Hôm nay,  

Ann Phong Người Họa Sĩ & Cây Cọ Sống

07/03/201900:05:00(Xem: 3359)
Ann Phong 01, 2018
Vật Dụng Hôm Qua Còn Là Đồ Quý, Hôm Nay Thành Rác.


Tôi đến thăm chị trong một buổi triển lãm mới nhất của chị tại Trung Tâm Văn Hoá Nghệ Thuật, Muckenthaler Cultural Center của thành phố Fullerton, Nam Cali, từ 8 tháng 11 đến 30 tháng 12, 2018. Trên 50 hoạ phẩm của chị được sắp xếp và trưng bày một cách thật ấm cúng, trang nhã trong một phòng tranh giàu nghệ thuật và chuyên môn.

Tuy cuộc triển lãm lần này không có chủ đề nhưng tôi nhận thấy phần lớn những bức tranh của Ann Phong vẽ có chung một nội dung nói về Thiên Nhiên và Con Người. Sự tàn phá của chất thải, rác rưởi, hoá chất làm ô uế môi trường sống của con người đã được chị khéo léo lột tả và bày ra trong thế giới màu sắc và đường nét rất riêng của chị. Tôi thích thú nhìn thấy chị nắm bắt được những ý tưởng của luật đào thải mà phả vào tranh. Tỷ như cái tiện dụng, quý báu của hôm nay theo thời gian sẽ bị đào thải trong tương lai để thành thứ phế thải vất đi mà con người không biết cách nào để tiêu hủy nó. Tôi càng nói chuyện với chị nhiều, tôi càng khám phá ra chị rất năng động trong cuộc sống.

ann phong 2018
Ann Phong


Nếu tôi bảo Ann Phong là "một cây cọ sống" thì hơi quá lố và cường điệu. Tuy nhiên cứ nhìn sâu vào con người chị, cuộc sống và những sinh hoạt hàng ngày chị trải qua trong 24 giờ của một con người, chúng ta mới thấy sự dẻo dai, tích cực và đầy sức sống của một HS Ann Phong.

Lúc nào chị cũng có một công việc chờ sẵn, đi dạy, làm vợ, làm mẹ, vẽ và làm văn hoá nghệ thuật thiện nguyện. Chị không nề hà với việc thiện nguyện vì nó là "việc chung", là việc của người nghệ sĩ, như chị vẫn thường cười và trả lời mỗi khi có ai hỏi đến: “làm nghệ thuật là làm việc cho cái đẹp, vì cái đẹp, mà cái đẹp thì muôn vạn màu, vạn thể, được vun xén từ muôn người... miễn ở đâu có cái đẹp, ở đó có tui xách cọ tới!”.

Và nói là làm, thời khóa biểu đầy nghẹt công việc nghệ thuật của chị vẫn dành riêng thời giờ cho những công việc chung: "Hôm nay, sau khi dạy học, mình xuống tòa soạn Việt Báo giúp vẽ mẫu sân khấu; hôm nay ghé giúp họa sĩ Cao Bá Minh chở tranh đến phòng triển lãm; hôm nay xuống VietFilmFest làm việc với nhóm thiện nguyện viên; họp ban giám đốc ở Hội Văn Học Nghệ Thuật VAALA, về Garden Grove chỉ tụi nhỏ đóng khung... "

Hôm nay, hôm nay, và hôm nay, làm được điều gì cho ai là chị xắn tay áo làm liền.

Tôi quen biết chị Ann Phong từ rất lâu nhờ những lần dự những buổi sinh hoạt, đọc thơ, nhạc, triển lãm, ra mắt phim được tổ chức bởi Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA. Đây là một tổ chức văn hóa bất vụ lợi. Mục tiêu của hội là phong phú hóa và kết nối các cộng đồng qua nghệ thuật mà chị có chân trong ban tổ chức và điều hành. Chị cùng Y Sa sát cánh bên nhau trong các buổi sinh hoạt là hình ảnh quen thuộc ghi đậm tâm trí tôi mỗi lúc tôi đến VAALA. Tôi hỏi cơ duyên nào khiến chị gắn bó với VAALA đến vậy, chị tâm sự:

