Bản tin VOA kể rằng: Dân biểu bang Georgia gốc Việt Bee Nguyễn bày tỏ lòng tri ân những cựu chiến binh từng tham gia Chiến tranh Việt Nam, và những ân nhân thời hậu chiến đã giúp gia đình bà đến Mỹ tị nạn.
Hôm 29/3, nữ dân biểu gốc Việt Bee Nguyễn, đại diện Hạt 89 của bang Georgia viết trên Twitter: “Nhân dịp tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, tôi muốn tri ân bố tôi vì đã từng phục vụ như một trung úy trong quân y; cựu binh Dwight Frideres, đã giúp gia đình tôi định cư, xin tri ân cựu chiến binh Al Williams & đại tá Bill Hitchens hiện đang là dân biểu Hạ viện bang Georgia.”
Dân biểu Bee Nguyễn chia sẻ với VOA:
“Cha mẹ tôi là thuyền nhân, rời bỏ Việt Nam đi vượt biên vào cuối những năm 1970. Họ được một nhà thờ Công giáo ở bang Iowa bảo trợ người di cư đến Hoa Kỳ. Tôi sinh ra tại Iowa vào năm 1981, khi ấy cha tôi làm tới hai công việc khác nhau để nuôi gia đình.”
Bà cho biết thân phụ của bà từng phục vụ trong quân y Việt Nam Cộng Hòa và sau năm 1975 ông bị chính quyền cộng sản đưa vào trại tù cải tạo 3 năm, sau khi tước giấy hành nghề dược sĩ.
“Ông bị giam trong trại cải tạo ở Việt Nam sau năm 1975, ông bị bỏ đói, bị kết án lao động khổ sai, và bị ép phải học thuộc lòng học thuyết Cộng sản.”
Bee Nguyễn viết trên Facebook: “Cựu binh Dwight Frideres và vợ ông, bà Judy Frideres, đã đồng bảo trợ cho gia đình thân mẫu tôi tái định cư đến Hoa Kỳ. Ông Frideres từng là kỹ sư sửa chữa máy bay chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam.”
Bee Nguyễn cho biết bà ra đời năm 1981, ngay sau khi cha mẹ bà định cư tại Hoa Kỳ, và bà chỉ biết về cuộc chiến Việt Nam qua lời kể của cha mẹ.
Ngay sau khi trở thành người phụ nữ Á Châu đầu tiên được bầu vào nghị viện tiểu bang vào đầu năm ngoái, Bee Nguyễn đã đồng bảo trợ cho các nghị quyết tôn vinh cựu chiến binh và cộng đồng người gốc Việt.
Bà Bee Nguyễn và các dân biểu Williams, Hitchens vào năm ngoái đã đồng bảo trợ cho một nghị quyết dành một tuần lễ để tôn vinh các cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam, gia đình, cũng như cộng đồng người gốc Việt tại tiểu bang Georgia nơi có 228,000 binh sĩ Hoa Kỳ tham gia trận chiến, với tổng cộng 1,584 binh sĩ tử trận.
Dân biểu Al Williams, đại diện Hạt 168 từ năm 2003 cho đến nay, từng là một binh nhì thuộc Sư đoàn Kỵ binh 1 tại chiến trường Tây Nguyên, một đơn vị radar giám sát mặt đất, vào những năm 1966-1967 và sau đó ông chuyển đến chiến trường Huế và Quảng Trị trong trận chiến Tết Mậu Thân 1968.
Dân biểu Bill Hitchens, đại diện Hạt 161 từ năm 2013 cho đến nay, từng là trung úy thủy quân lục chiến, phục vụ ở chiến trường miền nam Việt Nam vào năm 1968-1969.
VOA cũng ghi nhận rằng tại thành phố Augusta, quê nhà của Dân biểu Bee Nguyễn ở bang Georgia, chính quyền thành phố hôm 29/3 đã khánh thành đài tưởng niệm Chiến binh Chiến tranh Việt Nam. Augusta là nơi có hơn 15,000 cư dân từng phục vụ và 169 người đã thiệt mạng trong cuộc chiến Việt Nam.
Trang Augusta Chronicle trích lời ông Doug Hastings, cựu quân nhân phục vụ trong Chiến tranh Việt Nam, cho biết: “Đài tưởng niệm này là một cách tuyệt vời để tôn vinh và vinh danh những người con của thành phố đã chết trong trận chiến.”
Ông Hastings nói thêm: “Tôi nghĩ đó là một ngày tuyệt vời khi bất kỳ thị trấn, thành phố, tiểu bang nào cũng đều vinh danh những người đã nỗ lực hết mình để phụng sự đất nước này và, cụ thể đối với các vị được vinh danh trên bức tường này, những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh mạng sống của họ.”
Bản tin khác của VOA cũng ghi rằng gần 47 năm sau khi tới thăm Hà nội vào cao điểm của chiến tranh Việt Nam, nữ minh tinh màn bạc Mỹ Jane Fonda vẫn phải trả giá cho chuyến đi định mệnh, dù trong quá khứ, bà dã nhiều lần ngỏ lời xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ về ‘sai lầm không thể tha thứ’ của mình.
Mới đây, ‘Hà nội Jane’, biệt danh được đặt cho nữ diễn viên Jane Fonda, lại xuất hiện trên báo chí Mỹ khi Giám sát viên Greg Lazzaro của Hội đồng Giám sát thị trấn Seneca Falls, bang New York, yêu cầu ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh danh Phụ nữ Quốc gia (National Women’s Hall of Fame), vì Viện này đã chọn Jane Fonda vào danh sách 10 phụ nữ được vinh danh trong năm 2019.
Đề nghị của Giám sát viên Lazzaro đã bị bác vào đêm 2/4, tuy nhiên cuộc tranh luận gay gắt về công và tội của Jane Fonda, gần 50 năm sau chuyến đi thăm Hà nội vào lúc chiến tranh Việt Nam lên tới cao điểm, nêu bật một lần nữa tính cách nhạy cảm và sự chia rẽ sâu xa trong xã hội Mỹ vì chiến tranh Việt Nam, trong đó hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã hy sinh.
VOA ghi nhận:
“Ông Lazzaro đơn cử những hành động phản chiến của Jane Fonda trong thời chiến tranh Việt Nam để giải thích vì sao ông đề nghị ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh Danh Phụ nữ Quốc gia. Ông nói ông hành động vì lòng tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, vốn không thể tha thứ những hành động ‘phản bội’ của Jane Fonda.”