


WESTMINSTER (VB-Tâm Huy) -- Hòa Thượng Thích Thái Siêu đã đáp ứng lời cung thỉnh của Hội Phật Học Đuốc Tuệ quang lâm đến Hội Trường Nhật Báo Việt Báo, trên đường Moran, Thành Phố Westminster, vào chiều Chủ Nhật, ngày 6 tháng 1 năm 2019, để giảng về Bát Nhã Tâm Kinh cho đồng hương Phật tử tại miền Nam California.
Điều rất ngạc nhiên là dù mới được thông báo vài ngày trước, nhưng số lượng đồng hương Phật tử đến nghe Pháp rất đông. Người đến càng lúc càng đông, trước giờ bắt đầu buổi giảng, Hội Trường Việt Báo đã không còn chỗ để Ban Tổ Chức có thể sắp thêm ghế, nhiều vị đến sau đã phải đứng để nghe.
Được biết, Hòa Thượng Thích Thái Siêu xuất thân từ các Phật Học Viện uy tín nhất trong nước trước năm 1975 như Phật Học Viện Phổ Đà tại Đà Nẵng, Phật Học Viện Hải Đức tại Nha Trang, Tu Viện Quảng Hương Già Lam và Đại Học Vạn Hạnh tại Sài Gồn. Hòa Thượng cũng đã du học tại Ấn Độ và tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học trước khi đến Hoa Kỳ định cư vào năm 2003. Hòa Thượng Thích Thái Siêu ngoài vai trò Viện Chủ Chùa Đại Bảo Trang Nghiêm, thành phố Hayward, Bắc California, còn là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, kiêm Trưởng Ban Tổ Chức Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 9 sẽ đưọc tổ chức tại Bắc California vào tháng 7 năm nay, 2019.
Trong lúc chờ đợi thính chúng đến đông đủ để cung thỉnh Hòa Thượng Giảng Sư quang lâm hội trường, đạo hữu Minh Trí cùng ban đạo ca của Hội Phật Học Đuốc Tuệ đã cống hiến cho mọi người nhiều bản nhạc đạo làm người nghe thư giãn và lắng tâm để chuẩn bị đón nhận Phật Pháp.
Chương trình được điều hợp bởi đạo hữu Tịnh Tánh là người nữ Phật tử thường làm MC cho các chương trình tu học của Hội Phật Học Đuốc Tuệ từ bao lâu nay.
Đúng 2 giờ rưỡi, sau khi cung nghinh Hòa Thượng Giảng Sư quang lâm hội trường, đạo hữu Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả, Hội Trưởng Hội Phật Học Đuốc Tuệ đã có lời cẩn bạch cùng Hòa Thượng và đại chúng. Bác Mât Nghiêm cảm động nói rằng Hội Phật Học Đuốc Tuệ thật là hữu duyên có thể thỉnh được Hòa Thượng đến đây để ban thời Pháp đầu năm cho đại chúng. Rồi bác Mật Nghiêm đọc lời dịch tiếng Việt của câu kệ trong Kinh Kim Cang để dâng lên Hòa Thượng và cúng dường thính chúng:
“Hết thảy pháp hữu vi như mộng huyễn, như bọt bóng, như sương chớp…”
Tất cả thính chúng đồng hát bài ca Thỉnh Chư Thiên với tiếng đàn guitar của đạo hữu Minh Trí trước khi Hòa Thượng chính thức giảng Bát Nhã Tâm Kinh.
Trước khi giảng, Hòa Thượng đã y hậu chỉnh tề và đảnh lễ Phật ba lạy trước bàn thờ Phật trang nghiêm do Ban Tổ Chức thiết đặt tại hội trường.
Hòa Thượng nói rằng trong thời giảng hôm nay về Bát Nhã Tâm Kinh ngài sẽ nói đến năm đề mục chính: Dẫn nhập, văn bản Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Bát Nhã được đức Phật nói lúc nào và ở đâu, ai thực hành Bát Nhã, và đi vào nội dung của Bát Nhã Tâm Kinh.
