Trận chiến tại Phú Xuân là một trong những trận đánh đầy bi tráng, và trong suốt thời gian giao tranh diễn ra, Tư lệnh Sư đoàn 1 BB lúc bấy giờ là thiếu tướng Phạm Văn Phú hàng ngày đã bay đến bộ chỉ huy Trung đoàn 54 BB để theo dõi và đôn đốc quân sĩ. Nhân kỷ niệm 28 năm chiến tích của Sư đoàn 1 BB tại Tây Nam Huế, VB trân trọng giới thiệu bài tường trình chi tiết về trận chiến nói trên. Bài viết được biên soạn dựa theo lời kể của một số sĩ quan Trung đoàn 54 BB, bản tin hàng tuần do Khối chiến tranh chính trị Sư đoàn 1 BB phổ biến trong năm 1972, đặc san Sư đoàn 1 BB phát hành năm 1974, tài liệu của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ, và tài liệu riêng của VB.
* Trung đoàn 54 BB tại cụm phòng tuyến Tây Nam Huế
Trước khi cuộc chiến Mùa Hè 1972 bùng nổ vào cuối tháng 3/1972, từ giữa tháng 3/1972, theo kế hoạch của bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, Trung đoàn 54 BB (có biệt danh là Trung đoàn Bạch Hổ) do trung tá Nguyễn Thanh Hạnh, Trung đoàn trưởng, chỉ huy, được điều động từ Nam và Tây Nam Thừa Thiên vào khu vực cận sơn quận Nam Hòa, nằm ở phía Tây Huế. Tuyến phòng thủ chiều ngang do Trung đoàn 54 BB đảm trách chạy dài từ phía Bắc căn cứ Phú Xuân (cách Huế khoảng 12 km đường chim bay) đến phía Nam cao điểm 342 (danh hiệu liên lạc vô tuyến với Không quân Hoa Kỳ: Checkmate). Theo phối trí, bộ chỉ huy hành quân Trung đoàn 54 BB đặt tại căn cứ Bình Điền, tiểu đoàn 1/54 án ngữ cao điểm 342 và cụm điểm quanh căn cứ 342, tiểu đoàn 2/54 phòng ngự căn cứ và vòng đai Phú Xuân, tiểu đoàn 3/54 và 4/54 phòng thủ chiều sâu, ban chỉ huy tiểu đoàn 3/54 đóng chung với bộ chỉ huy Trung đoàn, tiểu đoàn 4/54 hành quân di động.
Về hoạt động của đối phương, từ đầu tháng 3/1972, tin tức tình báo ghi nhận các đợt chuyển quân của 3 Trung đoàn 29, 803 và 812 thuộc sư đoàn 324 B từ phía Bắc vào thung lũng Ashau nằm ở hướng Tậy Thừa Thiên. Cùng lúc đó, Trung đoàn 24 thuộc sư đoàn 304 CSBV cũng được ghi nhận là đã di chuyển khỏi mật khu Ba Lòng (Quảng Trị) và trên đường di chuyển về phía Nam. Từ giữa tháng 3/1972 đến đầu tháng 4/1972, trong khu vực trách nhiệm của Trung đoàn 54 BB không có những trận giao tranh lớn, chỉ có những đợt pháo kích của Cộng quân ở mức độ nhỏ. mang tích cách thăm dò khả năng phản pháo của tiểu đoàn Pháo binh tăng phái cho Trung đoàn.
Trong 10 ngày đầu của tháng 4/1972, Cộng quân áp lực nặng trục lộ đi ngang qua khu vực phòng ngự của Trung đoàn 54 BB. Cùng thời gian này, các đại đội tiền đồn của hai cứ điểm Bastogne và Checkmate đã phát hiện các cuộc chuyển quân của Cộng quân từ hướng Tây về hướng Đông, đồng thời tiểu đoàn 4/54 đang hành quân lưu động đã có những cuộc đụng độ nhỏ với các thành phần tiền sát của đối phương. Trong tuần lễ thứ hai của tháng 4/1972, việc tiếp tế bằng đường bộ cho hai tiểu đoàn 1/54 và 2/54 đã không thể thực hiện được do Cộng quân tổ chức các chốt chận trên lộ trình. Để các đơn vị nói trên có đủ lương thực và đạn dược để chiến đấu, bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 BB đã điều động các phi đội trực thăng tăng phái thực hiện các phi vụ tiếp tế khẩn cấp cho quân trú phòng, tuy nhiên các nỗ lực tái tiếp tế này đã gặp nhiều khó khăn do pháo phòng không của địch đã bắn chận không cho trực thăng đáp xuống. Cuối cùng quân lương được thả bằng dù xuống căn cứ, nhưng hơn một nửa rơi ngoài căn cứ, lọt vào tay Cộng quân.
