Kiếp Khác – Tranh: Thanh Châu
Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say.
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.
(Buồn – Tạ Ký)
1.
Tháng 2, tháng ngắn nhất trong năm, đã qua đi. Rồi tháng 3 cũng qua đi. Nhưng mùa đông vẫn còn ở lại. Những ngày lạnh cao điểm vẫn còn chờ phía trước. Một buổi chiều, ngồi cô đơn trong quán cà phê Starbucks vắng người, nhìn ra bên ngòai những cụm tuyết trắng xóa bay lả tả, tôi chợt cảm thấy buồn . . . muốn khóc. Kể cũng lạ, đã mấy chục năm nay, bận rộn với bao vất vả lo toan của cuộc sống, tôi ít khi mang cảm giác buồn, cái cảm giác của những ngày trai trẻ, ngồi trong quán cà phê – khi vỉa hè, khi sang trọng lịch lãm – nhìn những mảng nắng xiên qua ô cửa kính, hay những giọt mưa từ cơn mưa vội vã làm ướt cả người từ đầu đến chân, nghĩ đến hiện tại vô vọng không lối thóat, nghĩ đến tương lai chết ngộp trong cuộc chiến khốc liệt, nghĩ đến những mối tình không có ngày mai, tôi đã biết buồn. Nỗi buồn của thế kỷ. Nỗi buồn của thế hệ. Buồn đến độ chỉ . . . muốn chết.
Ngày ấy, thanh niên thế hệ chúng tôi, buồn thì có buồn thật, buồn đến nẫu người, buồn da diết cả não trạng, buồn phờ phạc cả thân xác, buồn chín rục trái tim, buồn vàng cả ngón tay vì khói thuốc, và như đã nói, buồn đến độ chỉ muốn chết, nhưng trong trí nhớ còm cõi của mình, tôi không thể moi ra được xem trong đám bạn bè của mình, có ai chết vì buồn không. Nhiều người đã nằm xuống, vì bom đạn chiến tranh, vì tù đày thiếu ăn thiếu thuốc men, vì bệnh tật hiểm nghèo, vì lao mình vào biển cả vượt biên, nhưng hình như không có ai chết vì buồn, kể cả buồn vì thất tình.
Nhiều năm sau, cuộc sống giúp tôi quên bẵng đi những nỗi buồn. Để một buổi hòang hôn, bỗng chợt nhớ đến nỗi buồn thế kỷ, với cảm giác quay quắt đến độ . . . muốn chết. Đó chỉ là một lối nói cường điệu của văn chương, hay, trong thực tế đời thường, con người ta có thể chết vì buồn?
Các khoa học gia hiện đại đã có câu trả lời.
Hai nhà nghiên cứu của Viện đại học Luân Đôn, Annie Britton và Martin Shipley, đã kết luận công trình nghiên cứu kéo dài 25 năm của mình về trạng thái buồn nản mà con người thường xuyên phải đối phó rằng, sự buồn nản, tự mình nó chưa đủ để làm cho người ta chết, nhưng nó là nguyên nhân chính dẫn đến việc uống rượu say sưa, nghiện hút thuốc lá, sử dụng các lọai ma túy, thuốc an thần hoặc bị suy nhược tâm lý. Từ đó, dẫn đến bệnh tim mạch và các căn bệnh nan y khác, con đường ngắn nhất đến tử vong.
Mặt khác, có một sợi dây nối liền trạng thái buồn bã của cân não đến các sinh họat ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí và làm việc của một con người. Người mang tâm trạng buồn bã, chán chường không thiết ăn, ngủ không ngon giấc, lười biếng tập thể dục, lúc nào cũng ủ rũ, mệt mỏi, nguyên nhân cho những rối lọan tim mạch. Theo Christopher Cannon, giáo sư phụ giảng về Y khoa tại trường đại học Harvard, Hoa Kỳ, thì trạng thái buồn bã kích thích một số hóoc môn trong cơ thể tiết ra, gây Stress cho tim, khiến sự họat động của tim không được bình thường.
Một nhà nghiên cứu khác, Giảng viên Sandi Mann thuộc trường đại học Lancashire, kết luận rằng sự buồn chán không phải là không độc hại. Nó liên kết với những hình thái dồn nén tâm lý khác, làm tăng áp huyết và giảm sự miễn nhiễm của cơ thể.