Về văn bản, Hòa Thượng cho biết nguyên văn đề kinh tiếng Phạn là Prajnàparamitàhrdaya Sutra. Hán dịch là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Bát Nhã Tâm Kinh nằm trong Bộ Kinh Đại Bát Nhã truyền thuyết do Bồ Tát Long Thọ xuống Long Cung học thuộc lòng để đem lên truyền bá trên nhân gian. Bản dịch chữ Hán do ngài Huyền Trang thực hiện vào Đời Đừng thế kỷ thứ 7 ở Trung Hoa. Tại Việt Nam, Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã dịch sang tiếng Việt Kinh Đại Bát Nhã. Hòa Thượng Thích Thái Siêu cho biết Bát Nhã Tâm Kinh có mấy người dịch sang chữ Hán, mà trong đó bản dịch của ngài Huyền Trang được lưu truyền sâu rộng nhất, gồm 260 chữ. Hòa Thượng cũng cho biết có nhiều bản dịch tiếng Việt của Bát Nhã Tâm Kinh.
Trong phần giải thích đề kinh, Hòa Thượng cho biết rằng Prajnà dịch âm là Bát Nhã, dịch nghĩa là trí tuệ, mà trí tuệ này là do tu tập, do chứng đắc mới có, tức là do thực hành giáo pháp mới phát sinh. Paramita dịch âm là Ba La Mật, dịch nghĩa là Đáo Bỉ Ngạn, tức là qua bờ bên kia hay cứu cánh. Hrdaya dịch là tâm, tức là trái tim, là cốt tủy, là tóm tắc. Vì vậy, Hòa Thượng nói rằng theo ý nghĩa tiếng Việt thì Bát Nhã Tâm Kinh dịch là Bài Kinh Diễn Tả Trí Tuệ Tóm Tắt, hay Bài Kinh Cốt Yếu Về Trí Tuệ Qua Bờ Bên Kia.
Về vấn đề Kinh Bát Nhã đã được đức Phật nói lúc nào và ở đâu, thì Hòa Thượng trích bài kệ ngũ thời phán giáo của ngài Thiên Thai Trí Gỉa Đại Sư chia các thời thuyết pháp của đức Phật ra làm 5 thời chính:
Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật,
A Hàm thập nhị, Phương Đẳng bát,
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm,
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên.
Theo đó, Hòa Thường giảng rằng, Phật giảng Kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày đầu sau khi thành đạo. Các Kinh A Hàm được Phật dạy trong 12 năm sau đó. Các Kinh Đại Thừa Phương Đẳng được Phật giảng trong 8 năm. Phật nói Kinh Bát Nhã trong 22 năm. Sau cùng là Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết Bàn Phật dạy trong 8 năm cuối cùng trước khi Phật nhập niết Bàn.
Về vấn đề đức Phật giảng Kinh Bát Nhã ở đâu thì Hòa Thượng cho biết có 4 chỗ mà đức Phật đã giảng lúc ngài còn tại thế, đó là: Kỳ Viên Tịnh Xá, Trúc Lâm Tịnh Xá, Linh Thứu Sơn, và Cung Trời Tha Hóa Tự Tại.
Về vấn đề ai thực hành Bát Nhã thì Hòa Thượng giảng rằng như trong Bát Nhã Tâm Kinh có nói “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa,” tức là Bồ Tát Quán Tự Tại -- tôn xưng khác của Bồ Tát Quán Thế Âm -- đã thực hành Bát Nhã xâu xa. Chỗ này Hòa Thượng lưu ý thính chúng khi đọc bản chữ Hán cần phải hiểu cho rõ về nhóm chữ “hành thâm Bát Nhã,” mà theo Hòa Thượng thì bản chữ Phạn nghĩa của chữ “thâm” đóng vai trò tính từ bổ nghĩa cho chữ Bát Nhã, nên phải hiểu là Bát Nhã sâu xa. Chứ không phải chữ “thâm” có vai trò trạng từ bổ nghĩa cho động từ “hành” đứng trước. Đây là điểm rất chuyên môn mà đa phần Phật tử không biết tiếng Phạn thì không rõ.
Đi vào phần nội dung của Bát Nhã Tâm Kinh, Hòa Thượng đã đọc một số câu trong trong Kinh chữ Hán và giải nghĩa chữ Việt để mọi người hiểu rõ.
Tuy nhiên, Hòa Thượng nhấn mạnh rằng nội dung cốt lõi của Bát Nhã Tâm Kinh nằm ở 2 câu:
“Ngũ uẩn giai không” và “Tâm vô quái ngại.”
