LTS. Sau đây là nguyên văn "Điếu Văn Của Ông Nguyễn Hữu Chung đọc trong buổi lễ an táng cựu Đại Tướng QLVNCH Dương Văn Minh." Trước 1975, Ông Chung là dân biểu VNCH thuộc khối đối lập. Sau khi miền Nam VN sụp đổ, ông định cư tại Canada. Một số bài viết về thời sự, chính trị của ông Chung vẫn thường được phổ biến trên báo chí hải ngoại.
*
Hôm nay chúng ta đứng trước xác thân của một người LÍNH. Đây là cái chết lần thứ nhì của một người lính suốt đời lo cho đất nước.
Tôi nghĩ rằng người lính là một người đặt tổ quốc và danh dự lên trên tất cả, là một người mà mối ưu tư hàng đầu là đất nước và đồng bào. Theo ý nghĩa đó, tôi thấy ông Dương Văn Minh là một người LÍNH đích thực, trọn vẹn, và suốt đời.
Tôi là một người làm chính trị đã có dịp cộng tác với ông Dương Văn Minh trong 6 năm, từ năm 1969 tới năm 1975. Trong suốt thời gian đó, tôi không hề thấy ông là một chính trị gia, theo cái nghĩa mà người ta thường hiểu, vì ông không có cái khôn khéo của những con buôn chánh trị và không có cái dễ thương dưới mắt những người ngoại quốc. Ông chỉ là một người lo bảo vệ nước, bảo vệ dân, gọi đơn giản là một người lính. Điều này càng đúng hơn nếu hiểu theo nghĩa trắng của danh từ, vì tuy đã rời quân ngũ, ông Dương Văn Minh lúc nào cũng coi nhưng người quân nhân là anh em của ông và tự cho cái bổn phận phải lo cho họ.
Tôi có cái hân hạnh đã cộng tác thân thiết với ông Dương Văn Minh và ông đã thảo luận với tôi tất cả những điều liên quan đến chiến tranh và chánh trị trong thời gian đó. Nhờ vậy mà tôi có được biết chút ít về ông. Và điều mà tôi biết rõ nhất về ông là một người rất thương dân và thương anh em quân đội. Nỗi ưu tư to lớn của ông là nỗi an nguy của đồng bào và của anh em quân đội trong cuộc chiến tranh không có lối thoát, trong đó miền Nam Việt Nam đã bị lệ thuộc toàn vẹn và trên mọi lãnh vực vào đồng minh, không còn tự chủ và không còn khả năng tự tồn.
Nỗi ưu tư đó được thấy rõ hơn hồi đầu năm 1975. Lúc đó, nhiều đơn vị quân đội lớn nhỏ bắt đầu tan rã, những mặt trận bị suy sụp nặng nề, súng đạn, xăng dầu bị thiếu hụt, và tệ hại hơn cả, Quốc hội Mỹ cắt hết mọi viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà. Những chuyện đó nhiều người biết, tôi biết, và ông Dương Văn Minh cũng biết rõ. Lúc đó, ông không có ảo tưởng về quyền lực. Khi tôi khuyên ông không nên lãnh trách nhiệm trước một tình thế tuyệt vọng như vậy thì ông đã đồng ý với tất cả những lập luận của tôi, nhưng ông cũng bảo rằng ông cũng phải làm một cái gì để cứu dân chúng và cứu quân đội. Tôi đã xin lỗi và không tham gia vào chánh phủ do ông vận động thành lập cùng với quý ông Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu. Nhưng ông vẫn tiếp tục mời tôi để thảo luận về mọi chuyện. Vì không có tham gia chánh phủ, tôi có tự do để ra đi mà không phải bận bịu với trách nhiệm. Đến sáng ngày 30 tháng 4, khi đơn vị cuối cùng phòng thủ Saigon bị tan rã, tôi quyết định ra đi và yêu cầu ông cùng ra đi. Nhưng ông đã từ chối, cũng như ông đã từ chối lời mời lễ độ của quý vị sĩ quan Hải quân khi qúy vị này xin phép được di tản.
Ông Dương Văn Minh bảo với tôi rằng ông là một quân nhân chỉ huy, ông phải có danh dự của một quân nhân, khi đã lãnh trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm. Ông bảo rằng ông phải ở lại để chia xẻ những nỗi khổ nhục với anh em quân đội. Ông bảo rằng nếu quân Cộng sản Bắc Việt có giết ông cũng như quân Khmer Đỏ đã giết Thủ tướng Sirik Matak ở Nam Vang thì điều đó cũng như ông đã chết trong một cuộc hành quân. Ông bảo rằng chuyện thống nhất dân tộc Việt Nam không thể giải quyết như thế nầy, ngày hôm nay đâu. Ông bảo tôi hãy ra đi, để có dịp học hỏi thêm và để sống sót để nhìn thấy những biến chuyển của lịch sử. Sáng hôm đó, bắt tay từ giã ông, tôi thấy một người lính gan lì, đầy danh dự. Sáng hôm đó, ông Đại tướng Dương Văn Minh đã ngã xuống cùng với quân đội của ông và nước Việt Nam Cộng Hoà.