Bà nói thêm: "Nhưng ai mà chả có lúc buồn bã, chán nản. Thế nên, chỉ có những người buồn kinh niên, buồn muôn thuở, mới phải lo lắng đến việc có thể chết vì buồn mà thôi".
2.
Như vậy là tôi đã phần nào tìm được lời giải đáp cho thắc mắc phi . . . văn chương của mình. Dù, trong thực tế, sự buồn tẻ vì những đơn điệu của cuộc sống, và nỗi buồn (do những mất mát, những hòan cảnh đau thương người ta phải trải qua) có khác nhau. Nhưng hai thứ ấy vẫn có chung một đặc tính là chỉ những kẻ cứ suốt đời ngồi gậm nhấm nỗi buồn của mình (buồn vong quốc, buồn tha hương, buồn vì chí lớn không thành, buồn vì danh không tọai v…vv) mới có thể chết . . . vì bệnh tật do sự buồn bã chán chường gây ra. Còn những kẻ buồn vẩn vơ (tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn – thơ Xuân Diệu) (như tôi), buồn có lúc, buồn như một thứ . . . thời thượng, làm dáng (trong văn chương) thì vẫn cứ sống để thỉnh thỏang . . . được buồn.
Thế hệ của chúng tôi, tuy không may mà lại may. Ngày xưa, tuy mang tâm trạng buồn bã chán chường nhưng thời thế không cho phép chúng tôi cứ ngồi đó than khóc cho nỗi buồn thế kỷ của mình. Chúng tôi phải lăn xả vào cuộc chiến, chiến đấu hàng ngày với cái chết, sự thương tật, nên không có thì giờ nhiều cho nỗi buồn. Đến khi chiến tranh chấm dứt, hầu hết phải chịu đựng những khổ sở về vật chất (thiếu ăn thiếu mặc, thiếu tiện nghi đời sống) trong những trại cải tạo, nên một lần nữa, chúng tôi có rất ít thì giờ nghĩ đến những nỗi buồn (xa gia đình, nhớ người yêu . . .) của mình. Những năm tháng khốn khổ ấy, giúp chúng tôi hiểu được rằng những dằn vặt thể xác vẫn dễ chịu hơn những dằn vặt về tinh thần. Nhờ vậy, chúng tôi sống sót.
Đến bây giờ, lúc chiều tàn của cuộc đời, lại may mắn có được những phương tiện kỹ thuật hiện đại sẵn sàng bên cạnh, như các phương tiện giải trí truyền hình, phim ảnh, như máy điện tóan và đường truyền Internet, nơi chúng tôi có thể xa lánh những nỗi buồn của mình bằng cách vùi đầu vào những trang điện tử ưa thích, những họat động giao lưu trong mạng xã hội: Nhóm thư (Mailgroups), chơi Phây (Facebook) v…v.
Hãy thử tưởng tượng những người già sống quạnh quẽ trong căn nhà thênh thang, con cái đã trưởng thành, đã bay nhảy khắp tứ phương, người bạn đời có thể đã bỏ mình ra đi từ lâu hoặc còn sống thì cũng chỉ như cái bóng già nua bên cạnh. Nếu không có những họat động giúp mình quên đi những buồn tẻ hàng ngày, thì chắc chắn, quá khứ sẽ thống trị cùng với những điều bất như ý của nó. Người ta sẽ chết dần mòn (theo nghĩa đen thực sự của cái chết) vì buồn bã chán chường, vì cô đơn quạnh quẽ. Đó là một thực tại mà rất nhiều người già Việt Nam sinh sống ở hải ngọai đang phải trải qua.
Các nhà nghiên cứu, trong khi chỉ ra những hệ quả nguy hại đến sức khỏe vì sự buồn bã, cũng đã căn cứ vào khám phá của mình, khuyên người ta nên tích cực tham gia nhiều các hình thức sinh họat xã hội mỗi khi có cảm giác buồn chán, vì sự mất mát của người thân, vì công ăn việc làm đình trệ do suy thóai kinh tế, vì nhiều những nguyên nhân khác trong đời sống.
