
Những năm gần đây, số lượng nhà vệ sinh công cộng tại TP. Sài Gòn đã tăng thêm và chất lượng phục vụ cũng đã được cải thiện khá rõ. Tuy nhiên, nhiều bất cập vẫn còn tồn tại, theo Người Lao Động TP (NLĐO).
Ghi nhận tại một số khu vực như phố đi bộ Nguyễn Huệ , công viên Tao Đàn, công viên Lê Văn Tám, công viên 23 Tháng 9, công viên Gia Định …, nhà vệ sinh công cộng khá thoáng, sạch sẽ và miễn phí. Đạc biệt có nhà vệ sinh công cộng thông minh tại trạm xe buýt Hàm Nghi (quận 1) hoạt động trên nguyên lý tự động, sử dụng năng lượng mặt trời là khá tiện lợi, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hay tại khu vực công viên Tao Đàn, công viên 23 Tháng 9,… mỗi khu có khoảng 3 nhà vệ sinh công cộng được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trang thiết bị hiện đại, có nhân viên túc trực làm vệ sinh sạch sẽ, người khuyết tật vừa được miễn phí vừa có lối đi riêng.
Tuy nhiên, theo NLĐO, số lượng nhà vệ sinh công cộng được đầu tư hiện đại, sạch sẽ, miễn phí như thế chưa nhiều. Hơn thế, ở nhiều nơi, nhà vệ sinh công cộng lại đang xuống cấp nghiêm trọng. Điển hình, khu vực công viên Quách Thị Trang (quận 1), chợ Thủ Đức, công viên Làng hoa Gò Vấp…, thiết bị trong nhà vệ sinh công cộng nhếch nhác, hư hỏng, nền nhà cũ kỹ, tường ố vàng… Thậm chí có nơi như ở công viên Gia Định, phần công viên thuộc phường 3 quận Gò Vấp, nhà vệ sinh công cộng bị khóa nên có khách vào công viên chơi, tiểu bậy luôn ở gốc cây đối diện; còn ở phần công viên thuộc phường 9 quận Phú Nhuận, sau một thời gian ngưng hợp đồng với tư nhân vào làm vệ sinh và thu phí, nhà vệ sinh trở nên quá dơ bẩn, nay đã có ‘tư nhân’ vào quét dọn, dội nước trở lại và (coi như) thu phí 1000 – 2000 đồng/lần đối với khách nhận hổ trợ giấy vệ sinh để vào đi đại tiện.
Ở khu vực nhà vệ sinh công cộng trong công viên Làng hoa Gò Vấp, NLĐO dẫn lời một người khách tình cờ vừa bước ra là chị Lê Thị Thu, chị cho biết : "Bất đắc dĩ mới phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng chứ lúc nào tôi cũng bị ám ảnh về tình trạng nhếch nhác với mùi hô hám. Vẫn biết nhà vệ sinh dơ còn do ý thức của một số người kém, đi xong không dội nước, ném giấy vào bồn cầu gây nghẹt… Nhưng như ở trong đây, bồn cầu bể nát, cáu bẩn mà không được thay, nhìn rất phản cảm… Tôi nghĩ TP cần đầu tư nhiều nhà vệ sinh công cộng mới, sạch sẽ, có thể thu phí cũng được, để người dân sử dụng. Chứ nhà vệ sinh công cộng vừa thiếu vừa cũ kỹ, dơ bẩn lại khó tiếp cận vì không biết gửi xe ở đâu, thì dù miễn phí, nhiều người vẫn sẵn sàng ‘trút bầu tâm sự’ ngay bên vệ đường, vỉa hè, bờ tường…".
Hình ảnh nhiều người tiểu tiện ngay bên vệ đường, bụi rậm, chân cầu… ở các trục đường lớn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Nguyễn Hữu Thọ..., càng có nhiều hơn tại ở các khu vực xa trung tâm TP, hay những khu vực không có nhà vệ sinh công cộng (như quận 9 và các huyện Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn…).
Theo NLĐO, tại các những địa điểm tập trung nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, như khu vực nhà thờ Đức Bà, công viên 30 Tháng 4, Bưu điện TP, đường sách Nguyễn Văn Bình…, lại cũng không có nhà vệ sinh công cộng. Trên những tuyến đường nội thành như Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi, Cống Quỳnh, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu, Phan Xích Long hay hơn 10 km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng không tìm ra nhà vệ sinh công cộng.
NLĐO dẫn lời chị Nguyễn Vân Anh (bán sách ở đường sách Nguyễn Văn Bình) cho biết: "Mỗi ngày ở đây tôi đều phải hướng dẫn cho nhiều khách hàng là người ngoại quốc tìm nhà vệ sinh công cộng. Khu vực xung quanh đường sách như đường Nguyễn Du, Lê Văn Hưu, Pasteur đều không có nhà vệ sinh công cộng nên tôi thường chỉ khách ‘đi nhờ’ nhà vệ sinh dù khá xa là trong cao ốc Diamond Plaza nằm bên đường Lê Duẩn".
Nói về vấn đề xử phạt hành vi tiểu bậy nơi công cộng, ông Thạch Sang (ngụ quận 3) cho biết: "Trên đường Hoàng Sa chạy dọc theo kênh Nhiêu Lộc, tôi không thấy nhà vệ sinh công cộng nào. Nhiều người đi đường có "nhu cầu" phải dừng lại xả thẳng xuống kênh. Tôi nghĩ TP phải đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà vệ sinh công cộng thì mới phạt những người‘đi bậy’ được".
Mặt khác, có nhà vệ sinh công cộng mà không có ai giữ xe cho người vào sử dụng tiện ích công công này thì cũng bất cập. Như chị Võ Thị Hoài Thanh (ngụ quận 9) đã phản ánh: "Ngày ngày, trên lộ trình tôi đi làm, đến đường Võ Văn Ngân thấy có một nhà vệ sinh công cộng bên hông cổng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, quận Thủ Đức. Nhưng vì ngần ngại ở đây không có ai giữ xe nên dù có ‘mắc’quá thì tôi và nhiều người đành ráng nhịn, hay có người bí quá thì kiếm chỗ tiểu bậy”.