





Hình ảnh trong buổi ra mắt Thơ Trạch Gầm.
Garden Grove (Bình Sa)- - Vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật ngày 5 tháng 1 năm 2019 tại hội trường Thư Viện Việt Nam số 10872 Westminster Blvd Suite# 214-215 Garden Grove, CA 92843 (góc Euclid và Westminster).
Thư Viện Việt Nam, Biệt Đội Văn Nghệ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Nhà thơ Lính Trạch Gầm đã tổ chức thành công buổi ra mắt tác phẩm “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” của nhà thơ Lính Trạch Gầm, mặc dù một ngày cuối tuần bận rộn với nhiều sinh hoạt nhưng số người đến tham dự rất đông, hội trường Thư Viện Việt Nam không còn ghế ngồi, phần đông những người tham dự là các Niên trưởng, các chiến hữu, thân hữu và những người bạn tù đã từng gắn bó với nhau qua những thăng trầm của đời lính trên khắp các chiến trường, trong các trại tù cộng sản từ sau 1975.
Điềuhợp chương trình do Chiến hữu Vũ Long Sơn Hải, Biệt Đội Trưởng Biệt Đội Văn Nghệ.
Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Mỹ và phút mặc niệm do anh chị em trong Biệt Đội phụ trách,
Tiếp theo, Nhà thơ Trạch Gầm lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn các niên trưởng, các chiến hữu, thân hữu đã dành thời giờ đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” hôm nay, sự hiện diện của tất cả qúy vị là niềm khích lệ lớn lao cho chúng tôi.
Nhà thơ Trạch Gầm cho biết: “Thường những người học thức khuyên rằng, muốn sống yên ổn, bình thản thì hãy quên đi quá khứ. Tôi thấy lời nói đó rất đúng nên tôi mang những quá khứ của tôi tự chôn đi để mình không còn nhớ đến nữa. Nhưng, tôi lại chôn lầm vào huyệt nhớ, thành ra tôi cứ nhớ đến quá khứ của tôi hoài, mà nhớ nhiều nhất là những kỷ niệm trong thời gian tôi chiến đấu chống quân thù Cộng Sản. Vì thế mới có sách ‘Chôn Lầm Huyệt Nhớ.’ Và bài thơ đầu tiên trong cuốn sách này là bài “Khưi Tờ Lịch Cũ.” Oâng đọc lên cho mọi người cùng nghe: “Bỗng dưng khưi nhằm tờ lịch cũ/ Chợt gặp lại mình tuổi hai mươi/ Một lời xin lỗi làm sao đủ/ Trút cả tang thương giữa ngậm ngùi…”
Tiếp theo diễn giả Đốc Sự Bùi Đắc Danh, lên nói về tác phẩm “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” ông cho biết: tác giả Trạch Gầm có thể nói là chứa đầy những câu chuyện thực tế của chính tác giả, mà những câu chuyện đó đã nằm sâu trong ký ức của ông. Bởi vì những chuyện tác giả viết ra là những chuyện sống chết của chính mình. Phàm làm người, khi nói đến vấn đề sống chết thì người ta nhớ lâu và nhớ kỷ lắm. Vì thế, Trạch Gầm đã mạnh dạn viết ra quyển sách này. Ông đã phân tích rất chi tiết về những câu chuyện giữa những người quốc gia và những người cộng sản, tính nhân bản của người lính Việt Nam Cộng Hòa và tính dã man tàn bạo của người cộng sản giữa hai lằn ranh mà trong đó có tình gia đình, tình huynh đệ…
Sau đó Niên Trưởng Hoàng Đình Khuê, xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, một người thân thiết với gia đình nhà thơ Trạch Gầm lên nói về tác giả, tác phẩm “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” dày 253 trang với 32 mẩu chuyện, 12 bài thơ và bảy bài thơ đã được một số nhạc sĩ có tiếng tăm phổ nhạc. Trong tập sách này, tác giả ghi lại cuộc đời của mình từ lúc ấu thơ, tuổi học trò, đời lính, đi tù Cộng Sản, và cuộc đời kẻ lưu vong trên xứ người. Qua mỗi mẩu chuyện, tác giả đã ghi lại những tâm tình cùng người đọc để chia sẻ sự thăng trầm của một kiếp người bất hạnh đã sinh ra trong một thế kỷ mà quê hương, đất nước đầy rẫy chiến tranh tang tóc.
