Một sự thành công nếu chỉ thể hiện ở hình thức bề ngoài hào nhoáng thường được gọi là biểu kiến. Thứ Sáu ngày 27 tháng 4 năm 2018 vừa qua, Tổng Thống Moon Jae-in của Nam Hàn và Chủ Tịch Kim Jong-un của Bắc Hàn đã họp tại Bàn Môn Điếm thuộc vùng phi quân sự ráp ranh giữa hai miền nam bắc. Cuộc họp được xem như làm nền tảng cho kỳ họp thượng đỉnh sắp diễn ra trong Tháng 5 hay Tháng 6 giữa Chủ Tịch Kim Jong-un và Tổng Thống Donald Trump Hoa Kỳ. Đây là lần gặp gỡ thứ ba trong lịch sử hai nước Triều Tiên, hai lần trước diễn ra vào năm 2000 và 2007 bên phần đất của Bắc Hàn, và đã không đạt kết quả cụ thể. Lần này, lần đầu tiên Kim Jong-un bước qua lằn ranh giới vào lãnh thổ Nam Hàn để đàm phán, nhưng vào buổi trưa thì ... phái đoàn Bắc Hàn trở về bên kia biên giới để ăn trưa. Một bản thông cáo chung Bắc Hàn-Nam Hàn đã được soạn thảo, không khí chung cuộc họp lần này được xem là hòa hoãn và cả hai bên Bắc Nam đều cố tỏ ra có thiện cảm với bên kia; và sau đó Chủ Tịch Kim Jong-un đã trở về Bình Nhưỡng. Trước đó, Đức Giáo Hoàng Pope Francis đã ca ngợi cuộc họp “hai Triều Tiên” này, và thúc giục hai bên liên hệ có can đảm (have the courage) làm những nghệ nhân kiến tạo hòa bình (artisans of peace).
Trong thời gian chuẩn bị bước vào hòa đàm với Tổng Thống Nam Hàn, Chủ Tịch Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình hạt nhân nếu Hoa Kỳ bảo đảm không tấn công Bình Nhưỡng. Những thỏa thuận chung hai bên đã tô một mầu hồng dù là biểu kiến lên bán đảo Triều Tiên vì kể từ nay sẽ chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên và sự thù địch giữa hai miền từ 65 năm qua, và cả hai bên sẽ nỗ lực giải trừ hết các vũ khí hạt nhân trên bán đảo, vì cả hai phía đang nhích gần lại bên nhau, và hòa bình chưa bao giờ nằm trong tầm tay như bây giờ. Cần mở ngoặc ra ở đây là tại khu vực phi quân sự này cũng chính là nơi Hiệp Ước Đình Chiến Triều Tiên (Korean Armistice Agreement) đã được ký năm 1953, là hiệp ước chấm dứt nổ súng, nhưng không phải chấm dứt chiến tranh.
Thế nhưng tại miền nam của bán đảo này đã nổ ra các cuộc biểu tình phản đối hòa đàm với Bắc Hàn vì người biểu tình không tin vào lời hứa của cộng sản. Ngoài ra, điều làm cho nhiều quan sát viên ngạc nhiên chính là ngay trong ngày Thứ Sáu, hai lãnh tụ Kim Jong-un và Moon Jae-in đã nhanh chóng ký kết xong một thông cáo chung cam kết sẽ cùng hợp tác trong mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều tiên. Đó là Bản Thông Cáo Bàn Môn Điếm vì Hòa Bình, Thịnh Vượng, và Thống Nhất cho Bán Đảo Triều Tiên (Panmunjeon Declaration for Peace, Prosperity and Unification of the Korean Penisula).
Một điều làm cho thế giới ngạc nhiên nữa là trong khi toàn cầu đang hồi hộp theo dõi diễn tiến từng giờ cuộc họp thượng đỉnh Bắc Nam Triều Tiên này thì ngược lại ở phần Bắc của bán đảo, người dân Bắc Hàn không được xem các tường thuật đó trên truyền hình, họ không hề hay biết gì về sự kiện quan trọng đang xẩy ra trên quê hương họ và có thể làm thay đổi cả cuộc đời của họ. Ngày Thứ Sáu ấy, truyền hình Bắc Hàn chỉ chiếu các cảnh đẹp núi non và các tấm ảnh về lòng yêu nước. Theo The BBC monitoring service, thay vì chiếu lên màn ảnh các tin tức về hai lãnh tụ Kim Jong-un và Moon Jae-in đang bàn thảo về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thì các hình ảnh về lãnh tụ Kim Jung Il – người cha của Kim Jong-un, lại được đem ra trình chiếu cho công chúng xem vào ngày này. Như vậy cả thế giới đều được theo dõi cuộc họp thượng đỉnh giữa hai lãnh tụ Nam-Bắc Hàn – trừ dân chúng Bắc Hàn, và người dân Bắc Hàn đã không được trông thấy hình ảnh phát ra trên màn ảnh và báo chí khắp thế giới của Kim Jong-un và Moon Jae-in nắm tay nhau giơ cao lên như ra dấu sự thành công và đoàn kết, sau khi ký xong bản thông cáo chung.