- Tôi bắt đầu để ý đến cộng đồng khi tôi học Master Degree. Lúc đó tôi phải làm 1 đề án nên tôi vào thư viện của trường đại học Fullerton để tìm hiểu về VN. Tôi thấy những sách viết về VN có trong ấy toàn những sách được viết từ những người của miền Bắc chứ không phải của miền Nam. Từ đó tôi thấy họ viết như vậy là phiến diện một chiều. Tôi cảm thấy mình nên làm 1 cái gì để cho người ta biết và thấy sự thật của phía bên kia. Là hoạ sĩ tôi thấy chỉ có thể đóng góp tiếng nói của mình trong phần văn học nghệ thuật thôi. Tôi đến Little Saigon và gặp hội VAALA. Đến với hội đã hơn 30 năm rồi, những gì tôi làm được cũng rất nhỏ trong sự đóng góp chung cho cộng đồng. Tới ngày hôm nay tôi vẫn thấy chưa đủ vì cộng đồng mình chưa có 1 viện bảo tàng về Văn Học Nghệ Thuật hay một gallery, một phòng tranh, thực sự. Bởi lẽ, cái được gọi là gallery phải được trang bị đúng cách để được gọi là 1 phòng tranh đúng nghĩa. Do không đóng góp được đầy đủ, nên nếu ai trong cộng đồng cần làm điều này thì tôi sẵn sàng phụ giúp. Phải chung sức nó mới ra được 1 phòng tranh nghệ thuật. Hiện giờ VAALA cũng không có chỗ triển lãm tranh.

Ann Phong 02
Vật Dụng Hôm Nay Còn Là Đồ Quý, Ngày Mai Thành Rác.



Tôi có hỏi chị về trách nhiệm của chị trong VAALA, chị đáp:

- Trong VAALA có nhiều thứ việc khác nhau nhưng vì tôi là hoạ sĩ, tôi để ý đến phần mỹ thuật nhiều hơn. Ngày nay nhìn lại, tôi thấy hội khác với 30 năm trước nhiều. Trong đó toàn là các em trẻ mà các em nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt. Chỉ có các người nói tiếng Việt như Tôi, Y Sa và Thụy Vân. Nhờ vậy mà các em đó đi tới các cộng đồng khác mời họ đến với VAALA dễ hơn tôi, cả những việc đi xin tài trợ để mở những lớp dạy hội hoạ cho các em. Chúng tôi làm việc rất dân chủ.

Tuy bận rộn thế, họa sĩ Ann Phong vẫn sống và vẽ song song vì nghệ thuật của chị là thứ nghệ thuật sống, cái đẹp của chị như hình ảnh “cái đẹp múa, sự sống gõ”1, để người xem tranh không phải thưởng ngoạn một cách thụ động. Họ cảm nhận được dòng lưu chuyển của một năng lực từ chính con người và hoạt động của người nghệ sĩ trong chị, nhập vào cây cọ, để mỗi bức tranh có một cuộc sống, một bản chất, và cái “hồn” nghệ thuật từ đó bay lên, lan tỏa. Chị tiết lộ thêm về cuộc sống cá nhân:

- Việc vẽ và bán tranh đem lại một lợi tức khiêm tốn nên tôi đi dạy. Tôi may mắn được trường đại học mời dạy về mỹ thuật được hơn 22 năm, do đó tôi không phải lo vấn đề sinh kế. Điều này khiến tôi tránh được việc nhắm vào vấn đề thương mại mà có thể vẽ theo trái tim và với hết cảm xúc của mình về nơi tôi sống và đã ra đi là VN. Tôi để thời giờ nhiều hơn cho hội hoạ và việc cống hiến nghệ thuật.