* Lực lượng xung kích tiếp tế đêm cho hai căn cứ bị địch bao vây
Sau khi đã khống chế về tiếp vận, đến giữa tháng 4/1972, Cộng quân tăng quân bao vây và khởi động các đợt tấn công thăm dò vào hai cứ điểm Bastogne và Checkmate, đồng thời pháo kích dồn dập vào cụm tuyến phòng ngự của hai tiểu đoàn 1/54 và 2/54 tại hai căn cứ này. Trong thời gian từ 15 đến 27/4/1972, tất cả các đợt tấn công của Cộng quân đều bị lực lượng trú phòng đẩy lùi. Vào đầu tuần lễ thứ ba, bộ chỉ huy Trung đoàn 54 BB nhận được báo cáo khẩn là lương thực dự trữ tại căn cứ Bastogne đã gần cạn, trong khi đó tại căn cứ Checkmate, tình hình lương thực tuy không nguy khốn như tại căn cứ Bastogne, nhưng cũng chỉ đủ để dùng tối đa là 3 ngày.
Trước hiện trạng đó, để quân trú phòng yên tâm cố thủ, bộ chỉ huy Trung đoàn 54 BB quyết định sử dụng tiểu đoàn 4/54 làm nỗ lực chính vận chuyển quân lương cho hai căn cứ. Theo kế hoạch, tiểu đoàn chia thành 2 cánh quân, cánh quân tiếp tế cho Bastogne do thiếu tá Trần Công Đài,tiểu đoàn trưởng, chỉ huy, cánh thứ hai do tiểu đoàn phó điều động. Kế hoạch tái tiếp tế được thực hiện vào ban đêm, cả tiểu đoàn xuất phát từ vòng đai ngoài của căn cứ Bình Điền và tiến về hướng Tây. Trên lộ trình hành quân tiếp tế, mỗi cánh quân có hai thành phần: thành phần mở đường để triệt hạ các chốt chận của địch trên lộ trình, thành phần đi sau, mỗi binh sĩ mang đầy lương thực tiếp tế đủ cho 2 binh sĩ đơn vị bạn đủ ăn trong một chu kỳ 5 ngày. Trong hai đêm liên tiếp, tiểu đoàn 4/54 đã hoàn thành xuất sắc cuộc hành quân tiếp tế, nhờ kế hoạch rất linh động và táo bạo này, Trung đoàn 54 BB Bạch Hổ đã kịp thời tiếp ứng lương thực cho các hai tiểu đoàn đang bị địch bao vây.
* Cuộc triệt thoái khỏi căn cứ Bastogne và Checkmate
Chiều ngày 28 tháng 4/1972, hai cánh quân thuộc hai Trung đoàn 29 và 803 thuộc sư đoàn 324B CSBV đồng loạt tấn công cường tập vào căn cứ, dù bị áp đảo về quân số, nhưng tiểu đoàn 2/54 do đại úy Hà Văn Khâm, tiểu đoàn phó xử lý thường vụ tiểu đoàn trưởng, chỉ huy, đã chận được các đợt tấn công của Cộng quân trong hai giờ đầu. Trong khi đó, từ căn cứ hỏa lực Bình Điền, tiểu đoàn Pháo binh tăng phái cho Trung đoàn 54 điều động các khẩu đội, tác xạ tập trung vào quanh Bastogne để bảo vệ căn cứ khỏi bị Cộng quân tràn ngập. Nỗ lực của tiểu đoàn Pháo binh chỉ làm giảm tốc độ tấn công của đối phương thêm một thời gian ngắn, vì cùng với cuộc tấn công bằng bộ binh, Cộng quân đã pháo hỏa tập dữ dội vào căn cứ này.
Khoảng 8 giờ tối ngày 28/4/1972, qua hệ thống truyền tin, bằng ám danh và ngụy hóa đàm thoại, đại úy Hà Văn Khâm đã báo cáo cho trung tá Nguyễn Thanh Hạnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54 BB tình hình nguy kịch của căn cứ và xin được triệt thoái. Đại úy Khâm cũng cho biết sẽ “im lặng vô tuyến” với Trung đoàn để bảo mật trên lộ trình rút quân. Sau vài lời dặn dò, trung tá Hạnh cho phép đại úy Khâm được tùy nghi hành động, cố gắng mở đường máu để vượt thoát khỏi vòng vây của địch. Trước khi tắt máy, đại úy Khâm nói với vị Trung đoàn trưởng của mình: 71 yên tâm, con cháu sẽ cố về nội! (71: ám số truyền tin để chỉ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54)
Gần 10 giờ đêm 28/4/1972, sau khi họp với ban chỉ huy tiểu đoàn 2/54 và các đại đội trưởng để phổ biến lệnh triệt thoái, đại úy Hà Văn Khâm đã cùng tiểu đoàn mở đường máu vượt thoát vòng vây của địch. Ra khỏi căn cứ được khoảng 1 giờ di chuyển trong đường núi, tiểu đoàn bị địch phục kích và bao vây với một lực lượng đông gấp 5, sau hơn nửa giờ tử chiến, trước sự chênh lệch về hỏa lực, cuối cùng đại úy Hà Văn Khâm và ban chỉ huy, cùng với hơn 1/2 số quân sĩ tiểu đoàn bị địch bắt. Số anh em còn lại chia nhau thành từng toán nhỏ, phân tán vào rừng và ngày hôm sau đã về đến căn cứ bộ chỉ huy hành quân Trung đoàn 54 BB.
