Đó là lý do hàng trăm người dân liên tục thay nhau biểu tình phản đối...
Bản tin BBC ghi rằng người dân từ 139 nhà vẫn kiên trì đi tuần hành biểu tình từ tháng 5 năm ngoái đến nay.
Từ 6 giờ sáng 5/6, những màu áo đỏ quen thuộc lại xuất hiện ở dọc đường Điện Biên Phủ, hàng chục người dân thuộc 139 ngôi nhà số lẻ ở Đê La Thành một lần nữa cầm băng rôn đỏ, biểu tình dọc con phố.
"Kiên quyết phản đối lấy nơi sinh sống của chúng tôi làm bãi gửi xe, trồng cây."
"Nhân dân La Thành - Hà Nội Cầu cứu các đại biểu Quốc hội," những tấm băng rôn màu đỏ với những hàng chữ quen thuộc.
Bản tin BBC ghi lời nhiều người dân ở dọc phố Đê La Thành cho rằng khu nhà của họ nằm trong diện giải tỏa trắng mà chưa hề có thông báo, chưa hề có sự đồng thuận của họ.
Trả lời phóng viên BBC ở Bangkok, họ cho biết đã xuống đường phản đối từ hơn một năm nay.
Vào tháng 5 năm ngoái, người dân từ số nhà 183 đến 369 sững sờ khi biển thông báo cho thấy khu nhà của họ nằm trong diện giải tỏa trắng, để xây bãi đậu xe ngầm, trồng cây xanh và khu nhà tái định cư - phần bổ sung trong quy hoạch tuyến đường vành đai 1.
Đã nhiều lần trả lời báo chí trong nước, người dân nhấn mạnh rằng họ hoàn toàn ủng hộ việc mở rộng làm đường Vành đai 1. Nhiều người đã tình nguyện nộp đất làm đường, nhưng không ngờ khoản đất còn lại cũng bị thu hồi, nhưng lại không hề được thông báo.
Gần hàng trăm đơn từ khiếu nại gửi đi khắp các cơ quan, ban ngành từ phường đến quận, đến thành phố và trung ương, nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Gần đây nhất, hôm 19/5, bà Nguyễn Lan Hương cho biết người dân đã có một cuộc gặp với Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người hứa 10 ngày sau sẽ có cuộc đối thoại với người dân.
Ngày 29/5, ông Chung vắng mặt, và người dân lại tiếp tục đổ ra đường tuần hành phản đối.
"Chúng tôi chỉ phản đối ôn hòa, không động chạm chính trị, không nói xấu chế độ mà chỉ đi đòi quyền lợi vì người dân không được họp, không được hỏi ý kiến mà bị giải tỏa trắng," bà Nguyễn Lan Hương, một người dân Đê La Thành nói với phóng viên BBC ở Bangkok.
Bà Hương cho biết hôm 29/5 cũng xảy ra xô xát giữa người dân và một nhóm hàng chục người thanh niên mặc thường phục đeo băng tay "Bảo Vệ", có một số người bị xô ngã.
"Chúng tôi cảm thấy mình sắp thành Đồng Tâm, thành Thủ Thiêm giữa lòng Hà Nội rồi," bà Hương nói.
Hôm 5/6 bà Hương cho biết tiếp rằng giới chức thành phố Hà Nội hẹn sẽ tiếp người dân ngày 10/6.
Nguyện vọng của bà Hương là người dân được họp, được chính quyền tiếp thu ý kiến và yêu cầu phải công bố tài liệu dự án, và đền bù thỏa đáng.
Bà cho biết hầu hết các cuộc đối thoại với chính quyền trước đó chỉ mang tính chất "xoa dịu", khi phía giới chức chỉ nói "sẽ báo cáo lên cấp trên".
BBC đã nhiều lần gọi cho UBND Quận Đống Đa, và UBND TP Hà Nội hôm 5/6 nhưng không ai bốc máy.
Bản tin RFA ghi lời một người dân trong diện bị giải tỏa cho Đài Á Châu Tự Do biết lý do phản đối:
“Nói về dự án Vành Đai 1, chúng tôi mong làm lâu rồi nhưng không làm. Còn dự án không có trong qui hoạch làm đường lại mở ra như cây xanh, bãi đổ xe ô tô…Trong khi ấy những dự án đều có mà nay thành những tòa nhà thương mại bán rất đắt.”
Theo người này thì dân trong diện có nhà bị giải tỏa bức xúc do những bất hợp lý như cơ quan chức năng không thông báo cho dân sau khi cho dựng bản đồ qui hoạch lên. Khi người chất vấn thì bị chỉ lên thành phố. Đơn đến trung ương được chính phủ chỉ đạo xuống thành phố nhưng thành phố không giải quyết mà chỉ hứa.
RFA ghi lời một phụ nữ từng ở địa phương 20 năm cũng trình bày:
“Trước đây họ thông báo lấy ngoài đường nhưng nay lấy luôn nhà tôi; họ nói lấy để làm đường nhưng có chỗ lấy để làm nhà cao tầng”.