Năm 1983, khi gặp lại tôi, ông không hề than trách gì về thân phận của mình. Thấy ông già đi nhiều và có vẻ chậm chạp, tôi hỏi ông có còn chơi thể thao như đánh quần vợt hay không" Ông bảo làm sao chơi được, dù có lời mời của nhiều người, khi bao nhiêu anh em quân nhân còn đói khổ chết chóc trong tù, khi đồng bào không đủ cơm ăn, không có thuốc uống, và khi nhiều người đang chết trên đường vượt biển. Ông bảo rằng vì muốn tránh những cảnh này mà ông đã lãnh trách nhiệm hồi năm 1975 nhưng tình thế đã quá muộn.
Trong 20 năm qua, thỉnh thoảng ông Dương Văn Minh và tôi vẫn nói chuyện với nhau, và tôi thấy ông vẫn mang nặng mối ưu tư về đất nước. Trong mấy lần chót, ông đã hỏi tôi về những vấn đề của đồng bào Thượng trên Cao nguyên, về chánh sách của Trung quốc đối với Việt Nam và của Việt Nam đối với Trung quốc, về thương ước Việt-Mỹ vừa được ký kết, v.v...
Tám mươi sáu tuổi (86) tuổi, ông vẫn mang nặng nước Việt Nam trong lòng, và tôi e rằng khi tắt thở ông cũng còn đang nghĩ tới nước Việt Nam. "Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan".
Hôm nay ông ra đi, vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời, vĩnh viễn lìa bỏ nước Việt Nam của ông. Nước Việt Nam của ông rồi sẽ biết rõ đứa con Dương Văn Minh của nước đã làm gì cho nước, bao nhiêu điều đúng, bao nhiêu điều sai, vì dưới ánh sáng lịch sử sự thật về cuộc đời của mỗi người sẽ được sáng tỏ. Riêng phần tôi, tôi nghĩ rằng, nếu con người quả thật có linh hồn, thì ở thế giới bên kia, những đồng bào của ông, nạn nhân của cuộc chiến điên dại vừa qua, và những chiến binh đã ngã gục khi chiến đấu vì nghĩa vụ của mình, những người đó đã mở rộng vòng tay để ôm lấy ông như là một người thân thương của họ.
Ngày 18 tháng 8 năm 2001
Nguyễn Hữu Chung
*
Hôm nay chúng ta đứng trước xác thân của một người LÍNH. Đây là cái chết lần thứ nhì của một người lính suốt đời lo cho đất nước.
Tôi nghĩ rằng người lính là một người đặt tổ quốc và danh dự lên trên tất cả, là một người mà mối ưu tư hàng đầu là đất nước và đồng bào. Theo ý nghĩa đó, tôi thấy ông Dương Văn Minh là một người LÍNH đích thực, trọn vẹn, và suốt đời.
Tôi là một người làm chính trị đã có dịp cộng tác với ông Dương Văn Minh trong 6 năm, từ năm 1969 tới năm 1975. Trong suốt thời gian đó, tôi không hề thấy ông là một chính trị gia, theo cái nghĩa mà người ta thường hiểu, vì ông không có cái khôn khéo của những con buôn chánh trị và không có cái dễ thương dưới mắt những người ngoại quốc. Ông chỉ là một người lo bảo vệ nước, bảo vệ dân, gọi đơn giản là một người lính. Điều này càng đúng hơn nếu hiểu theo nghĩa trắng của danh từ, vì tuy đã rời quân ngũ, ông Dương Văn Minh lúc nào cũng coi nhưng người quân nhân là anh em của ông và tự cho cái bổn phận phải lo cho họ.
Tôi có cái hân hạnh đã cộng tác thân thiết với ông Dương Văn Minh và ông đã thảo luận với tôi tất cả những điều liên quan đến chiến tranh và chánh trị trong thời gian đó. Nhờ vậy mà tôi có được biết chút ít về ông. Và điều mà tôi biết rõ nhất về ông là một người rất thương dân và thương anh em quân đội. Nỗi ưu tư to lớn của ông là nỗi an nguy của đồng bào và của anh em quân đội trong cuộc chiến tranh không có lối thoát, trong đó miền Nam Việt Nam đã bị lệ thuộc toàn vẹn và trên mọi lãnh vực vào đồng minh, không còn tự chủ và không còn khả năng tự tồn.
