NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN ĐÔNG VÀ NHỮNG ÂM ĐIỆU QUÊ HƯƠNG
Chu Tất Tiến
Khi nhắc đến tên Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, thì hầu như tất cả mọi người đã từng sống ở miền Nam trước năm 1975, đều liên tưởng đến bài “Chiều Mưa Biên Giới”, vì bản nhạc này, với âm điệu phong phú và những tư tưởng phóng khoáng nhưng thấm đậm tình người, đã nằm trong tim những người yêu nhạc và không thể phai nhạt.
Ngay cả một số người, vào thời gian đó, vẫn đang mang cặp sách đến trường học, cũng yêu thích bản nhạc với câu kết: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi!” Chỉ hai câu nhạc với 4 trường canh, 18 chữ, hát ở Tông Dm, là một chủ âm buồn nhẹ nhàng, đã như một lời nhắn nhủ tha thiết đến tất cả mọi con người trong xã hội, không riêng gì một cá nhân nào. Một sự thực không thể chối cãi: Mộng mơ càng cao, đau khổ càng đầy. Bên cạnh đó, khung cảnh mưa bay lạnh lẽo của một chiều đứng gần biên giới âm u đã gợi lên một tâm trạng khắc khoải, phân vân, có lẽ cho cả một thế hệ đang bước vào cuộc chiến, tự hỏi rằng không biết tương lai có còn tươi hồng như xưa nữa không: “Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng. Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng, người tìm về trong hơi áo ấm, gợi niềm xa xăm...”
Tình tự của Nguyễn Văn Đông, người nhạc sĩ đứng ở một tầm cao khó với nhưng lại rất khiêm nhượng là như thế đó. Ông chỉ muốn chia xẻ tâm hồn đầy yêu thương của mình đến tất cả những ai quan tâm. Lời nhạc của ông không cầu kỳ, gò bó, không sử dụng những từ ngữ cao siêu, nhưng lại mang đầy tính triết học được thể hiện chan chứa trong các “melody”, cung điệu thật tình tứ, lãng mạn mà vẫn giữ nguyên kỷ luật của các thứ tự hòa âm. Bài “Về Mái Nhà Xưa” là một điển hình cho nguyên tắc sáng tác của Nhạc Sĩ và cũng là một thể hiện chuỗi dài những âm điệu lả lướt, lôi cuốn. Người thưởng ngoạn có thể hình dung thấy đâu đó, các vũ nữ Balê đang uốn mình theo điệu nhạc làm cho tà áo bay cuốn như mây: “Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn. Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn. Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế, qua đáy tim chưa đục sông Mê, qua ước mơ duyên tình đơn sơ...” Thật “romantic”. Nhưng, cái “romantic” này không đưa người nghe đến một nơi chỉ có hai tâm hồn yêu nhau mà lại hướng về quê hương nghèo khổ: “nơi xưa quê nghèo, nhà tranh tan nát tiêu điều, người xưa không còn nữa..”
Hai chữ “quê hương” hình như đã gắn chặt trong tận đáy tim của ông, nên ông luôn âu lo về những điều bất hạnh đang xẩy đến cho dân Việt. Bài “Bà Mẹ Hai Con”, nếu được hát lên trong một buổi chiều gió lạnh, nhất định sẽ làm rơi nước mắt của tất cả mọi người: “Chuyện bà mẹ hai đứa con, một thằng dâng cho nước non. Đêm đêm mắt mẹ mỏi mòn, khuya sớm ra vào trông con. Thằng Hai đi lính đã lâu, tình mẹ luôn ghi khắc sâu...” Ông đã tả chân đời lính nhọc nhằn, buốt giá khi nhớ đến Mẹ hiền: “Con xin kính thăm Mẹ hiền, con phương này bình yên. Lương đi lính nên không giầu, chút ít Mẹ ăn trầu...” Trời ơi! Có nỗi đau nào bằng nỗi đau của người Mẹ Việt Nam trong chiến tranh không? “Rung rinh tóc mẹ ngã mầu. Nước mắt thấm qua miếng trầu...” Rồi, “Một chiều âm u lá hoa, mẹ già đi dâng lễ xa. Cơ quan đến nhà báo rằng: Anh ấy vĩnh biệt hôm qua...” Tất cả những trái tim Việt Nam nhất định phải lặng đi khi nghe âm thanh đau đớn này. NỖI ĐAU VIỆT NAM đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chuyên chở rất nhiều lần trên các trang nhạc.