Bastogne thất thủ, tuyến phòng ngự của tiểu đoàn 1/54 tại căn cứ Checmate đã bị địch cô lập. Để tránh tổn thất, đêm 29/4/1972, sau khi liên lạc với thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Sư đoàn 1 BB, trung tá Nguyễn Thanh Hạnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54 BB ra lệnh cho thiếu tá Nguyễn Phú Thọ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/54 điều động toàn tiểu đoàn triệt thoái. Trên lộ trình rút quân, tiểu đoàn 1/54 còn khoảng bị khoảng 3 tiểu đoàn CQ bố trí dọc theo sơn lộ ùa ra chận đánh, cận chiến đã diễn ra ác liệt, một số sĩ quan, và gần 1/3 tiểu đoàn bị địch bắt. Riêng vị tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó và một số sĩ quan ban chỉ huy tiểu đoàn, hơn 2/3 quân sĩ phá được vòng vây địch, về tuyến sau an toàn.
Dù hai tiểu đoàn 1/54 và 2/54 bị tổn thất nặng trong cuộc triệt thoái, nhưng với hai tiểu đoàn còn lại 3/54 và 4/54, Trung đoàn 54 BB đã phối hợp với Trung đoàn 1 BB tăng viện, giữ vững phòng tuyến Tây Huế trong mùa Hè 1972.
* Tái chiếm Bastogne và Chekmate
Ngày 15 tháng 5/1972, để tái chiếm một vị trí trọng yếu đã bị rơi vào tay Cộng quân, tướng Phú đã tổ chức một trung đội cảm tử quân gần 40 chiến binh do một thiếu úy chỉ huy, được trực thăng vận nhảy ngay xuống căn cứ Bastogne và tấn kích ngay vào bộ chỉ huy của Cộng quân. Bị tấn công bất ngờ và bị một phi đội trực thăng chiến đấu oanh kích quanh vòng đai phòng thủ căn cứ nên Cộng quân bỏ chạy. Chỉ trong vòng nửa giờ, trung đội cảm tử quân của Sư đoàn 1 đã làm chủ trận địa. Tin chiến thắng báo về, được sự ủy nhiệm của tổng tham mưu QL/VNCH, tướng Phú đã thăng cấp trung úy thực thụ tại mặt trận cho thiếu úy trung đội trưởng cảm tử quân. Tất cả các hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc trung đội này cũng được đặc cách thăng 1 cấp. Một tuần sau, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 1 BB đã tái chiếm cao điểm 342.
* Câu chuyện về hai sĩ quan tiểu đoàn trưởng 1 và 2/54 Bộ binh
Trước khi căn cứ Bastogne bị CSBV chiếm, khoảng 1 tuần trước đó, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã bay thị sát chiến trường Trị Thiên, khi nghe tướng Phú trình bày tình hình căn cứ Bastogne và căn cứ Checkmate (do tiểu đoàn 1/54 trú phòng) và tinh thần quyết chiến của 2 tiểu đoàn nói trên trong suốt gần một tháng, Tổng thống Thiệu đã ra khẩu lệnh thăng cấp tại mặt trận cho hai sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn 1 và 2/54.
Theo khẩu lệnh của Tổng thống, thiếu tá Nguyễn Phú Thọ, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1/54, được thăng trung tá thực thụ và đại úy Hà Văn Khâm, xử lý thường vụ tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2/54, được thăng thiếu tá thực thụ. Tuy nhiên, vì đang hành quân, nên trung tá Nguyễn Thanh Hạnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54 BB quyết định chờ tình hình chiến sự lắng xuống sẽ cho trực thăng bốc 2 sĩ quan nói trên về bộ chỉ huy để gắn cấp bậc mới. Do đó khi bị CSBV bắt, tiểu đoàn trưởng Hà Văn Khâm vẫn còn mang cấp đại úy. Anh được trao trả vào tháng 3/1973 tại bờ sông Thạch Hãn cùng với các chiến hữu tiểu đoàn 2/54 bị bắt trong mùa Hè 1972. Ngày trở về, anh bị thâu hồi cấp bậc thiếu tá đã được thăng tại mặt trận, vài tháng sau, anh được giải ngũ. Sau 30 tháng 4/1975, anh bị CQ giam giữ ở tổng trại Kỳ Sơn và đã chết trong trại tù vào khoảng thời gian 1977-1978. Anh Hà Văn Khâm xuất thân khóa 16 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, trước khi nhập ngũ, anh là giáo sư trung học.