Báo Đất Việt có bản tin nhan đề “Chưa giàu đã già, lời cảnh báo đã sắp… quen tai!” trong đó đưa ra lời cảnh báo: Nguy cơ chưa giàu đã giàu đồng nghĩa với kinh tế Việt Nam đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn và sập bẫy thu nhập trung bình.
Bản tin kể rằng một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Đáng chú ý là tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam lại có xu hướng giảm. Nếu trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% một năm thì từ năm 2008 tốc độ tăng năng suất lao động trung bình chỉ còn 3,3% một năm.
So sánh Việt Nam với các nước trên thế giới về ba chỉ tiêu: thu nhập trung bình, tỷ lệ dân số già, và quy mô nợ công, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam khó tránh khỏi bẫy của quốc gia chưa giàu đã già, lại nợ nần nhiều.
Bản tin kể rằng trong báo cáo sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch 2018 trình Quốc hội, Chính phủ cho biết, nợ công của Việt Nam khoảng 61,4% GDP. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực.
Đáng lưu ý, nợ nước ngoài của Việt Nam (gồm nợ vay, bảo lãnh của Chính phủ và các thành phần kinh tế vay theo hình thức tự vay tự trả) tương đương 49,7% GDP trong khi trần nợ vay là 50% GDP.
TS Vũ Sỹ Cường trong một hội nghị về nợ công ở Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2017 đã bày tỏ lo ngại, nhiều nước ở giai đoạn phát triển như Việt Nam hiện tại thường vay chưa nhiều vì “họ để dành khoản đó, khi đủ phát triển rồi, nhu cầu tăng lên thì mới vay.” Còn với Việt Nam, ông cho rằng, trong điều kiện hiện vẫn chỉ là nước thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh và năng lao động bình quân còn thấp thì nợ công đã ở mức cao.
Trong khi ấy, theo ông, vay nợ của Việt Nam chắc chắn còn tăng nữa khi mà dân số già đi, gánh nặng các quỹ sẽ đè nặng, khả năng tạo thu nhập mới giảm đi.
“Các nước khác thường lúc trẻ họ vay ít, dần dần vay nhiều lên, còn chúng ta có nguy cơ chưa giàu thì đã sớm già lại nợ nần nhiều," vị chuyên gia của Học viện Tài chính ví von.