Sinh trưởng tại Huế trong một gia đình thanh bạch, thủa thiếu thời ông phải đi dạy kèm con cái các nhà giàu để có tiền ăn học. Cơ duyên đưa đẩy, chính nhờ việc dạy kèm mà ông gặp được cô học trò giỏi, vừa đẹp người lại vừa đẹp nết để trở thành người bạn đường tri kỷ một đời. Và cũng nhờ gia đình vợ giúp đỡ, Ngô Viết Thụ được đi du học ngành kiến trúc ở Pháp năm 1950. Tại Pháp, ông được một giáo sư có nhiều uy-tín là kiến trúc sư Lemaresquier thương mến và nâng đỡ tận tình. Do sự khuyến khích của Giáo sư Lemaresquier, Ngô Viết Thụ ghi danh học thêm ở Viện Kiến Thiết Đô Thị Paris.
Trong khi còn là sinh viên kiến trúc Paris, Ngô Viết Thụ đã đoạt giải Paul Bigel do Viện Hàn Lâm tổ chức. Năm 1955 ông được chọn làm đại diện tham dự giải Khôi Nguyên La Mã (Premier Grand Prix de Rome). Tuy là một vinh dự nhưng cũng là một đòi hỏi lớn cho bản thân vì phải ganh đua, với hàng trăm thí sinh xuất sắc, của Âu Châu. Năm đó cuộc thi chỉ còn có 10 người vô chung kết. Đề tài thi cuối cùng là phác họa một “Ngôi Thánh Đường trên Địa Trung Hải”. Hội đồng giám khảo gồm 29 kiến trúc sư thượng thặng của ngành kiến trúc Âu Châu. Đồ án của thí sinh Ngô Viết Thụ được Hội đồng tuyển chọn nhưng vị Chánh chủ khảo đã gọi Ngô Viết Thụ vào phòng thi để chỉ trích về điểm ông đã vẽ ngôi Thánh đường xây lưng về thánh địa Jesusalem. Nhờ lanh trí và nhờ cái vốn kiến thức về Hán học, thí sinh Ngô Viết Thụ đã viện dẫn tư tưởng triết học Đông phương để biện minh: “Chúa trời là Thượng Đế, là đấng tạo hóa, do đó, Chúa có mặt khắp nơi, nơi nào có ánh sáng là có Chúa”. Trong một dịp tâm sự với kẻ viết bài này, KTS Ngô Viết Thụ đã nhắc lại kỷ niệm trên đây và nói: “Lúc đó bỗng nhiên tôi nhớ tới chữ Hán trong sách Minh Tâm Bửu Giám là “Hoàng thiên vô bất sở tại” câu đồng nghĩa với trời có mặt khắp nơi”.
Nhờ tài ứng đối trôi chảy mà thí sinh Ngô Viết Thụ thuyết phục được vị Chánh chủ khảo để hân hoan nhận lãnh giải Khôi Nguyên La mã, đem lại vinh dự cho dân tộc việt Nam. Lúc đó ông vừa tròn ba mươi tuổi. Giải này đã đem lại cho ông cơ hội ngàn năm một thuở: Ông được cấp học bổng 3 năm liền để ở lại Ý Đại Lợi nghiên cứu và sáng tác. Và lại được ở ngay trong khu biệt thự Médicis, một tài sản lớn của Pháp ở Thủ đô nước Ý. Chính nơi đây, KTS Ngô Viết Thụ đã thai nghén nhiều đồ án kiến trúc để áp dụng trong tương lai tại Việt Nam và đã làm vẻ vang cho sự nghiệp của ông.
Tác giả bài nầy, trong lần về Sài Gòn, vì bận việc gia đình ở Huế nên tôi chưa vào Sài Gòn để đến thăm ông thì nghe tin KTS Ngô Viết Thụ đã ra đi. Tôi bàng hoàng xúc động như vừa mất một người ruột thịt. Vì vậy, khi vô tới Sài Gòn là tôi tạt qua nhà ông ở đường Đoàn Thị Điểm để chia buồn cùng tang quyến. Đón tôi ở cổng là con gái thứ của ông. Nước mắt lưng tròng với giọng nói trầm buồn, cháu Ngô Thị Anh Đào đã kể cho tôi nghe những giây phút sau cùng của thân phụ. Ông bị stroke ngày 4-3 và êm ái ra đi lúc 10 giờ sáng ngày 9-3-2000, sau khi đã dặn dò các con hãy thương yêu đùm bọc nhau. Được biết KTS Ngô Viết Thụ có 4 người con hiện sinh sống tại Pháp và 2 người đang học ngành kiến trúc tại Philadelphia.
Vẫn theo lời con gái KTS Ngô Viết Thụ thì để tỏ lòng kính mến đối với một bậc thầy trong ngành kiến trúc Việt Nam, Viện Trưởng Viện Đại Học Kiến Trúc Sài Gòn cùng với một số Giáo sư và cũng là môn đệ của ông, đã đứng ra xin phép nhà chức trách địa phương cho phép xe tang cố KTS Ngô Viết Thụ được dừng lại trước cổng Dinh Độc Lập (cũ) để vong hồn ông được nhìn lại lần cuối tác phẩm ông đắc ý nhất trong số các tác phẩm kiến trúc mà ông đã thực hiện trong suốt cuộc đời.
Điều làm tôi cảm động nhất là khi được cháu Anh Đào cho biết, khi nghe tin Huế bị lụt lớn, ông khóc và buồn bã suốt mấy ngày và than thở với con gái: “Ba buồn lắm, là một Kiến trúc sư mà ba không tìm ra được một mẫu nhà chống lụt cho đồng bào ở Huế. Ba muốn thiết kế một mẫu nhà nổi có giây neo (Cable) như mẫu nhà nổi ở sông Mississipi bên Mỹ, nhưng chưa có đủ tài liệu.”
“Thiệt thương cho ba cháu, lúc nào cũng ôm ấp hoài bão xây dựng quê hương, chưa thực hiện được nguyện vọng cuối cùng thì đã ra đi!” Con gái KTS Ngô Viết Thụ kết thúc câu nói bằng tiếng nấc nghẹn ngào đầy nước mắt.
Vĩnh biệt Anh Ngô Viết Thụ, một nhân tài của đất nước.
Xin cầu nguyện hương linh anh sớm về miền Cực Lạc và xin anh phù hộ cho cháu Ngô Nam Sơn, con trai của anh sẽ thay anh thiết kế đồ án “ngôi nhà chống lụt” cho đồng bào mình trên quê hương khốn khổ.
Quận Cam, tháng 4-2000
Tôn Thất An Cựu