HÀ NỘI (Reuters) - Ngoại trưởng của 10 nước Hiệp hội Đông Nam Á (ASEAN) sẽ bắt đầu họp vào tuần tới tại Hà Nội với nhu cầu cần có một ý thức chủ trương chung trong khi xu thế của toàn vùng đang phải hướng về Trung Quốc ở phía Bắc.
Từ chủ nhật 26-7 họ sẽ họp trong 2 ngày chính thức, để sau đó mở rộng thành một cuộc họp Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) bao gồm 23 nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.
Người ta chờ sự xuất quân của các nhân vật gạo cội như Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell, Ngoại trưởng Trung Quốc Đường Gia Toàn và Nữ ngoại trưởng đầu tiên của Nhật Bản Makiko Tanaka.
Tuy nhiên sau một năm lãnh đạo dè dặt của Hà Nội, không ai tin rằng sẽ có biến chuyển gì ngoạn mục trong tổ chức ASEAN. Người ta chú ý đến những cuộc họp song phương bên lề hội nghị chính thức.
Thế nhưng khởi đầu đã có dấu hiệu không tốt, vì hôm thứ năm Bắc Hàn loan báo sẽ không gửi Ngoại trưởng đi họp, thành ra hy vọng tiêu tan về một cuộc họp cấp cao giữa Mỹ, Nam Hàn và Bắc Hàn, một cơ hội Việt Nam mong mỏi được đóng vai trò trung gian hòa giải.
Sau chuyện đó, người ta chú ý nhiều đến Ngoại trưởng Powell. Ông này sẽ đến Hà Nội ngày thứ ba 28-7 và đây là chuyến di đầu tiên của Powell đến Việt Nam sau khi ông đã từng tham chiến ở Việt Nam hơn 30 năm trước.
Cuộc họp lần này không phải chỉ là một sự thử thách trong nội bộ khối ASEAN mà còn là thử thách giữa các nước lớn đến dự Diễn đàn ARF.
Trong khi đã có những dấu hiệu cải thiện bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi có vụ rắc rối về chiếc phi cơ do thám của Mỹ, giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang có chuyện gay go về thương mại, kèm thêm một vụ xích mích giữa một bên là Nhật Bản và một bên là Trung Quốc và Nam Hàn về một cuốn sách giáo khoa mới của Nhật Bản, khơi động lại những ký ức về sự tàn bạo của quân đội Thiên hoàng Nhật Bản trong thời Đệ nhị Thế chiến. Quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản cũng có rắc rối về vụ một lính Mỹ đã hãm hiếp một phụ nữ Nhật Bản ở Okinawa.
Trong bối cảnh vẫn còn những điều bất ổn, chẳng hạn như có những bất đồng của các nước ASEAN, kể cả Việt Nam, với Trung Quốc về những tranh chấp lãnh thổ ở Nam Hải và sự lo ngại ngày càng gia tăng trước uy thế ngự trị về kinh tế và chính trị của Trung Quốc trong khu vực.
Giữa một tình thế như vậy các Ngoại trưởng ASEAN đành đi vào một nghị trình có tính các nội bộ là chấp thuận một bản tuyên ngôn chính trị nhằm thâu hẹp khoảng cách giữa các nước giầu và nước nghèo trong khối. Đây chỉ là một lời tuyên bố ý định, nhưng nó cũng làm nổi bật lên tính rời rạc, không thuần nhất của tổ chức ASEAN.