Vi Anh
Nhiều dấu chỉ cho thấy Mỹ đang tung một đòn lợi hại. Mỹ loại TC, mời Việt Nam vào cuộc tập trận RIMPAC lớn nhứt thế giới. Phải chăng đó là đòn ly gián hai chế độ đồng chí CS nhưng TC xâm chiếm quá nhiều biển đảo của VN và Trung Quốc có quá nhiều tiền cừu hậu hận với nước láng giềng là VN.
Tin VOA 31/05/2018, “Mỹ ‘loại’ Trung Quốc, ‘mời’ Việt Nam dự diễn tập hải quân RIMPAC. Hôm 30/5 Hải quân Mỹ thông báo, Việt Nam là một trong 26 quốc gia sẽ tham gia cuộc thao dượt hải quân “Vành đai Thái Bình Dương” (RIMPAC). Trước thông báo này ít ngày Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc vì lý do Bắc Kinh “quân sự hóa” Biển Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng hành động của Trung Quốc ở vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền “trái với các nguyên tắc và mục đích của RIMPAC”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản ứng nói Hoa Kỳ đã “phớt lờ sự thật và làm rùm beng cái gọi là quân sự hóa Biển Đông”, và lấy đó là cái cớ để không mời Trung Quốc. TQ đã từng được mời và tham dự năm 2014 và 2016.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự cuộc diễn tập đa quốc gia RIMPAC, dự trù diễn ra ở Hawaii và miền nam California từ ngày 27/6 tới 2/8.Theo thông cáo của Hải quân Mỹ, có 26 nước với 47 tàu chiến, 5 tàu lặn, hơn 200 máy bay và 25 ngàn quân nhân sẽ xuất hiện tại sự kiện quy mô lớn, được tổ chức hai năm một lần.
Hải quân Mỹ cho biết “RIMPAC mang lại cơ hội huấn luyện độc đáo nhằm thúc đẩy và duy trì mối quan hệ hợp tác mang tính sống còn để bảo đảm an toàn của các tuyến đường biển và an ninh tại các đại dương trên thế giới”.
Trong khi đó, tin VOV của CSVN phản đối TQ tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Tại cuộc họp báo chiều 31/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Bà Hằng tuyên bố, “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt và không để tái diễn các hoạt động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tôn trọng nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như luật pháp quốc tế, không có hoạt động gây gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực”...
Kẻ thù của kẻ thù là bạn, nên Mỹ loại TQ ra khỏi RIMPAC và kéo VNCS vào vì VN là nước bị TC xâm lấn, xâm chiếm nhiều biển đảo nhứt. VN cũng là nước có nhiều tiền cừu hậu hận với Trung Hoa cổ đại. VNCS cũng đã từng ủng hộ chiến lược Mỹ chuyển trục Á châu Thái bình dương của Mỹ thời TT Obama. Qua thời TT Trump, Mỹ mở rộng ra thành “Ấn độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ James Mattis phát biểu tại buổi lễ đổi tên ở Hawaii, "Để công nhận sự kết nối ngày càng khăng khít giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương ngày hôm nay, chúng tôi đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ -Thái Bình Dương Hoa Kỳ" .Việc đổi tên lực lượng chỉ huy quân sự lớn nhất của Hoa Kỳ phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương trong tư duy chiến lược của Washington. Bộ tư lịnh này của Mỹ trong vùng có khoảng 375.000 nhân viên quân sự và dân sự.
Ô Mattis dẫn giải "Đó là chỉ huy chiến đấu chính của chúng ta, đứng canh gác và gắn bó mật thiết với hơn một nửa bề mặt trái đất, từ Hollywood đến Bollywood, từ gấu Bắc cực đến chim cánh cụt," Ông Mattis nói thêm rằng lực lượng này có lịch sử thích nghi tốt với sự thay đổi và sẽ tiếp tục duy trì điều này khi Mỹ tập trung mở rộng tầm ảnh hưởng về phía tây.