“Tác giả thuộc ‘nòi’ giang hồ, lãng tử, bạt mạng, ba gai, lì lợm, bất cần đời, coi cái chết nhẹ như lông hồng. Cho nên phong cách của người lính cầm bút không bị ngôn từ hạn chế, không bị gò bó trong khuôn khổ, văn phong ngắn gọn bình dân. Một điểm rất lạ là mặc dù tác giả gốc Quảng Ngãi, nhưng lớn lên ở Sài Gòn, ảnh hưởng phong tục tập quán, văn hóa miền Nam nên lời văn rất là Nam Kỳ. Vì thế, văn của ông bộc trực, thẳng thừng và thích chơi chữ, nói láy, văn tục kiểu ‘Đan Mạch.’ Nhưng, lại không thô tục khó nghe, mà trái lại làm cho người đọc thích thú, vì tác giả đã nói đúng sự suy nghĩ của người đọc…”
Để kết luận một bài phân tích khá dài ông Hoàng Đình Khuê đã cho biết: Trong lần giới thiệu tập sách “Bên Lề Cuộc Chiến”, tôi có cảm ơn nhà văn Trạch Gầm đã nói lên sự thật về cuộc chiến Việt Nam mà đám phản chiến và truyền thông, báo chí Mỹ đã xuyên tạc sự thật về cấp lãnh đạo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và bôi nhọ danh dự của quân dân Miền Nam.
Ngày hôm nay tôi cũng còn thắc mắc chúng ta chưa lấy lại hết danh dự của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vì vẫn còn nhiều luận điệu tuyên truyền sai sự thật về cuộc chiến Việt Nam, điển hình là cuốn phim mới nhất ‘The Vietnam War’do hai đạo diễn Ken Burn và Lynn Novick thực hiện đã thiên vị bất lợi cho phía Miền Nam Việt Nam. Xin yêu cầu nhà văn Trạch Gầm tiếp tục cho ra nhiều tác phẩm về cuộc chiến Việt Nam để làm sáng tỏ trước thế giới và nhất là con cháu hậu duệ Việt Nam biết rỏ về cộng sản Việt Nam độc tài, dối trá đã bán đất, bán biển cho bọn Tàu cộng phương Bắc.
Trong phần trình bày Diễn giả Hoàng Đình Khuê đã đọc lại bài thơ “Anh Hùng Vô Danh” một bài thơ bất hủ của Thi sĩ Đằng Phương (Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy) trong đó có đoạn: “Họ là những anh hùng không tên tuổi/ Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông/ Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh/ Nhưng can đảm và tận tình giúp nước….”
Chương trình tiếp nối với phần văn nghệ đấu tranh, và những bản tình ca về Lính, về quê hương do các Anh, Chị trong Biệt Đội Văn Nghệ trình diễn, trong lúc nầy ban tổ chức đã mời mọi người cùng ăn các món ăn quê hương để cùng thưởng thức chương trình văn nghệ.
Những tác phẩm đã xuất bản của Trạch Gầm: Thơ: “Vụn Vặt” (2007), “Ráng Chịu” (2009), “Dấu Giày Chinh Chiến” (2013). Sách: “Bên Lề Cuộc Chiến” (Việt Tide 2015), “Nhốt Vòng Nhớ Thương” (Việt Tide 2016). “Chôn Lầm Huyệt Nhớ” (Việt Tide 2018).
Mọi chi tiết liên lạc Trạch Gầm (714) 224-8406, hoặc vào trang web www.thotrachgam.wordpress.com
Gửi ý kiến của bạn