Nỗi ưu tư đó được thấy rõ hơn hồi đầu năm 1975. Lúc đó, nhiều đơn vị quân đội lớn nhỏ bắt đầu tan rã, những mặt trận bị suy sụp nặng nề, súng đạn, xăng dầu bị thiếu hụt, và tệ hại hơn cả, Quốc hội Mỹ cắt hết mọi viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà. Những chuyện đó nhiều người biết, tôi biết, và ông Dương Văn Minh cũng biết rõ. Lúc đó, ông không có ảo tưởng về quyền lực. Khi tôi khuyên ông không nên lãnh trách nhiệm trước một tình thế tuyệt vọng như vậy thì ông đã đồng ý với tất cả những lập luận của tôi, nhưng ông cũng bảo rằng ông cũng phải làm một cái gì để cứu dân chúng và cứu quân đội. Tôi đã xin lỗi và không tham gia vào chánh phủ do ông vận động thành lập cùng với quý ông Nguyễn Văn Huyền và Vũ Văn Mẫu. Nhưng ông vẫn tiếp tục mời tôi để thảo luận về mọi chuyện. Vì không có tham gia chánh phủ, tôi có tự do để ra đi mà không phải bận bịu với trách nhiệm. Đến sáng ngày 30 tháng 4, khi đơn vị cuối cùng phòng thủ Saigon bị tan rã, tôi quyết định ra đi và yêu cầu ông cùng ra đi. Nhưng ông đã từ chối, cũng như ông đã từ chối lời mời lễ độ của quý vị sĩ quan Hải quân khi qúy vị này xin phép được di tản.
Ông Dương Văn Minh bảo với tôi rằng ông là một quân nhân chỉ huy, ông phải có danh dự của một quân nhân, khi đã lãnh trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm. Ông bảo rằng ông phải ở lại để chia xẻ những nỗi khổ nhục với anh em quân đội. Ông bảo rằng nếu quân Cộng sản Bắc Việt có giết ông cũng như quân Khmer Đỏ đã giết Thủ tướng Sirik Matak ở Nam Vang thì điều đó cũng như ông đã chết trong một cuộc hành quân. Ông bảo rằng chuyện thống nhất dân tộc Việt Nam không thể giải quyết như thế nầy, ngày hôm nay đâu. Ông bảo tôi hãy ra đi, để có dịp học hỏi thêm và để sống sót để nhìn thấy những biến chuyển của lịch sử. Sáng hôm đó, bắt tay từ giã ông, tôi thấy một người lính gan lì, đầy danh dự. Sáng hôm đó, ông Đại tướng Dương Văn Minh đã ngã xuống cùng với quân đội của ông và nước Việt Nam Cộng Hoà.
Năm 1983, khi gặp lại tôi, ông không hề than trách gì về thân phận của mình. Thấy ông già đi nhiều và có vẻ chậm chạp, tôi hỏi ông có còn chơi thể thao như đánh quần vợt hay không" Ông bảo làm sao chơi được, dù có lời mời của nhiều người, khi bao nhiêu anh em quân nhân còn đói khổ chết chóc trong tù, khi đồng bào không đủ cơm ăn, không có thuốc uống, và khi nhiều người đang chết trên đường vượt biển. Ông bảo rằng vì muốn tránh những cảnh này mà ông đã lãnh trách nhiệm hồi năm 1975 nhưng tình thế đã quá muộn.
Trong 20 năm qua, thỉnh thoảng ông Dương Văn Minh và tôi vẫn nói chuyện với nhau, và tôi thấy ông vẫn mang nặng mối ưu tư về đất nước. Trong mấy lần chót, ông đã hỏi tôi về những vấn đề của đồng bào Thượng trên Cao nguyên, về chánh sách của Trung quốc đối với Việt Nam và của Việt Nam đối với Trung quốc, về thương ước Việt-Mỹ vừa được ký kết, v.v...
Tám mươi sáu tuổi (86) tuổi, ông vẫn mang nặng nước Việt Nam trong lòng, và tôi e rằng khi tắt thở ông cũng còn đang nghĩ tới nước Việt Nam. "Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan".
Hôm nay ông ra đi, vĩnh viễn lìa bỏ cuộc đời, vĩnh viễn lìa bỏ nước Việt Nam của ông. Nước Việt Nam của ông rồi sẽ biết rõ đứa con Dương Văn Minh của nước đã làm gì cho nước, bao nhiêu điều đúng, bao nhiêu điều sai, vì dưới ánh sáng lịch sử sự thật về cuộc đời của mỗi người sẽ được sáng tỏ. Riêng phần tôi, tôi nghĩ rằng, nếu con người quả thật có linh hồn, thì ở thế giới bên kia, những đồng bào của ông, nạn nhân của cuộc chiến điên dại vừa qua, và những chiến binh đã ngã gục khi chiến đấu vì nghĩa vụ của mình, những người đó đã mở rộng vòng tay để ôm lấy ông như là một người thân thương của họ.
Ngày 18 tháng 8 năm 2001
Nguyễn Hữu Chung
Gửi ý kiến của bạn