Hòa thượng giảng rộng thêm rằng, nhờ trí tuệ Bát Nhã quán chiếu ngũ uẩn – là 5 yếu tố tạo thành con người hay chúng sinh là sắc (thuộc vật chất do đất nước gió lửa tạo thành), thọ, tưởng, hành và thức thuộc tinh thần -- đều vô thường biến họai, không thật có, vì vậy không có ngã, không có tự tánh, là Không. Không ở đây, theo Hòa Thượng, không phải là ngoan không, không có gì, mà chính là do duyên khởi mà có, tức là do nhiều yếu tố, nhiều điều kiện hợp thành, theo chữ Phạn là Sunyata hay buddhata, tức là Không Tánh hay Phật Tánh. Hòa Thượng nói rằng do quán chiếu được ngũ uẩn giai không như thế nên mới đạt được trạng thái tâm không quái ngại và không còn mọi sợ hãi (khủng bố), tức là tự tại giải thoát.
Hòa Thượng cho biết rằng câu chú ở cuối Tâm Kinh Bát Nhã “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế bồ đề tát bà ha,” có nghĩa là lời đức Phật khuyên chúng ta hãy đi qua, đi qua, đi qua trọn vẹn bên bờ bên kia, là bờ giác ngộ giải thoát.
Sau phần giảng, Hòa Thượng đã dành nửa giờ để cho mọi người có thể hỏi những vấn đề còn chưa hiểu về Bát Nhã Tâm Kinh và về Phật Pháp để Hòa Thượng giái đáp. Có nhiều Phật tử đã đưa tay lên để hỏi Phật Pháp và được Hòa Thượng giải thích rõ.
Điều đặc biệt là trong suốt thời giảng kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ mà mọi người đều ngồi yên lặng để lắng nghe và cảm thấy rất vui vẻ, rất thoải mái, rất thư giãn. Có lẽ là nhờ Hòa Thượng đã khéo léo phương tiện kể nhiều câu chuyện vui, nhưng mang nhiều ý nghĩa giáo dục rất hào hứng.
Chẳng hạn, Hòa Thượng kể chuyện có gia đình vợ chồng Phật tử kia đến thưa với Hòa Thượng rằng năm mới họ bị sao “la hầu” nên sợ sẽ gặp điều không vui trong nhà và nhờ Hòa Thượng cúng sao giải hạn. Hòa Thượng nói với họ điều đó không khó và hãy làm theo lời Hòa Thượng dặn thì sẽ cả nhà an vui. Hai cợ chồng háo hức muốn biết đó là điều gì thì Hòa Thượng nói từ nay vợ chồng đừng “la” mà hãy “hầu” thì sẽ vui vẻ cả nhà thôi. Nghe đến đây thì cả hội trường đều cười rộ lên rất thoải mái.
Điều mà Hòa Thượng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt buổi giảng Bát Nhã Tâm Kinh là học Phật Pháp là để thực hành, có thực hành Phật Pháp thì mới có lợi ích lớn lao, đó là thoát khỏi khổ đau của cuộc đời. Hòa Thượng cũng nhắc nhở người Phật tử cần phải biết cư xử và sống có nhân cách, có đạo đức, chân thật, ngay thẳng.
Bản tin này chỉ ghi lại một số điểm chính mà không thể ghi đầy đủ tất cả những gì Hòa Thượng đã giảng rất chi tiết, rất công phu trong suốt 2 giờ đồng hồ.
Trước khi kết thúc thời giảng, đạo hữu Tâm Cát trong Ban Điều Hành của Hội Phật Học Đuốc Tuệ đã thay mặt đại chúng bày tỏ lòng thành tri ân sâu xa đến Hòa Thượng Thích Thái Siêu đã hoan hỷ đến đây để ban cho thính chúng thời Pháp rất sâu sắc và lợi lạc. Ông cũng không quên cảm ơn tất cả đồng hương Phật tử đến đây để nghe Pháp. Ông cầu chúc mọi người năm mới vô lượng an lành.
Điều cảm động là khi chư vị đại diện hội chúng dâng phần tịnh tài cúng dường lên Hòa Thượng để tỏ lòng tri ân, thì Hòa Thượng hoan hỷ nhận xong rồi cúng lại cho Hội. Hòa Thượng nói mười mấy năm nay ngài vẫn làm thế, và ngài muốn cúng lại để Hội Phật Học Đuốc Tuệ có điều kiện tiếp tục tổ chức những buổi tu học như thế này cho tất cả mọi người.
Kính cảm ơn Hòa Thượng Thích Thái Siêu đã ban cho một thời Pháp thật ý nghĩa và lợi lạc.