Khi được tôi hỏi chị quay cuồng với mọi việc đa đoan như vậy, chị chia sẻ thời gian thế nào để có thể cân bằng mọi thứ, vẽ và sống hạnh phúc. Chị đáp:


- Tuy bị bao vây với công việc, tôi vẫn dành thời gian để vẽ. Tôi viết không hay, nhưng ngộ lắm, trời lại cho mắt tôi thấy toàn màu sắc và hình ảnh. Đi dạy về, từ trường đại học Cal Poly đến nhà 50 phút, lợi dụng thời gian quý báu này tôi không làm gì hết, chỉ để não đi chơi. Tự nhiên não sẽ nghĩ về những gì tôi thấy trong ngày, hôm qua, tháng hay năm trước. Những hình ảnh đó tự nhiên trở lại và cấu kết thành 1 tác phẩm trong đầu. Về đến nhà, tôi cố gắng nắm bắt nó, vì nó như một giấc mơ, tôi không bắt nó hôm nay nó sẽ bay mất. Có những thứ tôi không giỏi như nấu ăn chẳng hạn, mà tôi cũng không có thì giờ nấu ăn. Ở Mỹ rất tiện, không nấu được thì mua, vả lại gia đình tôi cũng dễ, ăn thế nào cũng được. Không phải nấu ăn, tôi có thời giờ sáng tác nhiều hơn.

Nói đến cách vẽ của tôi, tôi vẽ theo cảm xúc, chứ không phải cái gì tôi thấy. Tôi bắt những màu sắc tôi cảm được trong giấc mơ của não tôi nói bên trên và vẽ. Nếu tôi không thể hiện màu sắc bắt được, tôi phải sửa nó. Cho nên khi vẽ xong, bức tranh là những kết quả của những gì xảy ra trong khoảnh khắc thay đổi, vì tôi vẽ theo trực giác, hay trực quan. Nghĩa là cảm thấy thế nào thì vẽ thế ấy. Tùy bức tranh, cảm xúc thay đổi liên tục. Có lúc tôi thay đổi nó bị hư, tôi bèn để nó qua một bên, khi nào tâm tịnh, tôi vẽ trở lại. Khi vẽ được một bức tranh ra hồn, tôi cảm thấy rất vui. Nói chung một hoạ sĩ như tôi, trung bình vẽ 5 bức thì 2 bức bị hư. Cứ như vậy, nên không phải lúc nào cũng xong.

Tôi có hỏi chị về sự thay đổi phong cách vẽ gần đây vì trong cuộc triển lãm lần này tôi thấy lối dùng màu của chị khác đi

- Nói chung tôi thích màu Navy Blue. Màu xanh này gợi cho tôi màu của biển mà tôi cưu mang từ VN qua đây. Bây giờ tôi thấy đủ rồi và ra khỏi nó để đi tìm cái gì lạ hơn. Có người nói tôi dùng màu tươi hơn chắc tôi yêu đời hơn, nhưng không phải. Màu tôi dùng là Artificial có nghĩa là màu hoá học, là màu của những chất phế thải con người đưa ra ngoài. Đó là màu mà con người bỏ vào đồ ăn như kẹo chẳng hạn. Đó là những màu tươi như vàng tươi, cam tươi trong tranh. Màu thiên nhiên không phải vậy, con người dùng những màu sắc đó để gạt lẫn nhau. Tôi dùng những màu đó trong tranh.

Khi được hỏi chị có đam mê gì và có chịu ảnh hưởng của một hoạ sĩ đặc biệt nào không? chị trả lời:

- Tôi thích đi du lịch, đi ra khỏi nhà, đi đâu cũng được, tôi thích nhìn đời sống bên ngoài. Thứ nhì là hội hoạ cho tôi một thế giới riêng, thế giới đó không bằng phẳng nhưng vì tính năng động nên nó thể hiện lên trong tranh. Tranh tôi rất năng động, tôi đánh lộn với màu sắc, đường nét, đủ thứ. Chính sự đánh lộn ấy làm cho tôi vui. Tôi thấy sống có ý nghĩa hơn. Chính sự đi làm chất xúc tác cho tôi vẽ vì khi mình thấy được thế giới bên ngoài nó sẽ tạo cảm xúc khi tôi vẽ. Hoạ sĩ tôi thích là Anselm Kiefer. Ông người Đức và tôi đã học hỏi nhiều ở ông. Điều này không có nghĩa là tôi vẽ theo ông mà tôi bị ảnh hưởng từ lối suy nghĩ của ông. Ông có công kết nối lại sự đổ vỡ tinh thần của những người Đức từ cái quá khứ huy hoàng trước khi có Đức Quốc Xã với cái cảm giác tội lỗi sau cuộc thế chiến thứ 2, để đem tinh thần người Đức trở lại. Tôi thấy điều này giống ở người Việt và thích cái hay đó.