Thực ra, những khám phá khoa học nói trên, dù đã được tiến hành một cách nghiêm túc trong thời gian 25 năm (từ 1985 đến 2009), cũng không nói được điều gì mới.(*) Công trình nghiên cứu ấy chỉ khẳng định tác hại chết người của buồn bã chán chường. Cuộc sống hàng ngày đã cho người ta nhiều dịp nhìn thấy tác hại ấy. Bởi vì buồn vốn là một thuộc tính của con người. Trong đời một con người, ai mà không trải qua những trạng thái buồn bã, chán chường. Không phải chỉ thóang qua, mà có khi trạng thái ấy kéo dài đến mức không thể chịu đựng nổi. Không phải chỉ một lần, mà rất nhiều lần trong cõi trần ai mà người ta chào đời bằng tiếng khóc oa oa. Có kẻ đã tự tìm cái chết để giải thóat mình khỏi những nỗi buồn dằn vặt, day dứt. Như vậy, buồn đến . . . chết người thì có gì là lạ!
3.
Nói đi thì phải nói lại. Cuộc sống lúc nào cũng kéo người ta đi theo với nó, nhiều khi phải rảo bước đi theo cuộc sống khiến người ta chóng mặt. Tuy không có thì giờ để buồn bã chán chường nhưng, nếu sống chỉ để chạy theo nó mòn hơi thì cũng . . . chán chường không kém. Thế nên, người ta cần những lúc dừng lại. Những lúc ngồi vẩn vơ, những lúc cảm thấy một nỗi buồn không đâu xâm chiếm tâm hồn, những lúc ngỏanh nhìn quá khứ mà tiếc nuối, mà mong ngày hôm qua quay trở lại. Và vì nỗi mong ước ấy là vô vọng, nên người ta trở nên chán chường mọi thứ của hiện tại, dù chung quanh mình đầy đủ những thứ vốn được coi là xa xỉ của một thời xưa thiếu thốn, nghèo khổ. Có lẽ, đó là nỗi buồn lành mạnh. Nỗi buồn giúp người ta trở nên người hơn, nỗi buồn giúp thi vị hóa những thói quen nhàm tẻ hàng ngày.
Thế nên, thỉnh thỏang trong những dịp hiếm hoi không bận bịu với thời khóa biểu công việc dầy đặc của mình, tôi vẫn cố tìm thì giờ cho những nỗi buồn. Thí dụ như cái ngày cuối cùng của tháng Hai hôm nay, trời đổ tuyết trắng xóa đường phố, tôi ngồi trong quán cà phê quen thuộc, nhấm nháp ly cà phê ưa thích, nhìn ra bên ngòai lạnh lẽo để cảm hơn nữa sự ấm áp bên trong, và để mặc cho nỗi buồn cuối ngày tràn ngập trong hồn.
Chỉ tiếc rằng tuyến nước mắt đã khô cạn theo với chiều dài một đời người, nên tôi chẳng còn chút nào nhỏ ra làm ẩm ướt thêm buổi cuối ngày nhòe nhọet vì tuyết và vì buồn. Dù thực sự, tôi đang cảm thấy buồn . . . muốn khóc.
Và hẳn là, nỗi buồn “thời thượng” hôm nay, chẳng thể làm ngắn hơn những ngày – vốn đã ngắn - còn lại của đời tôi.▄
T.Vấn
(Trích CÕI NGƯỜI, sắp xuất bản)
(*)Điều làm tôi ngạc nhiên là báo chí từ Anh đến Mỹ đã đối xử với công trình nghiên cứu 25 năm của hai giáo sư Annie Britton và Martin Shipley như là một khám phá mới mẻ về tác dụng nguy hại của sự buồn chán. Khởi đi từ một bản tin ngắn của hãng thông tấn AP (Associateed Press) với tiêu đề: Can you really be bored to death?, tất cả các báo lớn ở Mỹ (như tờ USA Today), ở Anh (như tờ The Guardian) đều đăng lại tin này. Trong thế giới ảo (internet), chỉ với từ khóa là tên vị giáo sư tác gỉa công trình nghiên cứu được điền vào mục tìm kiếm của Google, tôi đã nhận được kết quả hàng mấy trăm trang mạng, từ các cơ quan nghiên cứu y khoa cho đến xã hội học, đến những trang Blog cá nhân, trang nào cũng đăng lại bản tin của AP với những lời bình, thêm mắm thêm muối của người đọc. Làm như, chỉ cho đến hôm nay, sau khi công trình nghiên cứu của Annie Britton và Martin Shipley được công bố, thế giới phương Tây mới biết được rằng người ta có thể chết vì buồn nản. Trong khi đó, Việt Nam mình ai cũng biết – dù lõm bõm – buồn nản chán chường là một trong những nguyên nhân gây chết người đáng sợ. (T.Vấn).