng tác vào năm 1942 tại Đồng Đăng, miền Bắc Việt Nam, nơi có tượng đá Hòn Vọng Phu. Nhạc phẩm được trình bởi ca sĩ Thu Vàng và Ban Hoài Hương gồm Lan Hương, Vũ Hùng và Xuân Thanh hát đệm. Ca sĩ Thu Vàng và Ban Hoài Hương đã làm cho người nghe nhớ quê hương đến “xao xuyến tấc lòng” qua lời nhạc của Hòn Vọng Phu 3:
“…Nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng mau dồn chân
Vết bước đi trên phím đá mòn còn in dấu
Từ bóng cây ngôi mộ bên đường
Từ mái tranh bên đỉnh trong làng
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống
Bao mối thương vang dậy trong lòng…”
ca sĩ Thu Vàng, Ban Hoài Hương (Vũ Hùng, Xuân Thanh, Lan Hương)
Khi nhạc và lời của “Hòn Vọng Phu” vừa dứt thì tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường như tiếng vó ngựa xông pha ra sa trường và nhiều người đã bật đứng dậy để bày tỏ niềm cảm kích và sung sướng được nghe lại bản nhạc có tuổi thọ hơn ba phần tư thế kỷ.
Có thể nói đây là đêm nhạc ý nghĩa đã làm cho bao người tham dự không thể bỏ đi cho đến phút cuối chương trình. Cảm ơn Ban Văn Nghệ của Viện Việt Học, cảm ơn ca sĩ Thu Vàng và các ca sĩ đã góp tiếng hát cho đêm nhạc thính phòng “Tình Hoài Hương.”
Gửi ý kiến của bạn