Bản “Lá thư người lính chiến” cũng thế. NỖI ĐAU VIỆT NAM ám ảnh ông dằng dặc khôn nguôi: “Mẹ ơi! Lời tâm ghư gói trọn tình con viết từ chiến trường. Mẹ ơi! Sầu lo chi tóc già bạc phơ xót xa lòng con...” Ôi! Thuở ấy. Những năm tháng ấy, tiếng đạn bay lẫn tiếng khóc gào cho đất nước bị cầy xới bởi những viên đạn từ đâu đến, cắt đứt tình mẹ con.. Nuôi nấng con bao năm, chăm sóc con bao lần, để rồi nhìn con bước ra đi không biết đi về phương nào? Và không biết có trở lại với người mẹ già rưng rưng tóc bạc trắng phau hay không?
Nhưng, như thế, có phải là tâm hồn Nguyễn Văn Đông chỉ có buồn trách không? Không, nhất định không phải thế! Tuy nhắc nhớ đến những niềm đau khôn tả của con người trong chiến tranh, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, người nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vẫn bước những bước vững chãi trên đường giúp nước. Trong bài “Anh Nhớ gì không?”, ông nhắc nhở thế hệ trẻ: “Anh nhớ gì không, anh. Những trai hùng đi giúp non sông? Trên bốn ngàn năm qua, giải sơn hà bao phen Thạch Mã? Gỗ đá còn gian lao, tiếng anh hào muôn thuở hơn nhau..” Nghe nhạc Nguyễn Văn Đông, người cảm nghiệm luôn thấy thấp thoáng bóng những anh hùng, hãnh diện với nhiệm vụ giúp nước của mình, tuy quần áo bạc nhầu, nhưng nụ cười của người lính Việt Nam vẫn không quên nở. Bài “Mấy dặm sơn khê” là một bức tranh tuyệt đẹp: “Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng. Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê. Non nước ơi! Hồn thiêng của núi sông, kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa...” Thật lãng mạn, thật phong sương và thật anh hùng!
Chưa hết đâu! Bản nhạc “Hàng hàng lớp lớp” mới thật sự đem đến hào khí của những dũng sĩ Việt Nam, chia tay với người yêu để lên đường với nụ cười khinh bạc cái chết: “Ngày mai xa cách nhau. Một người gối chiếc cô phòng, còn người góc núi ven rừng, chân mây, đầu gió... Còn đây đêm cuối cùng. Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha, ngại khơi nước mắt nhạt nhòa môi em..” Tình yêu vĩ đại dành cho đất nước của người ra đi không hẹn ngày về, của những Kinh Kha Việt Nam, đã chan hòa trong các bản nhạc của Nguyễn Văn Đông.
Các thể điệu mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác đã không ngừng ở những bước chân “Bolero” hay “Slow” mà đôi khi còn chuyển qua điệu “Slow Tango” tình tứ. Trong bản “Phiên Gác Đêm Xuân”, tính chất hào hùng của người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lại làm bản nhạc buồn này như một khúc ca tình tứ: “Đón giao thừa một phiên gác đêm. Chào Xuân đến, súng xa vang rền. Xác hoa tàn rơi trên báng súng, ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi...” Chao ơi! Tâm tư người lính xa nhà cũng như chiếc lá rơi buồn ngoài tiền tuyến, thật nôn nao, thật xúc cảm: “Trách chi người đem thân giúp nước, đôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa xuân...” Phải! Gượng cười chứ không mỉm cười. Mỉm cười sao được khi nước mắt nhớ nhà, nhớ Mẹ, nhớ người yêu, nhớ anh chị em, nhớ bạn làm rung ngón tay khi chạm vào bông hoa nở trên báng súng! Và rất chân thật, rất NGƯỜI, không dấu diếm: “Chốn biên thùy này Xuân tới chi? Tình lính chiến khác chi bao người! Nếu Xuân về tang thương khắp lối. Thương này khó cho vơi, THÀ ĐỪNG ĐẾN, XUÂN ƠI!”
