Xuân Niệm
Khó hiểu, khó hiểu, khó hiểu... Chỉ đọc thôi, chỉ nghe thôi... là đủ nhức đầu.
Báo Ngưới Lao Động kể: Dùng sách chưa chuẩn dạy cho 800.000 học sinh!
Sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục lớp 1" với nhiều thay đổi về cách đánh vần cũng như nhiều bài học bị cho là có nội dung thiếu chuẩn mực đối với học sinh lớp 1 đã được thí điểm ở 49 tỉnh, thành.
Khi xem cuốn sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục (CNGD) lớp 1" do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, nhiều phụ huynh "té ngửa" với những nội dung bài học gây bức xúc.
Dạy trẻ những thói xấu
Nhiều giáo viên (GV), phụ huynh cho rằng có những bài học nội dung không phù hợp với trẻ. Ví dụ bài "Quả bứa" (trang 87, sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1, tập 2") kể câu chuyện 2 cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử. Cậu Cả bổ quả bứa và phán: "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi".
Theo đánh giá của một GV, lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm, gọi nhau bằng mày - tao, ý nghĩa thì chỉ dạy các cháu cách sống tiểu xảo. Chưa hết, sách còn có nhiều bài học mà trong câu chuyện lại ẩn hiện ý nghĩa "mớm" cho trẻ những thói xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm người khác… Nhiều từ ngữ mang tính tiêu cực chứ không có ý nghĩa giáo dục. Một GV tại Trường Tiểu học An Dương (TP Hải Phòng) phàn nàn có lần dạy đến câu "Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen", một học sinh (HS) đã hỏi cô "đánh ghen" là gì khiến cô giáo này lúng túng không biết phải giải thích thế nào cho các em HS lớp 1 hiểu.
Trong khi đó, Báo Dân Việt/24H ghi nhận qua câu hỏi:
“Từ clip dạy đánh vần cực "lạ": Có nên song hành 2 cách đánh vần?
GS-TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, theo cuốn Công nghệ giáo dục, ngay từ lớp 1 đã dạy cho học sinh phân biệt khái niệm âm (vị), các khái niệm ngôn ngữ học như âm tiết, tiếng, âm đầu, vần, thanh điệu, âm cuối, âm đệm.
Thực tế, sách “Công nghệ giáo dục” đã được thực nghiệm mấy chục năm, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính đúng/sai, hiệu quả của những cải cách trong chương trình nói chung và về phương pháp dạy tiếng Việt nói riêng. Đây là dịp để ngành giáo dục, nhóm soạn thảo sách cần nghiên cứu, lấy ý kiến và công khai kết quả của đợt thực nghiệm; đánh giá nên hay không tiếp tục mở rộng sách Công nghệ giáo dục ra nhiều tỉnh thành.
“Phần lớn phụ huynh chưa được biết đến chương trình cải cách, chưa hiểu các khái niệm, kiến thức sâu về ngữ âm học. Họ không khỏi lo lắng, hoang mang khi năm học sắp đến con cháu họ - những đứa trẻ vừa mới rời lớp mẫu giáo phải học những kiến thức khó mà đến họ cũng không biết. Vì vậy, cách đánh vần theo sách Công nghệ giáo dục khiến phụ huynh hoang mang là không lạ” PGS.TS Nguyễn Văn Lợi chia sẻ.
Một số chuyên gia cho rằng, Tiếng Việt vốn đã rất ổn định nên việc thay đổi sẽ làm cho đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là các bậc phụ huynh hoang mang. Tiếng Việt trước nay vẫn thế thì nên giữ sự trong sáng ấy.
Chuyên gia ngôn ngữ này cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên cho phép song hành 2 cách đánh vần, phát âm như vậy, cần có sự thống nhất trong cả nước và phải có một hội đồng để thống nhất.”
Trong khi đó, một quan chức nói nước đôi trên VOV:
“Trao đổi với báo chí về vấn đề này, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục, Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình Giáo dục Phổ thông mới cho rằng, Bộ sách Công nghệ giáo dục chỉ là một tài liệu dạy, một giải pháp sư phạm để đạt được mục tiêu đã đề ra trong chương trình giáo dục phổ thông quốc gia...
..."So với cuốn sách Tiếng Việt đại trà của Bộ GD-ĐT hiện nay thì sách Công nghệ giáo dục chưa đảm bảo được mục tiêu phát triển kĩ năng một cách toàn diện, đọc thành tiếng, viết chính tả, đọc hiểu, nói và nghe, phát triển kĩ năng một cách toàn diện. Về vấn đề này thì sách Tiếng Việt đại trà có ưu thế hơn nhưng riêng về phương diện đọc thành tiếng và viết chính tả thì sách Công nghệ giáo dục có những ưu thế rất nổi bật", PGS.TS Bùi Mạnh Hùng khẳng định.”
Báo Lao Động qua bài viết nhan đề “Kết quả thẩm định sách Công nghệ giáo dục: Hạn chế việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đã ghi nhận:
“Bộ GDĐT đánh giá rằng, trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có hiệu lực.
Điều kiện tiên quyết là tài liệu này phải được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa mới thẩm định và thông qua như tất cả các sách giáo khoa khác.
Trước mắt, nếu việc chỉnh sửa đáp ứng yêu cầu của Hội đồng và được Bộ GDĐT cho phép, thì tài liệu này có thể đưa vào nhà trường dưới hình thức thử nghiệm cho đến khi áp dụng sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.”
Khó hiểu, khó hiểu...