Ann Phong 03
Sự Mong Manh Của Thiên Nhiên Trong Môi Trường Người.



Chung quy thì mỗi người đều có một giấc mơ, tôi xin được nghe về ước vọng tương lai của chị?

- Tôi ước mong thế hệ sau có nhiều người làm hoạ sĩ hơn để cộng đồng khác khi nhìn vào cộng đồng mình, họ có thể nhìn thấy cái đẹp qua trình độ văn hóa nghệ thuật, chứ không nhìn mình dưới con mắt đeo kim cương, hột xoàn hay xách bóp hàng hiệu.

Nếu nói về văn chương thì khó vì họ không đọc được tiếng Việt, nhưng hội họa thì dễ hơn vì ngôn ngữ của nó là màu sắc và hình dáng. Nếu chúng ta có nhiều hoạ sĩ, họ sẽ chú ý đến cộng đồng chúng ta nhiều hơn. Tỷ như người Nhật, người ta không đọc được tiếng Nhật, nhưng nghệ thuật của người Nhật người ta rất yêu chuộng. Trình độ nghệ thuật cũng như căn bản văn hóa nghệ thuật của họ ở một mức độ lôi cuốn người ta. Người Nhật có cái mà mình còn khan hiếm, đó là cái tinh thần yêu mến, nuôi dưỡng nghệ thuật. Như một bông hoa nở, phải có người vun, trồng, tưới, xới. Nghĩa là cộng đồng mình phải quan tâm bảo trợ và nuôi nấng.

Nhìn một vòng xung quanh phòng tranh, ánh nắng chiều hắt nhẹ lên bức tranh màu vàng có tựa đề “Con Người Trong Môi Trường Thiên Nhiên”, những nét vẽ sống động vàng rực lung linh như những ngọn lửa lóe lên ước vọng một thời, người họa sĩ như nói với chính mình: “Phải chi có một viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Việt hay một nơi chốn nào đó trong cộng đồng mình, để giới hoạ sĩ Việt có chỗ triển lãm, và những người yêu nghệ thuật có thể lui tới sinh hoạt, học hỏi và khai triển tài năng.”

Hai chị em đồng lòng, phải rồi, mơ ước mà, cứ tha hồ!

Trịnh Thanh Thủy


*****

Tiểu Sử Ann Phong

Họa Sĩ Ann Phong sinh tại Sài Gòn, định cư tại Nam California từ năm 1982.

Tốt nghiệp Master of Fine Arts năm 1995. Có tranh triển lãm tại Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới như Vancouver, Paris, Thailand, Seoul và Nhật Bản.

Tranh của chị hiện được sưu tập bởi Queen Gallery tại Bangkok, trường đại học Cal State University Fullerton Student Center, trung tâm BSC tại Cal Poly Pomona University, phòng tranh Sweeney Gallery tại UC Riverside, cũng như các bộ sưu tập tranh tư nhân khắp nơi.

Một số tranh của chị cũng được in và giảng dạy trong sách giáo khoa trong các trường trung học ở Mỹ, như cuốn “Literature and the Language of Arts”, ấn hành bởi EMC Corporation.

Chị cũng được mời chấm thi cũng như thuyết giảng tại nhiều trường trung học, đại học, phòng tranh, viện bảo tàng ở khắp nơi về chủ đề nghệ thuật của riêng chị cũng như đại diện cho các họa sĩ người Việt và tác phẩm của họ.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.