Đô đốc Hải quân Philip Davidson là Tư Lịnh của lực lượng này trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân sự Thượng viện ở thủ đô Washington hôm 17/4/2018, từng báo động về những mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra, và kêu gọi Washington mau chóng tăng cường quân bị và khí tài để đối phó. Ông dẫn chứng gần nhứt, trong ba tuần đầu tháng Tư 2018, Hải Quân Trung Quốc đã tung ra một loạt hành động vừa thị uy vừa khiêu khích trên Biển Đông, không chỉ đối với các láng giềng trong khu vực, mà còn nhắm cả vào Mỹ lẫn Úc, hai nước đang can dự vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã khai triển hệ thống tác chiến trên các đảo nhân tạo họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa và hiện có khả năng kiểm soát các tuyến hàng hải chiến lược đi qua khu vực. Ông chỉ rõ “Trên Biển Đông, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các trạm ra đa, trung tâm tác chiến điện tử và thiết bị phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, bao gồm các thực thể Châu Viên (Cuarteron), Chữ Thập (Fiery Cross), Ga Ven (Gaven), Tư Nghĩa (Hughes), Gạc Ma (Johnson), Vành Khăn (Mischief) và Xu Bi (Subi). Thiết bị lắp đặt trên các căn cứ này đã tăng cường đáng kể khả năng kiểm soát trong thời gian thực, cũng như khả năng gây nhiễu điện từ trên một phần rộng lớn ở Biển Đông, thách thức nghiêm trọng các chiến dịch quân sự của Mỹ trên vùng biển này”. Nỗi quan ngại của vị tư lệnh Mỹ rất lớn, vì theo ông, quân đội TQ có thể sử dụng các căn cứ đó để mở rộng ảnh hưởng đến những nơi cách Trung Quốc hàng ngàn cây số, tung lực lượng viễn chinh đến tận vùng châu Đại Dương. Đô đốc Philip Davidson kết luận, TQ hiện đủ mạnh để có thể "thâu tóm" Biển Đông và chỉ có một cuộc xung đột vũ trang mới có thể ngăn chặn điều này.
Vì tình hình TC quân sự hoá Biển Đông quá căng thẳng, trầm trọng có thể hoàn toàn kiểm soát Biển Đông trên biển và lập vùng nhận dạng phòng không trên không phận, nên các giới chức quốc phòng mở cả một chiến dịch vận động các nước tham gia bảo vệ tự do hàng hai hải cho con đường hàng hải huyết mạch đi ngang Biển Đông. Thủ Tướng Abe của Nhựt đồng minh thân cận nhứt của Mỹ ở khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội và cam kết cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16 tỷ yên, tương đương 142 triệu USD cho dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề. Hai bên Nhựt Việt đồng ý cam kết bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông.
Bộ Trưởng Quốc Phong Mỹ Mattis gặp Bộ trưởng Quốc phòng VN Ngô Xuân Lịch trước cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Shangri-la ở Singapore sáng ngày 1 tháng 6 năm 2018. Hai vị cho rằng tương quan Hoa Kỳ và Việt Nam đạt được nhiều kết quả tốt, phù hợp với cam kết hợp tác toàn diện giữa hai nước đã được thiết lập vững vàng.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái xác nhận tiếp tục cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực trong đó có Việt Nam với mong muốn tăng cường chủ quyền cho Việt Nam. Ông James Mattis cho biết, Mỹ ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020. Hoa Kỳ cũng đánh giá cao việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Bộ trưởng Mattis cũng cho biết Hoa Kỳ đang nghiên cứu chuyển giao cho Việt Nam máy bay huấn luyện và một số trang bị khác phù hợp với Việt Nam.
Việc đi với Mỹ kỳ này trong thời TT Trump công khai như VN cho hàng không mẫu hạm Mỹ viếng VN. Cuộc đi này không còn đi du dây như trước đây. Nó hợp lòng dân, thuận thế nước và xu thế thời đại trong vùng Á châu Thái bình dương. TC có phá đám cũng không làm được. Tướng Mattis tuyên bố tại Hội nghị Shangri la, TQ sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả../.(VA)