


Giá đất trên đảo Phú Quốc, cả vùng ven biển lẫn vùng đồi, núi trọc, có thể nói là đang tăng từng ngày.
Trước thông tin huyện đảo Phú Quốc sẽ trở thành một trong 3 đặc khu kinh tế trong cả nước, nhiều nhà đầu tư đua nhau đổ tiền về đây làm dự án. Không chỉ giá bất động sản tăng cao mà tình trạng xây dựng sai phép, trái phép, không phép cũng xảy ra tràn lan, phức tạp trên huyện đảo này, theo báo SGGP online (SGGPO).
Theo một lãnh đạo huyện đảo này, các khu vực cận kề bờ biển đang trở thành trở thành điểm nóng bởi người người ồ ạt tìm đến mua bán đất. Dọc nhiều tuyến đường xung quanh thị trấn Đương Đông, xã Dương Tơ xuất hiện dày đặc những ki-ốt được gọi là văn phòng mua bán đất và giá đất trên đảo có thể nói là đang tăng từng ngày.
Cơn sốt giá đất không chỉ "nóng" ở vùng ven biển mà nay đã nhanh chóng lan sang đất trống ở đồi núi trọc. Những mảnh đất đồi từ lâu nay "cho không ai lấy" nay bỗng dưng được hét giá hàng tỷ đồng/ha. Theo đó, đất đồi ở những vị trí đẹp giáp biển, giáp đường lớn đã có người mua hết với giá khá cao.
Mặt khác, theo SGGPO, chính phủ thừa nhận tình trạng chuyển nhượng đất "ngầm" đã diễn ra ở đảo Phú Quốc mà vẫn chưa được phát hiện kịp thời, xử lý. Theo báo cáo, sau khi có thông tin về việc chuẩn bị thành lập đặc khu, tình hình "chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan nhà nước tại đảo đã tăng ồ ạt.
Trước tiên là các trường hợp chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất đã làm thủ tục theo đúng quy định. Đó là, từ ngày 1-1-2017 đến 30-4-2018, có 5 đơn vị, tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng diện tích 8.5ha; và về hộ gia đình, cá nhân thì có 12,268 trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với tổng diện tích 699.96ha.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra trên địa bàn huyện đảo còn cho thấy, từ khi có thông tin chuẩn bị thành lập đặc khu, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai trên phạm vi các khu vực dự kiến thành lập đã diễn biến phức tạp, nổi cộm là tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép sang đất phi nông nghiệp; lấn chiếm đất đai (nhất là lấn, chiếm đất rừng); chuyển nhượng quyền sử dụng đất không làm thủ tục theo quy định; mua bán trao tay, trong đó đa phần là đất không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc; đồng thời tình trạng san lấp, phân lô, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp cũng xảy ra tràn lan, rối rắm.
Theo SGGPO, trên toàn tỉnh Kiên Giang chứ không riêng gì huyện Phú Quốc, việc chấn chỉnh quản lý đất đai cũng đang tiếp diễn. Các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, đất đai, chặt phá và lấn chiếm đất rừng... cũng đang liên tục truy xét nhiều vụ việc nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể nào để công bố.
Gửi ý kiến của bạn