Hãng tin nhà nước cho biết: FPT cũng có một số khách hàng quan trọng khác tại Mỹ, và FPT coi Mỹ là thị trường xuất cảng nhu liệu quan trọng số một của mình. Chiến lược của FPT thâm nhập thị trường Mỹ được cụ thể hoá trong 7 điểm sau đây.
Một là, thuần thục tiếng Anh, đạt mức điểm TOEFL trung bình 500 đối với toàn thể nhân viên và 550 đối với cán bộ lãnh đạo. Hai là, nâng chất lượng sản phẩm đạt mức được cấp chứng chỉ CMM bậc 4 (là chuẩn chất lượng công nghiệp quốc tế chuyên cho lĩnh vực phát triển nhu liệu). Hiện trên thế giới mới có khoảng 100 công ty đạt chuẩn này, và tại châu Á mới có một công ty (của Nhật) đạt. Ba là, thắt chặt quan hệ hợp tác đào tạo với các trường đại học, mở rộng mạng lưới đào tạo lập trình viên quốc tế APTECH đến các địa phương trong cả nước, nhằm bảo đảm đủ số lượng lập trình viên trình độ quốc tế, đáp ứng nhu cầu dự tính là 5,000 lập trình viên sau năm 2005. Bốn là, hợp pháp hoá sử dụng phần mềm (tức nhu liệu): chính thức mua toàn bộ các chương trình công cụ dùng trong quá trình phát triển nhu liệu. Tức là tuân thủ luật bản quyền, không dùng phần mềm ăn cắp. Năm là, tiếp cận các mũi nhọn công nghệ hiện đại nhất, ví dụ dịch vụ WAP, để tạo vị trí riêng của VN trên thương trường khác biệt với Ấn Ịộ. Sáu là, tập trung xuất cảng nhu liệu cho các khách hàng là các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như IBM, HP-Compaq, Cisco, Intel..., tạo uy tín để có sức bật trên thương trường trong những năm tiếp theo. Và bảy là, chiến lược dùng người Mỹ bán cho người Mỹ, tức là sử dụng các chuyên gia Mỹ để thâm nhập thị trường nước này.
Cũng theo tin này, đó là những bước đầu FPT thực hiện để đạt mục tiêu đề ra là 200 triệu USD giá trị xuất cảng nhu liệu trong tương lai.