II. Việc Truất Phế Bảo Đại.
Theo ông Luyện kể lại, ông Diệm khi về làm thủ tướng đã gặp nhiều trở ngại, khó khăn nhất là khi ông ra lệnh đóng cửa các sòng bài và nhà điếm do Bình Xuyên quản lý. Từ đây, không có lợi tức nào để hàng tháng gửi tiền sang Pháp cho Quốc Trưởng Bảo Đại nữa. Những người quanh Quốc Trưởng cũng không được ông Diệm o bế và tăng tiến như Bảy Viễn đã làm từ xưa. Chuyện ông Diệm bị dèm pha là khó tránh khỏi.
Cái công điện mà Quốc Trưởng triệu Thủ Tướng sang Pháp là giọt nước làm tràn cái ly nên buộc lòng ông Diệm phải đối phó.
Khi tuyên bố cưỡng lệnh Quốc Trưởng ông Luyện được Thủ Tướng Diệm cử sang gặp Quốc Trưởng để trình bày sự khó khăn của chính phủ. Ông Luyện phải đợi ba ngày mới được Quốc Trưởng tiếp kiến. Trái với trước kia ông Luyện muốn gặp Quốc Trưởng lúc nào cũng được. Ông mang theo 700 ngàn đồng là tiền quỹ đen của Thủ Tướng mà ông không dùng đến từ ngày về nước để biếu Quốc Trưởng.
Ông trình bày cho Quốc Trưởng rõ là tình hình Việt Nam đã sáng sủa, người Pháp sẽ phải rút đi, mình đổi được lại dinh Độc Lập và việc dẹp các giáo phái, để thống nhất Quân Đội thì chỉ là thời gian v.v... Quốc Trưởng và ông nói chuyện rất lâu. Quốc Trưởng không oán trách gì ông Diệm và ông Luyện, nhưng ông nói “Tôi biết việc này do Nhu bầy ra.”
III. Chu Ân Lai muốn bang giao với Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Luyện còn kể cho tôi nghe một bí mật hết sức quan trọng mà tôi chưa nghe bao giờ.
Ngày thủ Tướng Chu Ân Lai viếng thăm anh Quốc, (tôi quên không nhớ năm nào) phái đoàn của Chu Ân Lai đông lắm có đến trên 100 người và được chính phủ Anh đón rất long trọng. Nhân dịp này, ông Luyện được một tham vụ ngoại giao của tòa Đại Sứ Trung Quốc đến biếu hai vò rượu “Mao Thái” và Thiệp của Thủ Tướng Chu Ân Lai mời dự tiếp tân ở tòa Đại Sứ Trung Quốc có sự hiện diện của nữ Hoàng Anh Quốc.
Trong cuộc tiếp tân, khi ông được Đại sứ Trung Quốc giới thiệu với Thủ Tướng Chu Anh Lai thì Thủ Tướng rất niềm nở và nói biết ông là em của Tổng thống Việt Nam là người ông rất kính trọng và ngưỡng mộ, xin ông Luyện chuyển lời thăm hỏi của chủ tịch Mao đến Ngô Tổng Thống. Họ Chu còn nói ông không có cơ hội để nói nhiều với Đại Sứ Luyện nhưng đã ủy cho Đại Sứ Trung Quốc sẽ đến gặp Đại Sứ Luyện trình bầy chi tiết sau.
Sau đó Đại Sứ Trung Quốc đến thăm ông Luyện ở Tòa Đại Sứ Việt Nam. Đại Sứ Trung Công nói với ông Luyện là chủ tịch Mao rất cảm phục lòng yêu nước và những gì Ngô Tông Thống đã làm cho miền nam được phồn thịnh như ngày nay - Ý chủ Tịch Mao muốn có liên lạc ngoại giao với miền nam Việt Nam. Theo Mao chủ tịch thì đầu tiên hai bên sẽ đặt liên lạc trên cấp tổng lãnh sự sau đó sẽ nâng lên cấp Đại Sứ nếu tình thế cho phép. Hai bên sẽ có liên lạc chặt chẽ về văn hóa và bình thường hóa việc buôn bán giữa hai quốc gia. Trung quốc sẽ dàn xếp để hai miền nam và bắc có đại diện ở hai miền sau đó sẽ đi đến việc liên lạc, tiếp tế và buôn bán giữa hai miền v.v…
Ông Luyện trả lời là sẽ về trình Tổng Thống và trả lời ông Đại Sứ Trung cộng sau.
Ông Luyện đã đích thân về trình Tổng Thống Diệm việc này. Sau đó gần hai tháng sau ông được Tổng Thống triệu về và cho biết là sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch và với Đại sứ Hoa Kỳ thì đi đến kết luận là việc này chưa thể đồng ý trong giai đoạn này được.
Tổng Thống Diệm cũng cho ông Luyện rõ là khi ông sang thăm Đài Loan ông và Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã giao ước với nhau là sẽ hết lòng giúp đỡ nhau trong việc chống cộng và hai nước như là anh em. Tổng Thống bảo ông Luyện về trả lời Đại Sứ Trung Hoa là chính phủ Việt Nam rất cám ơn Mao chủ tịch và xin cho một thời gian để sắp xếp.
Khi ông Luyện kể cho tôi nghe tôi chợt nhớ năm 1963 Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan là ông Tưởng Kinh Quốc (là con Tổng Thống Tưởng Giới Thạch, sau làm Tổng Thống Đài Loan) có bí mật sang thăm Việt Nam và thường đàm luận với Tổng Thống Diệm nhiều đêm.
Tổng Thống cũng nói với ông Luyện là ông đồng ý với Tổng Thống Tưởng Giới Thạch là không bao giờ tin được cộng sản, vì vậy phải rất thận trọng. Ngoài ra Việt Nam Cộng Hòa có chính sách rõ ràng là nước nào đã có tòa Đại Sứ miền Bắc thì Việt Nam phải rất thận trọng khi đặt liên lạc ngoại giao.
Số tới: Về cuộc Đảo chánh