SAIGON -- Tình hình đàn áp nhân quyền ngày càng gay gắt tại Việt Nam.
Bản tin RFA ghi nhận: Chưa có thông tin về 2 chị em biểu tình bị bắt giữ hôm 10/6...
Hai chị em Nguyễn Thị Ngọc Phượng, sinh năm 1988 và Nguyễn Thị Trúc Anh, sinh năm 1994, ở giáo xứ Phúc Lâm, Hố Nai bị công an Biên Hoà bắt vì tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 đến nay vẫn chưa được thả.
Gia đình của hai người bị bắt cho biết như vừa nêu hôm 5 tháng 7, và nói thêm là đã nhờ các văn phòng luật sư tư vấn nhưng đều bị từ chối.
Theo lời thuật lại của bà Vui, chị gái của hai người này thì hôm 10/6, rất nhiều người dân sống ở Đồng Nai đã kéo về Biên Hoà để biểu tình. Số người bị bắt trong ngày hôm đó khoảng 100 người, phần đông là công nhân. Cho đến nay vẫn chưa rõ bao nhiêu người còn bị giam giữ.
RFA ghi rằng gia đình hai chị Ngọc Phượng và Trúc Anh cho biết hai người hiện đang bị giam giữ tại trại tạm giam công an thành phố Biên Hòa.
Hôm chủ nhật 10/6 vừa qua, hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành của Việt Nam đã xuống đường biểu tình phản đối luật đặc khu hành chính kinh tế (luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng. Trong đó, Luật An ninh mạng đã được chính phủ thông qua ngày 12/6, còn Luật Đặc khu được Văn phòng chính phủ quyết định lùi lại để xem xét.
Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng Tổ chức Ân xá Quốc tế vừa lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho blogger Lê Anh Hùng, một cộng tác viên thường xuyên của VOA Tiếng Việt.
“Một lần nữa, nhà chức trách Việt Nam đã phải sử dụng đến các điều luật đàn áp nặng nề để dập tắt những chỉ trích chính đáng và ôn hòa”, ông Minar Pimple, Giám đốc cấp cao của tổ chức Ân xá Quốc tế nói trong thông cáo ngày 5/7.
Nhà báo độc lập, blogger Lê Anh Hùng bị chính quyền Hà Nội bắt vào sáng 5/7 với cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ Luật hình sự về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng cáo buộc của nhà nước Việt Nam là “vô căn cứ” và kêu gọi Hà Nội chấm dứt việc sử dụng nhà tù như một phương tiện để đàn áp những người chỉ trích.
“Ông Lê Anh Hùng cần phải được phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện, và cần phải chấm dứt cuộc đàn áp tự do ngôn luận đang diễn ra trên cả nước”, Ân xá Quốc tế nói.
Blogger Lê Anh Hùng được biết đến qua nhiều bài viết về dân chủ, nhân quyền và các bài bình luận về chính trị, thời sự Việt Nam.
Ngoài việc cộng tác với VOA, ông còn là một dịch giả và là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập tại Việt Nam. Những bài viết gần đây của ông bình luận về hai chủ đề thời sự mà dư luận đang quan tâm là dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.
Trên trang blog cá nhân, ông Lê Anh Hùng còn đăng nhiều thư tố cáo, chỉ trích các lãnh đạo Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị-Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và một số lãnh đạo khác.
Thân mẫu của blogger Lê Anh Hùng, bà Trần Thị Niệm, cho VOA biết theo lệnh bắt ngày 5/7, ông Lê Anh Hùng sẽ bị tạm giam 3 tháng.
Sau thời hạn điều tra, blogger này có thể phải đối mặt với bản án lên đến 7 năm tù giam nếu bị kết tội.