Đó mới chính là tâm tình của những người trai thời loạn mà Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông đã thay mặt nói lên tất cả. Ông đã nhìn về quê hương, đất nước Việt Nam với tấm chân tình, không điệu bộ. Điều đáng nói ở đây là ông không chỉ nói chuyện non sông, mà còn thay mặt cho những tâm hồn yêu nhau trong tuổi thanh niên, để viết lên những tình khúc thật nồng nàn. Những bài Dạ Sầu, Đoạn Tuyệt, Niềm Đau Dĩ Vãng, Nhớ Huế, Nếu có Em bên Anh... là những tình ca hết sức thơ mộng cho đôi lứa yêu nhau. Biết bao lớp trẻ đã từng ngâm nga bài Niềm Đau Dĩ Vãng: “Ngày hai đứa ân tình vỡ đôi. Đời hai lối phương trời lẻ loi. Thuyền tình em lạc bến lâu rồi, niềm tin đã trót trao rồi, âm thầm em khóc khi biệt ly…” Hoặc: “Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều. Mơ ngày mai pháo nhuộm đường vui. Mơ vành môi thơm ngát hương đời, tình kia phong kín mây trời, tin yêu riêng một người thôi…”
Một điều rất lạ không thể không nói: tuy ông là một Phật tử thuần thành, ông lại viết nhiều bài như Thánh Ca Công Giáo như Đêm thánh Vô Cùng, Đêm Thánh Huy Hoàng, Xin Chúa Thấu lòng con, Tình người ngoại đạo, Mùa Sao Sáng, Bóng Nhỏ Giáo đường, Hiến Dâng.. Những bài đạo ca này, có thể nói đã làm rung động những tâm hồn người theo đạo Thiên Chúa hơn nhiều ca khúc khác. Ông viết say sưa về Chúa, về Mẹ… còn hơn người Công Giáo thuần thành.
Nguyễn Văn Đông là một nghệ sĩ vĩ đại vì ông không chỉ là một Nhạc Sĩ Tân Nhạc dưới nhiều bút hiệu như Phượng Linh, Anh Nguyễn, mà ông còn là Soạn giả Đông Phương Tử, người đã soạn kịch và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng cải lương: Nửa Đời Hương Phấn, Tiếng Hạc Trong Trăng, Mắt Em Là Bể Oan Cừu, Đoạn Tuyệt, Sân Khấu về Khuya… Cũng ít ai biết rằng ông chính là tác giả những vở thoại kịch dưới tên Hoàng Dũng, những vở kịch đã lấy nước mắt của biết bao người: Sắc Hoa Mầu Nhớ, Dưới Hai mầu áo… Ông cũng là người sáng tạo ra tiết mục “Tân Cổ Giao Duyên” thật phong phú cho văn nghệ miền Nam. Với các cơ sở Băng đĩa nhạc Continental và Sơn Ca, ông đã cho ra đời nhiều chương trình văn nghệ đặc sắc của dân tộc, nhất là thể loại Dân Ca Ba Miền đã làm rạng danh âm nhạc Việt nam trên thế giới.
Với cả một kho văn nghệ đó, Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông đã đi vào lịch sử Âm Nhạc Việt Nam bằng những bước chân khiêm tốn nhưng trên một tầm cao vững chãi. Ông đã đóng góp cho Văn Hóa Việt Nam một khối lượng khổng lồ những tiếng hát, cung đàn, cả cổ nhạc lẫn tân nhạc, điều mà không một tác giả, nghệ sĩ, nhạc sĩ nào có thể sánh kịp. Nhưng có một điều mà những ai từng có cơ hội chuyện trò với ông, đều thấy rằng ông hồn nhiên, ông đôn hậu, và đầy lòng khiêm tốn. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, tuy nổi tiếng vang trời, ông vẫn giữ thái độ ân cần, giản dị với tất cả mọi người. Khi ông nói với người viết bài này: “Em biết không? Anh có bằng Tiến Sĩ Âm Nhạc của Pháp đấy!”, ông chỉ nở một nụ cười nhẹ nhàng như đùa cợt cái những cái mà khó có người đoạt được. Ông không coi trọng bề ngoài mà chỉ chú trọng vào lý tưởng sâu xa. Trên hết, ông là một chiến sĩ đã phục vụ cả đời cho đất nước. Tuy phải miễn cưỡng rời xa nhiệm vụ của một người lính, ông vẫn giữ mãi khí tiết của một quân nhân cao cấp, chấp nhận chết trên quê hương nhưng nhất định không chịu đi làm “Show” ở nước ngoài, bỏ qua mọi lời mời vinh quang trần thế. Ông ra đi, để lại trong lòng dân Việt Nam những giọt nước mắt thầm lặng yêu kính ông, những giọt nước mắt vẫn còn đang nhỏ xuống trên khắp thế giới, nơi nào có người Việt Nam, nơi đó hình ảnh ông vẫn lồng lộng không phai.
Chu Tất Tiến, người học trò bất tài.
-Một Chiều Văn Nghệ Tưởng Niệm Cố Nhạc Sĩ Đại Tá Nguyễn Văn Đông sẽ được tổ chức tại Nhà Thờ The First Presbyterian (nhà thờ Tròn) trên đường Bolsa, góc Newland, từ 1 giờ đến 4 giờ chiều thứ Bẩy 9 tháng 6 năm 2018. Vào cửa tự do. (714) 398-3678.